Cụm mỏ Thăng Long – Đông Đô: Những tiềm năng cần được “đánh thức”!

18:02 | 31/01/2024

11,549 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Được Chính phủ ủy quyền, từ năm 2017 Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tiếp nhận và vận hành mỏ dầu khí mang tên Thăng Long – Đông Đô, cái tên gợi nhớ về những giai đoạn lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Tuy phải đối mặt với không ít thăng trầm, thử thách, bước vào năm 2024, Petrovietnam kỳ vọng một cơ chế ưu đãi mới nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực đưa cụm mỏ Thăng Long – Đông Đô thực sự “hóa rồng”, trở thành “Kinh đô phía Đông” đúng như tên gọi.

Những thăng trầm của một dự án

Tham gia đoàn công tác của lãnh đạo Petrovietnam đến thăm mỏ và chúc Tết CBCNV làm việc trên công trình biển nhân dịp Tết, chúng tôi đặt chân đến giàn đầu giếng khai thác (WHP) mỏ Thăng Long vào đúng mùa gió chướng, khi thời khắc chuyển giao sang năm mới Giáp Thìn chỉ còn tính từng ngày… Trong không khí lao động hăng say của hàng trăm CBCNV, người lao động tại dự án bất kể sóng gió nơi biển xa, ít ai có thể hình dung, dự án Thăng Long – Đông Đô đã từng trải qua không ít thăng trầm, thậm chí từng đứng trước những “thời khắc sinh tử” khi lựa chọn tiếp tục duy trì hoạt động khai thác hay đóng mỏ!

Hệ thống công nghệ xử lý dầu thô trên FPSO Lam Sơn
Hệ thống công nghệ xử lý dầu thô trên FPSO Lam Sơn

Năm 2014, dự án lô 01/97 & 02/97 do Petronas Carigali (PCVL) trực tiếp điều hành và phát triển dự án (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Petronas- Malayssia và PVEP cùng góp vốn) đã cho dòng dầu đầu tiên (First Oil) trong sự vui mừng của các bên liên doanh và nước chủ nhà. Tuy nhiên, niềm vui của nhà đầu tư “ngắn chẳng tày gang”. Ngay sau khi đón dòng dầu đầu tiên từ dự án, cuối năm 2014, giá dầu thế giới đột ngột rơi tự do, từ mức hơn 110 USD/ thùng, có lúc chỉ còn 28USD/thùng, mất đi từ 45% đến 75% giá trị. Sau những nỗ lực duy trì dự án trong bối cảnh thua lỗ kéo dài, tháng 9/2017 Nhà điều hành và các bên góp vốn chính thức xin rút khỏi dự án, trả lại lô 01/97 & 02/97 cho Chính phủ Việt Nam, đánh dấu một nét trầm buồn - một dự án “chóng vánh” nhất (sau 3 năm khai thác) trong lịch sử đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực dầu khí.

Theo báo cáo của Petrovietnam, ngoài những khó khăn do yếu tố khách quan, dự án còn gặp rất nhiều trở ngại về nhiều yếu tố kỹ thuật. Chỉ riêng việc xử lý dầu thô nặng với hàm lượng H2S quá cao tại mỏ Đông Đô đã khiến nhà điều hành phải tìm giải pháp tiết kiệm trong quá trình phát triển mỏ để bảo đảm lợi nhuận. Do đặc thù mỏ nhỏ, mỏ cận biên, trong quá trình phát triển khai thác, trữ lượng dầu không được như tính toán ban đầu trong giai đoạn thăm dò, đã có nhiều giai đoạn dự án đối mặt với bài toán tiếp tục khai thác hay đóng mỏ, đặc biệt ở các thời điểm chuyển pha.

Thăm và chúc tết CBCNV giàn Thăng Long –WHP.
Thăm và chúc tết CBCNV giàn Thăng Long –WHP

Dẫu vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao và quyết tâm cao của ban lãnh đạo Petrovietnam và PVEP, sự nỗ lực đáng nể của tập thể cán bộ, nhân viên, những người ngày đêm làm việc nơi “đầu sóng ngọn gió”, những khó khăn đã lui dần, giá dầu thế giới cũng tăng trở lại nhường chỗ cho những thành công bước đầu đầy ấn tượng. Sau gần 7 năm tiếp quản điều hành dự án, với những nỗ lực không ngừng nghỉ và những giải pháp kỹ thuật được áp dụng, đã có trên 11 triệu thùng dầu được khai thác, đạt doanh thu 832 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 332 triệu USD, lợi nhuận sau thuế tạm tính là 78 triệu USD (chưa tính quỹ thu dọn mỏ). Ấn tượng hơn, cụm mỏ được vận hành tuyệt đối an toàn trong suốt 7 năm qua, không xảy ra sự cố và tai nạn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Công tác quản lý mỏ an toàn và hiệu quả ngay cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cơ hội nào để mỏ “Thăng Long – Đông Đô hóa Rồng”!?

Về cơ sở hạ tầng hiện hữu, cụm công trình mỏ Thăng Long – Đông Đô gồm 2 giàn đầu giếng (Thăng Long - WHP và Đông Đô – WHP), 22 giếng khoan phát triển, 1 tàu FPSO công suất xử lý 18.000 thùng dầu/ngày, xử lý nước 13.000 thùng/ngày. Trong đó, chỉ riêng mỏ Đông Đô có 10 giếng khai thác và 2 giếng bơm ép nước, khai thác tại cả tầng trầm tích và đá móng nứt nẻ.

