Đạm Cà Mau - Những kết quả ấn tượng

08:00 | 28/03/2020

1,363 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) vẫn nỗ lực đạt được những kết quả ấn tượng trong 2 tháng đầu năm 2020.

Theo PVCFC, 2 tháng đầu năm, dù lượng sản phẩm tiêu thụ và doanh thu ước thực hiện thấp hơn so với kế hoạch, nhưng công ty vẫn đạt lợi nhuận 34,73 tỉ đồng. Kết quả này được hỗ trợ bởi Nhà máy Đạm Cà Mau duy trì sản lượng sản xuất cao. Trong điều kiện nguồn khí cung cấp không ổn định do các sự cố, Nhà máy Đạm Cà Mau vẫn duy trì hoạt động ổn định, liên tục, an toàn với công suất bình quân đạt 110%, qua đó sản lượng urê đạt 157.000 tấn, vượt 17% kế hoạch 2 tháng. Bên cạnh đó, các chi phí phát sinh chưa nhiều và tỷ giá đi ngang, dẫn đến chi phí trong kỳ thấp.

dam ca mau nhung ket qua an tuong

Kết quả sản xuất kinh doanh tích cực trong 2 tháng qua cũng ghi nhận những nỗ lực của Đạm Cà Mau trong bối cảnh diễn biến thị trường chung khá bất lợi do tình hình hạn, mặn nghiêm trọng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản, khiến nông dân thu hẹp sản xuất.

Cụ thể, năm 2020, tình hình xâm nhập mặn đến sớm hơn so với mọi năm với nồng độ nhiễm mặn cao hơn trước rất nhiều. Thống kê từ đầu năm đến nay, có khoảng 300.000 ha bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xâm nhập mặn chỉ tính riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đây là thị trường tiêu thụ phân bón chủ lực của Đạm Cà Mau, dẫn đến nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân suy giảm mạnh (ước tính giảm từ 15-20% do nông dân thu hẹp diện tích trồng lúa, chuyển đổi cơ cấu diện tích cây trồng sang nuôi trồng thủy hải sản).

Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 khiến xuất khẩu nông sản sang nhiều thị trường chính, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, bị ngưng trệ, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm mạnh, đã tác động tiêu cực đến thu nhập của nông dân, khả năng thu hồi nợ của hệ thống phân phối, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước và sức mua của hệ thống sụt giảm.

Trong bối cảnh hết sức khó khăn đó, Đạm Cà Mau đã chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó và nỗ lực trong quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới... để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với thế mạnh về thương hiệu tại các thị trường mục tiêu như Tây Nam Bộ, Campuchia, Đạm Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ tại các khu vực không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý về nông nghiệp hướng dẫn nông dân thay đổi thời gian, kỹ thuật, giống canh tác, ứng phó với hạn, mặn.

dam ca mau nhung ket qua an tuong
Sản lượng cao giúp Đạm Cà Mau đạt kết quả kinh doanh tích cực trong 2 tháng đầu năm 2020

Đạm Cà Mau đã phối hợp cùng các sở, ngành của tỉnh Sóc Trăng triển khai xây dựng mô hình trình diễn giống lúa mới và quy trình canh tác lúa tiên tiến; hướng dẫn nông dân cách sử dụng phân bón hiệu quả, hỗ trợ kiểm tra độ mặn, khuyến cáo thời điểm thích hợp để lấy nước vào ruộng... Mô hình đã mang lại những hiệu quả ban đầu, từng bước thay đổi tư duy sản xuất cũ, giúp nông dân chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, canh tác hiệu quả, bền vững.

Đạm Cà Mau cũng đa dạng hóa sản phẩm dựa trên thế mạnh, lợi thế sẵn có của mình; không ngừng khai thác tối đa cơ hội thị trường; kinh doanh thêm nhiều dòng sản phẩm mới dựa trên nền tảng gốc urê như N46.Plus, Ure Bio. Với xuất khẩu, công ty chú trọng duy trì thị phần ổn định tại Campuchia; tìm kiếm và khai thác các thị trường xuất khẩu tiềm năng ở châu Á để tận dụng cơ hội kinh doanh, giảm bớt áp lực tại các thời điểm nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm sút.

