Chuyện chưa kể về cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương

07:00 | 24/05/2025

3,437 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong ký ức của ông Đặng Của, từ lớp chuyên viên địa chất đầu tiên học ở Chèm ven sông Hồng những năm 1950, đến khi lãnh đạo ngành rồi trở thành người đứng đầu Nhà nước, ông Trần Đức Lương vẫn luôn mang theo tinh thần của một nhà khoa học: cẩn trọng, bền bỉ và luôn nhìn xa về tiềm năng ẩn sâu dưới mặt đất quê hương.

Ông Đặng Của bắt đầu câu chuyện bằng chất giọng chậm rãi, trầm đục, xúc động. Như thể mỗi kỷ niệm, mỗi chi tiết đều được ông lưu giữ ở một góc ký ức lâu đời, nay chỉ cần khơi lên là tuôn chảy, mạch lạc và sống động.

"Hồi đó, tôi học ở trường cấp 3 Phù Cát. Chính nó là Quốc học Quy Nhơn, nhưng vì Pháp chiếm đóng Quy Nhơn nên trường chuyển vào vùng tự do. Lúc đầu về trường Võ Tánh ở An Nhơn, rồi dời ra Phù Cát, cách An Nhơn 15 cây số. Trường công, nhưng dạy rất mạnh, tiếng tăm cả liên khu Năm. Lúc ấy tôi học lớp 8, cũng là năm học cuối cùng vì phổ thông thời đó chỉ có 9 năm. Tôi học chung với anh Nguyễn Giao".

Ở thời điểm ấy, các tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) đều thuộc vùng tự do. Trong cả liên khu, chỉ có hai trường cấp 3 có tiếng: một là Quốc học Quy Nhơn (đang tạm trú tại Phù Cát), hai là Lê Khiết ở Quảng Ngãi. "Anh Trần Đức Lương - người cùng quê với Thủ tướng Phạm Văn Đồng - học ở trường Lê Khiết. Anh cũng học dở dang lớp 8".

Đó là thời buổi mà thanh niên có học lực khá, chưa kịp thi xong lớp 9, đã được lựa chọn đưa đi học cấp tốc để phục vụ công cuộc xây dựng lại đất nước. "Chúng tôi gặp nhau ở lớp chuyên viên địa chất khóa 1. Hồi đó, Chính phủ ưu tiên điều tra cơ bản các quặng mỏ ở miền Bắc. Chuyên gia Tiệp Khắc, Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Hungary... qua giúp Việt Nam rất đông. Chúng tôi - những học sinh miền Nam tập kết - được chọn vào lớp học chuyên viên địa chất ở Chèm. Học được gần sáu tháng thì ra thực địa luôn".

Lớp học địa chất ở Chèm là nơi đánh dấu tình bạn giữa ông Đặng Của và ông Trần Đức Lương. "Lúc đó anh Lương 18 tuổi, tôi nhỏ hơn một tuổi. Học xong, anh đi Lào Cai, làm trong đoàn Thăm dò 1, tôi ra Cao Bằng, ở đoàn Thăm dò 2. Sau một năm, tôi chuyển về Lào Cai thì anh Lương đã chuyển qua đoàn khác".

Trong ký ức của ông Đặng Của, những ngày đầu ấy là sự kết hợp giữa lý tưởng cách mạng và tinh thần trách nhiệm hiếm có. "Hồi đó, trong người chỉ có bộ áo học sinh, một cái áo kiểu Tôn Trung Sơn đã sờn, với cái vỏ chăn. Lúc bấy giờ anh em chỉ biết công việc. Không ai nghĩ gì đến chức vụ hay tiền bạc".

Sau thời gian đầu tỏa đi thực địa, đến năm 1962, ông Của và ông Lương gặp lại trong một hội nghị thi đua ngành địa chất - nơi cả hai cùng được tuyên dương là chiến sĩ thi đua. "Lúc đó chưa có nhà khách gì cả, họp ở căn nhà tranh trong hậu cứ thôi. Tôi nhớ rõ, ảnh ngồi gần tôi, vẫn mặc bộ đồ bảo hộ, gầy nhưng sáng láng, ánh mắt rất chăm chú".

Chuyện chưa kể về cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Thế hệ những cán bộ địa chất đầu tiên tại buổi họp mặt lớp học chuyên viên địa chất khóa 1955.
Ông Trần Đức Lương (người thứ 2, hàng đầu từ phải qua) và ông Đặng Của (ngoài cùng bên phải, hàng thứ 2).
(Ảnh chụp tháng 10/1995)

Gần 70 năm đã trôi qua từ ngày ấy, nhưng trong tâm trí ông Đặng Của, hình ảnh của người bạn cùng lớp năm xưa - sau này là Chủ tịch nước Trần Đức Lương - vẫn hiện về rõ ràng: "Một con người thông minh, cần mẫn, trung thực. Làm việc gì cũng dốc hết tâm lực".

