Chuyện kể về Đại Hùng Queen

07:30 | 30/01/2016

5,531 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đã hơn nửa năm rồi, nhưng những hình ảnh cùng không khí ấm áp, xúc động tại Lễ gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lần thứ II cho FSO Đại Hùng Queen được tổ chức giữa biển khơi mênh mông, xa đất liền hơn 250km, cách đó hơn 20km là mỏ Đại Hùng mới đi vào khai thác vẫn cứ đeo đuổi tôi cho đến tận bây giờ...

Không phải ngẫu nhiên mà kho nổi chứa dầu thô (FSO) Đại Hùng Queen có được vinh dự, tự hào này. Đây là một câu chuyện dài và được coi là kỳ tích không chỉ của ngành Dầu khí mà còn của cả ngành đóng tàu, ngành cơ khí hàng hải Việt Nam.

chuyen ke ve dai hung queen
Gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí lần thứ 2

Hôm ấy, trước đông đủ thủy thủ trên tàu cùng vị khách đặc biệt là ông Phạm Thế Duyệt, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khuôn mặt của Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí Việt Nam (PVTrans) Phạm Việt Anh như giãn ra, trẻ lại.

Anh bước lên phía trước, khóe mắt ngấn lệ, giọng trầm xuống: “Hôm nay thực sự là một ngày vui và có ý nghĩa đối với tôi và cả tập thể người lao động PV Trans. Sau hơn 12 tháng khẩn trương thi công với trách nhiệm cao và tinh thần dầu khí, dự án hoán cải con tàu FSO Đại Hùng Queen (1 trong 2 dự án lớn và khó khăn, phức tạp nhất của PV Trans) đã hoàn thành với chất lượng cao. Đại Hùng Queen đã sừng sững giữa biển khơi để làm nhiệm vụ vừa chở dầu như Tanker, vừa làm tàu chứa và xử lý FSO phục vụ cho mỏ dầu Đại Hùng, điều mà trước đây nhiều người vẫn còn nghi ngại và không tin là PV Trans có thể làm được”.   

Hồi sinh của một nhà máy

Ngược dòng thời gian 5 năm trước. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất đã được chuyển giao về PVN. Trong chiến lược phát triển, Vinashin xác định đây là nhà máy đóng tàu quy mô lớn và hiện đại nhất Việt Nam, một trong những nhà máy đóng tàu lớn nhất Đông Nam Á, có thể đóng các loại tàu trọng tải lên tới 400.000 tấn. Nó còn được ví như “người khổng lồ” của ngành đóng tàu Việt Nam và cả khu vực. Thế nhưng, kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động đến khi bàn giao cho PVN vẫn chưa hạ thủy được chiếc tàu nào.

Chiếc tàu chở dầu thô đầu tiên, Dung Quất 1 trọng tải 104.000 tấn, trị giá hơn 800 tỉ đồng sau 4 năm thi công dang dở vẫn chưa được đóng xong và được coi như đống sắt vụn, một sự lãng phí phải nói là khủng khiếp… Khối tài sản lớn của đất nước nằm “đắp chiếu” bên bờ biển Dung Quất với hàng trăm người lao động không có việc làm và thu nhập. Khỏi phải nói xót xa, trăn trở biết nhường nào…  

chuyen ke ve dai hung queen
Ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao quyết định gắn biển chào mừng ĐH Đảng cho FSO Đại Hùng Queen

Tiếp nhận một “tài sản”, một bộ máy xập xệ như vậy, PVN đã nỗ lực tái cấu trúc, đổi mới lề lối quản lý, làm việc, thổi vào Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (Dung Quất Shipyard - DQS) một luồng sinh khí mới nhằm vực dậy doanh nghiệp này thoát khỏi bờ vực phá sản trong suốt 5 năm qua mà còn phát triển nhiều lĩnh vực mới, trong đó có công nghệ sửa chữa giàn khoan, hoán cải sà lan, đóng tàu có trọng tải lớn…     

Với những lợi thế về mặt bằng sản xuất, lực lượng lao động có tay nghề, DQS đã nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị thành viên của PVN trong việc ký mới các hợp đồng sửa chữa và bước đầu đã có lãi. DQS đã hoàn thành và bàn giao hàng loạt sản phẩm sửa chữa như: Hoán cải Sà lan VSP 05, sửa chữa đầu bến tàu MV Horizon Express, các tàu Ba Vì, Chí Linh, Côn Sơn, hoán cải sửa chữa tại Dock DQS: Tàu Côn Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa, Sao Mai - 01, tàu Sao Mai - 03, kho nổi chứa và xử lý dầu FSO VSP - 01 của Vietsovpetro, sửa chữa tàu Eagle của PV Trans. Hiện tại DQS đang sửa chữa giàn khoan tự nâng Tam Đảo 01, tàu dịch vụ Vũng Tàu 01… Các hợp đồng sửa chữa này đã mang lại nguồn doanh thu đáng kể cho DQS.

