Chuyện “hậu trường” của một chuyến đi!

07:00 | 05/06/2015

1,404 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hóa ra sau khi hai cán bộ lãnh đạo của Petrovietnam đã ngồi cạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với Thủ tướng Abdelmalek Sellal rằng, bây giờ đã có đầy đủ các bên, đề nghị Thủ tướng Algeria giao cho các cơ quan chức năng để Sonatrach và PVN hợp tác mở rộng khai thác ở mỏ Bir Seba. Thủ tướng Abdelmalek Sellal đồng ý và cũng lại theo kiểu “ba mặt một lời” giao cho Bộ Năng lượng Algeria và các cơ quan chức năng giải quyết ngay vấn đề này.

Năng lượng Mới số 428

Ông Sơn, ông Khánh đâu? Các ông đâu hết rồi?

Tiếng anh cán bộ của Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao Việt Nam gọi thất thanh giữa đám đông khiến mọi người ngơ ngác.

Tôi túm anh lại, hỏi:

- Tìm ông Sơn, ông Khánh làm gì?

Anh này trả lời:

- Thủ tướng gọi. Thủ tướng nói phải xuống ngay.

Mọi người nháo nhác tìm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Nguyễn Xuân Sơn và Tổng giám đốc Petrovietnam Nguyễn Quốc Khánh.

Nhưng không ai biết là hai người đã đi đâu.

Chẳng là sau khi chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Dầu khí Quốc gia Algeria - Sonatrach, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng nước chủ nhà Algeria Abdelmalek Sellal xuống phòng riêng và trong chương trình đã được thông báo trước đó, sau lễ ký, hai nhà lãnh đạo cùng một số bộ trưởng sẽ có buổi đàm đạo riêng quanh bàn trà. Thành phần tham dự thì rất là hẹp, nghe nói chỉ là 6 +1; như vậy là phía nhà ta chỉ có Thủ tướng, cùng mấy bộ trưởng và đại sứ, phía nước chủ nhà cũng vậy.

Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh kiểm tra công tác trên giàn PVD-11

Vậy mà bây giờ cán bộ Vụ Lễ tân lại đi tìm Chủ tịch Sơn và Tổng giám đốc Khánh, không hiểu là vì lý do gì.

Nơi tổ chức lễ ký thỏa thuận hôm nay là ở trụ sở Sonatrach - công ty dầu khí quốc gia lớn nhất Algeria, nhưng không rõ là xây dựng từ bao giờ mà chỉ có duy nhất một thang máy. Không những số lượng thang máy ít, mà còn nhỏ nên việc di chuyển giữa các tầng trong tòa nhà cực kỳ mất thời gian. Phòng họp ở tầng 10 chật, tối, lại thấp nên phóng viên, quay phim kêu như vạc.

Nhưng rồi cuối cùng cũng tìm thấy Chủ tịch HĐTV Nguyễn Xuân Sơn và Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh.

 Hóa ra sau khi hai cán bộ lãnh đạo của Petrovietnam đã ngồi cạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với Thủ tướng Abdelmalek Sellal rằng, bây giờ đã có đầy đủ các bên, đề nghị Thủ tướng Algeria giao cho các cơ quan chức năng để Sonatrach và PVN hợp tác mở rộng khai thác ở mỏ Bir Seba. Thủ tướng Abdelmalek Sellal đồng ý và cũng lại theo kiểu “ba mặt một lời” giao cho Bộ Năng lượng Algeria và các cơ quan chức năng giải quyết ngay vấn đề này.

Không cần phải mô tả, chắc bạn đọc cũng hình dung ra nét mặt tươi hơn hớn của Chủ tịch HĐTV Nguyễn Xuân Sơn và Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh khi từ phòng trà đi ra… Nói về dự án ở mỏ Bir Seba thì mong ước của cả phía Việt Nam và Algeria là Sonatrach được mở rộng mỏ, tăng sản lượng khai thác từ 20.000 lên 40.000, rồi 60.000 thùng/ngày vào giai đoạn cao điểm. Hiện nay, pha 1 của mỏ đã sẵn sàng đi vào hoạt động và chỉ còn chờ giấy phép của Chính phủ Algeria. Việc tiến hành pha 2 và mở rộng tìm kiếm ra khu vực xung quanh là vấn đề tối quan trọng, vì nó có ý nghĩa chiến lược cho giai đoạn hàng chục năm sau. Còn nói theo kiểu dân tìm dầu PVEP thì… đã “ngửi” thấy mùi dầu dưới 4.000m cát của sa mạc Sahara?

