Chuyện về bồn chứa siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Kỳ 2)

07:22 | 15/07/2023

7,039 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Khi tôi ngồi viết những dòng này thì dòng khí siêu lạnh từ con tàu Maran Gas Achilles của hãng Shell bắt đầu bơm vào bồn, với tốc độ 11.000 m3/giờ. Và sắp tới đây, nhiều nhà máy điện và các cơ sở tiêu thụ khí sẽ được nhận dòng khí này.

Nguyễn Như Phong

Chuyện về bồn chứa siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Kỳ 1)

Chuyện về bồn chứa siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Kỳ 1)

Vào lúc 10h00 ngày 10/7/2023, con tàu Maran Gas Achilles chở chuyến hàng LNG (Khí hóa lỏng siêu lạnh) đầu tiên về Việt Nam đã tiến vào cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đánh dấu sự kiện đầu tiên và quan trọng nhất trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) - Đó là việc xây dựng và lắp đặt thành công bồn chứa khí LNG-01 lớn nhất Việt Nam.

.....

Về cơ bản, bồn tại dự án tương đương với bồn công nghệ cao trên thế giới. Trên thế giới có nhiều loại bồn khác nhau. Nhưng trong những năm gần đây, họ sẽ thường đầu tư bồn chứa dạng “full containment”.

Bồn siêu lạnh có 2 điểm quan trọng mà bất cứ nhà thầu xây dựng nào cũng phải chú ý là làm sao lắp dựng thép bồn tốt nhất và vỏ bồn bằng bê tông dự ứng lực (hay còn gọi là bê tông ứng suất trước). Lớp bê tông giữ lực này được thực hiện gắn cáp và kéo cáp giữ lực bởi các nhà thầu phụ đặc biệt. Trên thế giới chỉ có vài nhà thầu phụ đặc biệt có thể làm được việc đó như Freyssinet (Pháp), VSL (Đức)… bởi đòi hỏi kỹ thuật cao. Bồn LNG sau khi hoàn thành xong đạt độ cứng vững rất lớn, có thể chịu các cấp động đất theo tiêu chí thiết kế.

Bồn chứa LNG
Bồn chứa LNG tại kho LNG Thị Vải

Bên cạnh đó, công đoạn hàn thép bọc 9% niken của bồn có đường hàn ngang và đường hàn dọc. Trong đó, đường hàng ngang được hàn tự động, đường hàn dọc được hàn bằng tay. Sau khi hàn, mối hàn được kiểm tra bằng sóng siêu âm.

Ngoài ra, giữa lớp trong và lớp ngoài ở tầng giữa có lớp cách nhiệt. Bởi LNG bên trong bồn có nhiệt độ âm sâu, mà bên ngoài nóng. Nếu không có cách nhiệt tốt, bên trong bồn sẽ nóng lên và bên ngoài lạnh đi. Bởi vậy, lớp cách nhiệt được thi công kỹ càng, có nhiều lớp. Thứ nhất được bọc trong vách bồn lớp sợi thủy tinh/sợi bông, tiếp đến phần trống còn lại, họ sẽ đổ loại bột đá trân châu có trọng lượng nhẹ, hệ số cách nhiệt cao, được nhập khẩu để đảm bảo khoảng cách bề dày 1m để tạo rào cản về nhiệt lớn theo đúng thiết kế.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì việc xâm nhập nhiệt từ ngoài vào trong bồn cũng thường xuyên xảy ra. Vì vậy, khi lượng LNG lỏng được chứa trong bồn luôn luôn bay hơi 1 lượng nhất định, gọi là Boil Off Gas (BOG)?, làm áp suất tăng lên. Nếu mình không làm gì, đến 1 lúc nào đấy bồn sẽ vỡ bởi áp suất ngày càng tăng. Vì vậy phải xử lý BOG bằng kỹ thuật phức tạp. Đối với dự án LNG Thị Vải, chúng tôi sẽ lấy BOG ra ngoài, đưa vào hệ thống máy nén để tăng áp suất lên, đưa vào trong đường ống để cung cấp cho các hộ tiêu thụ công nghiệp xung quanh dự án, gọi là đường ống thấp áp.

