Chưa có “văn hóa” thượng tôn pháp luật

07:50 | 05/11/2014

808 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhân dịp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai kế hoạch tuyên truyền về Ngày Pháp luật Việt Nam 2014. Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự, Thành viên Đoàn luật sư Hà Nội về một trong những tinh thần chủ đạo của Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) là ý thức thượng tôn pháp luật.

Năng lượng Mới số 371

PV: Thưa luật sư, ông đánh giá như thế nào về tinh thần thượng tôn pháp luật tại Việt Nam hiện nay?

Luật sư Bùi Quang Hưng

Luật sư Bùi Quang Hưng: Tinh thần thượng tôn pháp luật là sự tôn trọng nhất của con người văn minh đối với pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của xã hội. Chúng tôi thấy rất đáng buồn khi phải nhận định rằng, từ người dân đến doanh nghiệp chưa có văn hóa “thượng tôn pháp luật” . Có thể thấy rất rõ vấn đề này trong ví dụ về việc tham gia giao thông tại các thành phố lớn. Tôi cho rằng phải đến hơn 80% người Việt Nam chưa học đúng, đủ về luật giao thông. Đặc biệt là sự rèn luyện của phần lớn người Việt Nam chưa đủ để cấp bằng bởi các tiêu chuẩn cấp bằng lái xe của chúng ta vẫn đang thiếu một vấn đề lớn là ý thức của người tham gia giao thông.

Ở nước Mỹ, có rất nhiều người phải mất vài năm, có khi cả đời người mà không lấy được bằng lái xe chỉ bởi một nguyên nhân rất đơn giản đó là khi ngồi lên xe mà không điều chỉnh gương chiếu hậu. Nước Mỹ họ cấp bằng lái xe cho người có ý thức tham gia giao thông, vì sự an toàn của bản thân và người khác chứ không cấp bằng cho người điều khiển được chiếc ôtô chạy trên đường phố. Hơn thế nữa, nhiều ngôi sao thể thao, giải trí bị giam bằng lái xe, công bố công khai trên phương tiện truyền thông khi vi phạm luật giao thông bởi những lỗi rất nhỏ như bấm còi, quá tốc độ…      

PV: Được biết, ông là chuyên gia tư vấn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, xin ông cho biết vài nhận xét của họ đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam?

Luật sư Bùi Quang Hưng: Là một luật sư tư vấn, làm việc với nhiều đối tác là các Tập đoàn Năng lượng Quốc tế, dưới góc độ pháp luật họ nhìn nhận rằng, tại Việt Nam vẫn tồn tại cái gọi là “đặc quyền” của các doanh nghiệp Nhà nước. Kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, Bộ Công Thương vẫn chưa có quy chế cụ thể, đưa ra các biện pháp rõ ràng để hạn chế được các đặc quyền này. Điều đó tạo nên các rào cản vô hình đối với nhà đầu tư. Cụ thể đối với năng lượng, đứng đầu là ngành điện lực Việt Nam hiện nay rất khó có thể đầu tư bởi giá bán điện quá thấp, không đảm bảo khả năng thu hồi vốn và sinh lời của nhà đầu tư. Tôi đã từng làm việc với một tập đoàn năng lượng lớn của Hoa Kỳ, họ cho rằng, nếu đầu tư vào phong điện tại Việt Nam chỉ có thể đầu tư bằng “đồ second hand” mới sinh lời. Điều này sẽ dẫn đến sự cản trở phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam, đi ngược với chủ trương kêu gọi đầu tư vào nước ta.

Phân tích vấn đề này dưới góc độ pháp luật dễ nhận thấy rằng, bản chất do Tập đoàn Điện lực Việt Nam không phải là kinh doanh bởi không hoạt động theo luật doanh nghiệp, chỉ là tổ chức có thu và chi. Điện là năng lượng nhưng chưa phải là thị trường điện đúng nghĩa. Bởi vậy, để minh bạch thị trường điện, tăng tính cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài cần Chính phủ, Bộ Công Thương tách phần phân phối, truyền tải điện tại EVN ra để nhà nước quản lý thành các công ty truyền tải đường dây. Tất cả các doanh nghiệp phát điện trong và ngoài nước đều cần được đối xử công bằng theo một cơ chế theo kiểu cung cấp dịch vụ điện và một công ty định giá điện theo thị trường. Điều này ngành hàng không tại Việt Nam đã thực hiện được những bước đầu rất đáng hoan nghênh.

PV: Thưa ông, đối với đầu tư tại Việt Nam, các tranh chấp thường xảy ra nhất hiện nay là gì?