Có lẽ, hiếm có trường hợp nào mà việc ký thỏa thuận hợp tác giữa hai công ty lại có sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước và nhiều bộ trưởng như của Petrovietnam và Sonatrach.

 Điều này trước hết thể hiện đối với Việt Nam, từ trước đến nay người Algeria có tình cảm hết sức sâu đậm.

Ở Algeria, Lịch sử là môn học bắt buộc. Có một điều rất đặc biệt là trong chương trình môn Lịch sử ở nhà trường Algeria, “Chiến thắng Điện Biên Phủ” được giảng dạy rất kỹ. Có lẽ không có sinh viên Algeria nào không biết về “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, về tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước đây, trong thời kỳ Algeria bị thực dân Pháp đô hộ, “Chiến thắng Điện Biên Phủ” tựa như một ngọn lửa, thiêu rụi chế độ thực dân kiểu cũ, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ cho người dân Algeria vùng lên giành độc lập từ tay người Pháp. Thế rồi, trong những năm tháng Việt Nam chống Mỹ cứu nước, Đảng và nhân dân Algeria đã dành cho Việt Nam một tình cảm đặc biệt. Ngày đó, sự giúp đỡ của Algeria đối với Việt Nam hết sức to lớn và mãi về sau này, chúng ta còn phải chịu ơn họ.

Trong quá khứ, nhiều cán bộ dầu khí Việt Nam đã đi học khai thác ở các trường của Algeria. Đội ngũ bác sĩ, giáo viên người Việt Nam cũng đã tới các vùng thâm sơn cùng cốc, khu vực sa mạc của Algeria để dạy học, khám chữa bệnh. Tuy nhiên, có một thời gian, quan hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa giữa Việt Nam và Algeria có phần kém đi vì nhiều lý do, trong đó có việc Chính phủ Algeria đã trải qua một thời gian dài biến động. Gần đây, quan hệ ngoại giao giữa hai nước mới phát triển mạnh mẽ trở lại và quan hệ kinh tế vì thế cũng tăng trưởng dần dần. Kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam sang Algeria đã đạt hơn 200 triệu USD. Con số này thực ra vẫn còn bé nhỏ so với tiềm năng của cả hai nước.

Algeria là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xếp hàng thứ 7, thứ 8 trên thế giới với ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, với lãnh thổ rộng mênh mông, việc mở rộng tìm kiếm khai thác ở Algeria còn tiềm năng rất lớn.

Tối ngày 31-5-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới thăm Văn phòng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) tại Algeria. Sau khi nghe Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh báo cáo về tình hình hoạt động của Tập đoàn tại Algeria và đặc biệt là về mỏ Bir Seba, trong câu chuyện với anh em dầu khí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rất cao về Dự án Bir Seba.

Nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên nhất là khi Thủ tướng nói về công việc của Tập đoàn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói cực kỳ khúc chiết và chính xác về cả những thuật ngữ dầu khí, về các công việc của nghề dầu khí một cách đáng kinh ngạc. Thủ tướng nhớ rõ từng loại công việc từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, rồi công nghiệp khí, công nghiệp điện, công nghiệp chế biến như thế nào… Nghe Thủ tướng nói, ai cũng tưởng như đây là một người làm dầu khí nói về chính công việc của mình.

Một cán bộ của PVEP ngồi bên cạnh tôi rỉ tai tôi: “Thủ tướng thuộc dầu khí đến thế này, nói dối chắc… chết!”.

Thủ tướng không quên căn dặn với Dự án Bir Seba, Tập đoàn Dầu khí phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, tìm ra bài học rằng, tại sao chúng ta có thể làm được ở đây, tại sao chúng ta lại đưa được dịch vụ sang đây? Rằng tại sao giàn khoan PVD-11 hoạt động bao nhiêu năm qua trong nắng, gió, cát bụi sa mạc mà công suất luôn đạt ở mức 99% khiến những người làm dầu khí của nước chủ nhà hết sức ngạc nhiên? Rằng tại sao lãnh đạo Sonatrach lại đề nghị chúng ta cùng mở một công ty liên doanh về cung cấp dịch vụ khoan? Vậy làm thế nào để các dự án đầu tư ra nước ngoài, chúng ta có thể “kéo” theo dịch vụ. PV Drilling, PTSC là các đơn vị đã có tiếng, có bản lĩnh, có kinh nghiệm, vậy phải làm thế nào để “quân ta làm với quân ta”?

