Chờ ngày "giải phóng phụ huynh"

08:35 | 05/02/2022

20,048 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đây là cách nói vui của nhiều bậc làm cha làm mẹ khi nghe tin con em sắp trở lại trường học sau Tết. Phụ huynh được "giải phóng" còn trẻ tiếp tục thụ hưởng một cách đầy đủ nhất "quyền được học hành".

Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Thường trực Chính phủ đánh giá tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ 7-14/2 sẽ tổ chức mở cửa trường học trở lại trên toàn quốc ở tất cả các cấp học đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý.

Yêu cầu này được người đứng đầu Chính phủ đặt ra trong bối cảnh cả nước đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân 2022 với kết quả tốt. Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, với ca mắc mới, ca chuyển nặng và tử vong đều giảm.

Chờ ngày giải phóng phụ huynh - 1
Học sinh tất cả các cấp học trên toàn quốc sắp được quay trở lại trường học (Ảnh minh họa: Quốc Triều).

Nói về quyết định này của Chính phủ, Trưởng Chương trình giáo dục Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam - bà Simone Vis - cho biết "rất hoan nghênh", đồng thời nhìn nhận, "đây là quyết định dũng cảm, vì lợi ích cao nhất của trẻ em, đồng thời góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch".

Trước đó, đại diện UNICEF tại Việt Nam từng đưa ra đánh giá, Covid-19 gây nên gián đoạn học tập trên toàn cầu, tạo thành một cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất trong lịch sử.

"Đại dịch, đóng cửa trường học không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn về tinh thần, tâm lý của trẻ em, gia tăng bạo lực gia đình, lao động trẻ em, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến việc học tập của học sinh" - vị này nói trên Tuổi trẻ ngày 28/1.

Theo đó, mở cửa lại trường học là việc làm cần thiết, nhằm tránh những hệ lụy từ việc học sinh không được đến trường quá lâu. Nếu không chăm lo để trẻ được sớm quay lại trường học an toàn thì sẽ chịu hậu quả của cả một thế hệ và lâu dài tới hàng thập kỷ sau.

Nhìn lại năm qua, do yêu cầu chống dịch, nên ít nhất đã có một học kỳ nhiều trẻ em không được đến trường để học trực tiếp. Những giờ lên lớp thu bé lại vừa bằng một màn hình máy tính, điện thoại. Đành rằng, học online là giải pháp tình thế phù hợp nhất với bối cảnh dịch bệnh hoành hành, song cũng lại phát sinh nhiều vấn đề, không chỉ với trẻ mà với cả người lớn.

Tiếp xúc với thiết bị điện tử lâu ngày, nhiều trẻ gặp vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng thể chất, gia tăng cảm xúc tiêu cực, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi. Thậm chí, có những sự cố không mong muốn đã xảy ra như điện giật, nổ thiết bị.

Do hầu hết phụ huynh cũng đã quay lại công sở làm việc trực tiếp, do đó, việc quan tâm hoạt động học trực tuyến của con sẽ không thể sát sao, học sinh dễ sa vào những trang tin độc hại, bị cám dỗ bởi game, ảnh hưởng tiêu cực tới thế giới quan hãy còn non nớt và mới mẻ.

Riêng cấp học mầm non, độ tuổi mà trẻ cần được chăm sóc toàn diện nhất cả về thể chất, trí tuệ lẫn cảm xúc, việc không được đến trường là một thiệt thòi lớn. Không ít gia đình ở thành phố đã phải gửi con về quê cho ông bà, trẻ phải sống xa cha mẹ. Nhiều trường tư thục phải đóng cửa, giáo viên mầm non mất việc, không có thu nhập.

Cũng chính bởi vậy mà nhiều người nói vui rằng, ngày mở cửa lại trường học trên toàn quốc ở tất cả cấp học sẽ là ngày "giải phóng phụ huynh", cũng là ngày trẻ được thụ hưởng đầy đủ quyền lợi được học hành.

Tất nhiên, do tỷ lệ tiêm vaccine ở trẻ còn hạn chế nên đâu đó vẫn còn e ngại việc đưa trẻ tới trường học tập trung. Song, như bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM đã chia sẻ tại các buổi tọa đàm gần đây thì các rủi ro mà trẻ em gặp phải khi bị nghỉ học vẫn lớn hơn rất nhiều khi trẻ quay trở lại trường học.

"Rất rõ ràng là trẻ mắc bệnh này rất nhẹ so với các bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… nên phụ huynh cần cân nhắc rằng quyết định của mình là vì người lớn hay vì đứa trẻ", bác sĩ cho hay. Đồng thời ông đặt câu hỏi: "Người lớn đi làm, mọi hoạt động đã mở chúng ta còn chờ gì nữa mà không cho con đến trường?!".

Và trên hết, để không bị động thì người lớn - bao gồm các nhà chức trách, các bên liên quan từ nhà trường đến phụ huynh học sinh - đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng các tình huống, đảm bảo "5K" và không chủ quan. Nói gì thì nói, học phải gắn với hành và không môi trường giáo dục nào tốt hơn trường học!

Theo Dân trí

Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022Chính phủ ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022
Sớm mở cửa trường học với tăng cường kiến thức, củng cố chất lượng dạy họcSớm mở cửa trường học với tăng cường kiến thức, củng cố chất lượng dạy học

DMCA.com Protection Status