Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Nhà nước

08:36 | 18/12/2015

3,749 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Tư Pháp phối hợp cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội thảo về Hội nhập Kinh tế Quốc tế - Cơ hội và thách thức. Phóng viên Năng lượng Mới đã ghi lại một số ý kiến.

Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn: Điều cốt lõi vẫn là năng lực cạnh tranh của DNNN

co hoi va thach thuc cua doanh nghiep nha nuoc

Trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, trong đó đáng kể là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Sắp tới đây sẽ là những FTA thế hệ mới với một loạt các đối tác thương mại hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU… được ký kết.

Các hiệp định này mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn. Đồng thời thông qua việc thực thi các cam kết, trong đó môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tự do sáng tạo, kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất nước.

Hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cũng đưa ra các cam kết chung đối với từng hiệp định thương mại gồm cam kết về thuế nhập khẩu, cam kết về thuế xuất khẩu, cam kết về dịch vụ và đầu tư; cam kết về mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường. Bên cạnh đó, các quốc gia trên thế giới cũng có những cam kết đối với Việt Nam. Cụ thể, đối với hiệp định TPP, các nước cam kết xóa bỏ thuế quan cho khoảng 97-100% số dòng thuế trong biểu thuế, xóa bỏ hầu hết thuế xuất khẩu ngoại từ 70 sản phẩm còn giữ thuế bao gồm một số khoáng sản, quặng, than, vàng. Hay như hiệp định EVFTA, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với hàng hóa của người Việt Nam thuộc 85,6%  số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.

co hoi va thach thuc cua doanh nghiep nha nuoc
Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" cho 4 đồng chí 

Khi hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cũng là một đối tượng điều chỉnh quan trọng và chịu ảnh hưởng của một số hiệp định thương mại như TPP hay EVFTA và DNNN cũng phải chịu một số nghĩa vụ cơ bản khi tham gia các hiệp định thương mại với những nguyên tắc nhất định.

Thứ nhất, DNNN phải hoạt động dựa trên tính toán thương mại thuần túy. Theo nguyên tắc này, trừ trường hợp DNNN thực hiện nhiệm vụ công ích hoặc được Nhà nước chỉ định độc quyền trên một thị trường nhất định, DNNN phải ra các quyết định kinh doanh dựa trên “tính toán thương mại”. Nói cách khác, các DNNN phải dựa trên các tiêu chí mang tính thương mại như giá cả, chất lượng, khả năng cung ứng, tiếp thị, vận tải… hoặc giữa những yếu tố khác tương tự như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác khi ra các quyết định kinh doanh.

Thứ hai, DNNN không được phân biệt đối xử khi mua bán hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, DNNN không được phân biệt đối xử khi mua bán với doanh nghiệp từ một thành viên TPP khác hoặc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của nước thành viên TPP khác. Trường hợp doanh nghiệp được chỉ định độc quyền thì nghĩa vụ này còn bao gồm cả việc không được lợi dụng vị thế để thực hiện các hoạt động phản cạnh tranh trên thị trường không do mình độc quyền. Thứ ba, DNNN phải tuân thủ nghĩa vụ vủa Hiệp định khi được Nhà nước ủy quyền.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần cam kết không hỗ trợ phi thương mại riêng, chủ yếu cho DNNN tới mức có thể gây ra tác động tiêu cực tới lợi ích của thành viên TPP khác; cơ quan hành chính Nhà nước phải hành xử khách quan trong quản lý, điều hành DNNN. Ngoài ra, tòa án nội địa phải xử lý các khiếu kiện đối với các công ty con của DNNN nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ mình và cần minh bạch hóa các thông tin cơ bản về DNNN.

Tuy nhiên, cam kết từ hội nhập và chương trình cải cách DNNN của Nhà nước thực ra là một, chứ không tạo thêm gánh nặng mới và có diện áp dụng nhất định. Điều cốt lõi của việc hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là ở năng lực cạnh tranh của chính DNNN, điều này quyết định vai trò đầu tàu và chủ đạo của DNNN.

Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Kiên: Nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện

co hoi va thach thuc cua doanh nghiep nha nuoc

Về việc tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư, các hiệp định (hiệp định đầu tư song phương) BIT quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể kiện Nhà nước Việt Nam ra tòa án trong nước hoặc trọng tài quốc tế đối với các tranh chấp liên quan đến khoản đầu tư được bảo hộ. Về cơ bản, cho phép nhà đầu tư của một nước ký kết có thể kiện Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước của một nước tiếp nhận đầu tư ra các thiết chế trọng tài quốc tế như ISCID, UNCITRAL hoặc thiết chế trọng tài vụ việc khác theo thỏa thuận của các bên nếu thấy rằng Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước của nước tiếp nhận đầu tư vi phạm các cam kết trong hiệp định.

Do phạm vi cam kết về bảo hộ đầu tư trong các BIT và FTA thế hệ mới là khác nhau nên phạm vi các tranh chấp được đưa ra giải quyết tranh chấp theo các Hiệp định này là khác nhau. Với BIT, nhà đầu tư chỉ có thể kiện nước nhận đầu tư nếu có bằng chứng cho rằng nước nhận đầu tư vi phạm các cam kết trong hiệp định đối với các khoản đầu tư đã hoặc đang thực hiện. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này hầu như không có quyền kiện Nhà nước nhận đầu tư liên quan đến hoạt động tiền đầu tư như cấp phép.

Với FTA, đặc biệt là TPP, nhà đầu tư có thể kiện Nhà nước nhận đầu tư theo cơ chế hiệp định nếu có bằng chứng cho rằng Nhà nước nhận đầu tư vi phạm các cam kết trong hiệp định liên quan đến cấp phép.

Việt Nam với tư cách là nước nhận đầu tư thì quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư có ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam. Với các cam kết như trong Hiệp định TPP, trường hợp Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước Việt Nam vi phạm các cam kết của mình liên quan đến đối xử công bằng thỏa đáng, không phân biệt đối xử, không quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư, kể cả việc không thực hiện tốt văn bản quy phạm pháp luật trong nước liên quan đến các nội dung này, vi phạm liên quan đến chấp nhận đầu tư hoặc một thỏa thuận đầu tư cụ thể giữa cơ quan Nhà nước với nhà đầu tư, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kiện Nhà nước, Chính phủ hoặc cơ quan Nhà nước ra trọng tài quốc tế.

Do Việt Nam chưa tham gia Công ước Washington về Giải quyết tranh chấp đầu tư giữa một nước thành viên với nhà đầu tư của một nước thành viên khác. Do vậy, khi có tranh chấp, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể kiện Nhà nước Việt Nam theo trọng tài vụ việc hoặc các thiết chế trọng tài thường trực khác do các bên thỏa thuận. Trong quá trình giải quyết công việc, cần đúng pháp luật, đúng cam kết, đúng quy trình, thủ tục, đúng thẩm quyền. Khi phát sinh tranh chấp, cần tìm hiểu lý do, cơ sở pháp lý, trao đổi với nhà đầu tư, phối hợp các cơ quan liên quan.

Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Văn Đạt: Công tác pháp chế đóng vai trò quan trọng

co hoi va thach thuc cua doanh nghiep nha nuoc

Theo ông Trần Văn Đạt, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), thời gian qua, kết quả hoạt động của khối DNNN đã góp phần chủ yếu và quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Trong đó các DN giữ vai trò then chốt của nền kinh tế quốc gia như: Dầu khí, than, xăng dầu, khoáng sản, dệt may, bưu chính viễn thông…, đóng góp 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia, đảm bảo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động. “Thành công của các DN này trong hội nhập quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến thành công chung Việt Nam trong hội nhập. Trong đó có vai trò, đóng góp không nhỏ của tổ chức pháp chế, người làm công tác pháp chế doanh nghiệp.

Thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 15-8-2015, trên cơ sở Nghị định 55/2011/NĐ-CP và nhu cầu DN, các tổ chức pháp chế trong các DN nhà được được kiện toàn mạnh mẽ. Trong tổng số 33 DN ở Trung ương đã hình thành được 21 tổ chức pháp chế độc lập. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện có 1.260 người làm công tác pháp chế, có thể nói công tác pháp chế dần trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho lãnh đạo các DN trong điều hành, chỉ đạo hoạt động SXKD, đảm bảo hoạt động của DN thực hiện trong hành lang pháp lý an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật.

