Đại diện WHO đánh giá cao Việt Nam nỗ lực tăng nguồn cung vắc xin Covid-19

14:53 | 25/08/2021

3,916 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương nhận định, Việt Nam đã và đang rất nỗ lực tăng nguồn cung vắc xin bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có nỗ lực chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.
Đại diện WHO đánh giá cao Việt Nam nỗ lực tăng nguồn cung vắc xin Covid-19 - 1
Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp báo trực tuyến sáng ngày 25/8, Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương, đã đưa ra đánh giá về tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở khu vực trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan mạnh.

Ông Takeshi cho rằng, Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới do sự xuất hiện của Delta - biến chủng của virus SARS-CoV-2 dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng khác.

Theo ông Takeshi, một lần nữa, với sự chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả như tiếp tục truy vết tiếp xúc, hạn chế đi lại, kiểm soát biên giới, điều trị cho người bệnh, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch, nhanh chóng tăng nguồn cung vắc xin và tiêm chủng cho người dân.

Ông Takeshi cũng đề cập đến việc luân chuyển đội ngũ y tế từ các tỉnh, thành hỗ trợ những vùng dịch. Nhân dịp này, ông gửi lời tri ân đến đội ngũ y tế, những người tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát đại dịch.

Liên quan đến vấn đề vắc xin, ông Takeshi nói, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một vấn đề chung là tình trạng khan hiếm nguồn cung vắc xin. Do vậy, Việt Nam đã nỗ lực tăng nguồn cung vắc xin bằng nhiều biện pháp khác nhau trong đó có việc phát triển và chuyển giao công nghệ vắc xin để xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin ngay trong nước.

Việt Nam đã đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ vắc xin với Nga, Mỹ và Nhật Bản. Theo thỏa thuận này, các nhà máy ở Việt Nam có thể sản xuất tới 100 - 200 triệu liều mỗi năm.

WHO khuyến cáo về chủng Delta

Tại cuộc họp báo hôm nay, ông Takeshi và các đại diện của WHO nhấn mạnh, sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến diễn biến Covid-19 ở khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như nhiều nơi khác trên thế giới thay đổi rất nhanh chóng.

Theo số liệu của WHO, đến nay, khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận xấp xỉ 6 triệu ca mắc Covid-19, chiếm 2,8% số ca toàn cầu. Khu vực này cũng ghi nhận hơn 82.000 người tử vong do Covid-19, chiếm khoảng 1,9% số ca tử vong toàn cầu. Tính riêng tháng 8, khu vực Tây Thái Bình Dương có thêm hơn 1,3 triệu người mắc và hơn 16.000 ca tử vong.

Để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19, đại diện WHO khuyến cáo, các chính phủ cần có các biện pháp để phát hiện sớm các cụm lây nhiễm trong cộng đồng, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch, giãn cách xã hội, thậm chí với mức độ nghiêm ngặt hơn và duy trì lâu hơn nhằm tránh nguy cơ hệ thống y tế quá tải.

Ngoài ra, đại diện WHO nhấn mạnh, vắc xin vẫn là công cụ hữu hiệu đối phó với Covid-19, việc tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm dân số có nguy cơ cao và tiếp đến là mở rộng tiêm chủng toàn bộ người dân có ý nghĩa quan trọng. Ông Takeshi nói, kết hợp giữa tiêm chủng và duy trì thực hiện các biện pháp phòng dịch là chìa khóa để kiểm soát đại dịch, ngăn virus đột biến nguy hiểm.

Theo Dân tri

Mỹ tặng Việt Nam một triệu liều vắc xin Covid-19Mỹ tặng Việt Nam một triệu liều vắc xin Covid-19
Pfizer phát triển vắc xin đặc hiệu với biến chủng DeltaPfizer phát triển vắc xin đặc hiệu với biến chủng Delta
Chiến lược vắc xin: Những điều chỉnh Chiến lược vắc xin: Những điều chỉnh "cần làm nhất", "cần làm ngay"
Nghiêm cấm thu tiền tiêm vắc xin Covid-19 dưới mọi hình thứcNghiêm cấm thu tiền tiêm vắc xin Covid-19 dưới mọi hình thức
Cổ phiếu vắc xin đồng loạt tăng sau khi Mỹ phê duyệt hoàn toàn cho PfizerCổ phiếu vắc xin đồng loạt tăng sau khi Mỹ phê duyệt hoàn toàn cho Pfizer
Thủ tướng: Người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịchThủ tướng: Người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch

DMCA.com Protection Status