Dầu khí Việt Nam - Những ý kiến tâm huyết

11:00 | 03/02/2019

1,053 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi, Báo Năng lượng Mới xin gửi tới độc giả một số ý kiến đánh giá, nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý đối với hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam.
dau khi viet nam nhung y kien tam huyet

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Dầu khí là ngành kinh tế rất quan trọng

Dầu khí là ngành kinh tế rất quan trọng đối với đất nước. Qua nhiều khóa làm đại biểu Quốc hội, tôi thấy khi nào bức bách nhất của ngân sách Nhà nước, bức bách nhất của tăng trưởng thì chúng ta phải dùng dầu khí để quyết định tăng trưởng, ngân sách Nhà nước. Có những lúc, chúng ta báo cáo trước Quốc hội là không hoàn thành thu ngân sách và không bảo đảm được tốc độ tăng trưởng, nhưng sau 1 tháng, chúng ta quyết định những chính sách về dầu khí thì hoàn thành được những nhiệm vụ đó.

Đóng góp của ngành Dầu khí vào nền kinh tế rất rõ ràng. Không chỉ đóng góp rất lớn vào ngân sách Nhà nước, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ngành Dầu khí còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Và quan trọng nhất là ngành Dầu khí đã góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Đặc biệt, ngành Dầu khí đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước, trước hết là bảo đảm được việc làm cho người lao động. Khi ngành Dầu khí ra đời, một loạt các chỉ tiêu giải quyết việc làm được giải quyết. Việc làm của ngành Dầu khí hơn các lĩnh vực khác là có tính ổn định, bền vững và thu nhập cao. Đi đôi với việc giải quyết việc làm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì ngành Dầu khí đòi hỏi trình độ kỹ thuật rất cao.

dau khi viet nam nhung y kien tam huyet
Dầu khí Việt Nam - Những ý kiến tâm huyết
dau khi viet nam nhung y kien tam huyet

Ông Nguyễn Lâm Thành - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Có chế độ ưu tiên cho lao động dầu khí

Phải nói rằng, ngành Dầu khí có tính đặc thù, trên bờ và trên biển rất khác nhau, từ đó, công việc của đội ngũ khoa học kỹ thuật cũng rất khác. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta áp dụng chế độ chung. Anh em “tâm tư” rất nhiều, liên quan đến chế độ lương bổng, phụ cấp. Ngày trước có thêm chế độ công tác biển, anh em ra giàn làm việc 1 tháng thì có công tác phí để tăng thêm thu nhập, nhưng hiện nay đã bị cắt giảm đi rất nhiều.

Thực hiện theo một nguyên tắc chung như vậy là không phù hợp. Tôi cho rằng, phải có chính sách khác. Anh em phải ra giàn khoan cả tháng trời, trong bối cảnh độc lập như thế, trong môi trường biển mênh mông như thế, nhiều khi còn khắc nghiệt hơn cả biên phòng, biên phòng dù sao nhiều khi vẫn có nhân dân, có đất liền, cũng giống như các chiến sĩ ở Trường Sa, phải có chế độ khác.

Tôi nghĩ rằng, riêng với ngành Dầu khí, chúng ta cần phải có chế độ ưu tiên vì tính chất công việc đặc thù và vì

dau khi viet nam nhung y kien tam huyet

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Phải có cách nhìn khác về dầu khí

Chúng ta đều thấy tác động của ngành Dầu khí rất lớn với nền kinh tế và quá trình phát triển của đất nước. Đến nay, tình hình kinh tế, chính trị, tiềm lực kinh tế của nước ta đã thay đổi, đòi hỏi ngành Dầu khí, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có cách nhìn khác về tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, về ứng dụng khoa học công nghệ, về phương thức đi tắt đón đầu tổ chức sản xuất của ngành Dầu khí trong tương lai.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận các yếu tố liên quan đến môi trường hoạt động của ngành Dầu khí đã có nhiều thay đổi. Trước hết, môi trường kinh doanh quốc tế, trong đó có giá dầu, yêu cầu kỹ thuật sản xuất cũng như bảo vệ môi trường... đã thay đổi. Về thị trường nội địa, chúng ta cũng có những tác động hạn chế đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành Dầu khí, bao gồm cả trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh công khai minh bạch, có thể dự báo được, để cho các doanh nghiệp dầu khí tham gia hoạt động, cũng như trách nhiệm của Chính phủ với tư cách chủ sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

dau khi viet nam nhung y kien tam huyet

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Cần ban hành Luật Dầu khí đầy đủ

Ngành Dầu khí Việt Nam hiện đã phát triển khá hoàn chỉnh, toàn diện và thực hiện đầu tư kinh doanh theo chuỗi giá trị, bao gồm thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn. Trong khi đó, Luật Dầu khí năm 1993 tuy được bổ sung, sửa đổi 2 lần nhưng chỉ quy định ở khâu thượng nguồn, tức là chỉ giới hạn hoạt động dầu khí ở tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, còn các khâu khác là hầu như không đề cập trong luật.

