Đại biểu Quốc hội đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

14:03 | 27/10/2022

4,709 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 27/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên thảo luận sáng 27/10, các đại biểu cơ bản nhất trí, tán thành với nhiều nhận định, đánh giá trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 cũng như báo cáo của Chính phủ đã trình trước Quốc hội năm 2022. Đồng thời, các đại biểu cũng đã chỉ rõ những hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quốc hội đề xuất các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Nhận định giải ngân còn chậm với nhiều nguyên nhân, đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện.

Chỉ rõ, do nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giao muộn, các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, vốn sự nghiệp giao một số nhiệm vụ quá thời hạn, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của năm 2022 và cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo quy định chặt chẽ và được thực thi nghiêm túc để tạo động lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn. Cụ thể, cần phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp tháo gỡ các nút thắt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Đến nay, tiến độ triển khai gói kích cầu cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch còn chậm chạp, không đảm bảo được hiệu quả thực tế và ý nghĩa sâu sắc, quan trọng như khi đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cũng đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp pháp hiệu quả hơn nữa để triển khai quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Theo đại biểu Thắng, giải ngân đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, chưa được giải quyết hiệu quả. Đến hết tháng 9 năm 2022 mới chỉ đạt 46,7% vốn ODA mới chỉ đạt 15%. Nguyên nhân chủ yếu của việc giải ngân chậm là do không có khối lượng hoàn thành để làm cơ sở tại ngân theo quy định... Ngoài ra, còn một số nguyên nhân như chưa thể phân bổ hết kế hoạch vốn đã được giao, chậm nhận được ý kiến của nhà tài trợ.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Bên cạnh đó, đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đánh giá cụ thể hơn kết quả tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Nghị quyết 43 của Quốc hội đến thời điểm hiện nay tỉ lệ giải ngân theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn đạt thấp, tính đến cuối tháng 9 đạt 20 %. Gói hỗ trợ lãi suất 2 % qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, đạt 13,5 tỉ, trên 16.035 tỷ đồng. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp để đẩy nhanh việc giải ngân gói hỗ trợ này.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị tích cực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu đầu vào để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng lệ thuộc vào thị trường nhất định, mở rộng thị trường trong nước.

Theo đại biểu, 9 tháng đầu năm 2022, bên cạnh sự gia tăng của doanh nghiệp, thành lập mới, trung bình mỗi tháng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn bình quân của năm 2020 và năm 2021. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng cao số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đó là các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy nhanh việc cấp bù lãi suất nhằm thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính thuế đến hết năm 2023.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) cũng đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu, tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, tập trung vào 2 khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; tính toán thận trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế, phục hồi và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá gắn với công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả thị trường, nhất là đối với các mặt hàng bình ổn giá mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cũng như hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hàng hóa, thiết bị, vật tư, y tế, phòng chống dịch bệnh, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý ảnh hưởng xấu đến mặt bằng giá cả.

Về phát triển kinh tế vùng, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát đánh giá để xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ưu tiên phân bổ vốn có trọng tâm, trọng điểm vào các dự án có tính lan tỏa. Đại biểu cũng quan tâm đến tình trạng trẻ em đuối nước còn cao. Đại biểu đề nghị đánh giá các chương trình đã triển khai, chỉ đạo phân định trách nhiệm các ngành các cơ quan, chú trọng truyền thông chủ động tăng cường giám sát để giảm đuối nước ở trẻ em.

Đại biểu ủng hộ sớm thực hiện tăng lương cơ sở, đồng thời có chính sách giữ chân cán bộ. Duy trì chính sách an sinh xã hội hướng đến đối tượng người lao động. Đại biểu cũng đề nghị sớm sửa Luật Việc làm.

7 giải pháp căn cơ

Đóng góp ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) đưa ra 7 giải pháp: Thứ nhất, cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu; xử lý nhanh các doanh nghiệp kéo kém hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, hướng đến các công trình, dự án lớn mang tầm quốc gia, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí.

Thứ hai, hoạt động sản xuất kinh doanh cho một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn về vốn, tỷ giá, lao động, về thuế và phí. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn. Như vậy sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Thứ ba, thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay tuy vẫn tăng nhưng gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ, liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy, cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt vì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh, năng lượng và môi trường. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, liên kết tốt với kinh tế trong nước. Đồng thời cần sớm ban hành Luật Công nghệ hỗ trợ để tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm sản xuất từ các dự án FDI cũng như là các mặt hàng xuất khẩu.

Thứ tư, đời sống của người dân, một bộ phận người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gia đình có người thân mất do dịch bệnh Covid-19, hộ gia đình bị thiên tai, lũ lụt, cán bộ hưu trí và thu trước năm 1995. Do đó, cần tăng cường chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nhất là dịp lễ tết, chồng quan tâm hơn nữa đến thu nhập cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành y và ngành giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông.

Thứ năm là vấn đề là thị trường xăng dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng một số nơi. Mặc dù Bộ Công thương đã tích cực vào cuộc nhưng chúng ta cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự. Trong thời gian tới cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.

Thứ sáu, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một số nơi tại cơ sở khám, chữa bệnh cần có giải pháp cấp bách, quyết liệt. Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị trong khi chờ đợi các luật ban hành, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội những giải pháp cấp bách để đưa vào nghị quyết cuối kỳ họp này. Vì bảo vệ sức khỏe nhân dân, tính mạng nhân dân là trên hết và trước hết cử tri đang rất quan tâm vấn đề này.

Thứ bảy, giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.

6 giải pháp trọng tâm để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công6 giải pháp trọng tâm để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Tăng lương cơ sở là một trong những việc cần làm ngay tức thờiTăng lương cơ sở là một trong những việc cần làm ngay tức thời
Đẩy nhanh hỗ trợ lãi suất và giải ngân vốn cho người dân, doanh nghiệpĐẩy nhanh hỗ trợ lãi suất và giải ngân vốn cho người dân, doanh nghiệp

P.V

DMCA.com Protection Status