Đạm Cà Mau đặt mục tiêu lãi trước thuế 685 tỉ đồng

09:40 | 12/06/2018

622 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sắp tới, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HoSE: DCM) sẽ trình kế hoạch kinh doanh năm 2018 với sản lượng đạm tiêu thụ đạt 751.000 tấn, dự kiến mang về 5.496 tỉ đồng tổng doanh thu, tương ứng lợi nhuận trước thuế 685 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 650 tỉ đồng. Riêng Công ty Mẹ đặt mục tiêu doanh thu 5.473 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 649 tỉ đồng.

Để đạt được những chỉ tiêu đề ra, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết sẽ đôn đốc triển khai đúng tiến độ Dự án nhà máy sản xuất phân bón phức hợp NPK công suất 300.000 tấn/năm cũng như Dự án cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn/năm.

dam ca mau dat muc tieu lai truoc thue 685 ti dong
Phân bón của Đạm Cà Mau được tin dùng rộng rãi trên khắp cả nước

Riêng về nhà máy sản xuất NPK, dự án được khởi công từ quý II/2017, dự kiến đi vào vận hành cuối năm nay.

Tây Nam Bộ là thị trường chính của Đạm Cà Mau với thị phần khoảng 60% trong năm 2017, tăng 7% so với thị phần năm 2016. Lợi thế của Đạm Cà Mau là vị trí nhà máy thuận lợi, qua đó tiết kiệm được chi phí vận chuyển, hơn 50% lượng urea sản xuất của công ty được bán tại khu vực này.

Ngoài Tây Nam Bộ, Campuchia cũng đang trở thành một thị trường quan trọng của Đạm Cà Mau. Nhu cầu urea của thị trường Campuchia khoảng 250.000-280.000 tấn mỗi năm. Trong đó, urea hạt đục chiếm khoảng 95% tổng lượng urea tiêu thụ tại thị trường này. Lợi thế của Đạm Cà Mau là Campuchia tiếp giáp với vùng Tây Nam Bộ nhờ có hệ thống sông Mekong. Việc vận chuyển bằng đường thủy từ nhà máy của Đạm Cà Mau đến Campuchia thuận lợi hơn so với các doanh nghiệp khác vận chuyển bằng đường bộ nên công ty tốn ít chi phí hơn để tới các điểm phân phối. Điều này giúp lượng phân bón bán ra tại thị trường này tăng trưởng nhanh và chiếm được thị phần đáng kể.

Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón khác, sự cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc và giá nguyên liệu đầu vào tăng tạo áp lực cho hoạt động của Đạm Cà Mau. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cung cấp phân bón cho Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượng phân bón nhập khẩu từ thị trường này tăng 20% đạt gần 2,4 triệu tấn tương đương 641 triệu USD.

Biến động giá khí thiên nhiên cũng là một nhân tố ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận gộp nhiều doanh nghiệp sản xuất. Giá vốn hàng bán chiếm trung bình khoảng 70-77% tổng doanh thu, trong đó khí thiên nhiên thường chiếm 70% giá vốn hàng bán của mặt hàng này.

Nhưng khác với nhiều doanh nghiệp trong ngành, Đạm Cà Mau vẫn đang trong giai đoạn được áp dụng giá khí từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo hợp đồng mua bán khí được điều chỉnh hằng năm trong giai đoạn 2015-2018, đảm bảo suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu của công ty đạt trên 12%.

dam ca mau dat muc tieu lai truoc thue 685 ti dong

Sản xuất phân bón tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Với lợi thế về nguyên liệu đầu vào được bảo đảm từ PVN đến hết năm 2018, cùng với đó là thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi giảm 50% đã tạo bàn đạp để Đạm Cà Mau liên tục gia tăng thị phần cũng như vị thế của công ty không chỉ trong nước mà còn ở một số quốc gia như Campuchia, Lào, Myanmar… Từ tháng 10-2016, Đạm Cà Mau cũng hoàn tất việc nâng công suất nhà máy lên 110%, với công suất hiện tại sản lượng phân bón được sản xuất tối đa đạt 880.000 tấn urea mỗi năm.

Cổ đông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự kiến sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Đạm Cà Mau xuống còn 51% trong năm 2018, so với mức 75,5% hiện tại.

Năm 2017, Nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành với hiệu suất lên tới 108% công suất, qua đó đưa sản lượng năm 2017 cán mốc 850.000 tấn, hoàn thành trước kế hoạch 2 tháng. Công ty tiêu thụ được 940.000 tấn phân bón các loại, giúp doanh thu tăng trưởng trên 10% so với năm trước. Lần đầu tiên bộ sản phẩm Đạm Cà Mau với hơn 7 loại sản phẩm vô cơ, khoáng hữu cơ, sinh học như: N46Plus, N46 Nano C+... đã được đưa ra thị trường.

Kết thúc quý I/2018, Đạm Cà Mau đạt 1.315 tỉ đồng doanh thu hợp nhất, với lợi nhuận sau thuế gần 260 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu của Đạm Cà Mau tăng lên hơn 6.394 tỉ đồng ở thời điểm tháng 3, trên vốn điều lệ 5.294 tỉ đồng. Trong đó, tổng quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gần 803 tỉ đồng.

Đại hội đồng cổ đông thường niên của Đạm Cà Mau dự kiến diễn ra ngày 12-6. Mục tiêu công ty đặt ra trong năm nay là thực hiện công tác tái cơ cấu theo chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của PVN, đồng thời kiện toàn bộ máy nhân sự vững mạnh để thực hiện chiến lược kinh doanh với nhiều giải pháp đồng bộ giúp công ty phát triển bền vững. Theo đó PVN sẽ thoái một phần vốn tại công ty trong năm 2018 xuống 51% vốn điều lệ. Theo báo cáo tài chính của Đạm Cà Mau, tỷ lệ sở hữu của PVN tại Đạm Cà Mau hiện là hơn 75,5%.

P.V

DMCA.com Protection Status