Tôi may mắn có mặt tại đại công trường DQS trong những ngày đó. Hàng trăm công nhân hối hả vào ca trong không khí nhộn nhịp, âm vang của tiếng còi tàu cùng âm thanh của các loại máy hàn, máy cắt, cần cẩu… Những khẩu hiệu thi đua màu đỏ, chữ vàng phấn đấu về đích, những chiếc đồng hồ đếm ngược… như thôi thúc mọi người.    

Tuy nhiên, bước chuyển mình ấn tượng nhất của DQS trong mấy năm qua phải kể đến kỳ tích đại tu, bảo dưỡng giàn khoan Đại Hùng và đặc biệt là hoán cải tàu FSO Đại Hùng Queen. Với nỗ lực vượt khó, đoàn kết và tinh thần dầu khí, chỉ sau hơn 6 tháng, DH - 01 đã bảo dưỡng xong, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và được bàn giao trước thời hạn cho PVEP - POC, đưa hoạt động khai thác trở lại trên toàn mỏ Đại Hùng sớm hơn dự kiến với sản lượng khai thác trung bình 13.000-15.000 thùng/ngày đêm.

 Nếu như Đại Hùng khai thác dầu trở lại mà không có kho nổi chứa và xuất dầu thô thì thành công mới chỉ là một nửa (kho nổi cũ đã hết hạn sử dụng). Bởi vậy, việc hoán cải từ con tàu Aframax có trọng tải 104.000 tấn thành một kho nổi hiện đại, thời gian thi công nhanh với tính năng kép đồng bộ đưa về gần mỏ Đại Hùng để chứa và xuất dầu thô phải được làm đồng bộ, song song cùng với việc đại tu, bảo dường giàn Đại Hùng.

Sẵn sàng từ chức Tổng giám đốc…

Tổng giám đốc PV Trans Phạm Việt Anh kể lại: Lúc ấy nhìn con tàu trị giá mấy trăm tỉ đồng nằm “đắp chiếu” nhiều năm mà xót xa, trong khi PVN lại thiếu tàu chứa và xuất dầu. Dưới thời Vinashin, sau gần 4 năm thi công, tàu 104.000 tấn mới chỉ hoàn thành phần vỏ, lắp đặt một số thiết bị chính còn dở dang, chỉ đáp ứng được 40% khối lượng công việc. Nhiều bài toán đã được đưa ra với chủ đầu tư PV Trans lúc đó. Nếu tiếp tục đóng con tàu này thì không có tiền, chi phí sẽ đội lên rất nhiều. Tiến không được, lùi cũng không xong. Không thể bó tay trước khó khăn: Hay là hoán cải con tàu? Ý nghĩ táo bạo ấy chợt lóe lên trong đầu Phạm Việt Anh. Những kiến thức về cơ khí có được sau những năm tháng học tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cùng những trải nghiệm về những năm tháng lênh đênh trên biển với các con tàu khi anh đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo ở Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) như truyền thêm lửa cho Việt Anh.

Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, cân nhắc, bàn bạc cùng các chuyên gia, các cộng sự với các bản vẽ chi tiết, Việt Anh đã nắm chắc 80-90% công việc và có thể tự tin kiểm soát được chúng. Ý chí và quyết tâm của người chèo lái con tàu PV Trans đã lan tỏa, thôi thúc cán bộ, kỹ sư trên công trường và đến từng người thợ. Các phương án chọn thầu cũng đã được PV Trans tính đến, trong đó nếu DQS không làm được tổng thầu, PV Trans có thể bóc tách, chia làm nhiều gói thầu nhỏ và lựa chọn nhiều nhà thầu khác nhau.  