Lắng nghe Thủ tướng nói chuyện, tôi liếc nhìn sang, thấy nét mặt Tổng giám đốc Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) Phạm Tiến Dũng sáng lên và luôn luôn nở những nụ cười tươi rói.

Chuyện “hậu trường” của một chuyến đi!

Công nhân nước ngoài trên giàn PVD-11

Ngày hôm sau, tôi được đi cùng Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Quốc Khánh và Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng tới mỏ Bir Seba để kiểm tra công tác. Những ngày qua, liên tiếp có các đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo PVEP, PV Drilling tới kiểm tra mỏ, bởi lẽ trước khi đưa vào hoạt động, công tác kiểm tra phải được đặc biệt coi trọng. Lúc này, chỉ cần một sơ suất, một sai lầm dù rất nhỏ, đặc biệt là trong công tác an toàn thì hậu quả sẽ là khôn lường.

Dưới máy bay vẫn là một màu cát vàng, vẫn là những sóng cát cuồn cuộn, trải dài tít tắp. Trên đường đi về mỏ, tôi bỗng nhiên có cảm giác rất lạ khi thấy tấm biển đề “PVD-11”. Giữa sa mạc lửa như thế này, bỗng nhiên lại có một dòng chữ Việt Nam, có tên một công ty Việt Nam trên một tấm biển gỗ. Quả thật, nếu không gắn bó với nghề dầu khí thì chẳng ai hiểu hết được ý nghĩa tấm biển này, ý nghĩa của việc có được một giàn khoan tại sa mạc lửa.

Thật ra Việt Nam đã thăm dò, khai thác dầu khí ở nhiều nơi trên thế giới. Tên tuổi của các công ty dầu khí Việt Nam đã có mặt ở Nhenhexky, ở Peru, ở Venezuela và một số nước trong khu vực Đông Nam Á…

 Nhưng việc có một dự án mà chúng ta tham gia với tư cách là nhà điều hành chính, đồng thời triển khai công việc từ khi tìm kiếm, thăm dò, tới mở rộng, thiết kế mỏ, rồi đưa giàn khoan sang khoan thì ở sa mạc lửa trên đất nước Algeria này là duy nhất. Ước mơ của những người thợ dầu khí luôn là vậy, kiếm được mỏ và đưa được dịch vụ của mình vào.

Có một sự thật là, nếu việc xây dựng mỏ Bir Seba được giao cho những đơn vị trong Tập đoàn như PTSC… thì hoàn thành từ lâu rồi, chứ không phải đợi đến bây giờ. Riêng việc thuê nhà thầu Nhật xây dựng khu trung tâm xử lý là cực kỳ nhiêu khê bởi các thủ tục và khi có bất cứ vấn đề gì về an ninh là nhà thầu Nhật bỏ về nước. Công việc vì vậy đình trệ từ năm này qua năm khác.

Nhưng thôi, trong cái may có cái rủi, trong cái rủi lại có cái may. Nghề dầu khí là thế! Trước đây, Hãng ExxonMobil đã thăm dò và khoan ở khu vực mỏ Bir Seba này rồi, nhưng không hiểu vì sao lại không tìm thấy dầu. Đến lượt chúng ta tiếp tục công việc thì lại tìm thấy dầu và điều kỳ lạ là trữ lượng dầu vượt xa so với dự kiến ban đầu. Đến bây giờ, có thể “đếm cua trong lỗ” rằng, chúng ta chỉ mất 7 năm nữa là hoàn vốn đầu tư ở đây. 7 năm để hoàn vốn đầu tư khai thác dầu khí với một mỏ ở khu vực xa xôi như Bir Seba cũng là một con số lý tưởng và hiếm có. Tất nhiên, đó là tính với giá dầu từ 70-80USD/thùng, chứ nếu giá dầu cứ thấp như hiện nay thì con số này sẽ phải là 10 năm.

Tại khu vực Bir Seba, các cán bộ PVEP đưa Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh đi thăm trung tâm xử lý. Theo thiết kế, trung tâm có khả năng xử lý trên 20.000 thùng dầu/ngày. Sở dĩ có con số như vậy là vì sản lượng ban đầu ước tính chỉ là hơn 10.000 thùng/ngày. Bây giờ, khi sản lượng thực tế ngày càng tăng lên, chúng ta buộc phải mở rộng trung tâm xử lý.

Từ 16 giếng khoan trải dài trên một khu vực có diện tích hàng chục kilômét vuông, các dòng dầu được dẫn về 3 trạm thu gom, rồi các trạm thu gom này sẽ chuyển dầu về trung tâm xử lý. Sau khi xử lý tách nước, tách tạp chất và khí sunfua, dầu sẽ được bơm chuyển, nối vào đường ống vận chuyển dầu quốc gia.