Với việc nhập khẩu LNG, khi nhập từ tàu có 2 đường: top Filling và bottom Filling. Ngoài ra còn có đường Top Spray Filling để làm lạnh từ trên xuống trong giai đoạn đầu. Tùy vào vận hành mà có thể bơm từ trên hoặc bơm từ dưới.

LNG với nhiệt độ âm 162 độ C được bơm vào bồn rồi sau đó pha lỏng -162oC trở thành +5oC, lệch nhau 167oC buộc chúng tôi sử dụng thiết bị trao đổi nhiệt, bơm lượng nước biển rất lớn khoảng 5-10 nghìn m3/giờ để trao đổi nhiệt với lượng lỏng. Và cứ 1 mét khối khí hóa lỏng thì sẽ cho 600 mét khối khí khô.

Để chuẩn bị cho dự án này, PV GAS đã phải đưa người đi đào tạo từ 10 năm trước ở Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng trong các khâu thiết kế cơ sở, thiết kế thi công, các nhà thầu Nhật – Hàn đều có bí quyết của nghề riêng.

Về phía Việt Nam, Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã đưa vào đây rất nhiều thợ có tay nghề cao, đặc biệt là đội ngũ thợ hàn.

Trong tất cả các công đoạn của xây lắp bồn chứa, việc hàn các tấm thép niken là đòi hỏi cao nhất về khâu kỹ thuật.

Mỗi tấm thép có chiều cao gần 4 mét, dài 13 mét… Tất cả các mối hàn ở đây đều không được phép sai sót và được các cơ quan giám sát nước ngoài kiểm tra bằng những phương tiện hiện đại nhất như máy siêu âm mối hàn, máy chụp phim mối hàn... Việc tuyển chọn thợ hàn cũng vô cùng khắt khe. Thợ hàn phải đủ tiêu chuẩn quy định trong quy trình của ASME- Hiệp hội kỹ sư Cơ khí Mỹ và AWS - Hội Hàn Mỹ. Thợ hàn sẽ được mời đến và thực hiện theo quy trình hàn được phê chuẩn - nghĩa là làm 1 bài thi theo quy định. Nếu thi đỗ thì sẽ được cấp giấy cho phép làm việc trong dự án ở vị trí thợ hàn theo từng vị trí yêu cầu.

Chuyện về bồn chứa siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Kỳ 2)
Đồng chí Dương Mạnh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam, nguyên Chủ tịch HĐQT PV GAS kiểm tra quá trình xây dựng kho cảng

Một điều thú vị trong quá trình xây dựng dự án, Chủ tịch HĐQT Dương Mạnh Sơn (nay là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) xuất thân từ một kỹ sư hàn và ông đã tham gia vào nhiều dự án chế tạo bồn chứa khí hóa lỏng ở Việt Nam, rồi là cán bộ giám sát của Lloyd’s Register chuyên giám sát các bồn chứa khí hóa lỏng nên ông hiểu hơn ai hết về tính chất, về mức độ quan trọng của từng đường hàn trong một bể chứa khí hóa lỏng siêu lạnh.

Cho đến nay, với tất cả các bồn chứa khí hóa lỏng mà Dương Mạnh Sơn đã tham gia thi công hoặc ở vai trò cán bộ giám sát, kiểm tra thì chưa xảy ra bất cứ sự cố nào dù là nhỏ nhất.

Và cũng phải nói thêm rằng, việc chế tạo các bồn khí hóa lỏng trên thế giới luôn được áp dụng những quy trình kỹ thuật đặc biệt nghiêm ngặt; cho nên mặc dù khí hóa lỏng siêu lạnh đã có hơn nửa thế kỷ nhưng chưa xảy ra sự cố nào lớn.

