Chuyên gia Washington D.C nêu điểm đặc biệt chú ý khi mở cửa kinh tế

11:00 | 18/09/2021

5,747 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ông Trần Quốc Hùng, chuyên gia từ Washington D.C, Mỹ, cho rằng Việt Nam nên đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm - bảo đảm việc cung ứng xuất khẩu không những giúp tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ uy tín và thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, giúp phát triển thị trường xuất khẩu trong tương lai.

Ông Trần Quốc Hùng hiện là chuyên gia cao cấp Hội đồng Atlantic Council (Mỹ), cựu Giám đốc điều hành Viện Tài chính Quốc tế (IIF).

Tăng trưởng cả năm có thể là 5%

Vừa qua, một số tổ chức quốc tế đã hạ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Ông nghĩ con số tăng trưởng năm nay sẽ ra sao?

- Từ tháng 5 tới nay, biến chủng Delta đã lây nhiễm rất nhiều ở TPHCM và một số tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tình hình dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng để giảm lây nhiễm đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất trong quý III. Tăng trưởng kinh tế quý III sẽ giảm xuống, ảnh hưởng đến 6 tháng cuối năm.

Một số cơ quan nghiên cứu kinh tế quốc tế và trong nước đã giảm dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2020, không những ở Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á.

Nói chung, tăng trưởng GDP ở Việt Nam cho cả năm nay có thể giảm xuống còn khoảng 5-5,5% thay vì 6,5% theo như kế hoạch. Như vậy, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm nay có khả năng chậm lại còn khoảng 4,75-5,25%; sau khi đã đạt hơn 5,6% trong 6 tháng đầu năm.

Chuyên gia  Washington D.C  nêu điểm đặc biệt chú ý khi mở cửa kinh tế
Điều gì sẽ là động lực tăng trưởng những tháng cuối năm nay, thưa ông?

Điều gì sẽ là động lực tăng trưởng những tháng cuối năm nay, thưa ông?

- Động lực quan trọng nhất cho nền kinh tế thời gian tới là tiến trình tiêm chủng, nhất là trên địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận. Tính tới ngày 3/9, ở TP HCM có 64,4% dân số đã được tiêm một mũi và 3,3% hai mũi - đây là bước tiến rất đáng mừng.

Nhưng cần phải đẩy mạnh và nhanh việc tiêm chủng cả hai mũi để có tỷ lệ cao hơn nhiều; và khi số ca nhiễm mới giảm xuống rõ rệt thì mới có thể tính chuyện nới rộng các biện pháp giãn cách xã hội. Cho tới lúc đó, nền kinh tế nhất là ở khu vực TP và vùng lân cận vẫn còn bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Trong thời gian tới, cần hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là để phục vụ cho xuất khẩu. Trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 185 tỷ USD.

Các loại hàng linh kiện điện tử, điện thoại di động và dược phẩm, dụng cụ y tế, cần phải được phát triển thành các ngành kinh tế mạnh của Việt Nam trong tương lai.

Ở các tỉnh bắt đầu có dấu hiệu đi vào "bình thường mới" như ở Bắc Ninh, Chính phủ nên đẩy mạnh việc giải ngân để thực hiện các chương trình xây dựng cơ bản, vừa kích thích tăng trưởng vừa đặt nền móng cho hoạt động kinh tế trong tương lai.

Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái; nhưng vốn thực hiện của dự án FDI đạt 10,5 tỷ USD tăng 3,8%. Không riêng Việt Nam, dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI trên toàn thế giới theo tổ chức UNCTAD cũng đã giảm vì Covid-19.

Nói chung, Việt Nam đã và tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong tiến trình chuyển dịch và đa dạng hóa chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp quốc tế - Tiến trình này theo tôi còn tiếp tục trong nhiều năm tới.