Nói thì đơn giản như vậy, nhưng trên thực tế còn rất nhiều khó khăn. Chúng ta muốn tăng sản lượng khai thác ở pha 2 là 40.000 thùng/ngày và có khả năng sẽ mở rộng lên tới 60.000 thùng/ngày, bởi sản xuất càng nhiều, thời gian thu hồi vốn càng được rút ngắn và khả năng sinh lời càng cao. Đây là mong muốn của bất kỳ người làm dầu khí nào. Tuy nhiên, đối với nước chủ nhà, đây là vấn đề không hề đơn giản. Algeria là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), mà tổ chức này có quyền sinh, quyền sát về sản lượng dầu ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Do đó, việc tăng sản lượng khai thác không hề đơn giản và dễ dàng.

Dưới cái nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời lên tới gần 500C, Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh, Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng cùng các cán bộ trong đoàn tới thăm và kiểm tra công tác của giàn PVD-11.

 Nhìn giàn khoan sừng sững trên nền vàng ệch của cát sa mạc, nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, tôi vô cùng xúc động. Trong số anh em ở giàn hôm nay, có nhiều người tôi đã biết trong chuyến thăm lần trước.

 Giàn PVD-11 vẫn đang cần mẫn xoáy từng mét vào lòng sa mạc và đang khoan giếng số 23. Tôi có hỏi Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng rằng, tại sao giàn khoan này lại hoạt động bền bỉ lạ lùng, chưa từng có ở bất kỳ công ty dịch vụ khoan nào trên thế giới như vậy? Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng giải thích: “Có một điều trước đây nhiều người chưa từng nghĩ đến. Đó là tại sao anh em PV Drilling và một số giàn của Vietsovpetro lại hết sức yêu quý và gắn bó với những giàn khoan của mình? Đó không chỉ là nơi để họ kiếm miếng cơm, manh áo mà quan trọng hơn, nó thể hiện rằng, người dầu khí Việt Nam bây giờ không còn phải đi làm thuê cho nước ngoài như ngày xưa nữa. Chúng ta đã làm chủ, giàn khoan này là của chúng ta. Chính vì những tình cảm đó mà họ chăm chút, lo lắng cho giàn khoan như chăm lo cho đứa con của mình”.

Nghe Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng nói vậy, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, vài tháng trước, khi tôi ở trên giàn PVD-6 kéo từ Singapore về Việt Nam, tôi đã thấy những anh kỹ sư giữ vị trí quan trọng trên giàn, nhưng vẫn cầm chiếc giẻ cần mẫn lau chùi từng ngóc ngách, xó xỉnh trên sàn giàn khoan. Tôi đứng bên cạnh, nhìn họ làm việc mà có cảm tưởng như họ đang lau chùi cho chính căn nhà của mình.

Bao nhiêu năm trước, chúng ta chỉ là người làm thuê, hay nói một cách nghiệt ngã, chúng ta chỉ là đày tớ cho những ông chủ tư bản lớn. Ngày nay, chúng ta đã vươn lên làm chủ các khâu, các vị trí chính ở các trung tâm xử lý, các giàn khoan, dù giàn khoan hiện đại đến đâu, đặt ở nơi phức tạp như thế nào. Không phải là người làm dầu khí, chưa từng nếm trải sự nhục nhã khi bị chủ Tây khinh miệt trong những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước thì không thể hiểu hết được giá trị của hai chữ “làm chủ” ngày hôm nay.

Còn một lý do khác nữa để giàn khoan hoạt động tốt ở khu vực này là độ ẩm cực kỳ thấp. Độ ẩm trên sa mạc Sahara chỉ từ 9 đến 15%. Với độ ẩm thấp như vậy, hầu như các kết cấu vật liệu kim loại không bị gỉ sét. Anh em nói với tôi rằng, nhiều con ốc từ ngày ấy đến bây giờ tháo ra vẫn sáng choang. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là thiên nhiên hoàn toàn ủng hộ chúng ta. Ngoài độ ẩm thấp, sa mạc còn có những cơn bão cát phủ kín giàn khoan.