Tuy nhiên, việc thuyết phục để PVN chấp nhận phương án hoán cải con tàu cũng không phải dễ dàng trong khi đó đơn vị thuê tàu là Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) lại đòi hỏi dự án phải hoàn thành trong 1 năm, để kịp phục vụ cho mỏ Đại Hùng. Ông Đỗ Văn Khạnh, lúc đó đang làm Tổng giám đốc PVEP bảo rằng: Nếu Đại Hùng Queen không xong sẽ ảnh hưởng đến doanh thu, sản lượng của PVEP. Trước tình hình cấp bách và quan trọng như vậy, Phạm Việt Anh đã dũng cảm, tự tin và hứa trước lãnh đạo PVN và các bạn hàng: Sẽ từ chức tổng giám đốc nếu dự án không thành công. Lúc đó vẫn có người nghi ngại bảo rằng: Hãy ghi âm lời hứa đó để xem nếu dự án không thành công thì Phạm Việt Anh có từ chức không?

Đã hứa thì phải làm. Vậy là 18 tháng thi công cũng là chuỗi thời gian mà Phạm Việt Anh cùng các cộng sự luôn như đứng trên lửa và nói như Phạm Việt Anh là “thót tim” bởi những dự án “khủng” như thế này chưa từng thực hiện ở Việt Nam. Không chỉ lãnh đạo PV Trans, lãnh đạo DQS, lãnh đạo PVEP-POC vào cuộc mà lãnh đạo PVN  cũng thường xuyên có mặt tại Dung Quất để chỉ đạo, hỗ trợ. Hơn 20 cuộc họp của Tập đoàn Dầu khí với sự tham gia của 7 Phó tổng giám đốc và các bên liên quan nhằm đưa ra các biện pháp thi công tối ưu, hỗ trợ, giúp đỡ nhau tháo gỡ khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Dù tiến độ công việc luôn được kiểm soát nhưng hằng ngày Việt Anh và anh em vẫn bám trụ, ăn ngủ tại công trường. Hình ảnh Tổng giám đốc Phạm Việt Anh cùng các cộng sự ngày đêm quần quật trên công trường đối mặt với khó khăn, lường trước các rủi ro, luôn kiểm tra, giám sát từng chi tiết, nghiệm thu từng công đoạn thi công đã in sâu trong trí nhớ của tất cả nhưng ai tham gia dự án. Thời gian  ngắn từng ngày, giá dầu lúc đó lên tới hơn 100USD/ thùng, vì vậy, chậm một ngày là mất toi 1,5 triệu USD.  

Không trực tiếp thi công ở công trường, song Trưởng ban Kiểm soát nội bộ kiêm Chánh Văn phòng Đảng ủy PV Trans Nguyễn Linh Giang vẫn nắm rất chắc công việc. Giang cho biết: Những ngày ấy tất cả cán bộ, công nhân PV Trans đều hướng về Dung Quất, hướng về con tàu mà bằng bàn tay và trí óc của những người lao động đang hoàn thiện từng ngày. Họ đã làm việc không kể giờ giấc, ngày lễ, thậm chí không hưởng tiền làm thêm giờ, ngày nghỉ. Trên đại công trường ấy, tinh thần và trí tuệ dầu khí được thể hiện, phát huy cao độ không chỉ ở những người lãnh đạo mà còn ở từng người thợ. Rồi cả Tổng Công ty thở phào nhẹ nhõm và niềm vui như vỡ òa khi tàu FSO Đại Hùng Queen chính thức hoàn thành và đón dòng dầu đầu tiên từ giàn khai thác Đại Hùng-01 và xuất bán lô hàng đầu tiên an toàn, hiệu quả.

FSO PVN Đại Hùng Queen là kho nổi hiện đại, được thiết kế vỏ đôi, đáy đôi, công nghệ tiên tiến với chiều dài là 260,7m, rộng 42m, cao 21,4dm, trọng tải 104.000 tấn, tốc độ đạt 14.5 hải lý và có sức chứa 714.000 thùng dầu, sản lượng tiếp nhận 35.000 thùng/ngày và có khả năng làm việc 10 năm liên tục tại mỏ với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu đô la (2.300 tỉ đồng). Sự kiện này đã khẳng định tầm vóc cũng như sự trưởng thành vượt bậc của PV Trans với năng lực quản lý, giám sát thi công và vận hành các công trình dầu khí. Thành công này cũng đã giúp PV Trans đạt doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ khi thành lập đến nay.

