Đắkđrinh trên đường về đích

07:00 | 04/05/2014

689 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Khi tôi đặt bút ghi chép lại chuyến đi Đắkđrinh, đã có lúc phải dừng lại nhẩm tính xem bao giờ quay lại để dự lễ khánh thành nhà máy. Chứng kiến “mọi việc hòm hòm” theo cách nói vui của những người làm thủy điện thì có lẽ sự kiện đó đang đếm ngược vài chục ngày nữa. Năm ngoái, một công trình ở miền Tây Nghệ An là Thủy điện Hủa Na đã hòa lưới thì năm nay một “người em” của Điện lực Dầu khí mang tên Đắkđrinh làm sáng miền Tây Quảng Ngãi.

Năng lượng Mới số 317+318

1. Trên đường đến với Thủy điện Đắkđrinh tôi thực sự bị cuốn hút bởi cảnh sắc ở đây. Nếu bên phải là sông Trà Khúc uốn lượn vắt ngang lưng chừng núi như dải yếm trắng thì bên trái là cánh đồng lúa vàng óng đúng vào dịp thu hoạch vụ hè của bà con nông dân. Cảnh người gặt, người gùi, trâu bò lững thững kéo những chuyến xe chất đầy lúa trên đường khiến chiếc xe chở chúng tôi cứ chầm chậm mà lăn bánh. Ngồi trong xe được thỏa sức ngắm cảnh, lòng tôi cứ phấn chấn vì mọi thứ nơi đây yên bình quá. Đường lên thủy điện khoảng 65km nhưng khá quanh co, nhất là đoạn qua đèo Vi Ô Lắc với nhiều đoạn cua tay áo.

Để “rút ngắn” quãng đường, anh lái xe của Công ty Cổ phần Tư vấn Dự án Điện lực Dầu khí (PV Power PCC) tỏ ra rất tâm lý. Mỗi lần qua xã, huyện nào tôi cũng được nghe anh kể tường tận những chuyện của địa phương ấy. Qua huyện Nghĩa Hành, nghe chuyện ông Hồ Giáo, người 2 lần được phong Anh hùng Lao động được Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao việc nuôi trâu Mura... Ở thị trấn Ba Gia, huyện Sơn Tịnh là câu chuyện chiến thắng trong Chiến dịch Ba Gia của quân Giải phóng miền Nam.

Đường lên thủy điện còn thêm một màu xanh mơn mởn của những ruộng ngô, sắn và đồi keo. Thắc mắc, không biết người dân trồng nhiều như vậy có mục đích gì? Anh lái xe, vốn là người gốc Quảng Ngãi nói, bà con trồng sắn để bán cho nhà máy, ăn hay chăn nuôi gia súc đều được cả. Hơn thế nữa, từ lâu cây sắn đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân miền Tây Quảng Ngãi. Thời kỳ kháng chiến gian khổ, sắn chính là chiến lược lương thực lâu dài để có thể đánh bại được giặc Mỹ. Mà cha đẻ của chiến lược này là cụ Trần Kiên, người con ưu tú của đất Quảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương. Cụ Kiên đã có công cho dân khai hoang trồng sắn để làm lương thực chính cho bộ đội Trường Sơn khi hành quân ngang qua đây. Hết một đợt ông cho trồng lại 3-5 bụi khác, vì vậy sắn của cụ Kiên cứ hết lại có, vừa đủ giúp dân chống đói, vừa tiếp thêm lương thực cho bộ đội hành quân. Cho đến nay, ngoài trồng lúa và cây keo (làm nguyên liệu giấy) thì cây sắn vẫn in đậm những giá trị của quá khứ đối với hiện tại cho bà con các huyện miền núi Quảng Ngãi.

Mấy năm trước, huyện Sơn Tây nằm trong 62 huyện nghèo nhất nước và cũng là một trong những huyện nghèo của tỉnh. Những năm đầu tái lập huyện (năm 1994), đường giao thông lên Sơn Tây cực kỳ khó khăn, phải vạch cây rừng, trèo đèo, lội suối mà đi. Cả huyện có trên 90% hộ đói, hơn 98% dân mù chữ, nhiều xã không có trạm y tế, không một xã nào có điện sinh hoạt. Tuyến đường Trường Sơn Đông vì vậy đối với huyện Sơn Tây được xem là con đường mang nhiều hy vọng, đưa người dân nhìn về phía trước. Cái thế bị rơi vào ngõ cụt bao lâu nay của huyện Sơn Tây đã và đang được giải tỏa. 5 năm trở lại đây, chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ, được thực hiện đã và đang từng bước tác động làm cho bộ mặt kinh tế, xã hội và đời sống người dân huyện Sơn Tây tiếp tục chuyển biến nhiều mặt.

