Chuyện về bồn chứa siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Kỳ 1)

14:14 | 14/07/2023

8,079 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Vào lúc 10h00 ngày 10/7/2023, con tàu Maran Gas Achilles chở chuyến hàng LNG (Khí hóa lỏng siêu lạnh) đầu tiên về Việt Nam đã tiến vào cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đánh dấu sự kiện đầu tiên và quan trọng nhất trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) - Đó là việc xây dựng và lắp đặt thành công bồn chứa khí LNG-01 lớn nhất Việt Nam.

Phóng sự này sẽ giúp bạn đọc thêm hiểu về quá trình xây dựng bồn LNG-01- Một kỳ tích mới của PV GAS.

Nguyễn Như Phong

----

Chuyện về bồn chứa siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Kỳ 1)
Tác giả Nguyễn Như Phong tại dự án LNG Thị Vải

Sau 5 lần nghỉ giữa chừng và được sự hò hét, động viên của anh Nguyễn Hùng Tiến, Trưởng phòng An toàn Công ty Quản lý Dự án khí, cuối cùng tôi cũng vượt qua được 284 bậc thang để lên được đỉnh bồn chứa khí siêu lạnh LNG-01 mà PV GAS vừa đưa vào vận hành thử nghiệm.

Mà số tôi cũng may. Chỉ chậm 1 ngày nữa thôi, thì tôi không thể “nghênh ngang” lỉnh kỉnh máy ảnh đi vào khu kho này, bởi từ ngày 1/7, toàn bộ việc giám sát hoạt động tại đây sẽ do các nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm. Và lúc ấy, muốn vào chụp ảnh, phải học một “cua” ba ngày và các phương tiện hành nghề phải được kiểm tra, dán tem bảo đảm.

Dự án Kho 1 triệu tấn LNG Thị Vải là công trình triển khai trong suốt cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19
Dự án Kho 1 triệu tấn LNG Thị Vải là công trình triển khai trong suốt cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19

Đứng trên độ cao 54m này, tôi có thể phóng tầm mắt tới Vũng Tàu, tới tổ hợp hóa dầu Long Sơn, nhìn rõ như trong lòng bàn tay cảng Thị Vải và nhiều khu xăng dầu khác. Và nhìn xuống dưới thì thấy những bồn chứa khí hóa lỏng 30.000 tấn nằm cách bồn LNG-01 chỉ dăm trăm mét như những quả trứng chim cút so với quả trứng vịt.

Một cảm giác lâng lâng khó tả khi được đứng trên nóc bồn chứa khí hóa lỏng siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Tất nhiên, trên thế giới còn có những bồn lớn hơn nhiều) và thấy cảm phục ý chí, nội lực và trí tuệ người dầu khí… Họ đã chế tạo được những giàn khoan danh tiếng từ Tam Đảo 01 đến 03; chế tạo được giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm PVD V; chế tạo, lắp đặt và vận hành những giàn khai thác khổng lồ như BIENDONG-01; khai thác được dầu ở những nơi như sa mạc Shahara, như ở cực Bắc nước Nga… Và nay là bồn chứa khí “khủng”.

Xin ngã mũ kính chào đội ngũ cán bộ, công nhân và người lao động của Tổng Công ty Khí Việt Nam; của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC); … Họ đã làm nên một kỳ tích mới cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Và họ đã chứng minh cho một quyết tâm là : “Không có gì là không thể”. Đến thời điểm này, bồn chứa khí siêu lạnh LNG-01 do Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là chủ dự án đang là bồn chứa khí lớn nhất Việt Nam với sức chứa khả dụng là 180 ngàn mét khối khí hóa lỏng ở nhiệt độ âm 162 độ C, còn nếu đổ đầy “tận nóc” thì có thể đến 200 ngàn mét khối.

Để bạn đọc hình dung được sức chứa khủng khiếp của bồn chứa khí LNG-01 mới xây dựng xong, ta có thể ví dụ thế này: để đổ khí hóa lỏng đầy bồn 180.000 m3, thì phải cần 9.000 chiếc xe bồn chở khí hóa lỏng với khối lượng mỗi xe 20 tấn và nếu xếp hàng số xe này trên đường sẽ dài 75km!

