Chuyển đổi năng lượng xanh cần có đối thoại công bằng giữa 2 bên cung - cầu
Hội thảo "Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện” (Ảnh: Phương Thảo). |
Tại Hội thảo Khoa học “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện”, ngày 8/8 do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với các đối tác tổ chức, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050.
Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Nhìn về những khó khăn trong chuyển đổi năng lượng xanh, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, đây là mục tiêu của toàn xã hội, tuy nhiên, câu chuyện tiêu dùng chưa được chú trọng bàn tới.
“Vấn đề tiêu dùng được Nhà nước ‘bảo kê’ nên việc sản xuất của bên cung cực kỳ khổ. Do đó cần có những cuộc đối thoại công bằng hơn giữa bên cung và bên cầu. Ví dụ, giá điện tăng, người dân phản ứng gay gắt nên việc điều hành chính sách gặp khó khăn, nhưng giá điện không tăng, công nghệ không thể phát triển”, ông Thiên thẳng thắn nói.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. (Ảnh: Phương Thảo). |
Nhìn nhận những thách thức của chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển điện gió ngoài khơi, điện khí LNG cơ bản sẽ không thể vượt qua nếu cách làm vẫn như hiện nay, ông Thiên cho rằng, đầu tư càng hiện đại thì vốn càng cần lớn. Nếu chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất nỗ lực tháo gỡ thách thức này.
Từ những tiềm năng hiện có của đất nước, TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, cần cấp tốc cụ thể hóa và áp dụng các giải pháp, chính sách ưu đãi khuyến khích tiêu dùng cũng như sản xuất nội địa, song song với xây dựng lộ trình cụ thể về chuyển dịch năng lượng.
Lấy ví dụ về thị trường xe điện tại Trung Quốc, ông Ngọc nhìn nhận đây là một bài học điển hình cho việc áp dụng các chính sách ưu đãi theo từng giai đoạn, điều chỉnh phù hợp với độ trưởng thành của thị trường.
“Trung Quốc áp dụng mạnh mẽ ưu đãi, trợ giá cho giá thành xe điện và chi phí sản xuất, lắp đặt trạm sạc từ doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn thị trường sơ khai. Trong khi đó, việc xây dựng trạm sạc cho xe điện ở Việt Nam hiện vướng 13 quy hoạch khác, vậy muốn xây dựng được 1 trạm sạc xe điện cần sửa 13 quy hoạch đang vướng quả thực rất khó khăn”, TS. Hà Huy Ngọc nêu ý kiến.
“Cân đối hài hòa giữa cái trước mắt và cái lâu dài là yếu tố quan trọng hơn cả trong tháo gỡ khó khăn thách thức của quá trình chuyển dịch năng lượng. Xác định phát triển năng lượng xanh cần được cân nhắc xem Việt Nam có thể làm được tới đâu, khả năng ở mức nào phù hợp với thực tế để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, đảm bảo đời sống, chi phí chi tiêu của người dân”, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm.
TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. (Ảnh: Phương Thảo). |
Xác định vai trò của điện hạt nhân trong quá trình chuyển đổi
Về thực hiện cam kết của Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính, GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, các chính sách hiện tập trung vào 4 trụ cột: Tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu, thị trường năng lượng và năng lượng tái tạo.
Để thực hiện được mục tiêu Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) 2022, nhu cầu tài chính cần tới 86,8 tỷ USD với sự hỗ trợ của quốc tế. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy cần có sự tham gia lớn của năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo.
Cụ thể, đến năm 2050, năng lượng tái tạo đặt mục tiêu chiếm 67,5 – 71,5%; năng lượng mặt trời đạt mức 189.294 MW; năng lượng gió ngoài khơi đạt 91.500 MW; phát thải khí nhà kính tới 31 triệu tấn.
Nói về các giải pháp hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, GS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, Việt Nam đã tham gia Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để tận dụng các nguồn lực quốc tế. Qua đó, Việt Nam sẽ nhận được 15,5 tỷ USD để thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh, đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. (Ảnh: Phương Thảo). |
Việt Nam hướng tới giảm 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn. Giới hạn công suất điện than ở mức 30,2GW (mức kế hoạch dự kiến là 37GW; Đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030 (mức kế hoạch hiện tại 36%).
Từ Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng 0, GS.TS Lê Anh Tuấn đưa ra khuyến nghị cho phát triển năng lượng xanh của Việt Nam theo lộ trình cụ thể.
Cụ thể, từ nay đến 2025, ông Tuấn kiến nghị đầu tư sớm và ổn định vào năng lượng tái tạo, ban hành khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi; tăng cường vận hành linh hoạt các nhà máy điện; tiết kiệm năng lượng là lựa chọn hiệu quả về chi phí ở hiện tại và tương lai.
Giai đoạn 2030 – 2040, sản xuất và sử dụng nhiên liệu tái tạo, nhiệt điện sinh khối, tồn trữ năng lượng. Giai đoạn 2040 – 2050, loại bỏ than trong các dây chuyền, thiết bị công nghiệp mới; xác định vai trò nhất định của điện hạt nhân; ưu tiên hydrogen cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng.
Phương Thảo