Dầu mỏ chưa hết thời?
![]() |
Việc năng lượng tái tạo thay thế hoàn toàn các nhiên liệu hóa thạch, trong đó có dầu mỏ không phải là chuyện một sớm một chiều |
Xu hướng chuyển dịch năng lượng
Chuyển dịch năng lượng là sự thay đổi về chính sách, cơ cấu, công nghệ từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống như than, dầu, khí tự nhiên sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững như gió, mặt trời, sinh khối...
Nhiên liệu hóa thạch phải mất hàng trăm triệu năm để hình thành ở các dạng khác nhau, song tốc độ tiêu thụ của con người quá nhanh, tạo ra sức ép lớn trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của mỗi quốc gia. Từ đó, việc hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu.
Phần Lan dẫn đầu danh sách quốc gia sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo, tính theo Chỉ số hiệu suất môi trường (EPI) hằng năm của Đại học Yale, Mỹ. Phần Lan sản xuất khoảng 35% năng lượng từ các nguồn tái tạo, đặc biệt là điện gió. Dự kiến đến năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng trên 50%.
Theo ScienceAlert, kế hoạch đầy tham vọng của Phần Lan không chỉ là những nỗ lực đáng ghi nhận kể từ sau Thỏa thuận khí hậu Paris cuối năm 2015, mà còn hứa hẹn sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Ngoài mục tiêu loại bỏ dần than đá vào năm 2030, Phần Lan cũng dự kiến giảm dần nhập khẩu dầu mỏ, dầu diesel, dầu nhiên liệu...
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng là 20% vào cuối năm 2020, 32% vào năm 2030. Mỹ, Canada và Mexico (thành viên Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ - NAFTA) đặt mục tiêu 50% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025. Cộng đồng kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWWAS) cũng hướng tới mục tiêu 38% năng lượng sạch vào năm 2030.
Trong kế hoạch hiện đại hóa công nghiệp “Made in China 2025”, năng lượng tái tạo được xem là trọng tâm, nhằm đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Ủy ban Năng lượng quốc gia Trung Quốc lần đầu tiên đặt mục tiêu giảm nhiệt điện than từ tháng 1-2017, đồng thời lập kế hoạch tăng nguồn năng lượng thay thế lên mức tương đương 15% tổng nhu cầu sử dụng năng lượng vào năm 2020, giảm tỷ trọng nhiên liệu hóa thạch xuống 20% vào năm 2030.
Trung Quốc hiện được xem là quốc gia dẫn đầu về đầu tư, sản xuất năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Tính đến đầu năm 2019, Trung Quốc sở hữu 6/10 công ty sản xuất module điện mặt trời lớn nhất thế giới. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ XIII (2016-2020), Trung Quốc đã đầu tư hơn 360 tỉ USD vào năng lượng tái tạo.
![]() |
Các công nhân tại giàn khoan dầu ở Texas, Mỹ |
Dầu mỏ chưa bị thay thế hoàn toàn
Dù năng lượng tái tạo là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, song giới quan sát cho rằng, việc thay thế hoàn toàn các nhiên liệu hóa thạch, trong đó có dầu mỏ, vẫn là một hành trình dài.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục giảm trong năm 2021. Theo trang Argus Consulting, mức tiêu thụ dầu mỏ hiện tại trên thế giới là 92,3 triệu thùng/ngày.
Dự báo tiếp tục được điều chỉnh khi làn sóng đại dịch Covid-19 thứ hai ập đến và các biện pháp hạn chế mới được ban bố tại nhiều quốc gia. Những tín hiệu không mấy xán lạn vẫn hiện hữu, bất chấp những tín hiệu tích cực từ quá trình thử nghiệm thành công vaccine ngừa Covid-19.
Tuy nhiên, Công ty Tư vấn năng lượng Rystad Energy tin rằng, nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2028, sớm hơn 2 năm so với dự kiến trước đây, ở mức 102 triệu thùng/ngày.
Dự kiến, đến năm 2040, nhu cầu về dầu mỏ của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ thấp hơn gần 10 triệu thùng/ngày so với năm 2018. Nhưng thay vào đó, tăng trưởng nhu cầu dầu từ các nước ngoài OECD, đặc biệt là hai cường quốc về dân số thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc, dự kiến đạt khoảng 12 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu dầu đạt đỉnh hay chạm đáy phụ thuộc phần lớn vào phản ứng của các nền kinh tế phát triển đối với biến đổi khí hậu, đặc biệt là tốc độ điện khí hóa giao thông đường bộ. Bởi thực tế cho thấy, vận tải đường bộ chiếm hơn 40% tổng cầu về dầu mỏ, trong khi toàn bộ lĩnh vực giao thông chiếm khoảng 60% tổng cầu.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng cung - cầu của dầu mỏ là giá cả. Nếu giá dầu tiếp tục giảm đáng kể, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của giá dầu với nhiên liệu thay thế, thì nhu cầu dầu càng ít biến động.
Tựu chung, dù các nguồn năng lượng tái tạo cho thấy tiềm năng phát triển, song trước mắt chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng ngày càng lớn trong tương lai gần. Đây là yếu tố cốt lõi để khẳng định rằng, nhu cầu dầu mỏ tuy suy giảm nhưng dầu mỏ chưa thể bị thay thế hoàn toàn.
Mark Goykhman - chuyên gia kinh tế thuộc trung tâm thông tin và phân tích TeleTrade - cho rằng năng lượng xanh sẽ phát triển chủ yếu ở các nước phát triển, còn ở các quốc gia đang phát triển, nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng lên. Ấn Độ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, là một ví dụ điển hình. Trong 10 năm qua, nhu cầu nhiên liệu của Ấn Độ tăng hơn 60% và tiếp tục tăng.
Diễn biến cũng tương tự ở nhiều quốc gia châu Á trên lộ trình phát triển kinh tế năng động
Minh Quân