Số lượng khí hóa lỏng nếu được “bung ra” thì là khoảng 108 triệu mét khối, và đủ cho hai nhà máy điện khí với công suất 100 MW chạy trong 1 tháng!

Theo những thông số kỹ thuật đã được công bố thì bồn chứa khí LNG có đường kính đáy 82m, cao 50m (Và nếu tính cả thiết bị lắp trên nóc bồn thì phải gần 55 mét. Diện tích bằng 2/3 sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế.

Để xây dựng bồn, người ta đã phải dùng 3.500 tấn thép loại siêu tốt, 30 ngàn mét khối bê tông

Bồn có thành dày 2 mét, phía trong cùng được lót bằng các tấm thép pha 9% Niken, ở giữa được lắp đặt nhiều lớp cách nhiệt bông thủy tinh và đổ bột đá cách nhiệt Trân Châu để đảm bảo độ cách nhiệt thật tốt.

Sở dĩ loại đá này có cái tên sang trọng như vậy chẳng phải do là đá trang sức mà là một loại bột đá rất nhẹ có tác dụng cách nhiệt đặc biệt.

Toàn bộ bồn được đặt trên 1.552 chiếc cọc bê tông có đường kính 60cm và đóng sâu vào lòng đất 50 đến 60 mét.

Bồn được thiết kế cơ sở do công ty Nhật là Tokyo Gas Engineering. Công ty này là công ty danh tiếng bậc nhất ở Nhật trong chế tạo bồn chứa khí hóa lỏng. Và họ làm từ năm 1969. Công ty Whessoe Engineering (UK) làm thiết kế bồn chi tiết, còn thiết kế thi công các hạng mục công trình là do một công ty thuộc Tập đoàn Samsung đảm nhiệm.

Và kinh phí cho toàn bộ dự án này là 285 triệu USD.

Xin tạm cung cấp vài con số khô khan nhưng rất có hồn, để bạn đọc hình dung ra cái bồn lớn như thế nào.

Để xây dựng bồn, người ta đã phải dùng 3.500 tấn thép loại siêu tốt, 30 ngàn mét khối bê tông
Để xây dựng bồn đã phải dùng 3.500 tấn thép loại siêu tốt, 30 ngàn mét khối bê tông

Trở lại lịch sử của việc xây lắp bồn LNG-01

Từ năm 2007, PV GAS đã bàn việc nhập khẩu khí hóa lỏng về cho các nhà máy điện, nhưng đó mới chỉ là nhập khí LPG với nhiệt độ chỉ khoảng -40 độ C. Để nhập được khí LNG, thì đó lại là một công nghệ khác và đòi hỏi sự đầu tư rất lớn; hơn nữa LNG là nguồn nhiên liệu mới cho nên PV GAS và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xây dựng Chiến lược nhập khẩu khí LNG. Tuy nhiên, việc này đã vấp phải những khó khăn vô cùng lớn, bởi đây là một thị trường mới, Việt Nam chưa có cơ chế chính sách gì cho loại khí siêu lạnh này. Chính vì vậy, khi bắt tay vào làm kho chứa LNG ở Thị Vải thì gặp vô vàn những trở ngại, trong đó quan trọng nhất là cơ chế.

Ngày 29/10/2019, Dự án xây dựng bồn chứa khí hóa lỏng LNG chính thức được khởi công sau gần 10 năm hoàn thiện các thủ tục.

Cho đến nay, nhiều cán bộ đã từng tham gia xây lắp bồn LNG-01 vẫn “kinh hoàng” khi phải đi hoàn thiện các loại thủ tục, giấy tờ của đủ các bộ ngành để có được giấy phép làm bồn. Khổ là vì Việt Nam chưa từng chế tạo bồn chứa khí hóa lỏng lớn thế này, nên các quy định liên quan đều chưa có. Thế là cái gì cũng phải chờ, phải đợi bổ sung, cân nhắc. Trưởng phòng An toàn Nguyễn Hùng Tiến không thể nhớ nổi đã phải bay ra Hà Nội bao nhiêu lần chỉ để giải trình các vấn đề kỹ thuật mang tính chuyên ngành.

