Định hướng và giải pháp đảm bảo cung ứng, bình ổn thị trường xăng dầu trong tình hình mới
Về thị trường xăng dầu Việt Nam
Về quy mô thị trường xăng dầu: Tổng nhu cầu xăng dầu của thị trường Việt Nam trong năm 2024 theo ước tính của Bộ Công Thương khoảng 26-27 triệu m3/tấn. Nguồn cung cho thị trường từ hai nguồn chính là: nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu. Đối với nguồn sản xuất trong nước, tổng khối lượng xăng dầu từ 02 Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất và Nhà máy Lọc hóa dầu (NMLHD) Nghi Sơn cung cấp cho thị trường bình quân khoảng 16-18 triệu m3/năm, chiếm khoảng 60-70% tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước, phần còn lại các đầu mối cân đối nhập khẩu từ nước ngoài. Trong những năm gần đây, nhu cầu xăng dầu trong nước ngày càng tăng nhưng năng lực cung cấp từ 02 NMLD trong nước không tăng thêm. Dẫn đến, tỷ trọng hàng nhập khẩu cho thị trường Việt Nam ngày càng tăng và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Kho xăng dầu PVOIL tại Vũng Rô |
Số lượng đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay khoảng 36 đầu mối, trong đó có 03 đầu mối chỉ kinh doanh nhiên liệu bay (Jet A1); còn lại 33 đầu mối kinh doanh xăng dầu. Về thị phần, 2 đầu mối lớn là Petrolimex và PVOIL đã chiếm khoảng 70%, các đầu mối còn lại chiếm 30%. Với số lượng đầu mối như hiện nay, có thể nói thị trường xăng dầu tại Việt Nam là thị trường có sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Vận hành thị trường xăng dầu: Kinh doanh xăng dầu là ngành hàng kinh doanh có điều kiện. Để quản lý thị trường xăng dầu, Nhà nước đã ban hành các Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/09/2014; Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 sửa đổi một số nội dụng của Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP để điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu. Hiện nay, Nhà nước thực hiện quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu với chu kỳ 7 ngày/lần dựa trên công thức giá cơ sở và theo diễn biến giá xăng dầu thế giới. Tùy thuộc mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tại từng giai đoạn cụ thể, Nhà nước sẽ cân đối điều hành mức tăng/giảm giá bán lẻ cũng như mức trích/sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành. Đồng thời, Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định mới để thay thế cho cả 3 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP theo hướng mở hơn với dự kiến sẽ để cho các doanh nghiệp tự quyết định giá bán; nhà nước tham gia giám sát và công bố các yếu tố đầu vào của giá cơ sở để xác định giá bán tối đa; các doanh nghiệp căn cứ vào mức chi phí của doanh nghiệp để công bố giá bán nhưng không vượt mức giá tối đa.
Một số yêu cầu phải đáp ứng trong công tác đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường
Thứ nhất: Yêu cầu đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường:
Theo Nghị định 95/2019/NĐ-CP, Chính phủ (cụ thể là Bộ Công Thương) phân giao tổng nguồn tối thiểu cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cơ sở tình hình tiêu thụ năm trước và yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải tạo nguồn đảm bảo đáp ứng kế hoạch tổng nguồn tối thiểu được phân giao nhằm đảm bảo đủ nguồn cung, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Thứ hai: Đáp ứng các yêu cầu điều hành KDXD của Chính phủ:
Hoạt động kinh doanh xăng dầu phải tuân thủ theo các Nghị định về kinh doanh xăng dầu như Nghị đinh 83, Nghị định 95 và Nghị định 80. Việc điều hành KDXD của Chỉnh phủ trong những năm gần đây đã thể hiện sự minh bạch và tiếp cận thị trường. Các yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay như: (i) Yêu cầu thực hiện quy định việc tồn kho lưu thông bắt buộc 20 ngày nhằm ổn định thị trường. (ii) Yêu cầu tuân thủ việc xác định giá theo quyết định của Chính phủ về chi phí và lợi nhuận định mức trong công thức giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu; Mức thuế, phí, giá xăng dầu và các qui định giá bán lẻ vùng 1, vùng 2….
Thứ ba: Yêu cầu đảm bảo chất lượng sản phẩm tuân thủ các quy định của nhà nước:
Các doanh nghiệp phải đảm bảo và tuân thủ chặt chẽ các quy định về quản lý chất lượng xăng dầu theo các quy định của tiêu chuẩn Việt Nam từ khâu tạo nguồn, lưu thông đến người tiêu dùng.
Định hướng và giải pháp đảm bảo cung ứng, bình ổn thị trường xăng dầu trong tình hình mới:
Tổng công ty Dầu Việt Nam-CTCP (PVOIL) là một trong hai đầu mối xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 22%.
