Sự bất lực của thời gian

10:52 | 10/10/2011

239 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ông là người luôn có cảm hứng nói về đồng nghiệp. Đó cũng là cách ông né tránh điều tôi quan tâm, vì thế ngay cả khi ngồi xuống viết những dòng này, tôi vẫn biết rất ít về ông. Chỉ biết rằng ông tốt nghiệp khoa Lý, Đại học Tổng hợp, thuộc lớp học sinh ưu tú của những bậc thầy lớn như Nguyễn Hoàng Phương, Dương Trọng Bái, Nguyễn Đình Tứ...

Tôi tò mò nhìn theo tay ông đang lật giở từng trang tập bản thảo dày 500 trang khổ A4 đóng bìa cứng mang tên “Địa chất và tài nguyên dầu khí Việt Nam” và thật kỳ lạ tôi đã bị hấp dẫn mạnh mẽ từ những trang đầu. Lần theo mạch văn khúc triết, sáng sủa, đầy tinh thần khoa học – đương nhiên vẫn do chính ông đọc – tôi được biết ngay từ năm 1901 người Pháp đã ngửi thấy mùi dầu ở xứ An Nam thuộc địa.

Ngay lập tức họ khoan thăm dò vài giếng ở Đà Nẵng nhưng không tìm thấy thứ chất lỏng họ khát. Thất bại nhưng họ không chịu bỏ cuộc, 9 năm sau, vào năm 1910 họ lại tiếp tục khoan thăm dò ở vùng núi Lịch thuộc tỉnhYên Bái và lần này cũng chỉ phát hiện ra những lớp đá vôi thấm dầu. Năm 1920, người Pháp ngẫu nhiên tìm thấy vết lộ dầu ở khu vực đầm Thị Nại thuộc Quy Nhơn.

Tuy nhiên, cái mà người Pháp mong muốn là một mỏ dầu trữ lượng lớn có thể bõ công đầu tư khai thác mang về chính quốc như họ đã làm thế với than đá.

Năm 1944, họ quyết định khoan thăm dò tại nơi lộ vết dầu kể ở trên. Sau đó cả người Nhật cũng hăm hở vào cuộc săn lùng nhưng đều thất bại. Như vậy là nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô (cũ) vào các năm từ 1959 đến 1961, trên khu vực miền Bắc được khoanh ra 4 vùng nghi có dầu và trước khi tìm ra khí ở Thái Bình, toàn bộ tư liệu về dầu khí ở Việt Nam hầu như không có gì.

Người Pháp chưa khai thác dầu ở Việt Nam vì họ bất lực chứ không phải họ chưa kịp hoặc chưa muốn làm. Tài liệu họ để lại chỉ là một số báo cáo đánh giá rất chung chung căn cứ vào những mũi khoan quá nông do trình độ kỹ thuật hạn chế lúc bấy giờ. Điều này ông muốn làm sáng tỏ để tôn vinh và tri ân những người có tầm nhìn chiến lược về dầu khí cũng như đóng góp cụ thể của đồng nghiệp.

Điều khiển máy khoan 3DH-250 (máy khoan 5.000m) ở Giếng khoan 104 Phù Cừ (4/1977)

Ông là người luôn có cảm hứng nói về đồng nghiệp. Đó cũng là cách ông né tránh điều tôi quan tâm, vì thế ngay cả khi ngồi xuống viết những dòng này, tôi vẫn biết rất ít về ông. Chỉ biết rằng ông tốt nghiệp khoa Lý, Đại học Tổng hợp, thuộc lớp học sinh ưu tú của những bậc thầy lớn như Nguyễn Hoàng Phương, Dương Trọng Bái, Nguyễn Đình Tứ…

Ra trường, ông về ngay Đoàn 36 thuộc Tổng cục Địa chất lúc đó vừa mới thành lập, chuyên nghiên cứu, khảo sát, thăm dò địa chất dầu khí. Sau một thời gian trưởng thành, Đoàn 36 thành Liên đoàn 36 rồi từ đó tách ra nhiều đoàn 36 nhỏ, với những nhiệm vụ cụ thể khác nhau. Ông thuộc Đoàn 36T (nghiên cứu trọng lực) với cương vị phó đoàn nhưng được giao phụ trách.

