Doanh nghiệp được trao nhiều quyền hơn trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh - Thành viên HĐTV Petrovietnam cho biết, Petrovietnam là một trong những doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Với quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh rất lớn, Tập đoàn phải thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến đầu tư, mua sắm, đấu thầu...
Trong quá trình triển khai, doanh nghiệp nhận thấy hành lang pháp lý, đặc biệt là các quy định về đấu thầu đã và đang liên tục thay đổi để theo kịp thực tiễn. Năm 2024, Luật Đấu thầu đã được sửa đổi, và tới đây, trong năm 2025, luật tiếp tục được hoàn thiện. Việc điều chỉnh này là cần thiết để đáp ứng sự vận động không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội và yêu cầu ngày càng cao về hiệu quả quản lý đầu tư công.
![]() |
Ông Phạm Tuấn Anh - Thành viên HĐTV Petrovietnam: Hội thảo là dịp để tăng cường sự phối hợp, trao đổi giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trên tinh thần cùng xây dựng và hoàn thiện thể chế. |
Thực tiễn triển khai, đội ngũ cán bộ Petrovietnam, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác mua sắm, đầu tư, quản lý dự án thường xuyên gặp phải các vướng mắc. Do đó, Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt, giúp cán bộ, người lao động doanh nghiệp hiểu rõ hơn tinh thần, nội dung và cách áp dụng các quy định mới của pháp luật về đấu thầu, mua sắm. Mặt khác, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp phản ánh những bất cập, khó khăn trong thực tiễn triển khai, từ đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật.
Hội thảo phổ biến Luật Đấu thầu (sửa đổi) tập trung hướng tới 3 mục tiêu. Thứ nhất, cập nhật, làm rõ những điểm mới, điểm thay đổi trong Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó áp dụng đúng, hiệu quả trong công tác đầu tư, mua sắm của Tập đoàn.
Thứ hai, ghi nhận và tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là những nội dung còn nhiều cách hiểu khác nhau, hoặc còn thiếu tính linh hoạt trong áp dụng.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp, trao đổi giữa những người làm công tác thực tiễn và cơ quan quản lý trên tinh thần cùng xây dựng và hoàn thiện thể chế. Chỉ có hiểu đúng, làm đúng và phản ánh kịp thời mới đảm bảo luật pháp đi vào cuộc sống.
Trao đổi về những điểm mới trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy lập pháp, khi trao quyền tự chủ lớn hơn cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, doanh nghiệp được quyền tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và có trách nhiệm giải trình.
![]() |
Bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Tài chính cho biết, doanh nghiệp được trao nhiều quyền hơn trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được trình Quốc hội thông qua. |
Bà Vũ Quỳnh Lê cũng nhấn mạnh: “Dự thảo Luật lần này không chỉ đơn thuần là sửa đổi kỹ thuật, mà là sự điều chỉnh lớn về tư duy điều hành và quản trị công: chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý chi tiết sang quản lý theo nguyên tắc. Đây là điều kiện để doanh nghiệp được trao quyền nhiều hơn, đồng thời cũng phải nâng cao trách nhiệm tương xứng”.
Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc bãi bỏ khoản 2, Điều 2 Luật hiện hành. Với thay đổi này, các DNNN, bao gồm cả Petrovietnam và các công ty con do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, sẽ không còn thuộc diện bắt buộc áp dụng Luật Đấu thầu như trước. Thay vào đó, các doanh nghiệp được quyền tự ban hành quy định nội bộ để tổ chức lựa chọn nhà thầu, miễn là đảm bảo các nguyên tắc nền tảng như công khai, minh bạch, hiệu quả và giải trình.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Pháp chế - Đấu thầu Petrovietnam, đây là một thay đổi có tác động rất lớn. Ông phân tích: "Việc trao quyền tự quyết sẽ giúp các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn có quy mô lớn như Petrovietnam, chủ động hơn trong hoạt động đầu tư, mua sắm. Điều này phù hợp với đặc thù kỹ thuật, tiến độ, tính khẩn trương và đòi hỏi linh hoạt cao trong các dự án năng lượng".
Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, không phải tất cả các dự án đều áp dụng cơ chế này. Chẳng hạn, Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 sẽ thực hiện lựa chọn nhà thầu theo cơ chế đặc thù theo quy định của Quốc hội. Theo đó, một số gói thầu quan trọng sẽ được chỉ định thầu theo quy trình rút gọn, còn lại sẽ áp dụng quy định nội bộ của Petrovietnam. Tương tự, với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III sử dụng vốn vay ODA, các gói thầu chính như EPC, PMC sẽ thực hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ, trong khi các gói thầu còn lại do Petrovietnam tự quyết định theo quy định của Tập đoàn.
![]() |
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Pháp chế - Đấu thầu Petrovietnam phát biểu. |
Đáng chú ý, dự thảo Luật cũng mở rộng quyền mua sắm cho doanh nghiệp trong các trường hợp như: duy trì hoạt động thường xuyên, đảm bảo tính liên tục trong sản xuất kinh doanh hoặc triển khai dự án đầu tư. Trước đây, việc này bị giới hạn trong các khoản chi từ nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh; nay, luật không còn quy định cứng về nguồn vốn, tạo điều kiện để doanh nghiệp linh hoạt sử dụng các quỹ như Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong đấu thầu.
Không chỉ trao quyền cho doanh nghiệp, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) còn bổ sung nhiều quy định nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như: cho phép nhiệm vụ khoa học thực hiện khoán chi; mua gom từ hộ gia đình, cá nhân; mua sắm không sử dụng ngân sách nhà nước; ưu đãi đặc biệt đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; sử dụng phương pháp chấm điểm kỹ thuật trong đánh giá hồ sơ dự thầu thay vì chỉ lấy giá thấp nhất làm tiêu chí...
Đặc biệt, trong đấu thầu quốc tế và trong nước, dự thảo Luật khuyến khích hình thức liên danh bắt buộc nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiếp cận công nghệ tiên tiến. Cơ chế này dự kiến sẽ tạo động lực để doanh nghiệp trong nước nâng cao trình độ, tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Luật mới cũng tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu. Cụ thể: lược bỏ một số thao tác trên mạng đấu thầu quốc gia, thậm chí xóa bỏ vai trò “bên mời thầu” trong một số trường hợp. Các đối tượng không cần đáp ứng yêu cầu bảo đảm cạnh tranh cũng được mở rộng, bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp cùng cơ quan chủ quản.
![]() |
Ông Phạm Tuấn Anh cảm ơn bà Vũ Quỳnh Lê về những chia sẻ quý báu. |
![]() |
Không chỉ trao quyền cho doanh nghiệp, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) còn bổ sung nhiều quy định nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. |
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, từ những chia sẻ quý báu của bà Vũ Quỳnh Lê, có thể thấy rằng, tinh thần của cơ quan quản lý nhà nước rất cởi mở, linh hoạt và hướng đến tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Vấn đề là phải hiểu đúng và thực hiện đúng.
Ông đề nghị các ban chuyên môn Tập đoàn khẩn trương xây dựng dự thảo quy chế nội bộ liên quan, bao gồm các quy định phân cấp, phân quyền… để khi Luật chính thức được ban hành, Tập đoàn có thể nhanh chóng ban hành quy chế phù hợp và triển khai đồng bộ để không bỏ lỡ những lợi thế mà Luật sửa đổi mang lại.
Đình Khương - Minh Đức