Trước diễn biến của dịch Covid-19, Đạm Cà Mau chủ động, nhanh chóng triển khai kế hoạch ứng phó và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống theo khuyến cáo và chỉ đạo từ Chính phủ và các bộ, ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Đạm Cà Mau đồng thời đưa ra các giải pháp linh hoạt trong sản xuất kinh doanh như: Vận dụng linh hoạt các hình thức trực tuyến để triển khai công việc; tiếp tục triển khai digital marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, Fanpage, Facebook chính thức của Đạm Cà Mau để quảng bá thương hiệu khi các phương thức cũ như quảng bá thông qua các sự kiện thu hút đông người không còn hấp dẫn và không phù hợp trước nguy cơ lây lan của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau cũng xây dựng diễn đàn đối thoại, hợp tác thường xuyên giữa các đơn vị trong PVN và trong ngành phân bón để hình thành các nhóm chuyên môn trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và dự báo thị trường, nhằm cập nhật thông tin kịp thời, tận dụng lợi thế, thế mạnh sẵn có giữa các bên.

Nỗ lực ứng phó với thách thức, khó khăn, Đạm Cà Mau quyết liệt tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực phù hợp với các biến động của thị trường, kiểm soát chặt chẽ các mặt công tác nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch từng kỳ và cả năm. Trong những năm qua, đó luôn là một mục tiêu quan trọng được ban lãnh đạo Đạm Cà Mau quyết liệt chỉ đạo toàn công ty hành động. Mỗi kế hoạch được giao đi kèm với chi phí hợp lý, từ đó tối ưu chất lượng công việc, hiệu suất lao động. Các phần mềm hiện đại cũng chính thức được ứng dụng giúp nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả công việc.

Không bị trì trệ sản xuất khi thị trường khó khăn, bất lợi, Đạm Cà Mau không ngừng từng bước thực hiện Chiến lược phát triển bền vững của công ty. Vừa qua, Đạm Cà Mau đã ký kết hợp tác với VietFarm để nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh mảng phân bón hữu cơ vi sinh nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đa dạng sản phẩm, chú trọng các dòng phân bón hữu cơ, vi sinh ứng dụng khoa học công nghệ cao phù hợp với xu thế thị trường và định hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Các chuyên gia đánh giá, trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành phân bón như Đạm Cà Mau cũng được hưởng một số thuận lợi. Cụ thể, xuất khẩu gạo tăng cả về lượng và giá trị trong 2 tháng đầu năm 2020 (tăng 27% về lượng và 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019) với giá xuất khẩu tăng 10%, đạt mức cao nhất trong 12 tháng qua. Đồng thời, dự báo nhu cầu tích trữ gạo gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ hỗ trợ cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, qua đó thúc đẩy tiêu thụ phân bón. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, giảm dần sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành sản xuất nông nghiệp, với kỳ vọng sẽ là cú hích làm tăng nhu cầu tiêu thụ phân bón. Cùng với đó, việc giá dầu giảm cũng sẽ là tín hiệu tích cực giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất urê.

Những thuận lợi đó góp phần củng cố thêm niềm tin cho các nhà đầu tư về kết quả sản xuất kinh doanh tích cực của Đạm Cà Mau trong quý I, cũng như cả năm 2020.

Đạm Cà Mau đã ký kết hợp tác với VietFarm để nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh mảng phân bón hữu cơ vi sinh nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đa dạng sản phẩm, chú trọng các dòng phân bón hữu cơ, vi sinh ứng dụng khoa học công nghệ cao phù hợp với xu thế thị trường và định hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Mai Phương

DMCA.com Protection Status