Anh em kể rằng, khi những đường hàn đầu tiên kết nối những tấm thép, Chủ tịch HĐQT Dương Mạnh Sơn đã có mặt và luôn động viên anh em thợ hàn để họ toàn tâm toàn ý vào từng mi li mét đường hàn. Với các tấm thép lót thành bồn, việc thực hiện các đường hàn ngang là do máy hàn tự động; còn thực hiện các đường hàn dọc thì do thợ hàn Việt Nam, nhưng giám sát là chuyên gia Hàn Quốc. Phải mất ba ngày, thì máy hàn tự động mới chạy hết một đường hàn ngang khoảng 250 mét. Còn mối hàn dọc, thợ cao thủ nhất cũng chỉ hàn được khoảng 4-5 mét một ngày. Tổng cộng, các mối hàn dọc nếu ghép lại chiều dài thì khoảng hơn 3,5km.

Với dự án LNG-01, công tác an toàn luôn được đưa lên hàng đầu, nhưng quả thật với tôi, cách kiểm tra, giám sát về khâu an toàn của các nhà thầu trong dự án này đúng là “đến con kiến không lọt qua được”. Nhưng đó chưa phải là hết, mà có một cơ quan giám sát “ngoài luồng” còn ghê gớm hơn tất cả - đó chính là các nhà cung cấp, người bán LNG.

Khi các bên đã ký kết hợp đồng với nhau thì nhà thầu bán hàng có nguyên tắc “An toàn của bạn là lợi ích của tôi”. Nếu bạn có vấn đề gì thì lợi ích của tôi bị ảnh hưởng và ngược lại. Vì vậy, trong ngành công nghiệp LNG, tất cả các bên đều phải thực hiện công tác kiểm tra lẫn nhau. Công ty dầu khí nổi tiếng thế giới - Shell, họ đến đây và cử các chuyên gia đầu ngành kiểm tra, thẩm định tính sẵn sàng của PV GAS so với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của họ. Nếu các chuyên gia của họ đánh giá là hệ thống và con người của PV GAS còn điểm gì chưa ổn thì dù hợp đồng đã được ký kết cũng sẽ không có hiệu lực.

Về cơ bản, Shell tin tưởng PV GAS bởi chúng tôi hoạt động trong ngành Dầu khí mấy chục năm mà chưa để xảy ra mất an toàn nào lớn. Đó là lợi thế của PV GAS. Thứ 2, họ yên tâm bởi chúng tôi cũng đã học hỏi, nghiên cứu từ các chuyên gia nước ngoài trong 10 năm. Đó là những điểm cộng để Shell tin tưởng PV GAS.

Trước khi chở khí hóa lỏng đổ vào bồn, họ phải trực tiếp đến kiểm tra toàn bộ về con người, quy trình vận hành, chất lượng công trình. Họ phải khảo sát, đánh giá từng chi tiết nhỏ về khâu kỹ thuật. Họ đưa ra tình huống và yêu cầu các bộ phận có liên quan phải trả lời về phương án xử lý tình huống.

Đối với các nhà cung cấp LNG quốc tế, không có cách gì có thể mua chuộc được họ. Anh em ở các kíp vận hành đều là những người có khả năng ngoại ngữ rất tốt và được đào tạo bài bản ở nước ngoài như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và họ cũng đã từng tham gia vận hành ở một số kho lớn do các nhà thầu đưa đi đào tạo. Cho nên, họ dễ dàng vượt qua các bài kiểm tra của các nhà cung cấp.

Cuối năm 2019, tôi được đi theo Chủ tịch HĐQT PV GAS Dương Mạnh Sơn đến kiểm tra tiến độ trên công trường. Và thực sự thấy choáng ngợp trước mặt bằng đáy bồn đang được đan thép… Đáy bồn với đường kính 82 mét đang được kiểm tra kỹ từng mối dây thép, từng đường hàn để chuẩn bị cho đổ bê tông. Nắng như đổ lửa từ trên trời ụp xuống, hơi nóng từ hàng ngàn tấn thép đan làm sàn bồn chứa bốc lên khiến bầu không khí như đọng lại, ngột ngạt, bức bối…Và trên công trường, những người thợ chỉ còn hở mỗi đôi mắt vẫn làm quần quật.