Luật sư Bùi Quang Hưng: Tại Việt Nam các tranh chấp phức tạp nhất hiện nay là vấn đề “nợ tiền”, thi hành phán quyết, cơ chế đàm phán không hiệu quả. Do khủng hoảng kinh tế kéo dài nên một số doanh nghiệp kinh doanh kém, phá sản, thua lỗ. Đối với các nước phát triển các doanh nhân này sẽ bị liệt vào “sổ đen”, có nghĩa là không được phép thành lập doanh nghiệp nữa mà chỉ được đi làm thuê để trả nợ. Ở Việt Nam thì ngược lại, các doanh nghiệp thành lập bát nháo, phá sản hôm nay, ngày mai thành lập doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp đang bị khởi kiện nhưng lại xin giải thể bằng cách chuyển đổi mô hình (từ công ty TNHH sang công ty cổ phần) mà vẫn giữ nguyên tên công ty. Một ví dụ như một công ty sản xuất thép đang ứ đọng hàng, cần giải phóng kho nên sẵn sàng bán rẻ. Một doanh nghiệp thương mại nắm bắt được điểm yếu của doanh nghiệp sản xuất thép nên làm hợp đồng mua hàng với điều kiện được trả chậm tiền. Sau đó doanh nghiệp thương mại này đem lô hàng đi bán lại với giá rẻ hơn lấy tiền để kinh doanh rồi chây ì trong việc trả nợ cho doanh nghiệp sản xuất thép. Đây là một thủ đoạn lợi dụng khe hở của luật pháp, thể hiện ý thức pháp luật cực kỳ kém của doanh nghiệp Việt Nam.

PV: Theo ông, những vướng mắc pháp lý nào mà doanh nghiệp Việt Nam hay gặp phải khi tranh tụng quốc tế?

Luật sư Bùi Quang Hưng: Tôi đã có lần đại diện cho một doanh nghiệp bảo hiểm quốc tế của Việt Nam, doanh nghiệp này đã phát ra một bảo lãnh thư cho 1 con tàu đóng tại nước ngoài nhưng con tàu này không bàn giao được. Đúng với nghĩa vụ bảo lãnh thì doanh nghiệp phát hành thư bảo lãnh phải đóng 1 triệu USD tiền bảo hiểm nhưng theo luật Việt Nam chỉ có các tổ chức tài chính (doanh nghiệp) mới được phát thư bảo lãnh nên thư bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam không có giá trị pháp lý. Kết quả của vụ kiện là trọng tài quốc tế phán định phía doanh nghiệp Việt Nam thua, phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý theo đúng thư bảo lãnh. Gần đây là vụ tranh tụng của Vietnam Airline (VNA) thuê đại lý hàng không tại nước ngoài. Theo luật quốc tế, khi đại lý đó không thực hiện được hợp đồng du lịch thì doanh nghiệp thuê phải thực hiện. Khi khách hàng phát đơn kiện, tòa án nước ngoài mời đại diện VNA đến để chứng minh sự không liên quan của mình đối với tài chính của đại lý này thì VNA không có mặt. Và tất nhiên là toàn án xử VNA phải chịu toàn bộ trách nhiệm tài chính của vụ kiện (thiệt hại của nguyên đơn, phí tòa án).

Hai ví dụ trên cho thấy, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang có một lỗ hổng lớn trong tôn trọng luật quốc tế khi đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp chúng ta không hiểu thấu đáo về các dịch vụ pháp lý, thiếu kiến thức về “bẫy pháp lý” sẽ dẫn đến các sự cố tranh tụng quốc tế. Để tránh được các vấn đề này, các doanh nghiệp muốn đầu tư quốc tế cần phải thuê một công ty luật sở tại để tư vấn luật, tìm hiểu hết các vấn đề có thể vướng mắc khi đầu tư kinh doanh. Bất cứ có thư, khởi kiện toàn án phải hỏi luật sư và yêu cầu đại diện pháp luật làm việc ngay. Khi bị kiện phải tham gia cực kỳ nghiêm túc để tránh những hậu quả đáng tiếc.

PV: Điều kiện cần và đủ đối với các doanh nghiệp ngành năng lượng Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài là gì, thưa ông?

Luật sư Bùi Quang Hưng: Theo tôi thấy, phần lớn các doanh nghiệp thuộc ngành năng lượng như than, dầu khí (thuộc về tài nguyên quốc gia) khi đầu tư luôn cần sự chấp thuận của hai Chính phủ giữa Việt Nam và nước bạn. Chúng ta vẫn đang đầu tư theo kiểu được “bảo lãnh”. Sự khác biệt giữa doanh nghiệp năng lượng quốc tế và Việt Nam trong vấn đề đầu tư là các doanh nghiệp nước ngoài thường sử dụng sự nghiên cứu theo con đường phi Chính phủ hơn của Việt Nam. 

Khi doanh nghiệp ngành năng lượng Việt Nam muốn đầu tư tại nước ngoài cần lưu ý hệ thống pháp luật, chính trị của nước bạn, thuê một công ty luật và một đơn vị chuyên khảo sát thị trường để tìm hiểu đối thủ cạnh tranh, cơ chế kinh doanh cụ thể. Từ đó mới có thể xác định rõ mục tiêu tham gia đấu thầu, thua lỗ thì có thể bán lại cho đơn vị nào. Để làm được các vấn đề trên yêu cầu phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi về đầu tư nước ngoài, am hiểu thị trường quốc tế, pháp luật quốc tế. Theo tôi, các dịch vụ pháp lý mới phát triển tại thị trường Việt Nam nên việc đầu tư pháp lý tại các doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn của Việt Nam vẫn chưa nhiều. Cần phải chú trọng hơn nữa để xây dựng “văn hóa” thượng tôn pháp luật thì đầu tư mới đạt hiệu quả cao.

PV: Xin cảm ơn ông.

Bùi Công (thực hiện)

DMCA.com Protection Status