Malaysia có các đạo luật phát triển dầu khí quy định cả thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn, đồng thời có luật cung ứng khí riêng. Tại Nga, ngoài Luật Dầu khí cũng có Luật Cung ứng khí. Khí phát triển thành ngành riêng và được điều chỉnh bởi một luật riêng.

Trong bối cảnh mới hiện nay ở trong nước và quốc tế, tái cơ cấu, đặc biệt là vấn đề tiềm năng, trữ lượng dầu khí, điều kiện khai thác… sẽ tác động đến khung khổ pháp lý. Tôi cho rằng, cần sớm xúc tiến đánh giá việc thực hiện Luật Dầu khí và ban hành một luật đầy đủ về thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn của ngành Dầu khí.

dau khi viet nam nhung y kien tam huyet

Ông Trần Văn - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Ngành Dầu khí rất cần cơ chế đặc thù

Chúng ta phải xác định dầu khí là một ngành kinh tế đặc biệt, ngành công nghiệp ưu tiên, do đây là ngành có tính chất thiết yếu quan trọng đối với quốc gia, gắn kết phát triển kinh tế - xã hội với an ninh quốc phòng, có tác động và ảnh hưởng lan tỏa đối với xu hướng phát triển của toàn ngành công nghiệp và cả nền kinh tế như: Thâm dụng công nghệ, giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho sự phát triển của khoa học công nghệ, có khả năng đi tắt, đón đầu về công nghệ, sử dụng công nghệ cao…

Vì vậy, ngành Dầu khí rất cần có các chính sách, cơ chế đặc thù riêng, phù hợp với yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế làm nền tảng để đất nước đi vào giai đoạn phát triển cao hơn ở giai đoạn tiếp theo, trong đó có bảo đảm nguồn vốn để ngành Dầu khí thực hiện các mục tiêu chiến lược, để không chỉ vì những khó khăn, mất cân đối nhất thời của ngân sách Nhà nước mà cắt giảm nguồn vốn đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

dau khi viet nam nhung y kien tam huyet

TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia: Đóng góp của ngành Dầu khí vẫn lớn nhất

Để định vị, đánh giá đúng vai trò của ngành Dầu khí, chúng ta phải dựa trên những đánh giá lợi ích tổng thể mà các lĩnh vực hoạt động của ngành Dầu khí với nòng cốt là PVN đã, đang và sẽ mang lại cho nền kinh tế.

Đó không chỉ là vấn đề nộp ngân sách Nhà nước hằng năm là bao nhiêu, tạo ra bao nhiêu việc làm, tham gia bảo đảm an ninh năng lượng như thế nào… mà còn là vấn đề thu hút đầu tư thông qua các liên doanh dầu khí, rồi cả vấn đề bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế, cũng như vấn đề an ninh, quốc phòng.

Với cách tiếp cận như vậy, chúng ta thấy ngay đóng góp của ngành Dầu khí những năm gần đây đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ trực tiếp sang gián tiếp. Tỷ trọng đóng góp của ngành Dầu khí vào ngân sách Nhà nước hiện giảm so với trước nhưng rõ ràng vẫn lớn nhất. Các lĩnh vực hoạt động của PVN như sản xuất điện, khí, phân bón… đã góp phần không nhỏ tạo nền tảng, tiền đề cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ… phát triển; chủ động tạo ra một số nguyên, nhiên, vật liệu cho các ngành công nghiệp, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong nước; giảm nhập siêu hằng năm; góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các mặt hàng xăng, dầu, khí và phân đạm.

dau khi viet nam nhung y kien tam huyet

Ông Đặng Xuân Phương - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội: Những thách thức khách quan

Trong 30 năm qua, ngành Dầu khí luôn là một trong những trụ cột lớn về kinh tế biển của đất nước, bên cạnh các ngành truyền thống như thủy sản, hàng hải, gần đây là du lịch biển.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành Dầu khí gặp những thách thức to lớn trong sản xuất kinh doanh, sản lượng khai thác có nguy cơ sụt giảm và tỉ trọng đóng góp cho ngân sách Nhà nước thời gian gần đây có giảm.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, những thách thức đặt ra cho ngành Dầu khí trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới, trong bối cảnh chung của thế giới, là hết sức khách quan. Sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là việc Mỹ ứng dụng công nghệ để sản xuất dầu đá phiến làm giảm chi phí sản xuất rất nhiều... Do đó, sự ảnh hưởng của tình hình thế giới đến hoạt động ngành Dầu khí nước ta cũng là bình thường.

Trong gần 45 năm phát triển, PVN đã trở thành đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế đất nước, tạo môi trường cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Hằng năm, PVN đều nộp ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng 9-11% tổng thu ngân sách chung và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương; đóng góp cho GDP cả nước trung bình 10-13%/năm.

Thông qua các hoạt động của mình, PVN không chỉ góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước, tạo nguồn ngoại tệ và nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước mà còn tham gia bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và khẳng định chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp thành viên của PVN cũng là lực lượng chủ lực thực hiện các chương trình an sinh xã hội vì cộng đồng.

Thanh Ngọc

DMCA.com Protection Status