Cửa hàng xăng dầu của PVOIL |
Quan điểm phát triển PVOIL đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt tại Nghị quyết số 4228/NQ-DKVN ngày 24/6/2015 như sau: (i) Phát triển PVOIL phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập trung vào lĩnh vực hoạt động chính là xuất nhập khẩu, kinh doanh dầu thô và pha chế, kinh doanh sản phẩm dầu. (ii) Tiếp tục kiên định với định hướng phát triển hệ thống phân phối, đảm bảo tập trung nguồn lực, tránh lãng phí đầu tư, giảm chi phí quản lý vận hành và trùng lắp ngành nghề, địa bàn hoạt động kinh doanh; tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng và phát huy tối đa cơ sở hạ tầng đã đầu tư kết hợp với lợi thế ngành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. (iii) Phát triển ổn định, bền vững, an toàn và hiệu quả; gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường và hướng tới lợi ích chung của toàn xã hội. (iv) Không ngừng hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý, áp dụng công nghệ 4.0, tự động hóa và mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến, nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Mục tiêu phát triển trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu của PVOIL là tăng trưởng sản lượng đạt trên 5%/năm, giữ ổn định thị phần; tiếp tục hoàn thiện hệ thống phân phối theo hướng gia tăng bán hàng vào các kênh tiêu thụ trực tiếp.
Để đảm bảo cung ứng xăng dầu trong tình hình mới và phù hợp với Chiến lược phát triển đã được Tập đoàn phê duyệt, PVOIL xác định về định hướng chủ đạo và thực hiện các giải pháp như sau:
Về định hướng trong công tác đảm bảo cung ứng cho thị trường:
Thứ nhất: Bám sát chính sách, yêu cầu của nhà nước trong việc dự trữ lưu thông và thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn tối thiểu của Bộ Công thương cho các doanh nghiệp đầu mối.
Thứ hai: Tăng cường phát huy sức mạnh chuỗi liên kết dầu khí của Tập đoàn Dầu khí trong việc đảm bảo nguồn hàng cho hệ thống.
Thứ ba: Thường xuyên theo dõi, bám sát chặt chẽ thị trường; đồng thời tăng cường công tác dự báo để xây dựng kế hoạch và các kịch bản đảm bảo nguồn cho hệ thống, xây dựng kế hoạch nhập khẩu đảm bảo nguồn cung trong trường hợp 2 NMLD trong nước không đáp ứng đủ theo kế hoạch tiêu thụ của hệ thống.
Xe bồn chở xăng dầu của PVOIL |
Thứ tư: Trong trường hợp các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác thu hẹp hoạt động do không đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ, PVOIL cần chủ động các giải pháp đảm bảo nguồn cung để bù đắp lượng hàng thiếu hụt, góp phần bình ổn thị trường xăng dầu.
Thứ năm: Tăng tốc, đẩy mạnh công tác đầu tư, phát triển cơ sở vật chất và hệ thống phân phối để mở rộng thị trường kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường và gia tăng cung ứng các loại xăng dầu tiêu chuẩn cao (Euro 5); Đa dạng các mặt hàng và dịch vụ cung ứng, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ trong tình hình mới khi tham gia hội nhập và chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để quản lý, giám sát nguồn cung, tồn kho và tiêu thụ xăng dầu.
Về giải pháp đảm bảo nguồn cung:
Thứ nhất: Đối với công tác dự trữ lưu thông và thực hiện kế hoạch tổng nguồn tối thiểu theo quy định: PVOIL luôn thực hiện và tuân thủ yêu cầu về dự trữ lưu thông bắt buộc đối với mặt hàng xăng dầu của Chính phủ trong hoạt động kinh doanh; thiết lập các giải pháp điều độ, cung ứng xăng dầu ra thị trường; chuẩn bị các biện pháp dự phòng nhằm bình ổn thị trường và ứng phó với những tình huống khẩn cấp hoặc gián đoạn nguồn cung. Hiện tại, PVOIL có tổng cộng 31 kho phân bổ trên toàn quốc, tổng sức chứa gần 1 triệu m3. Với hệ thống kho cảng phủ rộng khắp cả nước, PVOIL luôn chú trọng việc điều phối hàng hóa một cách hợp lý, khai thác tối đa khả năng đáp ứng nhu cầu kinh doanh hệ thống. Qua đó, trong năm 2022-2023, khi tình hình nguồn cung ứng thị trường xăng dầu có nhiều thời điểm thiếu ổn định, nguồn trong nước bị hạn chế do NMLD Nghi Sơn tạm dừng để bảo dưỡng và hoạt động không ổn định; PVOIL đã làm tốt công tác dự trữ lưu thông, đảm bảo nguồn cung cho toàn hệ thống, không làm gián đoạn nguồn hàng phục vụ nhu cầu kinh doanh của toàn hệ thống.
Đối với việc thực hiện tổng nguồn phân giao của Bộ Công Thương: PVOIL thường xuyên bám sát kế hoạch và thực hiện đầy đủ khối lượng tổng nguồn tối thiểu được giao nhằm đáp ứng đầy đủ hàng hóa cho hệ thống của PVOIL.
