Giá dầu sụp đổ - Hệ lụy nhãn tiền

07:00 | 28/03/2020

6,313 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Cuộc khủng hoảng giá dầu do dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa Nga và OPEC đã ảnh hưởng rất mạnh đến các quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ và những tập đoàn dầu khí trên thế giới. Họ đã và đang làm gì để chống lại cơn khủng hoảng này?    

Kỳ I: Càng phụ thuộc dầu mỏ càng tới gần vực thẳm

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá dầu đã lao dốc mạnh, giảm khoảng 50%. Ngày 23-3, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5-2020 trên sàn New York Mercantile Exchanghe chỉ ở mức 21,37 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent ở London giao tháng 5-2020 đứng ở mức 25,10 USD/thùng.

gia dau sup do he luy nhan tien
Từ đầu năm đến nay, giá dầu sụt giảm tới 50%

Sự sụt giảm thê thảm của giá dầu đã khiến nhiều quốc gia vùng Vịnh, Venezuela, Libya... bắt đầu “xây xẩm mặt mày”.

Đối với Venezuela, nơi có trữ lượng dầu được chứng minh lớn nhất trên thế giới, sự sụp đổ về giá dầu không gì tồi tệ hơn. Việc bán dầu đem lại phần lớn nguồn thu cho đất nước. Sản lượng dầu của Venezuela đang “rơi tự do”, từ 3,2 triệu thùng/ngày trong năm 2008, xuống còn 865.000 thùng/ngày trong tháng 2-2020. Theo lãnh đạo phe đối lập Venezuela, lỗi xuất phát từ việc thiếu bảo trì cơ sở hạ tầng, thiếu đầu tư và đặc biệt là tình trạng tham nhũng. Ngoài ra, Caracas đã mất khách hàng chính của mình là Mỹ kể từ khi lệnh cấm vận của Washington đối với vàng đen của Venezuela bắt đầu có hiệu lực vào tháng 4-2019.

Hiện tại, các lệnh trừng phạt của Mỹ đang làm trầm trọng hóa tất cả các cuộc khủng hoảng mà Venezuela đang trải qua. Trong 6 năm suy thoái, nền kinh tế Venezuela đã bị thu hẹp tới 65%, siêu lạm phát tràn lan, tình trạng thiếu thuốc men và cắt điện thường xuyên xảy ra. Các nhà phân tích cho rằng, giá dầu giảm có thể sẽ khiến nền kinh tế Venezuela sụp đổ. Theo Luis Arturo Barcenas của Công ty Ecoanalitica, trong một kịch bản lạc quan, Venezuela sẽ mất 4,5-7,5 tỉ USD doanh thu trong năm 2020 (nhiều chuyên gia khác đưa ra con số 9 tỉ USD).

Venezuela đã bị các tổ chức xếp hạng tuyên bố mất một phần khả năng trả nợ, sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ bằng dầu cho các chủ nợ, như Trung Quốc. “Thứ nhất, thu nhập của Venezuela sẽ thấp hơn nhiều. Thứ hai, mức giá dầu sẽ ảnh hưởng đến khoản nợ được trả bằng dầu. Giá càng thấp, lượng dầu trả càng nhiều”, Barcenas nói.

Jesus Casique, nhà kinh tế tại Capital Market Finance cảnh báo: Venezuela đang đứng trước rủi ro mất khả năng thanh khoản với Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Venezuela giảm 10% vào năm 2020, nhưng cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay có thể khiến sự sụt giảm GDP tăng gấp đôi.

Một vấn đề lớn khác: Với việc không thể xuất khẩu sang Mỹ, Venezuela đã phải tìm các khách hàng khác. Hiện nay, Ấn Độ là khách hàng chính, mua tới 43% sản lượng dầu của Venezuela, so với mức 22% của 2 năm trước. Tuy nhiên, Luis Arturo Barcenas cảnh báo, các công ty Ấn Độ như Reliance sẽ ngừng mua dầu Venezuela vì sợ bị Mỹ trừng phạt. Mỹ gần đây đã trừng phạt một công ty con của Rosneft (Nga) hoạt động ở Venezuela. Vẫn còn phải xem liệu Venezuela sẽ có khả năng chuyển hướng xuất khẩu dầu sang các nước khác hay không. Nhưng để làm được điều đó, giá bán dầu của Venezuela sẽ phải giảm rất nhiều.

Trong khi đó, ngày 13-3-2020, Ecuador tuyên bố giảm chi tiêu ngân sách, cắt giảm lương công chức và vay tiền nước ngoài để đối phó với hậu quả kinh tế do dịch Covid-19 và giá dầu giảm. Tổng thống Ecuador Lenín Moreno nói về các biện pháp này trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia. Ông nhắc lại rằng, Ecuador, nước sản xuất dầu, phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu thô, đã mất khoảng 8 triệu USD mỗi ngày do giá vàng đen giảm. Tổng thống Ecuador đã đưa ra một kế hoạch thắt lưng buộc bụng vào năm 2019, nhưng kế hoạch này sẽ được đổi mới. Năm ngoái, Ecuador tiết kiệm được khoảng 450 triệu USD bằng cách giảm số lượng công chức. Những người còn lại bị cắt giảm 8% mức lương. Ông Moreno cũng cho biết, ngân sách nhà nước sẽ bị cắt giảm 1,4 tỉ USD mà không ảnh hưởng đến ngành y tế. Xe ôtô có giá hơn 20.000 USD sẽ bị đánh thuế 5%...