Nhiệm vụ của ông và đồng nghiệp là phải xây dựng bản đồ trọng lực toàn miền Bắc và những khu vực có triển vọng dầu khí. Những kiến thức sách vở học cẩn thận trong nhà trường, cộng với kinh nghiệm thực tiễn học từ những chuyên gia Liên Xô mà theo ông họ là những bậc thầy lớn đã giúp ông và các đồng nghiệp tự tin phới phới vào cuộc.

Thời ấy đói khổ nhưng hừng hực tinh thần xả thân cho lý tưởng. Trong khi nhiều đoàn khác ở lại đồng bằng thì Đoàn 36T của ông chu du ngày này qua tháng khác trên những vùng đất toàn rừng núi hiểm trở với vô vàn gian khổ. Bây giờ nhớ lại ông vẫn thấy y nguyên cảm giác lo sợ khi phải bảo quản máy móc.

Đó là một công việc vô cùng khó nhọc. Ví như chiếc máy đo trọng lực chỉ nặng khoảng 5kg nhưng thuộc loại máy cực nhạy và cực đắt tiền, có những chi tiết lò so bằng thạch anh mảnh hơn cả sợi tóc, chỉ cần khi vác trên vai không cẩn thận để nghiêng từ 5-10 độ là có thể gãy. Không có máy coi như bó tay. Vì vậy bằng mọi giá phải giữ được máy. Thế mà liên tục phải chạy, lúc thì máy bay địch đến oanh tạc, lúc do mưa lũ, lúc do yêu cầu phải đo thật nhanh giữa hai điểm chuẩn mới mong đạt độ chính xác cao. Lúc nào cũng sống trong cảm giác thót tim. Đo xong chỗ này lại lập tức lên đường đến chỗ khác. Chẳng ở đâu các ông trụ lại quá ba ngày. Đến thế nào thì đi như vậy: Tất cả đều chất lên hai vai anh em. Từ bao gạo, gói muối đến những đồ dùng cá nhân.

Khổ nhất vẫn là lo chống lại đủ thứ tai ương thường đến mà không báo trước. Trên đầu thì máy bay Mỹ lượn lờ tha hồ soi mói từng gốc cây, ụ đá, nghi có mục tiêu là phụt rốc-két. Một lần như vậy ông cùng anh em trong đoàn xuýt bỏ mạng trên cầu Lạng Sơn. Đúng lúc xe của các ông bắt đầu leo lên cầu thì máy bay Mỹ lao tới. Ông chỉ kịp nhìn thấy một quầng lửa sáng chói phụt ra từ bụng chiếc máy bay để sau đó nổ cách cầu chưa đầy 100m.

Cuộc đời nó là như thế. Số mình chưa chết thì tên lửa phải bắn chệch thôi. Trên trời là vậy. Dưới đất thì muỗi vắt, thú rừng, đá tai mèo, lũ quét. Sợ nhất là gặp những cơn mưa rừng dẫn đến lũ quét. Chỉ trong tích tắc không nhanh là bị chôn vùi hoặc cuốn đi mất. Trong trường hợp ấy, ưu tiên hàng đầu là sơ tán máy móc lên những vị trí an toàn, che đậy bằng tất cả những gì đem theo.

Ưu tiên tiếp theo dành cho lái xe. Có một chiếc Gaz đít vuông làm phương tiện hỗ trợ nên lái xe không thể vì lý do gì mà bị ốm. Hồi đó chưa có các phương tiện đo biển sâu như bây giờ. Các ông muốn đo xa bờ một chút phải chờ thủy triều xuống liền nhanh chóng triển khai các thiết bị máy móc. Phải thật khẩn trương vì khi thủy triều lên nếu không chạy kịp phương tiện đo sẽ hư hỏng hết. Những bộ phận khác tìm cách đóng bè ra biển vì làm gì có giàn khoan như bây giờ. Vậy mà chẳng ai kêu ca phàn nàn lấy nửa lời.