Đặc biệt, khi ánh sáng điện lần đầu được thắp lên cách đây 15 năm như đường dây 35kV Quảng Ngãi - Sơn Hà + TBA; đường dây 22kV Sơn Hà - Sơn Tây + TBA với tổng chiều dài 65,8km thì cuộc sống đã khác rất nhiều. Đặc biệt, năm 2009, Dự án Thủy điện Đắkđrinh được triển khai với tổng mức đầu tư trên 4.900 tỉ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, công suất 125MW thì thực sự bức tranh kinh tế của huyện miền núi Sơn Tây bước sang một trang mới. Ở Quãng Ngãi, dự án này mang ý nghĩa rất lớn, xếp thứ hai sau khu kinh tế Dung Quất, thêm một minh chứng đậm nét của Tập đoàn Dầu khí cho công tác an sinh xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đưa vùng đất còn nhiều khó khăn như Sơn Tây từng bước đi lên.

2. Thời điểm tôi đến công trình Thủy điện Đắkđrinh đúng vào những ngày tháng gấp gáp nhất của dự án. Trái với sự tập nập ngoài công trường, khu nhà ở của Ban Điều hành dự án thì không một bóng người, cơ sở hạ tầng thì khá khang trang sạch đẹp, có khu chơi thể thao bóng đá, bóng bàn và có cả sân tennis. Quá 12 giờ trưa mà nhà ăn tập thể vẫn chưa thấy ai về, trong khi mấy chị làm bếp đã đặt xong những suất ăn cuối cùng lên bàn. Anh bảo vệ ở đây kể, thời gian này cán bộ, công nhân viên (CBCNV) công ty cực kỳ bận rộn ngoài công trường, có khi 1-2 giờ trưa mới thấy mọi người về ăn cơm nhưng gọi là ăn cho xong bữa, tranh thủ vài phút chợp mắt sau đó lại lên xe ra công trường ngay.

Không giống như nhà máy Thủy điện Hủa Na (Nghệ An) cách ban điều hành đến cả chục cây số đường núi. Ở đây, Ban Điều hành Công ty Cổ phần Thủy điện Đắkđrinh (PV Power DHC) chỉ cách nhà máy quãng độ vài chục bước chân. Vào đây chỉ cần thoáng nhìn vào cái bàn tạm bợ ghép từ cốp pha vừa đủ chỗ vài ba cái bánh mỳ, mấy chai chai nước suối là đủ thấy mọi người vì tiến độ phải ăn và làm việc tại chỗ. Ngay cửa nhà máy, tổ máy số 2 (công suất 65MW) được 1 tốp thợ lắp máy SUMECO (đơn vị lắp máy thuộc Tổng Công ty Sông Đà) lau chùi, lắp ráp tỉ mỉ. Thấy tôi cầm cái máy ảnh, công nhân Hoàng (quê Hòa Bình) cười tươi rói như khoe về “cuộc đua với thời gian”: “Nốt “cái này” (rotor tổ máy 2) là anh em về quê thôi. Trông vậy mà nhanh lắm!”.

Tổ máy số 1 Thủy điện Đắkđrinh

Còn phía bên dưới, tổ máy số 1 đã lắp xong vào vị trí stator từ mấy tháng trước đó. Tổ máy này đang bị “phanh bụng”, người ra người vào cứ như đàn ong vào tổ, bên trong là khoảng 5-6 kỹ sư, cả chuyên gia Trung Quốc đang cặm cụi làm việc trong đó. Nhìn đồng hồ lúc này cũng đã gần 13 giờ, thường là giờ nghỉ giữa ca, chưa kịp hỏi dứt câu thì một kỹ sư (xin giấu tên) nói với tôi, mặc dù công việc trong nhà máy đã cơ bản hoàn tất nhưng đây lại là thời điểm hết sức quan trọng vì sai 1 li là “đi” cả... thủy điện. “Thời điểm này, chuyện ăn uống, ngủ nghỉ anh em chúng tôi coi như việc phụ. Nhiều lúc ăn, ngủ qua loa cho xong bữa thì mới bám sát được tiến độ công việc. Chúng tôi còn chưa là gì, anh em làm vệ sinh trong hầm dẫn nước còn vất vả hơn nhiều”, kỹ sư này tâm sự.