Một trong những kỷ niệm khó quên đối với ông Của về ông Trần Đức Lương là chuyện "đi xin dây cáp để phục vụ việc vẽ bản đồ". Ông Trần Đức Lương - khi ấy đang là Phó Cục trưởng Cục Bản đồ Địa chất - cần gấp dây cáp thép để bắc cầu tạm phục vụ việc vẽ bản đồ địa chất khu vực núi hiểm trở. "Không biết nghe ai mách được, ảnh chạy đến tìm tôi", ông Của vẫn nhớ rõ, lúc bấy giờ là năm 1974.

"Của ơi, mày có dây cáp để lại cho tao". "Trời ơi. Tao đầy kia, cứ việc lấy bao nhiêu cũng được". "Mà mày dùng làm gì?". "Tao vừa bí quá, phải làm cái cầu dây cáp cho anh em qua bên kia núi vẽ cái bản đồ địa chất".

Ông Của, lúc này là Liên đoàn phó phụ trách thi công của Liên đoàn 36, trực tiếp chỉ đạo thi công giếng khoan sâu đầu tiên của Việt Nam tại Thái Bình, đang phụ trách toàn bộ thiết bị, trong đó có cả dây cáp thép khổ lớn nhập khẩu dùng cho công tác thi công giếng khoan.

Dây cáp loại ấy là hàng đặc chủng, nhập khẩu, đường kính 25-30 milimet, có thể kéo tải nặng đến 150 tấn. Trong ngành khoan thì "hạn sử dụng" của dây này tính bằng thời gian di động của dây, đến một mức nhất định là phải loại bỏ không dùng nữa. Nhưng những đoạn dây cáp này vẫn đủ tốt để làm cầu tạm, kéo vật tư qua núi.

Vật tư thời chiến là hàng Nhà nước quản lý chặt, không thể tùy tiện. Nhưng khi đã thống nhất được giữa các liên đoàn, ông Của là người trực tiếp phụ trách thi công nên được trao toàn quyền quyết định. Việc điều chuyển phục vụ nhiệm vụ được thực hiện rất nhanh gọn, trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu cao nhất.

"Cái chuyện đó đơn giản lắm. Chẳng thành vấn đề. Mày muốn chở bao nhiêu cũng được" - "tôi nói vậy. Thì ảnh mừng lắm rồi hai anh em cứ đứng nhìn mặt nhau, nói chuyện giữa đường thế thôi. Chứ đâu phải như bây giờ là phải ngoại giao, tổ chức gặp trao đổi thế này thế khác. Lúc đó còn ở nhà dân, chiến tranh mà, lấy đâu ra văn phòng mà mời nhau uống nước. Cũng chưa ai có vợ con gì cả. Nói chuyện vậy rồi ảnh lại chạy đi ngay để điều xe đến chở cáp về" - ông Của nhớ lại.

Và cụm công trình "Bản đồ địa chất Việt Nam tỷ lệ 1:500.000" mà ông Trần Đức Lương tham gia thực hiện ngày đó, vào năm 2005 đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ. Công trình được đánh giá cao về giá trị khoa học và thực tiễn, phản ánh toàn diện tài nguyên khoáng sản trên cả nước, và là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, quy hoạch và phát triển kinh tế khoáng sản của Việt Nam.

Công việc địa chất không dành cho người ngại va chạm. Khi ấy, trong tay Nhà nước không có ai được đào tạo bài bản. Từ lớp chuyên viên địa chất đầu tiên, ông Lương và nhiều người cùng thời đã tự học, tự đi, tự làm, dựng nên những nền móng ban đầu cho ngành. Đối với ông Đặng Của, ông Trần Đức Lương mãi là một người làm khoa học địa chất tận tụy, bền bỉ, luôn gắn trách nhiệm của bản thân với kết quả cuối cùng của công việc chung. Chính lối làm việc chắc tay, lặng lẽ và đi đến cùng ấy đã góp phần định hình nên những công trình có giá trị nền tảng cho đất nước.

"Sau này, mỗi lần họp ngành, gặp nhau trong các kỳ tổng kết tại Tổng cục Địa chất (số 6 Phạm Ngũ Lão ngày nay), ảnh lên Cục trưởng, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Chủ tịch nước, nhưng chúng tôi vẫn giữ cách xưng hô cũ, thân mật như ngày nào" - ông Của kể, không giấu vẻ xúc động./.

Trúc Lâm

DMCA.com Protection Status