Các ông biết rất rõ mình đang làm gì, vì ai và có đủ niềm tin để chờ đợi một ngày rất xa nào đó thành quả công việc các ông làm trở nên có ích. Chỉ cần duy nhất niềm an ủi đó thôi các ông lại phơi phới lao vào công việc tìm kiếm nguồn tài nguyên quý giá cho tổ quốc, cũng tức là cho tương lai.

Lại hăm hở trước mỗi chuyến đi, lại thấy đời sướng nhất là được vi vu, mọi gian khổ bỗng biến sạch mà chỉ còn lại cảm giác tràn ngập hạnh phúc. Ông bảo tôi bây giờ tìm lại được những cảm xúc như vậy thật là khó.

Có lẽ vì tâm hồn quá chật chội những bon chen, những toan tính nên đã không còn chỗ cho những cảm xúc ấy, những cảm xúc khiến người ta chỉ muốn bay vút lên khỏi mặt đất. Ấy là những khi may mắn thành công một công việc gì đó ngoài cả ý muốn. Hoặc bất ngờ phát hiện ra mình đang ở tận trên đỉnh núi, vai lỉnh kỉnh đồ đạc, quần áo rách bươm bốn bề, mặt mũi nhem nhuốc nhưng đứng nhìn xuống phía dưới thấy sông núi hùng vĩ, thấy trải ra mênh mông màu xanh của cây cối, tự nhiên tâm hồn tràn ngập chất thơ. Nếu không khóc thì cũng phải hét lên một câu mới thỏa.

- Đấy, cuộc đời nó là như thế – ông dừng lại và bỗng bật ra cái câu cửa miệng vẫn thường được ông dùng làm kết luận trước bất cứ câu chuyện nào. Tôi cũng cảm thấy phải lắng lại để nghe cảm xúc của chính mình. Cái đáng nói nhất lại chính là khi các ông lao vào những công việc như vậy thì ngành Dầu khí Việt Nam còn chưa phôi thai. Ngay cả khi ông đi nghiên cứu sinh về dầu khí ở Liên Xô tại một trong những trường hàng đầu thế giới về dầu khí, rồi khi trở về vào công tác ở Viện Dầu khí, trải qua khá nhiều chức vụ ông vẫn chưa biết liệu có kịp được trông thấy giọt dầu nào hút lên từ lòng đất của Tổ quốc hay không. Động lực nào giúp ông không nhàm chán trong công việc.

- Bây giờ về nghỉ rồi, bác có thường hay nghĩ về những năm tháng đã qua không?

- Tôi về nghỉ đã hơn 4 năm thì có tới 3 năm cùng anh em lao vào cái công trình kia, cũng chẳng có thời gian mà nghĩ nhiều.

- Nhưng nếu cứ phải nghĩ thì sẽ là điều gì? – Tôi tỏ ra kiên nhẫn hơn ông tưởng.

- À, tôi sẽ nghĩ về tương lai của ngành Dầu khí. Nói thật ra chúng ta đã để thời gian trôi đi mất khá nhiều. Nhưng có những điều chẳng thể đổ lỗi cho ai được cả. Giờ đây là lúc cần phải hướng tới tương lai.

Bắt được vào mạch tâm sự nên tôi chẳng cần hỏi gì thêm, tôi biết tự ông sẽ nói ra.