Được biết, hạng mục đường hầm nằm cách nhà máy đến hơn 20km, nhiều hôm thức ăn được chở lên bằng ôtô cho CBCNV ăn. Có thể nói, sức nóng tiến độ ở Đắkđrinh lúc này còn hơn cả cái nóng khắc nghiệt của miền Trung. Cũng trước đó ít hôm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn, phụ trách lĩnh vực điện Nguyễn Quốc Khánh cùng lãnh đạo các đơn vị nhà thầu đã trực tiếp chỉ đạo “nóng” ở tất cả các hạng mục trên công trường. Một tín hiệu của Đắkđrinh đang cận kề cán đích, cũng thấy mừng vì tinh thần lao động tập thể nơi đây đang diễn ra từng giờ, từng phút. Nay khối lượng công việc cũng gần như hoàn tất nhưng càng sát ngày giờ G (ngày phát điện) thì lại là giai đoạn tăng tốc, căng thẳng nhất.

Theo tiến độ, song song với việc phát điện tổ máy số 1 vào tháng 5 thì song song tổ máy số 2 cũng đang tiến hành lắp đặt. Vì mục tiêu phát điện, chính vì thế giai đoạn này hàng trăm cán bộ, công nhân trên công trường làm việc đều đặn cả 3 ca, không có ngày nghỉ, để hoàn thành việc phát điện đồng bộ cả hai tổ máy trong tháng 6. Về cơ bản, các hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thiện, chủ yếu chỉ còn các đơn vị lắp máy và kỹ thuật làm việc. Tổ máy số 1 sắp phát điện, ngay sau đó các công nhân bắt tay vào lắp đặt tổ máy số 2.

Công trình Thủy điện Đắkđrinh công suất là 125MW nhưng lại mang nhiều đặc thù thi công khá phức tạp như việc đắp một con đập với chiều dài 415m rộng 7,5m bằng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC). Còn quy mô lớn nhất của Thủy điện Đắkđrinh phải nói đến hạng mục thi công hầm dẫn nước có chiều dài 11km có đường kính từ 3,5 đến hơn 4m.

May mắn khi lên đây lại trùng đúng dịp nhà máy cho tiến hành nạp nước đường hầm. Thoạt nghe thì thấy đó là chuyện bình thường của một dự án thủy điện nhưng đây có thể được coi là “cuộc cách mạng lớn” về thi công, từ phương thức tổ chức, cách làm sáng tạo và bài học kinh nghiệm quý báu. Theo Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật Đặng Hữu Thắng, để hoàn thành hạng mục này điều đầu tiên phải nhìn nhận sự nỗ lực rất lớn, tinh thần lao động nghiêm túc, khẩn trương có của tập thể CBCNV, kỹ sư trên công trường, do tuyến năng lượng cách xa nhà máy chính gần 25km đường vòng, nên chủ đầu tư dự án đã đồng ý duyệt phương án thiết kế là phải đào một tuyến dẫn nước bằng đường ngầm qua các dãy núi có chiều dài gần 11km (đường hầm dài nhất Việt Nam hiện tại) để dẫn nước vào nhà máy.

Nhân câu chuyện này, tôi nhớ có lần anh Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty CP Thủy điện Hủa Na nói tiến độ bao giờ cũng là mục tiêu lớn nhất quyết tâm hướng tới. Hai người anh em ruột Hủa Na và Đắkđrinh đều có những khó khăn, thuận lợi riêng. Theo kinh nghiệm của anh Hùng đã quyết tâm làm thì phải làm bằng được, cái gì lỡ chậm thì phải chắc về chất lượng vì xét cho cùng chất lượng quan trọng hơn cả. Hủa Na từng vướng ở công tác di dân tái định cư (số lượng gấp 3 lần Đắkđrinh), còn Đắkđrinh thì thi công đường hầm dẫn nước thuộc hàng “khủng” tới 11km (gấp hơn 2 lần chiều dài hầm Hủa Na). Để đào gần 11km đường hầm xuyên lòng núi có đường kính rộng 4m mà độ sai số giữa các gương đều đạt độ cho phép có thể được xem như một kỳ tích của người làm thủy điện, nhưng điều tự hào hơn là công tác an toàn, chất lượng được thực hiện một cách nghiêm túc, trọn vẹn. Đặc biệt, toàn bộ độ dài của đường hầm không có đoạn nào bị lún sụt, hư hại, có thể nói là điều tự hào của những người làm Thủy điện Đắkđrinh.

