Giá dầu hôm nay (6/3): Dầu Brent lao dốc, WTI tăng nhẹ
Ghi nhận đầu giờ sáng ngày 6/3/2025 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 66,52 USD/thùng, tăng 0,21 USD/thùng (tương đương 0,32%) trong phiên.
Giá dầu Brent giao dịch ở mức 69,3 USD/thùng, giảm 1,74 USD/thùng (tương đương 2,45%) trong phiên.
![]() |
Giàn PVD1, Cá Tầm 2. Tác giả: Phạm Ngọc Phương |
Giá dầu thế giới hôm nay (6/3) dầu WTI tăng nhẹ, Brent lao dốc trong bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cao hơn dự kiến. Hiện các nhà đầu tư đang phán đoán những thay đổi của thị trưởng khi nhóm OPEC+ thực hiện kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 4 và mức thuế quan của Mỹ đối với Canada, Trung Quốc, Mexico.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên giảm thuế cho một số ngành công nghiệp nhất định hay không trong khi mức thuế 25% áp dụng đối với Canada và Mexico sẽ vẫn được Mỹ duy trì. Các biện pháp giảm nhẹ thuế đang được xem xét, có thể Mỹ sẽ loại bỏ mức thuế 10% đối với các mặt hàng năng lượng nhập khẩu của Canada, chẳng hạn như dầu thô và xăng.
Ngay sau đó, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố nước này sẽ đáp trả lệnh áp thuế của ông Trump nhưng hiện vẫn chưa công bố chi tiết kế hoạch trả đũa thuế quan.
Ashley Kelty, nhà phân tích tại Panmure Liberum cho rằng việc Mỹ áp thuế đối với Trung Quốc, Canada và Mexico đã gây ra sự trả đũa nhanh chóng từ các quốc gia này, từ đó làm chậm tăng trưởng kinh tế và tác động đến nhu cầu năng lượng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, lượng dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng nhiều hơn dự kiến vào tuần trước do hoạt động bảo dưỡng nhà máy lọc dầu theo mùa, trong khi lượng dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất giảm do xuất khẩu tăng. Cụ thể, EIA cho biết lượng dầu thô tồn kho tăng 3,6 triệu thùng lên 433,8 triệu thùng trong tuần, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích về mức tăng 341.000 thùng.
Các nhà phân tích của JP Morgan thông tin, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đã chậm lại 100 điểm cơ bản và có khả năng làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu 180.000 thùng/ngày.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã quyết định vào thứ hôm 3/3 rằng sẽ tăng sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2022, từ đó gây áp lực lên giá dầu thô.
Nhóm này sẽ tăng sản lượng thêm 138.000 thùng/ngày kể từ tháng 4, bước đầu tiên trong kế hoạch tăng sản lượng hàng tháng nhằm tháo gỡ lệnh cắt giảm gần 6 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nhu cầu toàn cầu.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: "Thị trường có chút lo ngại rằng quyết định của OPEC+ là khởi đầu cho một loạt đợt bổ sung nguồn cung hàng tháng, nhưng tuyên bố từ OPEC+ khẳng định nhóm này chỉ đưa dầu trở lại nếu thị trường có thể hấp thụ được".
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley Research nhận định, có khả năng OPEC+ chỉ tăng sản lượng vài tháng một lần, thay vì dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cắt giảm.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết vào hôm 4/3 rằng sẽ chấm dứt giấy phép mà Washington cấp cho nhà sản xuất dầu mỏ Chevron của Mỹ từ năm 2022 để hoạt động tại Venezuela và xuất khẩu dầu.
Các chiến lược gia hàng hóa của ING cho rằng quyết định này khiến nguồn cung dầu 200.000 thùng/ngày gặp rủi ro.
Trong khi đó, theo các nhà phân tích của JP Morgan, nhu cầu dầu toàn cầu trong tháng trước đạt trung bình 103,6 triệu thùng/ngày, tăng 1,6 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 1,8 triệu thùng/ngày mà họ dự báo trong tháng.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết phổ biến như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.658 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 21.112 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.957 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 19.335 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.615 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều hôm nay (6/3).
Minh Đức