- Tôi không cần phải nói anh cũng biết dầu khí và lúa gạo đã cứu đất nước của chúng ta qua những cơn bĩ cực như thế nào. Trong những năm tới dầu khí vẫn là nguồn chủ đạo góp vào vốn ngân sách. Điều quan trọng hơn là nó đảm bảo an ninh năng lượng. Vì thế phải tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi vì như tôi đã nói, đầu tư vào dầu khí cần cực kỳ nhiều tiền. Khi hợp đồng chia sản phẩm giữa dầu khí Việt Nam với ONGC của Ấn Độ được ký kết, đánh dấu một cái mốc mở ra các đối tác phương Tây, thú thực là tôi rất mừng. Từ bấy đến nay hàng loạt công ty dầu khí lớn của thế giới đã vào thăm dò. Chúng ta được hưởng lợi nhiều từ các cuộc thăm dò này. Công trình chúng tôi sắp công bố cũng nhằm mục đích để các nhà chiến lược có một đánh giá đúng về hướng đi của ngành Dầu khí chúng ta.

- Vậy là người ta để "sổng” bác rồi – tôi đùa – đáng lẽ người ta nên mời bác ở lại thêm.

Ông cười, mặc dù hồn nhiên nhưng rõ ràng vẫn thấp thoáng những ưu tư.

- Tôi nói với anh rằng, làm ăn với tư bản không đùa được đâu, không lơ tơ mơ được đâu. Họ chặt chẽ và minh bạch lắm. Và anh không hiểu họ thì anh thiệt, thế thôi. Nếu anh bỏ lỡ cơ hội thì cơ hội sẽ không bao giờ trở lại hoặc phải trả một cái giá đắt gấp nhiều lần.

Khi làm Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tôi nhớ nhất chuyện này. Hồi đó đường ống dẫn khí từ mỏ Bạch Hổ đang vận hành tốt, không có chuyện gì. Nhưng khổ nỗi đang yên đang lành ở bên nước Anh xảy ra sự kiện giàn khoan Alpha, một sự kiện quả là hy hữu trong khai thác dầu khí, tức là từ trước tới nay chưa hề xảy ra. Nhưng nay thì nó đã xảy ra nên bị điều trần trước Quốc hội Anh. Chả là đường ống dẫn khí của họ cũng đang hoạt động thì bất ngờ dòng khí quay ngược trở lại, thế có ác không chứ, làm nổ tung cả giàn khoan khổng lồ.

Trong dầu khí, một sự cố ở đâu đó sẽ tác động đến tất cả những khu vực khai thác khác, dù chẳng liên quan gì đến anh. Đặc biệt đây lại là sự cố lần đầu. Thế là ngay lập tức các công ty bảo hiểm dầu khí yêu cầu phải có van một chiều, nghĩa là chỉ cho phép khí đi từ giàn khoan vào bờ. Đương nhiên là vấn đề cũng được đặt ra với đường ống dẫn khí mỏ Bạch Hổ. Một công ty dầu của Mỹ đòi đúng 3 triệu USD, tiền chao cháo múc, không mặc cả. Một cái giá quá khủng khiếp trong điều kiện tài chính của chúng ta.

Trong khi đó Công ty Gulmar của Pháp chào giá rẻ hơn rất nhiều, mà chất lượng vẫn đảm bảo. Anh chọn ai phải chọn ngay vì nếu không có thiết bị van một chiều sẽ không được LLoyds register cấp chứng chỉ hoạt động, tức là nếu muốn cứ tiếp tục vận hành anh phải mua bảo hiểm ở chỗ khác đắt gấp cả chục lần. Tôi chủ trương chấp nhận giá của công ty Pháp. Nhưng việc đó hóa ra không đơn giản. Người phản đối, người tán thành. Người nào cũng đầy lý lẽ. Trong khi đó thì việc lại không thể chậm trễ. Cuối cùng tôi phải bảo ai không tán thành Gulmar thì đứng ra ngoài. Sau đó mọi việc cũng xuôi.