3. Hiện nay, lực lượng thợ của trên công trường đã hoàn thành công việc chế tạo và lắp đặt xong các thiết bị phụ, vận chuyển 2 máy biến áp 170 tấn vào vị trí nhà máy, tiến hành mài lắp, căn chỉnh trên 250 tấn thiết bị của Tổ máy 1. Cùng thời điểm trên, tổ máy số 2 cũng đang tiến hành lắp đặt hệ thống buồng xoắn, stator và rotor chuẩn bị cho lắp đồng bộ. Đây cũng là thời điểm cần tăng tốc trước khi về đích, bởi vậy các đơn vị đã tập trung chọn lựa bổ sung thêm kỹ thuật viên và thợ cơ khí có chuyên môn tay nghề cao đến công trình để tham gia thi công, nhằm hoàn thành đúng tiến độ đưa Tổ máy số 1 Thủy điện Đắkđrinh vào khởi động cuối trong quý II năm nay.

Lãnh đạo PV Power kiểm tra các hạng mục trên công trường

Theo dự kiến, khi dự án hoàn thành sẽ phát điện hòa vào lưới điện quốc gia với sản lượng bình quân 540 triệu kWh/năm; đồng thời làm tăng lưu lượng cấp nước vào mùa kiệt cho vùng hạ du; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Để có thể nhanh chóng hòa vào mạng lưới điện quốc gia trong ít tháng tới, PV Power DHC sẽ tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán điện. Các hạng mục, kiến trúc tổng thể công trình, đặc biệt là việc lắp đặt 2 tổ máy theo tiến độ đề ra. Theo ông Nguyễn Đình Tuân - Trưởng phòng Tổ chức hành chính (PV Power DHC), với quyết tâm cao, những ngày này công trường hầu như không có ngày nghỉ: Ngày cũng như đêm, các đơn vị đều làm việc 3 ca liên tục để chuẩn bị tiến tới mục tiêu hòa lưới điện quốc gia. Đến nay, với sự nỗ lực của các bên liên quan công tác thi công các hạng mục chính phục vụ mục tiêu phát điện đã cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ được duyệt, đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, PV Power DHC phối hợp với địa phương tổ chức xây dựng hoàn thành các hạng mục tái định cư, tái định canh trên địa bàn hai huyện Sơn Tây và Konplong, nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội. Theo đại điện PV Power DHC, để quản lý, vận hành Thủy điện Đắkđrinh an toàn, hiệu quả trong thời gian sắp tới. Ngay từ bây giờ công ty sẽ tiến hành thường xuyên, nghiêm túc việc đôn đốc các nhà thầu thi công đúng tiến độ. Song song với đó, công ty cũng sẽ tiếp tục triển khai rà soát định mức lao động, định mức kinh tế kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ các chi phí liên quan để đạt mục tiêu chi phí là thấp nhất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Việc xây dựng và củng cố mô hình hoạt động, phương án cơ cấu nhân sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới: quản lý vận hành nhà máy, quyết toán vốn đầu tư cần được tiến hành. Có thể nói 5 năm qua, mỗi thử thách là một dấu ấn ghi lại chặng đường vinh quang mà lãnh đạo và toàn thể CBCNV Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty Thủy điện Đắkđrinh đã vượt qua, là “lửa thử vàng”, là minh chứng cho bản lĩnh của những người làm thủy điện nơi đây.

Thủy điện Đắkđrinh khởi công tháng 1/2011 gồm 2 tổ máy với tổng công suất 125MW do Công ty Cổ phần Thủy điện Đắkđrinh (thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư tại xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Tổng Công ty LICOGI làm tổng thầu cùng với các nhà thầu chính thuộc Tổng Công ty Sông Đà đảm nhận các hạng mục trọng yếu như khoan đào gần 11km đường hầm xuyên núi, lắp đặt gần 1.300 tấn thiết bị đào đắp và đổ bê tông nhà máy, lắp đặt thiết bị trạm điện ngoài trời (OPY) v.v... Dự án Thủy điện Đắkđrinh là một dự án trọng điểm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011, giao Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam quản lý tiến độ chất lượng công trình.

Mạnh Kiên

DMCA.com Protection Status