Là người trực tiếp điều hành dự án dầu khí lô 01/97 & 02/97 ngay từ thời điểm nhận bàn giao dự án đến nay, ông Vũ Việt Hưng, Phụ trách Ban điều hành dự án khẳng định, dự án Thăng Long – Đông Đô hiện còn nhiều tiềm năng có thể khai thác. “Theo tính toán, có thể khoan ít nhất 10 giếng khoan khai thác với sản lượng thêm khoảng 10 triệu thùng dầu, đây là con số rất ấn tượng nếu mỏ tiếp tục được đầu tư. Theo đánh giá trữ lượng tại chỗ, tại vùng dưới sâu nội mỏ Thăng Long (Lower TL Field), khối Đông Bắc Thăng Long (NB-TL), Tây Nam Thăng Long (SW-TL) và Tây Nam Đông Đô (SW- DD) tài nguyên dầu khí chưa phát hiện ước đạt khoảng trên 227 triệu thùng (P50). Nếu đầu tư thêm, chúng ta sẽ chỉ bỏ tiền khoan, còn toàn bộ cơ sở hạ tầng đều có thể tận dụng để đem lại nguồn lợi lớn cho Nhà nước” - ông Hưng cho biết.

Tiềm năng là thế song theo báo cáo của Petrovietnam, do không có hoạt động đầu tư bổ sung từ tháng 9/2017 đến nay, hiện các mỏ tại Lô 01/97 & 02/97 đang được khai thác theo trạng thái suy giảm tự nhiên với mức giảm từ 12-15%/năm. Sản lượng khai thác tại thời điểm tháng 12/2023 chỉ đạt 3.500 thùng dầu/ngày, giảm 42% so với thời điểm tiếp nhận (6.000 thùng/ngày). Bên cạnh đó, do chưa có khung pháp lý cho dự án dẫn đến Petrovietnam/PVEP chưa thể thực hiện việc đầu tư về kỹ thuật nhằm gia tăng sản lượng và trữ lượng tại dự án. Với đặc thù điều kiện kỹ thuật cụm mỏ Thăng Long – Đông Đô là dầu nặng, có hàm lượng lưu huỳnh cao… dẫn đến phát sinh chi phí vận hành lớn, trong khi sản lượng khai thác ở quy mô rất khiêm tốn, từ năm 2017 đến nay, dự án nhiều lần đứng trước nguy cơ phải đóng mỏ, dừng khai thác. Hiện tại, với sản lượng dầu giảm nhiều và giá dầu trên thế giới có xu hướng giảm, nếu tiếp tục cơ chế tạm như hiện nay, việc tiếp tục khai thác tại dự án sẽ đối mặt muôn vàn khó khăn: Nguồn thu của Nhà nước không được duy trì, trong khi một lượng lớn tài nguyên của các mỏ hiện hữu không được khai thác, không tận dụng được trang thiết bị đã được đầu tư, lắp đặt tại cụm mỏ… Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt đông dầu khí tại dự án Thăng Long – Đông Đô là nhu cầu bức thiết, được Petrovietnam đặc biệt ưu tiên.

Phòng điều khiển,  xử lý dầu thô cho mỏ Thăng Long- Đông Đô
Phòng điều khiển, xử lý dầu thô cho mỏ Thăng Long- Đông Đô

Điểm thuận lợi là theo quy định mới của Luật Dầu khí 2022 và Nghị định số 45/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 của Chính phủ, lô 01/97&02/97 đủ điều kiện đưa vào danh mục lô, mỏ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Trường hợp ký được hợp đồng dầu khí mới, chủ đầu tư sẽ chủ động quyết định các giải pháp kinh tế-kĩ thuật nhằm tối ưu hóa hoạt động khai thác, đồng thời tìm kiếm cơ hội để chia sẻ chi phí duy trì, bảo dưỡng các công trình dầu khí tại 2 dự án mỏ. Về lợi ích, trong mọi trường hợp, phía Chính phủ Việt Nam (nước chủ nhà) đều không gánh chịu rủi ro và vẫn duy trì được nguồn thu từ hoạt động dầu khí.

Với mục đích cuối cùng là tối ưu hóa việc khai thác nguồn tài nguyên, duy trì nguồn thu cho Chính phủ, cải thiện hiệu quả đầu tư và giảm thiểu các rủi ro về an toàn và pháp lý cho các hoạt động dầu khí tại lô 01/97&02/97, Petrovietnam mong muốn Chính phủ sẽ ưu tiên xem xét và sớm phê duyệt cụm mỏ này thuộc danh mục các lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, tạo ưu thế thu hút nhà đầu tư. Khi những rào cản về cơ chế được gỡ “vướng”, chắc chắn việc mở rộng khai thác tại cụm mỏ Thăng Long – Đông Đô sẽ sớm được triển khai, đưa nơi đây thực sự trở thành một “kinh đô phía Đông”, nơi những “con Rồng” được đánh thức, bay cao.

Đăng Duy

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc, thăm hỏi, động viên người lao động dầu khí tại mỏ Thăng Long - Đông ĐôPhó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc, thăm hỏi, động viên người lao động dầu khí tại mỏ Thăng Long - Đông Đô
[PetroTimesTV] Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc, thăm hỏi, động viên người lao động dầu khí tại mỏ Thăng Long - Đông Đô[PetroTimesTV] Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc, thăm hỏi, động viên người lao động dầu khí tại mỏ Thăng Long - Đông Đô
[PetroTimesTV] Đoàn công tác Quốc hội, Bộ Công Thương, Petrovietnam thăm và làm việc tại mỏ Thăng Long - Đông Đô[PetroTimesTV] Đoàn công tác Quốc hội, Bộ Công Thương, Petrovietnam thăm và làm việc tại mỏ Thăng Long - Đông Đô
Dưới tháp đuốc mỏ Thăng Long - Đông ĐôDưới tháp đuốc mỏ Thăng Long - Đông Đô

DMCA.com Protection Status