Cuộc hội ngộ những người làm công tác địa vật lý dầu khí

08:33 | 27/11/2011

421 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Lịch sử Dầu khí Việt Nam đã trải qua nửa thế kỷ, đó cũng là quãng đường đi của những người làm công tác địa vật lý dầu khí, ngày 27/11/1961, Đoàn Dầu lửa Đoàn Địa chất Dầu khí số 36 đã ra đời, đánh dấu bước khởi đầu của nền công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Từ chỗ 200 cán bộ, công nhân với công nghệ thô sơ của địa chất – địa vật lý và khoan thăm dò, chúng ta đã đi tìm dầu khí ở vùng trũng Sông Hồng, nay toàn ngành đã có đến 5 vạn người với nhiều phương tiện công nghệ tối tân hoạt động dầu khí đã phát triển trên toàn lãnh thổ và lãnh hải rộng bao la của đất nước.

Những người trong lực lượng tiên phong trong công tác địa vật lý, đã họp mặt ở hai miền đất nước, thăm lại những nơi đã từng lặn lội như Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Sóc Trăng, Cà Mau. Cuộc họp mặt các cán bộ lão thành địa chấn, trọng lực, điện Dầu khí cũng được tổ chức vào trung tuần tháng 10 năm nay tại Hoa Lư – Ninh Bình và tại Cần Thơ – Cà Mau. Cuộc hội ngộ có gần 400 người từ hai miền đất nước tham dự, trong đó có các ông Bùi Đức Thiệu, Phan Minh Bích… là những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam cũng có mặt.

Anh chị em rất vui mừng phấn khởi và rất cảm động trước sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn ngành, sự giúp đỡ quý báu của các đơn vị trong ngành đã tạo điều kiện cho cuộc hội ngộ nửa thế kỷ của những người làm công tác địa vật lý Dầu khí đã thành công rất tốt đẹp. Anh chị em hứa sẽ cố gắng đóng góp sức lực còn lại, động viên con cháu hăng hái tích cực công tác, tiếp nối sự nghiệp cha anh, tiếp tục đóng góp xây dựng ngành ngày càng phát triển và lớn mạnh.

Cuộc hội ngộ những người làm công tác Trọng lực Dầu khí Hải Phòng 10/2010

Nhân dịp này mọi người ôn lại những việc đã tham gia từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ta bắt đầu đã nhận chuyển giao và ứng dụng công nghệ thăm dò địa vật lý của Liên Xô, bao gồm các phương pháp thăm dò trọng lực, địa chấn, điện cấu tạo, địa vật lý giếng khoan. Từ năm 1961 công tác trọng lực đã được triển khai trên toàn miền Bắc, từ Lạng Sơn đến sông Bến Hải;

Công việc của những người đo trọng lực gặp rất nhiều khó khăn và gian khổ, trước hết là phạm vi hoạt động quá rộng, hệ thống đường giao thông xấu nên phải đi bộ theo các đường mòn băng qua rừng núi. Càng khó khăn hơn khi máy bay Mỹ bắn phá ác liệt ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, khống chế các con đường ở Tây Bắc, bắt buộc phải di chuyển ban đêm, phải làm việc ở những nơi còn khét lẹt mùi bom đạn, cây cỏ, nhà cửa bị cháy. Với máy đo trọng lực GAK-PT thô sơ của Liên Xô, người đo trọng lực đi khắp các nẻo đường Tây Bắc, trũng Sông Hồng, An Chấu, miền Trung để vẽ các bản đồ lớn nhỏ, phát hiện các vùng triển vọng dầu khí. Sau năm 1975 bản đồ trọng lực 1/500.000 đã phủ toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Đầu năm 1962, địa chấn phản xạ được đưa vào thí nghiệm đầu tiên ở cánh đồng làng gà Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Bắt đầu từ đây mạng lưới khảo sát địa chấn phản xạ ở trũng Sông Hồng với khối lượng trên 4.000km bao phủ cả khu vực. Các tuyến địa chấn chạy theo đường giao thông, sông ngòi kênh rạch cong queo dích dắc hoặc theo tuyến thẳng xuyên qua đồng ruộng làng mạc. Từ đây có nhiều phương án địa chấn phản xạ nghiên cứu phân vùng triển vọng, phát hiện các cấu tạo chứa dầu khí, phục vụ cho việc xác định vị trí các giếng khoan sâu tìm kiếm, thăm dò trong toàn vùng Tam giác châu Sông Hồng. Các tuyến địa chấn khúc xạ dài hàng trăm kilômét, rải từ Nam Định đến Quảng Ninh, từ Tiền Hải đến Gia Lâm đã góp phần nghiên cứu cấu trúc sâu ở vùng này.