NLĐ DAK và các đồng đội đã không ngừng lao động dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách
PV GAS đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách trong quá trình triển khai dự án

Sau khi khởi công, toàn công trường lao vào làm 3 ca. Mọi việc đang “ngon trớn” thì đùng một cái, vào tháng 3 năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát. Các quy định của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về chống dịch cực kỳ nghiêm ngặt. Lúc này chỉ cần 1 người trong số khoảng 1.000 công nhân đang có mặt trên công trường mắc COVID-19 là cả công trường bị đình lại ngay.

Với phương châm “3 tại chỗ”: Hậu cần tại chỗ, Chỉ huy tại chỗ; Nhân lực tại chỗ..., Ban quản lý dự án cũng như lãnh đạo PV GAS đã phải xuống ở cùng anh em để mọi người yên tâm làm việc. Vì thế mới có chuyện một cán bộ làm việc ở công trường chỉ cách nhà 30km mà 3 tháng không thể về nhà.

Trong những ngày dịch bệnh, việc đưa đón các chuyên gia từ nước ngoài vào dự án cũng là những câu chuyện rất không đơn giản với đủ loại thủ tục với tầng tầng lớp lớp các loại giấy tờ, khi chuyên gia vào phải cách ly... Nhưng tất cả những chuyện đó, Ban quản lý dự án đã vượt qua hết và điều kỳ lạ đến mức không ai có thể hiểu nổi là trong suốt thời gian dịch bệnh, toàn bộ công trường xây dựng bồn chứa khí hóa lỏng LNG-01 không hề có một người nhiễm COVID-19. Mà số lượng người trên công trường đâu có lúc lên tới 1500 người.

Tôi có hỏi một cán bộ BQL dự án, ngoài những biện pháp phòng chống dịch đã được ban hành, BQL còn áp dụng biện pháp nào khác? Anh nghĩ một lúc rồi bảo: “Chúng em có một biện pháp - đó là “thành tâm”: Chúng em thành tâm cầu xin các vong linh các vong hồn liệt sĩ ở khu vực này phù hộ cho con cháu được bình an để xây dựng công trình”.

Đúng là chuyện tâm linh nhiều cái không thể đùa được!.

Chuyện về bồn chứa siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Kỳ 1)

Ông Trần Văn Du – Giám đốc Công ty Quản lý dự án khí là người có “thâm niên” làm giám đốc tới 9 năm cũng cho biết, chưa có một dự án nào mà anh phải chịu áp lực khắt khe như dự án này. Mặc dù PV GAS là đơn vị đã có hơn 30 năm làm trong lĩnh vực cung cấp và sử dụng khí hóa lỏng, nhưng với khí LNG là lĩnh vực mới.

...

(Xem tiếp Kỳ 2)

Chuyện về bồn chứa siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Kỳ 2) Chuyện về bồn chứa siêu lạnh lớn nhất Việt Nam (Kỳ 2)

N.N.P

Tổng lực cho “chiến dịch” đón chuyến tàu LNG đầu tiên đến Việt NamTổng lực cho “chiến dịch” đón chuyến tàu LNG đầu tiên đến Việt Nam
[PetroTimesTV] PV GAS tiếp nhận tàu chở 70.000 tấn LNG đầu tiên[PetroTimesTV] PV GAS tiếp nhận tàu chở 70.000 tấn LNG đầu tiên
Hăng say lao động, miệt mài cống hiến để vượt qua khó khăn, thực hiện chuỗi dự án LNG Thị VảiHăng say lao động, miệt mài cống hiến để vượt qua khó khăn, thực hiện chuỗi dự án LNG Thị Vải
Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư Dự án Kho cảng LNG Sơn MỹBình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ

DMCA.com Protection Status