Tổng thống Ecuador cũng tuyên bố rằng, ông sẽ đàm phán các khoản vay mới, khoảng 2 tỉ USD, với các tổ chức quốc tế, cũng như gia hạn một số khoản nợ hiện tại. Ecuador đã vay khoảng 10,3 tỉ USD vào năm 2019, bao gồm 4,2 tỉ USD từ IMF. Ngân sách năm 2020 của Ecuador được hoạch định trên giá dầu trung bình là 51 USD/thùng, trong khi hiện tại giá dầu chưa tới 30 USD/thùng.

Cũng trong tuần qua, Libya cho biết đã giảm gần 1/3 ngân sách do “cú sốc kép” về dầu mỏ. Ali al-Issaoui, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Libya, ngày 13-3 cho biết: “Chúng tôi đang phải đối mặt với một cú sốc kép. Các cảng xuất khẩu dầu bị phong tỏa do xung đột và dầu giảm giá do dịch Covid-19”. Kể từ năm 2015, Libya bị chia rẽ thành hai chính quyền: Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) có trụ sở tại Tripoli (phía Tây) và chính quyền được tướng Khalifa Haftar ủng hộ ở phía Đông. Trong những tuần gần đây, các nhóm ủng hộ tướng Haftar đã phong tỏa hầu hết các cơ sở và trạm tiếp nhận cũng như các cảng xuất khẩu dầu mỏ.

“Ngân sách năm 2020 được dự toán ở khoảng 55 tỉ dinar (35 tỉ euro), nhưng chúng tôi phải giảm xuống còn khoảng 38 tỉ dinar (24,5 tỉ euro)” - Bộ trưởng Bộ Kinh tế của chính phủ GNA nhấn mạnh - “Điều này có tác động trực tiếp đến các dịch vụ và đầu tư công như xây dựng trường học, bệnh viện mới, các khoản đầu tư để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng dầu khí sẽ bị hoãn lại”.

Chính phủ GNA dự kiến mức tăng trưởng hơn 6% trong năm 2020 sẽ phải điều chỉnh giảm xuống - ông Ali al-Issaoui nhấn mạnh, nhưng không đề cập đến con số cụ thể. Mặc dù Libya chỉ mới ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 24-3, nhưng đại dịch này đã tác động gián tiếp đến Libya bởi giá dầu giảm do nhu cầu từ Trung Quốc giảm, ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế. Đối với chính phủ GNA, ưu tiên hiện nay là tìm các phương tiện khác ngoài ngân sách nhà nước để tài trợ cho nền kinh tế, ông Ali al-Issaoui nhấn mạnh. Ông Ali al-Issaoui nêu ra khả năng chính phủ sẽ phát hành trái phiếu Libya trong năm nay, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ IMF và Ngân hàng Thế giới.

Trong thông báo tuần trước, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo một số quốc gia sản xuất dầu như Iraq, Angola hay Nigeria có nguy cơ bị mất ổn định do giá dầu sụp đổ. Một số quốc gia sản xuất dầu lớn đang chịu những căng thẳng cực độ về cán cân tài chính, giá dầu sụp đổ có thể dẫn đến thu nhập từ dầu mỏ xuống mức thấp lịch sử. Trong dự báo mới nhất, IEA đã ước tính nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ giảm trong năm 2020, lần đầu tiên kể từ năm 2009.

“Ở một số nước phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, với giá dầu sụp đổ như hiện nay, chính phủ sẽ gần như không thể có tiền để tài trợ cho các lĩnh vực như y tế, việc làm trong khu vực công hoặc giáo dục” - Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cảnh báo - “Do đó, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự nổi lên của các phong trào phản kháng xã hội, đe dọa sự ổn định của một số quốc gia như Iraq, Angola hoặc Nigeria”. IEA thường xuyên khuyến nghị các nước phát triển nền kinh tế năng động và đa dạng hơn để ít phụ thuộc vào dầu mỏ. Khuyến nghị đó giờ đây càng cấp thiết mặc dù khó khăn hơn trước.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo một số quốc gia sản xuất dầu như Iraq, Angola hay Nigeria có nguy cơ bị mất ổn định do giá dầu sụp đổ. Một số quốc gia sản xuất dầu lớn đang chịu những căng thẳng cực độ về cán cân tài chính, giá dầu sụp đổ có thể dẫn đến thu nhập từ dầu mỏ xuống mức thấp lịch sử.

S.Phương

DMCA.com Protection Status