Công nghiệp Khí Việt Nam: Ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước

08:45 | 08/07/2011

764 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong những năm tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã xác định "Tầm nhìn chiến lược" cho việc phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam theo hướng tăng tốc, đột phá, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài về khí và các sản phẩm khí; phấn đấu giai đoạn 20112015 đưa ngành công nghiệp Khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng trong nền kinh tế đất nước.

Một góc Nhà máy Khí Dinh Cố (Ảnh: Duy Khánh)

Sự hình thành và phát triển của ngành khí Việt Nam bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 7/1976, tại vùng trũng sông Hồng, với sự hợp tác của các chuyên gia và kỹ thuật Liên Xô, giếng khoan số 61, sâu 2.400m đã phát hiện khí thiên nhiên ở Tiền Hải, Thái Bình.

5 năm sau, năm 1981, dòng khí công nghiệp đầu tiên của đất nước đã được khai thác để phát điện và làm nhiên liệu khai sinh Khu Công nghiệp Tiền Hải, Thái Bình. Tuy nhiên, sản lượng khí thiên nhiên Tiền Hải khi đó hết sức khiêm tốn, chỉ khoảng 22-24 triệu m3/năm và được sử dụng chủ yếu cho công nghiệp địa phương tỉnh Thái Bình để sản xuất gốm sứ, thủy tinh, vật liệu xây dựng (khoảng 8-9 triệu m3/năm) và điện (khoảng 14-15 triệu m3/năm).

Do đó, mức độ ảnh hưởng của nguồn khí này tới sự phát triển của đất nước là rất hạn chế và phải đến rất lâu sau này, khi nguồn khí đồng hành được dẫn vào bờ thì ngành công nghiệp Khí Việt Nam mới thật sự tăng tốc phát triển, đóng góp một phần quan trọng vào cơ cấu kinh tế năng lượng của quốc gia.

Cùng với việc ký kết Hiệp định Hợp tác về Thăm dò và Khai thác Dầu khí giữa Việt Nam và Liên Xô tháng 6/1981 đã được ký kết, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô đã được hình thành với mục đích tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí ở một số lô thềm lục địa phía nam Việt Nam. Tiếp sau đó, một chương trình xây dựng cơ sở vật chất đồ sộ của ngành Dầu khí được triển khai tích cực cả trên biển và trên bờ tại Vũng Tàu. Đến tháng 6/1986, tấn dầu thương mại đầu tiên đã chính thức được khai thác từ mỏ Bạch Hổ.

Song song với quá trình khai thác dầu, một lượng khí đồng hành đáng kể phun lên từ các giếng khoan dầu thuộc mỏ Bạch Hổ cũng đã bị đốt bỏ tại các giàn khoan biển do chưa có hệ thống đường ống dẫn khí vào bờ.

Đứng trước tình hình này, một kế hoạch tổng thể về sử dụng khí đồng hành Bạch Hổ đã được Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam khẩn trương soạn thảo với sự tư vấn của nhà thầu Canada SNC Lavalin, bao gồm hệ thống đường ống thu gom và vận chuyển khí, giàn nén khí, nhà máy xử lý khí, kho chứa và cảng xuất sản phẩm lỏng, các trạm phân phối khí, với tổng vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể về sử dụng dụng khí được Chính phủ phê duyệt năm 1993, Dự án đưa nhanh khí vào bờ (Fast track) với các cấu hình tối thiểu đã được nhà thầu Huyndai nhanh chóng triển khai. Ngày 26/4/1995, hệ thống đường ống dẫn khí Bạch Hổ – Long Hải – Dinh Cố – Bà Rịa dài 124km, 16inch, công suất thiết kế 2 tỉ m3 khí/năm được hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành đã đặt viên gạch đầu tiên cho nền công nghiệp khí non trẻ của đất nước và cũng kể từ đây, ngành Dầu khí Việt Nam chính thức bước sang một chương mới.

Cùng với việc hoàn thành giàn nén khí nhỏ, giàn nén khí lớn Bạch Hổ và mở rộng hệ thống đường ống dẫn khí trên bờ, công suất đưa khí vào bờ đã được nâng dần lên 2 triệu m3/ngày đêm vào ngày 25/2/1997 và 3 triệu m3/ngày đêm vào ngày 14/12/1997 để cấp cho các Nhà máy Điện Phú Mỹ 2.1 và 2.1 mở rộng.

Tiếp sau đó, Nhà máy xử lý Khí Dinh Cố, Kho chứa và Cảng xuất Thị Vải đã hoàn thành vào cuối năm 1998, đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn về mặt kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Ngoài việc đưa sản lượng cung cấp khí lên 4 triệu m3/ngày đêm, nhà máy còn cung cấp mỗi năm 150 nghìn tấn condensate, 300 nghìn tấn khí hóa lỏng phục vụ nhu cầu trong nước.

Đồng thời, đường ống dẫn khí dài 45km từ mỏ Rạng Đông về mỏ Bạch Hổ đã hoàn thành vào cuối tháng 11/2001, đưa thêm 1 triệu m3 khí/ngày đêm của mỏ Rạng Đông về mỏ Bạch Hổ, nâng công suất của Dự án khí đồng hành mỏ Bạch Hổ từ 4,7 triệu m3/ngày đêm lên 5,7 triệu m3/ngày đêm, góp phần tăng sản lượng cung cấp khí.