Và nếu có ai khiến tôi phải nhớ thì chính là anh Bùi Thọ Mạnh, Phó giám đốc Petechim lúc bấy giờ. Trước đó vợ anh bị chết do tai nạn xe máy. Anh đang phải lo tang cho vợ nhưng khi việc gấp đến vẫn lấy tàu ra mỏ để lo việc. Ngành Dầu khí có những con người tuyệt vời lắm. Họ chỉ biết làm thôi, không chờ bất cứ sự ghi nhận nào. Tôi cảm ơn nhã ý của ông Chủ tịch Hội đồng quản trị mới đã chọn tôi đưa vào cuốn sách, nhưng tôi muốn một lúc nào đó các anh nên viết về những con người như vậy. Nếu anh vào Vũng Tàu thì rất nên gặp Bùi Thọ Mạnh, anh sẽ có thêm ấn tượng chính xác về ngành Dầu khí.

Ông dừng lại nhìn tôi và lại nói lớn:

- Cuộc đời nó là như thế. Một mình tôi thì chẳng làm nên trò trống gì đâu. Tôi rất tự hào về các đồng nghiệp của tôi.

Từ đó cho đến hết cuộc chuyện, ngoài kỷ niệm hãi hùng ba ngày ngồi chờ con pig chạy thông ống dẫn khí từ mỏ Bạch Hổ vào bờ y như ngồi trên chảo nóng, còn lại ông không hề hé thêm chút gì về thời gian ông đảm trách công việc phó tổng giám đốc mà tôi nghe từ khá nhiều người kể lại cũng đáng viết lắm – trách nhiệm đến tay thì làm thôi – ông chối khéo lời gạ gẫm của tôi. Tôi vốn là dân khoa học, chỉ mê tìm tòi nghiên cứu – ông bảo tiếp đồng thời để chối tiếp. Bù vào đó ông chỉ say sưa kể về người này, người nọ, tất cả đều rất tuyệt vời trong ký ức ông.

Trong những chuyện ông không kể, tôi biết có cả những đóng góp quan trọng của ông cho sự phát triển của dầu khí đất nước. Chẳng hạn những nỗ lực của ông Trương Thiên và ông góp vào việc cho ra đời Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị khóa 6 về dầu khí, định hướng phát triển ngành Dầu khí đến năm 2000. Ông chỉ nhắc đến nghị quyết này như một cái mốc cực kỳ quan trọng. Hoặc như vai trò chính của ông trong đề án dẫn khí từ mỏ Bạch Hổ vào đất liền, một đề án đang đem lại hiệu quả kinh tế to lớn. Cố hỏi ép thì ông lại bảo cuộc đời nó là như thế chứ ông chả là gì cả. Việc đánh số ngõ, số nhà thiếu khoa học, khiến mỗi nhà phải có thêm số phụ nếu không thư từ thất lạc hết, với ông cũng bởi cuộc đời nó là như thế. Nghe ra có vẻ như ông buông xuôi theo dòng đời.

Nhưng phải nhìn vào việc ông làm, điều ông trăn trở mới thấy ông thiết tha yêu sự nghiệp của ông như thế nào, một sự nghiệp gắn liền với những phát triển ngoạn mục của đất nước. Ông không muốn bận tâm vào những việc nhỏ để có thể dốc toàn tâm trí cho những việc lớn, mà công trình Địa chất và tài nguyên dầu khí Việt Nam chỉ là một ví dụ. Một trí thức thực sự mới có được cái tâm thế ấy. Thay vì kêu ca, mạt sát người này người kia, việc này việc khác cho bõ hờn, họ lặng lẽ làm những công việc có thể khiến họ thỏa chí, cái chí và đương nhiên đi kèm là cái tâm của một bậc thức giả. Luôn luôn chúng ta cần những con người như vậy.

Ông Nguyễn Hiệp

Ngày sinh: 5/6/1940

Quê quán: quận Hà Đông, Hà Nội

Nơi ở hiện nay: Nhà số 45, ngõ 151B, Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Địa vật lý.

Từng tham gia các chức vụ:

- Đoàn phó phụ trách Đoàn 36

- Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam.

- Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật – Tổng cục Dầu khí Việt Nam

- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí.

- Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam

Đã nghỉ hưu

Khen thưởng:

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba

- Huân chương Lao động hạng Ba

Bình Tâm

DMCA.com Protection Status