Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Quy định đủ rõ địa vị pháp lý của Petrovietnam gắn với phân cấp, phân quyền
Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh cao công tác chuẩn bị dự án luật của cơ quan soạn thảo, song Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, phải có chương riêng quy định lựa chọn nhà đầu tư, để tránh những rủi ro có thể xảy ra khi đầu tư ra nước ngoài. Đồng tình với 5 quan điểm sửa đổi Luật nhưng Ban soạn thảo cần làm sâu sắc thêm quan điểm dự thảo luật phải đảm bảo tính minh bạch rõ ràng, chặt chẽ, phòng ngừa được các sơ hở, có tác dụng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:“Liên quan đến việc sửa đổi Luật không những đảm minh bạch, rõ ràng còn phải bảo đảm chặt chẽ, khắc phục các sơ hở, bất cập trong phòng chống tham nhũng tiêu cực. Các hoạt động dầu khí gắn lợi ích rất lớn nên việc tăng cường phân công, phân cấp là rất đúng đắn nhưng cũng cần đi với việc kiểm soát. Do đó, cần phải thể chế hóa các quan điểm liên quan, thiết kế điều luật chặt chẽ hơn."
Cần làm rõ địa vị pháp lý của Petrovietnam
Với vai trò là công ty dầu khí quốc gia, trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Petrovietnam được tham gia quản lý giám sát đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, được bổ sung nhiệm vụ quản lý hợp đồng dầu khí... Tuy nhiên, tại bản Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi, địa vị pháp lý của Petrovietnam vẫn chưa được quy định rõ ràng, cụ thể. Dự thảo hiện giữ nguyên quy định của Điều 14 Luật Dầu khí hiện hành, chỉ bổ sung nhiệm vụ quản lý hợp đồng dầu khí của Petrovietnam. Theo đó, việc không có quy định rõ ràng và trực tiếp về địa vị pháp lý của Petrovietnam sẽ khó khăn cho Petrovietnam trong thực hiện các hoạt động đầu tư, thăm dò và khai thác dầu khí, chưa kể quy trình thủ tục qua nhiều cấp thẩm định gây mất cơ hội cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Luật đừng sợ viết dài, cần thiết vẫn phải viết kỹ. Nếu chỉ toàn quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định sau này khi thực hiện luật việc gì cũng lên xin Thủ tướng sẽ không theo tinh thần phân cấp, phân quyền, không minh bạch, không rõ ràng. Cần tránh luật khung, luật ống ở vấn đề này."
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam:“Nếu xác định được địa vị pháp lý của Petrovietnam rõ sẽ đồng bộ giữa địa vị pháp lý và chức năng quản lý nhà nước. Tập đoàn Dầu khí còn có vai trò như một nhà thầu dầu khí thì trong Luật không có quy định nào khác so với các nhà thầu khác, nên cũng không cần quy định rõ Petrovietnam ở trong phần nhà thầu dầu khí, chỉ cần quy định Petrovietnam thực hiện việc đầu tư vào các hoạt động dầu khí như các nhà thầu dầu khí khác là đủ.”
Một vấn đề được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là làm sao giải quyết được rủi ro trong hoạt động thăm dò khai thác dầu khí, khi hiện hay Quỹ tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đã không còn hiệu lực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Việc thăm dò khai thác dầu khí có nhiều rủi ro, có thể tốn hàng tỷ đô nhưng chưa chắc đã ra được kết quả. Thông lệ trước đây có Quỹ tìm kiếm, thăm dò, khai thác. Bây giờ bỏ rồi thì việc xử lý các hợp đồng không thành công như thế nào, thông lệ quốc tế như thế nào… là những vấn đề cần được đặt ra để xem xét giải quyết."
Trước ý kiến này, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng kiến nghị trong luật dầu khí sửa đổi để có chính sách hỗ trợ những rủi ro trong hoạt động thăm dò khai thác dầu khí.
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt nam:“Tập đoàn vẫn mong muốn trong Luật lần này tiếp tục cho phép có Quỹ tìm kiếm, thăm dò, khai thác. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với bản chất rủi ro của hoạt động dầu khí, tách với nguồn vốn để ổn định sản xuất, kinh doanh thì sẽ tốt hơn cho Tập đoàn."
Xử lý chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về định hướng phát triển ngành dầu khí, yêu cầu quy định rõ về hoạt động dầu khí; tăng cường xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển dầu khí trong nước tại các vùng sâu, vùng xa bờ, các vùng tiềm năng. Tạo điều kiện khai thác các dạng năng lượng mới trong lĩnh vực dầu khí. Các quy định của Luật phải thống nhất về nguyên tắc xuyên suốt về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế; đảm bảo an toàn về người, tài sản của các nhà đầu tư cũng như các quyền lợi chính đáng của họ khi tham gia điều tra cơ bản, hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng, độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra cần tiếp tục rà soát xử lý những mâu thuẫn chồng chéo bất cập với các luật khác, rà soát kỹ các quy định về áp dụng luật dầu khí, các luật có liên quan đến pháp luật nước ngoài, các thông lệ tập quán, công nghiệp dầu khí quốc tế, để đảm bảo rõ ràng, cụ thể khả thi và bao quát được thực tiễn phát sinh tính đặc thù trong điều tra cơ bản về hoạt động dầu khí.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định về hợp đồng dầu khí để đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng , gắn trách nhiệm trong việc phê duyệt ký kết hợp đồng dầu khí.
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Rà soát kỹ lưỡng để có cơ chế ưu đãi phù hợp |
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Công Thương tọa đàm về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) |
Theo: Truyền hình Quốc hội
-
[PetrotimesTV] Quốc hội thảo luận Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
-
Thống nhất tháo gỡ những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đầu tư dầu khí
-
Phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế đất nước
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Dầu khí (sửa đổi): 6 nhóm chính sách sẽ giải quyết nhiều vấn đề mới