Bên cạnh vai trò quan trọng trong công tác pháp chế, cũng còn tồn tại một số bất cập. Thứ nhất, đó là việc kiện toàn tổ chức, qua báo cáo còn nhiều DN mới chỉ bố trí được người làm công tác pháp chế chuyên trách, một số nơi chỉ bố trí làm kiêm nhiệm, đội ngũ làm công tác pháp chế còn thiếu và yếu, thậm chí là chưa có. Những bất cập, vướng mắc đó nguyên nhân được chỉ ra là do nhận thức của lãnh đạo về vị trí, vai trò của pháp chế còn hạn chế, có nơi mang tính hình thức, dẫn đến các vi phạm pháp luật trong hoạt động DN.

Bản thân người làm công tác pháp chế chưa phát huy được khả năng của mình trong tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo, nhiều DN chưa có chế độ đãi ngộ tốt với người làm pháp chế… Để công tác pháp chế phát huy vai trò trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò công tác pháp chế trong DNNN; quan tâm đầu tư nguồn lực, củng cố, kiện toàn tổ chức, đồng thời đặt ra yêu cầu với người làm công tác pháp chế tự nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, chủ động tham mưu các vấn đề pháp lý cho lãnh đạo DN. Về phía Bộ, tiếp tục hoàn thiện với các bộ, ngành hoàn thiện công tác pháp chế DNNN cho phù hợp với thực tiễn.

Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trần Toàn Thắng: Chúng ta chưa tận dụng hết cơ hội

co hoi va thach thuc cua doanh nghiep nha nuoc

Nhận thức rõ chủ trương mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế giới là chủ trương xuyên suốt trong các văn kiện, thể hiện rõ quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng với vấn đề hội nhập quốc tế. Đây là nền tảng cho các văn bản pháp luật ban hành sau đó, cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động hội nhập. Theo ông Trần Toàn Thắng tiến trình hội nhập của Việt Nam nhìn chung được đánh giá là nhanh, có thành tựu nhất định, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thương mại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Có thể nói, thương mại quốc tế có những bước tiến vượt bậc, tính từ 1986-2014, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 170 lần, xuất khẩu đạt mốc 150 tỉ USD và một số mặt hàng đứng thứ hạng cao như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản…

Nước ta chuyên từ nhập siêu sang xuất siêu. Nếu như các năm trước 2010 Việt Nam nhập siêu ở mức độ khá thì trong 3 năm trở lại đây chúng ta bắt đầu có dấu hiệu xuất siêu. Năm 2014 xuất siêu đạt mức 2.14 tỉ đô, thể hiện được tiến bộ trong xuất khẩu, cải thiện được cán cân thương mại. Các doanh nghiệp FDI đóng góp gần 70% xuất khẩu của Việt Nam.

Về thu hút nguồn vốn ODA, Việt Nam đã có trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương cung cấp vốn vay và ưu đãi cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Tính đến hết năm 2013, tổng ODA thu hút khoảng 81 tỉ USD, trong đó giải ngân đạt 40,3 tỉ USD. Đóng góp tích cực vào tăng trưởng của Việt Nam, giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng hạ tầng, phát triển con người, bảo tồn thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu.

Hiện Việt Nam đã xây dựng quan hệ ngoại giao cùng 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, đối tác toàn diện với 11 nước. Hội nhập đã góp phần vào tăng trưởng đạt 7,34% trong giai đoạn 1991-2011.

