Chuyện nghề ứng phó sự cố tràn dầu

07:55 | 05/09/2013

2,585 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Từ năm 2007 tới nay, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam (NASOS) đã tiến hành xử lý, thu gom hàng ngàn tấn dầu tràn trong các sự cố, ngăn chặn được những mối nguy hại lớn đe dọa môi trường, du lịch và con người. Nhưng còn ít người hiểu về những con người đang làm công việc thầm lặng, nguy hiểm và nhiều thách thức do tính chất bất ngờ, phức tạp của các sự cố tràn dầu.

1. Nói đến sự cố tràn dầu, có lẽ đa số chúng ta có thể hình dung được hậu quả ô nhiễm môi trường và những khó khăn trong việc xử lý, thu gom những vết dầu loang khổng lồ trên biển, đất liền, nhưng ít người biết rằng, trên thực tế, sự cố tràn dầu diễn ra với mức độ phức tạp và nguy hiểm như thế nào.

Ông Huỳnh Ngọc Thừa, Trưởng ban An toàn - Chất lượng, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling), kiêm nhiệm Phó giám đốc NASOS - người dạn dày kinh nghiệm làm việc tại NASOS cho biết, cái khó nhất của công việc ứng cứu sự cố tràn dầu là tính bất ngờ, không ai biết khi nào sự cố sẽ xảy ra, khi đã xảy ra thì lại thường vào lúc thời tiết không thuận lợi, biển động, gió to, có khi vào giữa đêm, khả năng điều động tàu, thiết bị rất hạn chế… Những lúc biển động tới cấp 5, sóng đánh cao tới 2-2,5m khó có thể làm việc bên ngoài. Gió mạnh, dầu bị sóng đánh lên mặt boong gây trơn trượt, anh em phải đứng bám trụ ở ngay vị trí sóng đập để triển khai trang thiết bị, thật khó có thể lường hết những bất trắc. Đó là chưa kể môi trường làm việc khi có sự cố thường ô nhiễm nặng và nguy cơ gây cháy nổ rất cao.

Người dân lao vào hớt dầu tràn trong khi nhân viên NASOS đang xử lý

Sự cố đáng nhớ nhất mà anh Huỳnh Ngọc Thừa tham gia là lần ứng cứu tàu chở dầu Đức Trí năm 2008. Tàu bị phát hiện chìm ở vùng biển tỉnh Bình Thuận, hai ngày sau trôi dạt về vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sự cố thảm khốc này khiến 14/15 người trên tàu thiệt mạng. Con tàu không bị vỡ mà lật úp, đặc biệt ngoài lượng dầu máy bị tràn ra chừng vài chục khối thì trong thân tàu còn nguyên 1.700 tấn dầu, thách thức đội ứng cứu vừa phải cứu hộ tàu, thu gom dầu, vừa phải chống tràn dầu và tìm cách bơm hút an toàn số dầu còn lại. Xác tàu trôi cách bờ khoảng 2km, vị trí triển khai cứu hộ chỉ sâu 5-6m, khiến tàu chuyên dụng gặp nhiều khó khăn do có thể bị mắc cạn. Việc tàu trôi qua vùng biển của hai tỉnh khiến NASOS phải phối hợp với các bên liên quan tại hai nơi. Điều này gặp nhiều trở ngại do công tác thông tin, phối hợp giữa các địa phương chưa tốt. Những khó khăn đó khiến cuộc ứng cứu kéo dài tới gần 20 ngày trên biển. Cuối cùng toàn bộ số dầu trên tàu Đức Trí cũng được bơm hút đưa vào bờ an toàn, không xảy ra sơ suất nào, tránh được một mối nguy hại lớn gây ô nhiễm môi trường.

Những người làm việc có thâm niên tại NASOS cũng cho biết, tùy theo tính chất của từng loại dầu khiến công việc ứng cứu trong mỗi sự cố có độ phức tạp khác nhau. Loại dầu khó thu gom và xử lý nhất là dầu có độ nhớt cao, nặng. Sau khi loang ra trên mặt nước, chúng bay hơi rất ít (tùy theo độ nhớt) phần lớn tạo thành nhũ tương dầu nước, với thể tích 80% là nước và tạo thành các mảng nhầy lập lờ, rải rác trên biển. Loại nhũ tương này rất khó bơm hút khiến việc thu gom phải tiến hành thủ công và rất vất vả. Nếu không được thu gom kịp thời, chúng sẽ gây nguy hiểm cho tàu bè đi lại hoặc chìm xuống đáy biển, dính vào san hô, rong biển, gây ô nhiễm cả một vùng.