Từ năm 1968, bắt đầu công tác thăm dò địa vật lý ở vùng nước nông ven bờ vịnh Bắc Bộ, Đoàn Địa chấn 36F đã dùng tàu T-01 để khảo sát trọng lực bằng các máy đo trọng lực đáy, cải hoán tàu vận tải T-02, thành tàu địa chấn mang tên Bình Minh nay gọi là Bình Minh 01, đánh dấu buổi ban đầu của Địa chấn biển Việt Nam. Khảo sát địa chấn phản xạ ở vùng tây bắc vịnh Bắc Bộ bằng tàu Bình Minh 01 đạt khối lượng khoảng 2.500km tuyến ở vùng Tây Bắc Vịnh Bắc Bộ. Từ năm 1976, ta đã bắt đầu áp dụng công nghệ ghi và xử lý số trong thăm dò địa chấn, đánh dấu một bước tiến mới trong thăm dò dầu khí ở nước ta.

Liền sau ngày thống nhất đất nước chúng ta đã bắt đầu công tác tìm kiếm dầu khí ở miền Nam. Đoàn 22 nhằm triển khai công tác địa vật lý ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã khảo sát 2.275km tuyến địa chấn trên hệ thống sông ngòi kênh rạch và vùng biển nông nhằm nghiên cứu cấu trúc địa chất, liên kết với cấu tạo Bạch Hổ với đất liền. Kết quả khảo sát địa chấn đã chỉ ra vị trí 2 giếng khoan tìm kiếm dầu khí ở Đồng bằng Cửu Long và định hướng mở rộng tìm kiếm thăm dò ra phía thềm lục địa.

Từ đấy, hợp tác với nước ngoài chúng ta đã triển khai công tác địa vật lý ra toàn thềm lục địa bằng các tàu địa vật lý như Gambursev, Iskatel, Malưgin (Nga), Longva II (Na Uy) và nhiều tàu địa chấn hiện đại khác… Đến nay khối lượng khảo sát địa vật lý trên 400.000km (địa chấn 2D, từ, trọng lực) và trên 30.000km địa chấn 3D. Kết quả thăm dò địa chấn đã góp phần rất quyết định cho việc nghiên cứu cấu trúc địa chất, phân vùng triển vọng và đánh giá trữ lượng dầu khí ở các bể trầm tích Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lay – Thổ Chu, Tư Chính – Mã Mây, Hoàng Sa và nhóm bể Trường Sa.

Ngày 20/5/2009 tàu địa chấn Bình Minh 02 được đưa vào vận hành, đánh dấu một bước tiến mới ứng dụng công nghệ hiện đại trong tiến trình tự lực thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Tàu được trang bị công nghệ số, đảm bảo công tác khảo sát Địa chấn 2D trên biển. Nay tàu Bình Minh 02 được Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí PTSC quản lý và khai thác, đã và đang tiến hành khảo sát trên toàn lãnh hải Việt Nam. Hoạt động cửa tàu Bình Minh 02 không chỉ là một nhân tố quan trọng góp phần phát triển công tác thăm dò dầu khí, mà còn là một sự kiện khẳng định độc lập chủ quyền vùng lãnh hải Việt Nam.

Từ mét khối khí đầu tiên được khai thác ở mỏ khí Tiền Hải C năm 1981 và tấn dầu thô đầu tiên ở mỏ Bạch Hổ năm 1986, nay đã khai thác được trên 260 triệu tấn dầu. Với sản lượng khai thác như vậy Việt Nam đã đứng vào vị trí nước sản xuất dầu khí đứng thứ 3 ở Đông Nam Á. Trung bình mỗi năm ngành Dầu khí Việt Nam đóng góp khoảng 25% tổng thu ngân sách Nhà nước, đã có đóng góp rất quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế quốc dân trong tiến trình CNH-HĐH và đổi mới đất nước trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Chúng ta rất tự hào với lịch sử năm mươi năm phát triển hào hùng với những thành tựu to lớn của ngành Dầu khí Việt Nam.

Minh Trường

DMCA.com Protection Status