Thứ hai: Tăng cường phát huy sức mạnh chuỗi liên kết dầu khí, cụ thể: (i) PVOIL tập trung tiêu thụ tối đa các sản phẩm xăng dầu của 02 NMLD trong nước, giúp tối ưu chi phí vận tải, chi phí tạo nguồn. (ii) Gia tăng sản lượng sản sản xuất xăng dầu từ nguồn condensate theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với PV GAS và các đơn vị khác trong Tập đoàn Dầu khí để đáp ứng nhu cầu đảm bảo nguồn và nâng cao hiệu quả kinh doanh. (iii) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học đối với lĩnh vực pha chế nhằm gia tăng sản lượng sản xuất và hiệu quả kinh doanh của PVOIL.
Thứ ba: Ngoài việc mua hàng từ 2 NMLD trong nước, PVOIL thường xuyên nhập khẩu xăng dầu về các kho khu vực phía Nam để tối ưu chi phí tạo nguồn, vận chuyển do thuận lợi về hạ tầng cầu cảng có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn và khả năng tồn chứa cao so với khu vực khác. Để tối ưu trong công tác tạo nguồn từ nguồn nhập khẩu, PVOIL luôn theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường, cập nhật và nắm bắt sớm nhu cầu đăng ký mua hàng của khách hàng để xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn phù hợp và linh hoạt do: (i) Thời gian từ thời điểm chào thầu nhập khẩu đến khi hàng nhập về kho kéo dài tối thiểu 3-4 tuần; (ii) Giá mua lô hàng phụ thuộc vào khối lượng nhập khẩu và thời gian chào thầu.
Ngoài ra, để có nhiều nguồn cung cấp với giá cạnh tranh trong việc triển khai nhập khẩu, PVOIL thường xuyên tìm kiếm và mở rộng quan hệ với các đối tác chiến lược; linh hoạt trong việc ký kết các hợp đồng ngắn hạn hoặc dài hạn tùy thuộc vào nhu cầu từng giai đoạn, tình hình thị trường quốc tế cũng như trong khu vực.
Thứ tư: Trong những năm gần đây, Nhà nước tăng cường công tác kiểm soát đối với thị trường nói chung và ngành kinh doanh xăng dầu nói riêng; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện tuân thủ các quy định về kinh doanh xăng dầu dẫn đến một số doanh nghiệp đầu mối bị thu hẹp hoặc dừng hoạt động do vi phạm. PVOIL đã chủ động có các giải pháp bù đắp nguồn hàng bị thiếu hụt, với kết quả là sản lượng cung ứng ra thị trường tăng cao qua các năm, cụ thể: Năm 2022, sản lượng kinh doanh của PVOIL tăng khoảng 27% so với 2021; Năm 2023, sản lượng kinh doanh tiếp tục tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2022. Để góp phần bình ổn thị trường trong tình hình mới hiện nay, PVOIL thường xuyên cập nhật nắm bắt nhu cầu của thị trường, chuẩn bị các giải pháp phù hợp để có thể ngay lập tức gia tăng sản lượng cung ứng ra thị trường bù đắp khối lượng thiếu hụt trong trường hợp các đầu mối khác thu hẹp hoạt động. Đồng thời, PVOIL luôn chuẩn bị đủ nguồn hàng để đảm bảo cung ứng cho hệ thống với giá bán phù hợp.
PVOIL đã chú trọng tăng cường đầu tư phát triển hệ thống CHXD, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng di động |
Thứ năm: Đối với việc thực hiện yêu cầu của Quyết định 49/2011/QĐ-TTg về việc phải có xăng dầu đạt tiêu chuẩn Tiêu chuẩn mức 5 (Euro 5) trở lên để đáp ứng cho các loại xe sản xuất lắp ráp mới từ năm 2022, đồng thời nhu cầu đối với mặt hàng tiêu chuẩn Euro V đối với cả xăng và DO trên thị trường ngày càng tăng do yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất phương tiện; PVOIL đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và bắt đầu kinh doanh mặt hàng DO theo tiêu chuẩn Euro 5 (DO0,001%S-V) từ tháng 8/2024 nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đối với việc thực hiện yêu cầu của quy định đối với mặt hàng xăng sinh học theo Quyết định 53/2012/QĐ-TTg: PVOIL đã triển khai kinh doanh mặt hàng xăng E5 đại trà trong toàn hệ thống, đồng thời cũng có sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, để pha chế và kinh doanh mặt hàng xăng sinh học E10 theo lộ trình của Chính phủ. Ngoài ra, PVOIL cũng đang trong quá trình chuẩn bị và đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ mới như: kinh doanh nhiên liệu bay (Jet A1), cung ứng dịch vụ phi xăng dầu (non-oil services), sẵn sàng cho việc chuyển dịch hoạt động kinh doanh phù hợp với xu thế mới trên thị trường năng lượng.
Đồng thời, để kịp thời bắt nhịp sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, PVOIL đã chú trọng tăng cường đầu tư phát triển hệ thống CHXD, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng di động như PVOIL Easy, PVOIL B2B, PVOIL 4U… để để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, giúp cho khách hàng có thể theo dõi và đặt mua xăng dầu dễ dàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tình hình mới.
Đoàn Văn Nhuộm
Tổng Giám đốc PVOIL