Như đã nói ở trên, duy trì và phát triển xuất khẩu các hàng công nghiệp chế biến theo đúng hợp đồng trong điều kiện dịch bệnh là cách hay nhất để xây dựng thương hiệu Việt Nam và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu tăng trưởng tốt

Doanh nghiệp trong nước đang khó khăn. Theo ông, có những giải pháp nào về tài chính, phi tài chính có thể tháo gỡ cho họ? Các quốc gia khác đang làm như thế nào thưa ông?

- Chính phủ có nhiều chính sách vĩ mô và vi mô để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ có thể tạm thời giảm thuế cho doanh nghiệp hay các gói cho vay với lãi suất thấp, bảo đảm vay cho các doanh nghiệp đã duy trì hoạt động mà không gây nhiễm bệnh trong thời gian qua nhưng gặp khó khăn về tài chính.

Về chính sách cụ thể, hiện có hai trở ngại lớn cho doanh nghiệp là việc công nhân khó đi lại và chuyển vận hàng hóa (đầu vào và đầu ra) bị gián đoạn, không kịp thời.

Chuyên gia  Washington D.C  nêu điểm đặc biệt chú ý khi mở cửa kinh tế
Chuyên gia Washington D.C nêu điểm đặc biệt chú ý khi mở cửa kinh tế

Chính phủ có thể ban hành "hộ chiếu vắc xin" cho các công nhân đã tiêm hai mũi để họ có thể đi lại dễ dàng hơn. Việc này cũng có thể áp dụng cho chuyên gia các doanh nghiệp vốn FDI để họ có thể vào Việt Nam làm việc. Đồng thời là việc tổ chức vận chuyển hàng hóa đầu vào cho một số doanh nghiệp quan trọng trong kinh tế.

Ngoài các chính sách vĩ mô như giảm thuế và lãi suất áp dụng cho mọi doanh nghiệp (và đây là cách hỗ trợ kinh tế và doanh nghiệp ở các nước đã phát triển ở Mỹ, châu Âu và Nhật...), biện pháp hỗ trợ vi mô cụ thể nên tập trung vào các đối tượng cần thiết cho đời sống xã hội và hoạt động kinh tế.

Ví dụ như nên ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối nhu yếu phẩm (lương thực, thực phẩm và dược phẩm...), điện nước viễn thông, một số nguyên nhiên liệu cần thiết... Sau đó là hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã duy trì hoạt động trong thời gian qua mà không gây lây nhiễm.

Đặc biệt là chú trọng đến các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã tăng trưởng tốt trong 7 tháng đầu năm - bảo đảm việc cung ứng xuất khẩu không những giúp tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ uy tín và thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, giúp phát triển thị trường xuất khẩu trong tương lai. Theo cách hiểu này thì những ngành như kinh doanh địa ốc không nằm trong diện ưu tiên để hưởng sự hỗ trợ vi mô của Chính phủ.

Nói "mục tiêu kép" có nghĩa là khi chống dịch, phải nghĩ đến việc bảo đảm đời sống người dân, nhất là khi phải duy trì tình trạng phong tỏa và giãn cách xã hội trong thời gian dài.

Tuy nhiên, khi mức lây nhiễm tăng cao thì cần phải tập trung hạn chế và giảm bớt lây nhiễm, nếu không sẽ có tác hại lớn đến nền kinh tế và xã hội. Nói chung, kiểm soát dịch Covid-19 là biện pháp kinh tế tốt nhất. Và tăng cường tiêm vắc xin là cách tốt nhất để kiểm soát Covid-19.

Xin cám ơn ông!

Theo Dân trí

2 viễn cảnh kinh tế cuối năm: Mở cửa lại cần đúng thời điểm và bài bản2 viễn cảnh kinh tế cuối năm: Mở cửa lại cần đúng thời điểm và bài bản
TPHCM có đủ điều kiện mở cửa lại vào cuối tháng 9?TPHCM có đủ điều kiện mở cửa lại vào cuối tháng 9?
Nhịp sống kinh tế tuần từ 09 - 12/09Nhịp sống kinh tế tuần từ 09 - 12/09

DMCA.com Protection Status