***

Về tương lai của khí hóa lỏng siêu lạnh, Chủ tịch HĐQT PV GAS – ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Trước mắt, các hoạt động lớn của PV GAS phải bám sát Quy hoạch điện VIII. Và với tình hình này, để đảm bảo chủ động nguồn nhiên liệu cho các nhà máy điện khí được hình thành trong tương lai, thì phải xây dựng thêm một số kho lớn nữa. Như ở miền Trung sẽ làm kho Sơn Mỹ với công suất 3,6 triệu tấn/năm; xây dựng ở phía Tây Nam bộ, rồi phía Bắc Trung bộ... Cơ hội hợp tác là rất lớn và hiện nay cũng đã có nhiều đối tác đang muốn cùng PV GAS triển khai xây dựng các kho chứa khí hóa lỏng. PV GAS vẫn đang chọn lựa, bởi muốn hợp tác với các đối tác có cùng triết lý kinh doanh. Nếu cuối năm 2024, nhà máy điện Nhơn Trạch 3 đi vào hoạt động và năm 2025 là Nhơn Trạch 4, với bồn chứa 180.000 mét khối này còn là bé. PV GAS cũng đang xin mở rộng, nâng lên kho 3 triệu tấn”.

Chuyện về bồn chứa siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Kỳ 2)
PV GAS tiếp nhận thành công chuyến tàu LNG đầu tiên vào ngày 10/7/2023

Khi tôi ngồi viết những dòng này thì tại dòng khí siêu lạnh từ con tàu Maran Gas Achilles của hãng Shell bắt đầu bơm vào bồn, với tốc độ 11.000 m3/giờ. Và chỉ vài ngày nữa, nhiều nhà máy điện và các cơ sở tiêu thụ khí sẽ được nhận dòng khí này.

Đây sẽ là cơ hội mới cho PV GAS để góp phần quan trọng vào việc thực hiện các chương trình làm giảm thiểu khí carbon phát thải mà Việt Nam đã ký trong các công ước quốc tế.

Tuy nhiên, từ thực tế xây dựng bồn chứa LNG-01, rất mong Chính phủ, Bộ Công Thương sớm hoàn thiện cơ chế để PV GAS và PVN xây dựng được các khu kho chứa khí hóa lỏng LNG tiếp theo.

Chuyện về bồn chứa siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Kỳ 2)
Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong

Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong: Việc nhập khẩu LNG của PV GAS là một hành trình rất dài và để đưa được chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam là cả một sự nỗ lực và hành trình cố gắng rất lớn của đội ngũ CBCNV PV GAS. Tuy nhiên, đưa được LNG về và tạo được cơ chế cho LNG phát triển lại là một câu chuyện rất khác. Chính vì vậy, trong tương lai mà đặc biệt là trong tương lai gần thì PV GAS rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan và các hộ tiêu thụ để có thể xây dựng được cơ chế đưa LNG ra thị trường.

N.N.P

PV GAS hoàn tất công tác chuẩn bị tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt NamPV GAS hoàn tất công tác chuẩn bị tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam
Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên đã cập bến Thị Vải sáng ngày 10/7/2023Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên đã cập bến Thị Vải sáng ngày 10/7/2023
Hăng say lao động, miệt mài cống hiến để vượt qua khó khăn, thực hiện chuỗi dự án LNG Thị VảiHăng say lao động, miệt mài cống hiến để vượt qua khó khăn, thực hiện chuỗi dự án LNG Thị Vải
Tổng lực cho “chiến dịch” đón chuyến tàu LNG đầu tiên đến Việt NamTổng lực cho “chiến dịch” đón chuyến tàu LNG đầu tiên đến Việt Nam

DMCA.com Protection Status