Hiện nay, toàn bộ Dự án khí Bạch Hổ đang được vận hành và khai thác một cách hoàn chỉnh, đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

Tiếp theo thành công của Dự án khí Bạch Hổ, tháng 12/2002, Dự án khí Nam Côn Sơn – dự án khí thiên nhiên đầu tiên đã được hoàn thành, minh chứng cho sự phát triển vững chắc và ổn định ngành công nghiệp Khí, góp phần thỏa mãn tối đa nhu cầu ngày càng tăng về khí và các sản phẩm khí của đất nước.

Dự án thu gom và sử dụng khí bể Nam Côn Sơn với sự tham gia của các đối tác nước ngoài là những tập đoàn dầu khí đa quốc gia lớn nhất trên thế giới như BP và ConocoPhillips, có tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD, công suất 7 tỉ m3 khí/năm, bao gồm hệ thống đường ống dài trên 400km từ lô 06.1 và 11.2 đến Phú Mỹ, Trạm xử lý khí Dinh Cố, Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ, Đường ống Phú Mỹ – TP HCM nhằm tiếp nhận, vận chuyển khí từ bể Nam Côn Sơn cung cấp cho các nhà máy điện, các khu công nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM.

Tháng 4/2007, Dự án khí PM3-Cà Mau chính thức hoàn thành, cung cấp khí cho dự án Nhà máy Điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 với tổng công suất 1.500MW bằng đường ống dài trên 300km. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 214 triệu USD và công suất 2 tỉ m3 khí/năm. Dự án này đã đánh dấu bước khởi đầu cho việc hình thành và phát triển của cụm công trình Khí – Điện – Đạm tại khu vực Tây Nam Bộ.

Hiện nay, 3 hệ thống đường ống dẫn khí nói trên đang cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu khí đầu vào để sản xuất ra 36 tỉ kWh điện/năm, tương ứng 40% tổng sản lượng điện quốc gia; gần 800 nghìn tấn đạm/năm, tương ứng 30% tổng sản lượng đạm cả nước, 100 nghìn tấn xăng/năm, tương ứng 5% sản lượng xăng sản xuất trong nước và cung cấp khoảng 250 nghìn tấn LPG/năm, đáp ứng gần 30% nhu cầu LPG toàn quốc. Tính đến hết năm 2010, ngành công nghiệp Khí Việt Nam cơ bản đã đạt được mục tiêu chiến lược về sản lượng cho giai đoạn 2006-2010 là khoảng 10 tỉ m3 khí một/năm.

Trong những năm tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xác định “Tầm nhìn chiến lược” cho việc phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam theo hướng tăng tốc, đột phá, đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài về khí và các sản phẩm khí; phấn đấu giai đoạn 2011-2015: Tốc độ tăng trưởng doanh thu từ ngành công nghiệp Khí là 18-20%/năm, đưa ngành công nghiệp Khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng trong nền kinh tế đất nước.

Trên cơ sở “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam đến 2015, định hướng 2025” đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 30/3/2011, với mục tiêu sản lượng khí cung cấp đạt 15 tỉ m3 khí vào năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tích cực triển khai đồng bộ các dự án từ thượng nguồn, trung nguồn tới hạ nguồn tại khu vực Nam Bộ, trong đó phải kể tới dự án khai thác khí ngoài khơi như Lô B&52, Hải Thạch – Mộc Tinh, Thiên Ưng – Mãng Cầu; Dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ômôn, Nam Côn Sơn 2; Dự án Nhà máy Chế biến khí tại Cà Mau & Phú Mỹ cùng các dự án thu gom khí Hải Sư Đen – Hải Sư Trắng, Tê Giác Trắng…

Việc triển khai xây dựng hệ thống đường ống chính Nam Côn Sơn 2 và Lô B – Ô Môn là một bước quan trọng trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng khí khu vực Nam Bộ, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp khí cho nhu cầu trong nước, sẵn sàng cho kết nối mạng các đường ống trong nước và khu vực.

Song song với việc phát triển các nguồn khí truyền thống trong nước, PVN đang nhanh chóng triển khai Dự án nhập khẩu khí LNG (Fast track) dự kiến từ cuối năm 2013, nghiên cứu khả năng mua khí thông qua đường ống dẫn khí Trans-Asean từ các nước lân cận như: Indonesia, Thái Lan, Malaysia cũng như lập phương án phát triển các nguồn khí phi truyền thống như khí than (CBM).

Song song với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng khí khu vực Nam Bộ, thị trường khí miền Bắc và miền Trung cũng đang được PVN xem xét, lên kế hoạch triển khai, trước mắt là hệ thống thu gom khí từ các lô 102/106, 103/107 tại khu vực Bắc Bộ, Lô 112-113, 117-118-119 tại khu vực miền Trung.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của Chính phủ với sự giúp đỡ nhiệt tình, có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực hết mình của các cán bộ ngành Dầu khí, chúng ta tin chắc rằng ngành công nghiệp Khí Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là một ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước.

Theo Năng lượng Mới

DMCA.com Protection Status