60 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện ý nguyện của Bác Hồ (23/7/1959 – 23/7/2019):

"Cùng nhau đồng sức, đồng lòng, tin tưởng lẫn nhau"

10:14 | 22/07/2019

457 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển là ngành Dầu khí cũng đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Khi chúng ta cùng nhau đồng sức, đồng lòng, tin tưởng lẫn nhau, cùng với nhau xử lý mọi vấn đề thì chắc chắn mọi câu chuyện sẽ được giải quyết. Lịch sử ngành Dầu khí trong 6 thập kỷ qua đã chứng minh được điều đó.  

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Hiệp, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) trong Tọa đàm Kỷ niệm 60 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện ý nguyện của Bác Hồ (23/7/1959 – 23/7/2019) diễn ra vừa qua tại Cà Mau.

Phóng viên PetroTimes xin lược ghi lại lời chia sẻ của nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam Nguyễn Hiệp tại buổi tọa đàm:

cung nhau dong suc dong long tin tuong lan nhau
Ông Nguyễn Hiệp, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam

Hơn nửa thế kỷ trước, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu nước ta phải xây dựng và phát triển một ngành công nghiệp dầu khí mạnh.

Ngày 23/7/1959 đã đi vào lịch sử của ngành Dầu khí khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Khu công nghiệp dầu lửa BaKu (Azerbaijan) đã đề nghị Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng ngành Dầu khí. Theo lời đề nghị đó, Cộng hòa Liên bang Xô-viết đã cử các chuyên gia có kinh nghiệm sang Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, tiến hành điều tra địa chất dầu khí.

Ý tưởng của Bác Hồ lúc đó là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngành dầu khí Việt Nam bởi lẽ cho đến thời điểm ấy (năm 1959), khái niệm dầu mỏ vẫn còn xa lạ với người Việt Nam. Tuy từ cuối thế kỷ thứ 19, ngay sau khi chính quyền thực dân Pháp thống trị Đông Dương, họ đã quan tâm đến việc điều tra tìm kiếm thăm dò các loại khoáng sản như, than, sắt… và dầu mỏ. Họ đã thành công trong việc khai thác một số mỏ than và kim loại, song về dầu khí họ chỉ phát hiện được một số vết lộ dầu ở núi Lịch (Yên Bái), đầm Thị Nại (Quy Nhơn, Bình Định).

Ngay sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Liên Xô đã cử các chuyên gia địa chất dầu khí giỏi sang Việt Nam, cùng với cán bộ địa chất Việt Nam tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực địa để hoàn thành báo cáo “Triển vọng dầu khí nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Trên cơ sở báo cáo này, ngày 27/11/1961, Tổng cục Địa chất Việt Nam quyết định thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36, đây chính là đơn vị tổ chức đầu tiên của Việt Nam có nhiệm vụ cụ thể là tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Sau này Chính phủ Việt Nam đã quyết định lấy ngày 27/11 hằng năm là Ngày truyền thống Dầu khí Việt Nam.

Đoàn Thăm dò dầu lửa 36 sau này phát triển thành Liên đoàn Địa chất 36, với sự giúp đỡ của Liên Xô, đã tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên toàn miền Bắc và chủ yếu tập trung khoan thăm dò ở Đồng bằng Sông Hồng. Tháng 3/1975 đã phát hiện các vỉa khí thiên nhiên có giá trị công nghiệp tại giếng khoan 61 Tiền Hải, Thái Bình. Đây có thể coi là "đứa con đầu lòng" của ngành Dầu khí Việt Nam.

Sự kiện này trở thành mốc son quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên ngành Dầu khí Việt Nam khai thác được sản phẩm khí công nghiệp phục vụ cho nền kinh tế quốc dân, đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam sau này.

Quyết tâm xây dựng ngành Dầu khí làm động lực để công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế, Bộ Chính trị đã ký hiệp định hợp tác chiến lược với Liên Xô, liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác Dầu khí trên một số lô ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Những thành quả đầu tiên của chính sách đó là sự ra đời của Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsovpetro; là các hoạt động thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn…

Đến tháng 6/1986, chúng ta đã khai thác được tấn dầu thô đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ. Trong năm 1986 đã khai thác được 40.000 tấn dầu, năm 1987 là 280.000 tấn dầu, năm 1988 là 680.000 tấn dầu. Đến năm 1989, nhờ thành tựu khai thác dầu trong tầng đá móng của Vietsovpetro, sản lượng khai thác tăng lên 1,5 triệu tấn dầu; năm 1990 khai thác 2,7 triệu tấn dầu… Trong vòng 5 năm, từ 1988-1990, chúng ta đã khai thác 5,2 triệu tấn dầu, bán được 731 triệu USD. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã từng khẳng định: “Khoán 10 trong nông nghiệp, dầu thô ở mỏ Bạch Hổ đã đóng góp rất to lớn trong việc khắc phục được khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 1990”.

Trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2005, ngành Dầu khí Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, đưa sản lượng và trữ lượng dầu khí tăng nhanh, đặt nền móng cho công nghiệp hóa dầu với các hệ thống đường ống dẫn khí, nhà máy chế biến đạm, giúp Việt Nam chủ động các nguyên liệu đầu vào cơ bản của nền kinh tế.

Những mốc lịch sử trên cho chúng ta thấy được, trải qua 60 năm phát triển là ngành Dầu khí cũng đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Khi chúng ta cùng nhau đồng sức, đồng lòng, tin tưởng lẫn nhau, cùng với nhau xử lý mọi vấn đề thì chắc chắn mọi câu chuyện sẽ được giải quyết. Lịch sử ngành Dầu khí trong 6 thập kỷ qua đã chứng minh được điều đó.

Trúc Lâm

DMCA.com Protection Status