Thị trường chứng khoán 2020

Cơ hội nào cho cổ phiếu dầu khí?

09:00 | 19/01/2020

1,937 lượt xem
|
(PetroTimes) - Năm 2019, thị trường chứng khoán đã hồi phục khả quan khi từ mốc 860-870 điểm đầu năm lên vùng 960 điểm giữa tháng 12, mặc dù VN-Index vẫn chưa vượt qua vùng 1.000 điểm một cách thuyết phục. Niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2019-2022 đã khiến khối nội mua vào tốt hơn trong khi khối ngoại đẩy mạnh bán ròng.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau giai đoạn tăng trưởng âm năm 2018 đã có sự hồi phục tốt vào năm 2019. VN-Index đã tăng khoảng 11,6% dù diễn biến điều chỉnh dài lên - xuống của thị trường quanh khu vực 940-1.000 điểm. Dòng tiền nội được duy trì tốt trong khi thiếu vắng dòng tiền ngoại.

co hoi nao cho co phieu dau khi
Nhóm cổ phiếu dầu khí được kỳ vọng cải thiện lợi nhuận nhờ việc mở rộng các hoạt động dịch vụ dầu khí

Một trong những nguyên nhân khiến TTCK giao dịch chưa thực sự tích cực năm qua phải kể đến tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài trên các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản sôi động cũng phần nào khiến thị trường cổ phiếu thiếu dòng tiền hỗ trợ, tham gia vào các cổ phiếu lớn. Hơn nữa, TTCK phái sinh rất sôi động đã phần nào thu hút sự quan tâm của một bộ phận nhà đầu tư khiến lực cầu mua bị chi phối và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Năm 2019, TTCK vẫn chỉ loanh quanh khu vực “cứ điểm” quan trọng 1.000 điểm và ghi nhận chuỗi phiên sụt giảm mạnh đầu tháng 12-2019 về mốc 960 điểm. Cho dù dự báo TTCK tăng điểm, hướng tới mốc 1.200 điểm hoặc thậm chí vượt qua “đỉnh” trong một vài năm tới, nhưng trong ngắn hạn - năm 2020 - chúng ta vẫn chưa thể kỳ vọng vào đợt hồi phục mạnh mẽ, thay vào đó, TTCK sẽ tích lũy để đi lên tới các vùng điểm quan trọng như 1.080, 1.100 và quay trở lại mốc 1.200 điểm trong năm 2020.

VN-Index sẽ chạm mốc 1.200 điểm

Nếu không tính các giao dịch thỏa thuận thì khối ngoại đã bán ròng là chủ yếu trong cả năm 2019. Xu hướng bán ròng của khối ngoại từ đầu năm là tín hiệu khá lo ngại đối với xu hướng TTCK đầu năm 2020.

Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Phân tích Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI), khối ngoại có khả năng mua ròng mạnh hơn trong giai đoạn cuối năm khi mà các quỹ đầu cơ, các quỹ ETFs đồng loạt giải ngân đón sóng nâng hạng TTCK giai đoạn 2021-2022.

co hoi nao cho co phieu dau khi

Dù TTCK Việt Nam đã đạt đỉnh 1.200 điểm vào đầu tháng 4-2018 và điều chỉnh quanh vùng 940-980 điểm cho đến nay, điều này được đánh giá là khá bình thường. Nếu năm 2007, VN-Index đạt điểm cao nhưng thanh khoản thấp và quy mô thị trường khiêm tốn, thì đến cuối năm 2019 đã vượt xa. Tính đến hết tháng 10-2019, vốn hóa thị trường đã đạt hơn 4 triệu tỉ đồng (không tính trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp).

Kinh tế tăng trưởng, vốn hóa TTCK gia tăng theo thời gian và chỉ số chứng khoán cũng hứa hẹn lên các điểm cao mới. Phân tích tình hình biến động, độ rộng của TTCK cũng như diễn biến tăng giá của các nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, xây dựng, tiêu dùng, tiện ích, VN-Index vẫn đang trong xu thế tăng điểm trung hạn, đó là cơ sở để chúng ta nhìn vào xu hướng tích cực của TTCK thời gian tới.