Nhà thầu chuyên nghiệp

Đại Hùng Queen không thể thành công nếu không có một nhà tổng thầu  như DQS, không có sự hỗ trợ, phối hợp nhịp nhàng giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Chủ tịch HĐQT DQS Trần Minh Ngọc, người đã lăn lộn nhiều năm ở Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các dự án đóng giàn khoan  cho biết: Hoán cải FSO Đại Hùng Queen là dự án rất lớn với một khối lượng công việc khổng lồ trong đó có những thay đổi về blog nhà ở, đường ống, sơn, cáp điện… Để khắc phục những sai sót, tồn tại từ thời Vinashin, đội ngũ thợ cơ khí, thợ hàn, thợ mài, thợ sơn, thợ điện… của DQS đều phải kiểm tra lại tay nghề, hướng dẫn lại các quy trình quy định. Cán bộ quản lý, kỹ thuật vùi đầu vào các phòng máy tính, các tài liệu kỹ thuật để cập nhật mới các quy ước, quy phạm của ngành hàng hải, bóc tách khối lượng, bóc tách vật tư, triển khai thiết kế công nghệ để các phòng, ban thi công thực hiện. Đây là con tàu hoán cải đầu tiên được thực hiện bởi những người thợ cơ khí của DQS dưới sự quản lý, giám sát của PV Trans từ khâu thiết kế, kỹ thuật, giám sát thi công lắp đặt, chạy thử cho đến khi hoàn thiện dự án và chạy tàu ra mỏ đấu nối để vận hành tàu.

Có thể nói, việc đóng mới thành công tàu 104.000 tấn đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của DQS và ngành đóng tàu Việt Nam. Tàu đã được đăng kiểm Việt Nam (VR) và đăng kiểm quốc tế ABS (Mỹ) cấp chứng nhận, có thể vận chuyển tuyến nội địa lẫn tuyến quốc tế. Điều đó là một minh chứng điển hình cho sự nỗ lực đáng kể của DQS trong giai đoạn tái cơ cấu. Nó cũng khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong việc phát triển công nghiệp đóng tàu tại Việt Nam.

chuyen ke ve dai hung queen
FSO Đại Hùng Queen

Có thể nói, trong một thời gian không dài nhưng lĩnh vực dịch vụ dầu khí trên biển của PVN đã tiến một bước dài. Với hơn 40 dự án đảm nhận vai trò tổng thầu EPCI (từ tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng, lắp đặt, bàn giao) của Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí PTCS mà đáng nể nhất là Dự án Biển Đông 1, Dự án giàn Hải Sư đen, giàn Thăng Long và Đông Đô, giàn Công nghệ trung tâm HRD và mới đây là giàn Tam Đảo 01, giàn Tam Đảo 05 của Công ty CP PV Shipyard cùng thành công trong việc hoán cải tàu FSO Đại Hùng Queen, những đổi thay từng ngày ở DQS… đã khẳng định vị thế và trình độ của ngành cơ khí dầu khí nước ta trên trường quốc tế. 

Lời kết

Chia tay giàn Đại Hùng và FSO Đại Hùng Queen xa thẳm để về đất liền, tôi thầm cảm phục và biết ơn những con người đang lao động thầm lặng trên đất liền và trên Biển Đông để góp phần làm nên hai kỳ tích: Đại tu, bảo dưỡng giàn Đại Hùng đã từng được đánh giá 1USD và một FSO Đại Hùng Queen được coi là đống sắt vụn bỏ đi. Nếu để làm một con tính thì ngành Dầu khí Việt Nam đã mang về cho đất nước một khối tài sản khổng lồ. Chiều muộn ngồi trên máy bay về đất liền, nhìn hai công trình sừng sững bên nhau với hàng ngàn ngọn đèn li ti như một bức tranh hoành tráng, như một thành phố trên biển, tôi bâng khuâng nhớ lại khuôn mặt đầy nghị lực và lời thề dũng cảm của Tổng giám đốc Phạm Việt Anh: “Tôi sẽ từ chức nếu thất bại…”.

Vâng, không chỉ có Phạm Việt Anh của PV Trans mà đã nhiều năm nay, gần cả thế kỷ với đoạn trường tìm dầu, người dầu khí chưa bao giờ chùn bước trước khó khăn, thử thách. Họ đã đưa ngành dầu khí trở thành ngành kinh tế quan trọng, đầu tàu của cả nước. Sau chuyến đi này, tôi càng hiểu và tin rằng: Mùa xuân đất nước, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có lẽ đã và đang được khắc họa bởi chính những công trình, những dự án, những giàn khoan, những con tàu, những con người ưu tú và xuất sắc như thế này. Chưa bao giờ tôi lại yêu thương và cảm phục những người làm dầu khí như thế.

Xin được gửi đến họ một tấm lòng.  

Trần Thị Sánh

Năng lượng Mới 495

DMCA.com Protection Status