Đặc biệt, khi gia nhập WTO, nước ta đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, riêng 2007 đạt 8,46%, cơ cấu kinh tế được cải thiện nhiều mặt, chuyển dịch nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, Việt Nam thoát ra khỏi các quốc gia kém phát triển. Có thể thấy, thương mại là thành tựu lớn nhất trong quá trình hội nhập, xuất khẩu không ngừng tăng, là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, hội nhập đã và đang đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức, đòi hỏi phải cân nhắc và giải quyết. Đó là chúng ta chưa tận dụng hết cơ hội, lợi ích. Ví dụ, nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ DN biết đến các hiệp định FTA không nhiều, có tới 75% DN không biết về cộng đồng AEC, một số ít DN biết về các hiệp định với EU hoặc giữa ASEAN và các đối tác. Cho đến nay, mặc dù Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, nhưng chưa có chiến lược phù hợp để bảo hộ DN trong nước trong cuộc chiến cạnh tranh bất cân xứng giữa DN nhỏ và vừa của Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia, giữa hàng hóa Việt Nam với hàng hóa nước ngoài.

Một mặt nữa, có thể thấy các hoạt động quốc tế chưa được triển khai một cách đồng bộ giữa các lĩnh vực khác nhau trong một chiến lược tổng thể. Có nhiều vấn đề mặc dù là điều kiện cốt lõi đảm bảo cho thành công của hội nhập (ví dụ như nguồn nhân lực) lại chưa được cải thiện đồng bộ với tốc độ hội nhập, ngoài ra kéo theo thị trường dịch vụ chưa tương xứng, làm cho khu vực dịch vụ kém phát triển. Các nhóm ngành dịch vụ liên quan trực tiếp đến thương mại, bảo hiểm sức cạnh tranh còn thấp trong nước dẫn đến hạn chế rất nhiều.

Định hướng về chiến lược hội nhập trong thời  gian tới. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong một số trường hợp, hội nhập kinh tế quốc tế còn mang tính bị động, bị lôi cuốn theo tình thế và yêu cầu chính trị, chưa có nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn trong khi sự chuẩn bị của nước ta chưa cao. Bởi vậy, một số giải pháp cần thực hiện đó là tăng cường, quán triệt nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế với các DN và toàn dân. Phải coi hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Nhân dân là chủ thể của hội nhập, người được hưởng thành quả và cũng là chịu tác động từ hội nhập; Gắn kết hơn nữa với quá trình đổi mới kinh tế xã hội trong nước để nâng cao hiệu quả và tăng cường sự thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung; Hội nhập kinh tế cần được đặt trong mối quan hệ hài hòa với hội nhập trong các lĩnh vực khác nhưng HNQT phải là trọng tâm, cần đi trước một bước.

Trưởng ban Pháp chế PVN Phan Anh Minh: Sử dụng trọng tài thương mại

co hoi va thach thuc cua doanh nghiep nha nuoc

Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam khi hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu đó là sự rủi ro, tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều. Kinh nghiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thấy, thời gian qua trọng tài thương mại quốc tế đang là hình thức được Tập đoàn lựa chọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến các hợp đồng dầu khí, thương mại bởi tính khách quan, độc lập, chuyên nghiệp, hơn cả là phán quyết chung thẩm.

Kinh nghiệm đã chỉ rõ, thứ nhất, hình thức này mang tính linh hoạt, nhanh chóng. Thứ hai, phán quyết của trọng tài thường khách quan, chính xác, có độ tin cậy. Thứ ba, tính bảo mật thông tin cao, bởi bí mật nghề nghiệp, uy tín trên thương trường có ý nghĩa sống còn đối với DN, mang nhiều ưu điểm hơn so với nguyên tắc xét xử công khai. Cuối cùng là quyết định trọng tài có giá trị đối với các bên, nghĩa là có hiệu lực thi hành ngay, các bên không có quyền kháng cáo hay kháng nghị. Chưa kể, phương thức giải quyết sử dụng trọng tài so với tòa án còn tiết kiệm về thời gian và tiền bạc do kiện tụng kéo dài. Ngoài ra, đó là các kinh nghiệm trong việc lựa chọn luật sư tư vấn, trọng tài viên, các chuyên gia có kinh nghiệm, nhân chứng, chú trọng vai trò đầu mối của Ban pháp chế và phối hợp chặt chẽ cùng các bên liên quan…

 

Nhóm Phóng viên

Năng lượng Mới 484

DMCA.com Protection Status