Nhiều yếu tố tích cực vẫn đang ủng hộ TTCK Việt Nam tăng điểm trong năm 2020. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index vẫn có khả năng quay trở lại mốc 1.200 điểm. VN-Index có thể hồi phục tốt giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5-2020 khi quay lại mốc

1.000-1.040 điểm; từ tháng 8 đến tháng 12, VN-Index có thể tăng tốc trở lại mốc 1.200 điểm, với điều kiện kinh tế vĩ mô không có nhiều cú sốc bất ngờ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giảm nhiệt, khối ngoại quay trở lại mua ròng...

Triển vọng của nhóm doanh nghiệp dầu khí

Theo ông Đỗ Trung Thành, Phó trưởng phòng Phân tích doanh nghiệp PSI, nhóm doanh nghiệp dầu khí được kỳ vọng cải thiện lợi nhuận nhờ việc mở rộng các hoạt động dịch vụ dầu khí. Tuy vậy, rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn có thể xảy ra do TTCK Việt Nam phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố để có thể thu hút dòng tiền.

Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - cổ phiếu GAS) đang nắm vị thế độc quyền với 100% thị phần khí thiên nhiên và giữ vị thế số 1 thị trường bán buôn LPG. Tuy nhiên sản lượng các mỏ khí gần bờ của PV GAS đang sụt giảm. Việc mỏ Phong Lan Dại được đưa vào khai thác đầu năm 2019 cùng với Dự án Nam Côn Sơn 2 có thể sẽ giúp bù đắp thiếu hụt nguồn khí. Cùng với đó, PV GAS đang triển khai thi công kho LNG tại Thị Vải giai đoạn 1 với sức chứa 1 triệu tấn sẽ tạo động lực tăng trưởng cho PV GAS trong các năm sau.

Một cổ phiếu luôn thu hút được sự quan tâm của TTCK là PVS của Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), doanh nghiệp cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng cho cả doanh nghiệp thượng nguồn lẫn hạ nguồn ngành Dầu khí. Các mảng kinh doanh dịch vụ của PTSC đa dạng như: Dịch vụ xây lắp các công trình dầu khí; cho thuê dịch vụ kho nổi FSO/FPSO; dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí; dịch vụ căn cứ cảng; khảo sát địa chất. Thực tế, PTSC đã trải qua một chu kỳ khó khăn do việc chậm hoặc ngừng triển khai các dự án dầu khí kể từ cú sốc giá dầu năm 2014. Cho đến nay, các dự án đã bắt đầu triển khai trở lại, trong đó khả thi trong năm 2020 là Dự án Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2. Các hoạt động khác sẽ tiếp tục ổn định nhờ vào triển vọng khả quan của ngành Dầu khí.

Mặc dù ngành Dầu khí đứng trước nhiều cơ hội tươi sáng nhưng vẫn tiềm ẩn không ít yếu tố khó lường. Đó là biến động của địa chính trị khu vực và thế giới khiến giá dầu khó dự báo. Mặc dù mới đây nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng sâu hơn với mức giảm 1,7 triệu thùng/ngày kể từ 1-1-2020, nhưng sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ vẫn tăng lên mức kỷ lục cùng với nhu cầu tiêu thụ dầu dự báo tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại tác động tới giá dầu.

Nền tảng giá dầu thấp sẽ dẫn tới các kế hoạch thăm dò, khai thác mới gặp nhiều khó khăn. Các kế hoạch thăm dò, khai thác mới chưa được triển khai sẽ kéo theo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và thiết bị liên quan sẽ gặp khó. Mảng khí đốt tuy chịu chung khó khăn thượng nguồn như mảng dầu thô, nhưng có nhiều động lực tăng trưởng tốt hơn.

Nhiều yếu tố tích cực vẫn đang ủng hộ TTCK Việt Nam tăng điểm trong năm 2020. VN-Index có thể hồi phục tốt giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5-2020 khi quay lại mốc 1.000-1.040 điểm; từ tháng 8 đến tháng 12, VN-Index có thể tăng tốc trở lại mốc 1.200 điểm, với điều kiện kinh tế vĩ mô không có nhiều cú sốc bất ngờ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giảm nhiệt, khối ngoại quay trở lại mua ròng...

Minh Châu

DMCA.com Protection Status