Trong lần xảy ra dầu tràn tại vịnh Đầm Tre, bãi Suối Ớt tận huyện đảo Côn Đảo xa xôi, một loại dầu nặng bị vón cục nhỏ như những viên kẹo tràn vào bờ, lẫn trong đất, cát, khiến các nhân viên NASOS phải hướng dẫn và phối hợp với bộ đội, người dân thu gom bằng các dụng cụ thô sơ. Một phần không nhỏ trong số 10 tấn dầu thu gom được tại đây là bằng phương pháp thủ công đó.

Với dầu nhẹ, việc thu gom có thể đơn giản hơn nhờ các thiết bị trợ giúp, nhưng lại đi kèm với nguy cơ cháy nổ cao do loại dầu này có khả năng bay hơi rất nhanh. Có lần, khi xảy ra sự cố tràn dầu diezel, người dân do thiếu hiểu biết đổ xô đi thuyền ra hớt dầu, xảy ra tình trạng tranh cướp, tàu thuyền va chạm rất lộn xộn, khi đó chỉ cần một cú ma sát tạo ra tia lửa thì chắc chắn thảm họa cháy nổ sẽ khó có thể tránh khỏi. Biết vậy, nhưng đội cứu hộ với lực lượng quá mỏng không thể ngăn chặn những đoàn ghe, tàu của người hớt dầu, vẫn phải tiếp tục bám trụ để triển khai công việc và cảnh báo nguy hiểm.

2. “Quyền rơm vạ đá” là câu nói vui nhưng khá chân thực về nghề ứng cứu sự cố tràn dầu. Tuy nhiên, không vì thế mà đội ngũ NASOS không phấn đấu đạt được những thành quả đáng tự hào trong nhiều năm qua. Được thành lập năm 2006, NASOS là đơn vị sự nghiệp khá đặc biệt do được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), nhưng có đội ngũ cán bộ của PV Drilling và chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (Vinasarcom) trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến ứng phó sự cố tràn dầu.

Ngoài nhiệm vụ chính là ứng phó kịp thời, hiệu quả các sự cố tràn dầu ở cấp độ II và cấp độ III xảy ra trên đất liền, trên biển từ tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, NASOS còn tiến hành rất nhiều hoạt động đào tạo, phối hợp giúp đỡ các địa phương nâng cao kỹ năng, chất lượng trong xử lý các sự cố tràn dầu.

NASOS triển khai phao quây dầu trong sự cố tràn dầu tàu Biển Đông 50 năm 2010 tại TP Vũng Tàu

NASOS hiện là đơn vị hàng đầu trong 3 Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam, có năng lực, cơ sở vật chất không hề thua kém các nước trong khu vực. Hiện các máy móc, trang thiết bị ứng cứu sự cố tràn dầu của NASOS chiếm tới 70% thiết bị của cả nước. Nhưng điểm đáng tự hào nhất là lực lượng con người của NASOS có tính chuyên nghiệp cao với khả năng phản ứng nhanh, do đội ngũ nhân sự kiêm nhiệm từ PVD Offshore - đơn vị trực thuộc PV Drilling đã được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn ứng phó sự cố tràn dầu. Với năng lực và kinh nghiệm của mình, NASOS đã được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn tin tưởng giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối thực hiện tuyên bố chung và chương trình khung về hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng vịnh Thái Lan, đồng thời là cơ quan đầu mối của Việt Nam thực hiện thỏa thuận hợp tác về ứng phó sự cố tràn dầu trên biển giữa Việt Nam và Philippines.

Tháng 10/2012, NASOS đã khánh thành đưa vào sử dụng căn cứ ứng phó sự cố tràn dầu tại thành phố Vũng Tàu và tàu đa năng ứng phó sự cố tràn dầu trên biển tầm hoạt động 250 hải lý (NASOS II). Cùng với tàu đa năng ứng phó sự cố tràn dầu trên biển NASOS I (tầm hoạt động 150 hải lý) đã đưa vào sử dụng từ năm 2010 và kế hoạch đầu tư thêm nhiều thiết bị chuyên dụng ứng phó sự cố tràn dầu hiện đại trong thời gian sắp tới, NASOS đang và sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ công ích ứng phó sự cố tràn dầu theo sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cũng như đáp ứng tốt nhu cầu cho các đơn vị cả trong và ngoài ngành Dầu khí, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường trong nước và quốc tế.

Thanh Loan

DMCA.com Protection Status