Mỗi lần di chuyển giàn khoan, anh em PVD lại hì hụi tháo dỡ giàn khoan hơn 2.000 tấn, rồi chất lên xe siêu trường, siêu trọng băng qua hàng chục cây số đường cát tới vị trí mới. Mỗi lần di chuyển như vậy tốn công sức vô cùng và kéo theo biết bao nhiêu khê, mà đặc biệt nhất là công tác bảo vệ. Việc bảo vệ trên sa mạc được thực hiện khá nghiêm ngặt. Không chỉ kiểm soát người ra vào, những người lính Algeria lúc nào cũng lăm lăm cây súng, thường trực sẵn sàng chiến đấu. Chỉ có một thứ duy nhất có thể vào được khu vực mỏ một cách tương đối dễ dàng là đám lạc đà của dân du mục. Ngay tại khu nhà ở của công nhân trung tâm xử lý, chúng tôi thấy những đàn lạc đà lững thững đi tìm thức ăn. Con lạc đà có dáng đi lắc lư, uyển chuyển, sang trọng và ngạo nghễ có vai trò như một thành viên trong những gia đình người Algeria. Do đó, anh em dầu khí Việt Nam rất ớn việc lạc đà vào trong khu khoan trường. Trước đây, đã có chuyện một con lạc đà sa xuống hố nước xử lý hóa chất giếng khoan bị chết mà anh em ở đây phải năn nỉ đứt lưỡi và phải đền cho chủ lạc đà tới hơn chục ngàn USD, cho dù ngoài chợ, giá một con lạc đà như vậy chỉ vài ba ngàn USD. Nếu không năn nỉ để họ đồng ý nhận tiền bồi thường thì công việc khoan phải tạm dừng. Mà thiệt hại của mỗi ngày dừng khoan khó có thể tính hết được.

Đốc công của giàn PVD-11 Trương Tô Diện báo cáo với Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh về tình hình hoạt động của giàn. Ở đây, cán bộ PVEP và PV Drilling gắn bó tuy hai mà một. Hai đơn vị, một bên là “ông chủ”, một bên là người “làm thuê” nhưng hình như không tồn tại khoảng cách nào cả. Với việc gì, họ cũng xúm lại bàn bạc, chia sẻ, tìm ra một cách xử lý tốt nhất. Tất nhiên là đã có những ý kiến của cán bộ PVEP về việc khoan không được phía PV Drilling đồng ý và tự đưa ra những kiến giải, lập luận của mình bởi họ là những người đã trực tiếp khoan nên họ hiểu được từng mét sâu của mũi khoan, từng ngóc ngách trong nghề. Còn PVEP là phía nghiên cứu điều hành, nên nếu giữa lý thuyết và thực hành có thể kết hợp nhuần nhuyễn thì bao giờ cũng cho ra những phương án tối ưu. Ở đâu đó, có thể có những câu chuyện không hay về chủ thầu và bên làm thuê, nhưng ở vùng sa mạc lửa này, khái niệm đó không tồn tại. Ở đây, mặc dù sinh hoạt khác nhau, nhưng trong công việc, giữa những cán bộ khoan PV Drilling và nhà điều hành PVEP bao giờ cũng tìm được tiếng nói chung tốt nhất.

Kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Algeria, một số bộ trưởng vỗ vai Chủ tịch HĐTV Nguyễn Xuân Sơn và Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Khánh, chia sẻ niềm vui rằng, Tập đoàn đã được Thủ tướng “quá ưu ái”.

Thật ra, trong nhiều năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi hết mức để phát triển của Chính phủ, cũng như các bộ, ban, ngành. Đây là niềm vui, cũng là trọng trách mà các thế hệ cán bộ và đặc biệt là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn luôn trăn trở.

Ở Algeria, những thủ tục hành chính trong mọi công việc đều chặt chẽ và thậm chí máy móc kỳ lạ. Trong những năm tháng đầu tiên đưa giàn khoan sang đây, cán bộ PV Drilling là những người thấu hiểu hơn ai hết nỗi khổ của những người làm dự án ở Algeria. Chẳng thế mà những người từng tham gia dự án này đã thành lập một ban liên lạc để hằng năm có thể tụ họp và ôn lại kỷ niệm của những năm tháng gian khổ, nhưng đầy vẻ vang tại sa mạc lửa. Trong những cuộc gặp đó, họ tự gọi mình là những “cựu chiến binh dầu khí”. Quả thật, vào những năm tháng khổ cực nhất khi mới kéo quân sang đây, mặc dù không phải cầm súng chiến đấu với kẻ thù nào, nhưng họ đã sống và làm việc như những người lính. Họ đã chiến đấu và chiến thắng nắng, gió, bão cát sa mạc và cả những thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê.

Nguyễn Như Phong

DMCA.com Protection Status