Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Diện mạo mới, sinh khí mới

07:00 | 05/02/2019

615 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Việc quyết liệt tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy đã tạo nên diện mạo mới, một luồng sinh khí mới, khí thế mới trong mọi mặt hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Thực hiện Nghị quyết số 12 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”, ngay sau khi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm kiện toàn nhân sự cấp cao nhất, công tác tái cấu trúc, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả đã được Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam quyết liệt triển khai thực hiện.

dien mao moi sinh khi moi

Song song với việc tái cấu trúc tổ chức bộ máy điều hành, Petrovietnam cũng triển khai quyết liệt việc sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo các ban chuyên môn/văn phòng phù hợp với năng lực, kinh nghiệm theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các ban chuyên môn/văn phòng dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí đã được Thường vụ Đảng ủy và Hội đồng Thành viên Tập đoàn thông qua.

Bộ máy tham mưu giúp việc cho Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc được rà soát, quy định cụ thể, bước đầu đã khắc phục được tình trạng trùng lắp, chồng chéo, bảo đảm một người có thể đảm nhiệm nhiều việc nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Việc xây dựng cơ chế bảo lưu lương và chính sách nghỉ hưu sớm cũng được Petrovietnam chú trọng cùng với việc làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người lao động trong triển khai các nhiệm vụ tái cấu trúc, sắp xếp tinh gọn bộ máy. Công tác kiện toàn cán bộ trong quá trình tái cấu trúc, sắp xếp bộ máy được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, tuân thủ đúng quy định, quy trình, tạo được sự thống nhất và đồng thuận trong toàn bộ cán bộ, đảng viên và người lao động.

Tính đến hết tháng 12-2018, Petrovietnam đã sắp xếp, giảm từ 32 đầu mối ban chuyên môn/văn phòng xuống còn 17 đầu mối; số lượng phòng trong ban/văn phòng cũng giảm xuống từ 73 xuống còn 51 phòng; số lượng lãnh đạo ban giảm từ 111 người xuống còn 64 người… Petrovietnam đã kiện toàn được 14/15 trưởng các ban/văn phòng, 50 phó trưởng ban/văn phòng Tập đoàn và 116 cán bộ quản lý cấp phòng. Lộ trình đến năm 2020, sẽ tinh giảm 200 người tại bộ máy tham mưu giúp việc của Petrovietnam.

Cùng với việc tái cấu trúc, sắp xếp bộ máy điều hành tại cơ quan Tập đoàn, thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng ủy Tập đoàn, công tác tái cấu trúc, sắp xếp bộ máy tại các đơn vị thành viên Petrovietnam được triển khai quyết liệt và hiệu quả. Petrovietnam đã giới thiệu để bầu/bổ nhiệm 14 cán bộ tham gia các vị trí quản lý điều hành, người đại diện Tập đoàn, ủy viên HĐQT độc lập tại các doanh nghiệp thành viên.

Việc tái cấu trúc, sắp xếp bộ máy đã tạo một luồng sinh khí mới, khí thế mới trong toàn bộ mọi hoạt động của Petrovietnam. Việc cắt giảm các đầu mối ban chuyên môn/văn phòng và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong bộ máy bước đầu đã khắc phục tình trạng ỷ lại, né tránh trách nhiệm, chậm trễ trong xử lý công việc. Cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn Petrovietnam tin tưởng, yên tâm lao động cống hiến, nỗ lực vượt khó để cùng lãnh đạo Tập đoàn và các doanh nghiệp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao.

Đặc biệt, việc thành lập các ban trên cơ sở hợp nhất các ban thực hiện các bước công việc thuộc một quy trình giải quyết nhiệm vụ/một lĩnh vực của bộ máy điều hành Petrovietnam (tài chính - kế toán, tổ chức - quản trị nguồn nhân lực, công nghệ - an toàn môi trường, truyền thông - văn hóa doanh nghiệp) hay có chức năng, nhiệm vụ tương tự (quản lý hợp đồng) đã giúp đơn giản hóa quy trình xử lý công việc, qua đó nâng cao tốc độ xử lý công việc, giảm bớt số lượng nhân sự cần thiết để có thể tổ chức thực hiện các công tác mới của ban hoặc điều chuyển tới hỗ trợ, tăng cường nhân lực cho các doanh nghiệp, dự án.

Năm 2019 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước có các biến động khó lường; tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp; giá dầu dầu thô suy giảm, khó dự đoán; gia tăng trữ lượng dầu khí ngày càng khó khăn; xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt… Đặc biệt, cơ chế chính sách của Nhà nước đang dần hoàn thiện theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, doanh nghiệp Nhà nước phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật… Trong bối cảnh đó, Petrovietnam xác định công tác tái cấu trúc là nhiệm vụ thường xuyên nhằm duy trì và tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới. Petrovietnam sẽ tập trung hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ; xây dựng tiêu chuẩn chức danh công việc, hoàn thiện công tác xây dựng định biên nhân sự và tiến hành đánh giá năng lực nhân viên; hoàn thiện hệ thống quản trị nhân lực theo các chuẩn mực quốc tế…

Tại Hội nghị lần thứ 8 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển đến năm 2020, trong đó xác định khai thác, chế biến dầu khí là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua những nội dung cơ bản Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác xếp thứ 3 trong thứ tự ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển.

Đồng chí Phạm Xuân Cảnh - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên Petrovietnam - tại buổi Tọa đàm “Ngành Dầu khí trong tầm nhìn mới về chiến lược biển” đã nhấn mạnh: Petrovietnam tiếp tục phát triển 5 lĩnh vực theo đúng tinh thần của Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, trong đó xác định lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Hiện tại, Petrovietnam đang nỗ lực tập trung tái cấu trúc toàn diện Tập đoàn cũng như các doanh nghiệp thành viên. Petrovietnam nhận thức rất rõ rằng Chiến lược kinh tế biển sẽ là cơ hội, động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành Dầu khí.

Ngành Dầu khí ngoài việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh lương thực cho đất nước thông qua các sản phẩm dầu khí, điện, đạm, xăng dầu..., việc đưa vào vận hành các dự án dầu khí trọng điểm luôn góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong nước cùng phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách và giải quyết nhiều việc làm cho lao động ở các địa phương và các vùng lân cận nơi triển khai dự án. Sự góp mặt của những công trình, dự án trọng điểm dầu khí tại mỗi vùng, mỗi địa phương đều làm thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc bộ mặt kinh tế - xã hội nơi đó.

Tin rằng, với những kết quả bước đầu tích cực trong công tác tái cấu trúc, Petrovietnam tự tin sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao, không chỉ trong năm 2019 mà cả những năm tiếp theo, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Petrovietnam xác định công tác tái cấu trúc là nhiệm vụ thường xuyên nhằm duy trì và tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới. Petrovietnam sẽ tập trung hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ; xây dựng tiêu chuẩn chức danh công việc, hoàn thiện công tác xây dựng định biên nhân sự và tiến hành đánh giá năng lực nhân viên; hoàn thiện hệ thống quản trị nhân lực theo các chuẩn mực quốc tế.

Thanh Ngọc

DMCA.com Protection Status