Chính phủ Nga đưa ra nhiều chính sách mới với mục tiêu duy trì thế mạnh năng lượng cả trong lĩnh vực dầu khí và hydro

09:00 | 03/12/2021

6,170 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ LB Nga đặt mục tiêu gia tăng bổ sung trữ lượng dầu thô và khí đốt đủ đáp ứng kế hoạch khai thác dài hạn, theo đó, đến năm 2024, bộ giao cơ quan Quản lý tài nguyên (Rosnedra) thực hiện công tác tìm kiếm, thăm dò cần thiết, đảm bảo gia tăng trữ lượng khí đốt (АВ1С1 + В2С2) trung bình 700 tỷ m3/năm, dầu thô và condensate – 550 triệu tấn/năm. Đáng chú ý, vùng Bắc Cực dự kiến cung cấp đến 400 tỷ m3 khí và 300 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Theo Chiến lược năng lượng LB Nga, sản lượng khai thác dầu thô, condensate đến năm 2024 dự báo ở mức 555-560 triệu tấn, khí đốt - 795-820 tỷ m3/năm.
Chính phủ Nga đưa ra nhiều chính sách mới với mục tiêu duy trì thế mạnh năng lượng cả trong lĩnh vực dầu khí và hydro

Tổng thống LB Nga V. Putin chỉ đạo chính phủ đề xuất biện pháp khuyến khích (bổ sung) đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu thô có độ nhớt cao và dầu khó thu hồi trong khuôn khổ điều chỉnh thông số thuế thu nhập bổ sung (NDD). Một trong những biện pháp có thể được xem xét là cho phép áp dụng thuế NDD đối với những doanh nghiệp khai thác dầu nhớt cao. Chỉ đạo này được đưa ra sau buổi làm việc với công ty dầu khí tư nhân lớn nhất LB Nga – Lukoil. Theo kế hoạch, bộ Tài chính sẽ xem xét khả năng áp dụng thuế NDD rộng rãi vào năm 2024. Được biết, Lukoil, Rosneft và Gazpromneft là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất trong việc dỡ bỏ các ưu đãi thuế (xuất khẩu, NDPI) đối với dầu nhớt, siêu nhớt kể từ tháng 01/2021. Rosneft và Gazpromneft đã được bộ Tài chính cấp ưu đãi 600 tỷ rúp (8,5 tỷ USD) trong vòng 10 năm đối với mỏ Priobsk. Ngoài ra, Putin cũng chỉ thị chính phủ xây dựng cơ chế cho phép Gazprom tiếp nhận cơ sở hạ tầng khí đốt sở hữu bởi các nhà sản xuất độc lập khấu trừ vào phí vận chuyển khí đốt trong tương lai.

Bộ Năng lượng LB Nga cho biết, ngành công nghiệp hóa dầu nước này đặt mục tiêu chiếm lĩnh 7-8% thị phần thế giới vào năm 2030 bằng cách đầu tư 40-70 tỷ USD trong vòng 10-15 năm tới, cho phép tăng doanh thu xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng cao thêm 9-18 tỷ USD/năm, tương đương 8-16 triệu tấn. Liên quan đến thị trường hydro, LB Nga có tiềm năng rất lớn và khả năng cao chiếm lĩnh được 25-30% thị phần vào năm 2030. Hiện vẫn chưa thể ước tính cụ thể quy mô thị trường hydro thế giới vào năm 2035. Theo bộ Năng lượng, LB Nga tối thiểu sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn/năm vào thời điểm đó, so với 0,2-1 triệu tấn vào 2024.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Năng lượng LB Nga đã ký kết các thỏa thuận đầu tư với 14 nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của Rosneft, Gazpromneft, Lukoil, Tatneft về việc hiện đại hóa và xây dựng mới công xuất tinh chế dầu thô đến năm 2027, theo đó, các nhà máy có kế hoạch nâng cấp 30 thiết bị lọc dầu thứ cấp cùng máy móc, nhà xưởng phụ trợ, cho phép tăng sản lượng xăng thêm 3,6 triệu tấn, diesel thêm 25 triệu tấn mỗi năm. Sản lượng sản xuất xăng LB Nga năm 2020 đã giảm 4,5% xuống 38,4 triệu tấn, diesel giảm 0,5% xuống 78 triệu tấn. Đây cũng là một phần kế hoạch bình ổn giá nhiên liệu nội địa, trong năm nay, dự kiến sẽ ký thêm thỏa thuận đầu tư mới có hiệu lực đến năm 2031, bao gồm cả với một số nhà máy lọc dầu độc lập. Tổng chi phí đầu tư mới vào thiết bị chế biến thứ cấp trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu ước tính trên 11 tỷ USD trong giai đoạn đến năm 2027. Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp lọc dầu đã ký thỏa thuận đầu tư tối thiểu 400 triệu USD vào hiện đại hóa thiết bị thông qua cơ chế khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt âm với tỷ lệ nâng cao, 130%.

Song song, Chính phủ Nga tiếp tục khẳng định chiến lược kích thích đầu tư vào các dự mới án sản xuất LNG, bộ không có kế hoạch áp thuế xuất khẩu LNG.

Bộ Kinh tế LB Nga đề xuất cho phép các nhà sản xuất hydro độc lập truy cập trực tiếp vào hệ thống vận chuyển khí đốt Gazprom (GTS) với mục đích giảm thiểu chi phí đầu tư xây dựng hệ thống đường ống mới, hydro sẽ được vận chuyển cùng khí đốt dưới dạng hỗn hợp khí. Theo bộ Kinh tế, chi phí vận chuyển hydro chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành, thậm chí cao hơn cả chi phí sản xuất. Trên lý thuyết, hydro có thể được chiết xuất tại các trạm phân phối khí. Theo đề án, bộ Kinh tế đề xuất cho phép xây dựng cơ sở sản xuất hydro cạnh các điểm tiếp nhận khí đốt vào hệ thống GTS. Nếu đề xuất này được thông qua và các quốc gia nhập khẩu đồng ý mua hỗn hợp metan-hydro, triển vọng xuất khẩu hydro sẽ mở ra không chỉ riêng cho Gazprom, mà cả Rosatom và Novatek.

Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin cho biết, Nga có nhiều tiềm năng trong thị trường hydro. Mục tiêu của Nga là chiếm từ 20% - 25% thị trường thương mại hydro toàn cầu vào năm 2030. Theo đó, Bộ Năng lượng Nga ước tính, trong kịch bản “thấp”, Nga sẽ tăng trưởng xuất khẩu từ 1-2 triệu tấn hydro/năm. Ở kịch bản “phát triển nhanh chóng”, tăng trưởng xuất khẩu hydro sẽ đạt 7 triệu tấn/năm. Đến năm 2024, Nga sẽ xuất khẩu từ 0,2-1 triệu tấn hydro. Đến năm 2035, sản lượng xuất khẩu sẽ đạt 2-7 triệu tấn và đến năm 2050 sẽ là từ 7,9-33,4 triệu tấn. Đề cập đến dự thảo lộ trình xuất khẩu năng lượng hydro của Nga, Bộ Phát triển kinh tế LB Nga đã đề xuất cung cấp cho các nhà sản xuất hydro quyền truy cập trực tiếp vào các đường ống khí đốt của Gazprom, giúp giảm chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề xuất Chính phủ sửa đổi luật cho phép xây dựng các cơ sở hydro ngay gần các đường ống dẫn khí. Trước đó vào cuối tháng 10/2020, Chính phủ Nga đã thông qua kế hoạch phát triển năng lượng hydro trong 4 năm tới.

Viễn Đông

DMCA.com Protection Status