Giá xăng dầu hôm nay 20/9: Ghi dấu đà tăng mạnh

06:13 | 20/09/2020

12,933 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Loạt thông tin tích cực về vắc-xin Covid-19 cũng như kỳ vọng vào các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế, qua đó thúc đẩy nhanh quá trình cải thiện nhu cầu dầu đã giúp giá xăng dầu hôm nay ghi nhận tuần giao dịch tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2020.

Tuần qua, giá dầu thế giới tiếp tục có sự biến động mạnh dưới tác động của dịch Covid-19, tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc... cũng như triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu sau dịch bệnh. Chính những yếu tố này đã khiến giá dầu bước vào tuần giao dịch với áp lực vô cùng lớn khi giá dầu ngày 14/9 vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

lai-ban-chuyen-gia-dau-the-gioi-va-viet-nam-1
Ảnh minh hoạ

Những kỳ vọng về các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế được đặt ra thì những hoài nghi về khả năng hấp thụ các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng ngày một lớn. Giới phân tích cho rằng, sau thời gian phải căng mình “chống chọi” với dịch bệnh, chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu bị đứt gãy, khả năng tiêu thụ của các nền kinh tế bị sụt giảm thì phải cần rất lâu các yếu tố trên một được khôi phục.

Thứ nữa, dịch bệnh kéo dài đang dẫn tới một làn sóng phá sản doanh nghiệp với quy mô lớn tại nhiều nền kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc, các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế nếu được ban hành cũng sẽ chảy vào một một số tập đoàn, công ty lớn hoặc một số “tay to” trên thị trường chứng khoán… thay vì chảy vào khu vực sản xuất, và như vậy cũng không giúp cải thiện nhu cầu năng lượng, trong đó có dầu thô. Thực tế này khiến giá dầu hôm nay tiếp tục chịu áp lực lớn ở phía cầu.

Việc OPEC+ tiếp tục có những động thái quyết liệt nhằm thực hiện các cam kết cắt giảm sản lượng cũng không được đặt kỳ vọng cao khi nguồn cung dầu tại một số khu vực có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, khả năng tiêu thụ dầu thô của một số nước như Mỹ, Trung Quốc lại đang có dấu hiệu chững lại…

Lo ngại cung vượt cầu trên thị trường dầu thô vì thế ngày một lớn hơn, đặc biệt sau thông tin Iraq có thể rút khỏi thoả thuận của OPEC+ và nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ giảm mạnh.

Theo ghi nhận, vào đầu giờ sáng ngày 15/9, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2020 đứng ở mức 37,61 USD/thùng, tăng 0,05 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 14/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2020 đã giảm 0,08 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2020 đứng ở mức 39,68 USD/thùng, tăng 0,07 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm 0,11 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 14/9.

Tuy nhiên, khi thông tin về dự trữ dầu thô Mỹ và sản lượng khai thác dầu đá phiến Mỹ giảm mạnh, cùng với đó là việc FED khẳng định sẽ tiếp tục duy trì lãi suất đồng USD và sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ thị trường lao động, đồng thời nhiều quốc gia cũng đưa tuyên bố sẽ sớm có vắc-xin Covid-19 làm tăng triển vọng phục hồi kinh tế..., giá dầu đã quay đầu tăng mạnh.

Tính đến đầu giờ sáng ngày 16/9, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2020 đứng ở mức 38,70 USD/thùng, tăng 0,15 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 15/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2020 đã tăng 1,09 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2020 đứng ở mức 40,65 USD/thùng, tăng 0,12 USD/thùng trong phiên và đã tăng 0,97 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 15/9.

Bên cạnh đó, việc nhiều quốc gia đồng loạt công bố các kết quả nghiên cứu vắc-xin Covid-19 và cho triển khai trên diện rộng cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu ngày 16/9 đi lên.

Đà tăng của giá dầu tiếp tục được duy trì ở mức ấn tượng trong phiên 17/9 khi vào đầu giờ sáng ngày 17/9, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2020 đứng ở mức 40,50 USD/thùng, tăng 0,09 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 16/9, giá dầu WTI giao tháng 11/2020 đã tăng 1,8 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 11/2020 đứng ở mức 42,37 USD/thùng, tăng 0,15 USD/thùng trong phiên và đã tăng 1,72 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 16/9.

Đà tăng của giá dầu tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch cuối tuần nhưng phần nào đã bị hạn chế bởi diễn biến căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Tuy nhiên, tính chung trong tuần giao dịch, giá dầu thô vẫn đạt mức tăng cao nhất kể từ tháng 6/2020.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11/2020 đứng ở mức 41,15 USD/thùng và giá dầu Brent giao tháng 11/2020 đứng ở mức 43,08 USD/thùng.

Theo số liệu của Dow Jones Market, trong cả tuần, giá dầu WTI tăng 10,1%, mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 5/6, còn giá dầu Brent tăng 8,3%, mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 19/6.

Mới nhất, trong nỗ lực tái cân bằng cung – cầu trên thị trường dầu mỏ, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC+ đã tiến hành cuộc họp vào ngày 17/9, trong đó kéo dài thời gian mà các nước đã không tuân thủ đầy đủ việc hạn chế sản lượng trong những tháng trước có thể thực hiện việc cắt giảm bù. Đây được xem là một tín hiệu tái khẳng định nỗ lực của OPEC+ sẽ tiếp tục có các biện pháp can thiệp nhằm thúc đẩy giá dầu đi lên thời gian tới.

Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay được niêm yết như sau: như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 14.266 đồng/lít (giảm 143 đồng/lít so với giá hiện hành); giá xăng RON 95-III không cao hơn 14.984 đồng/lít (giảm 130 đồng/lít); dầu diesel 0.05S không cao hơn 11.518 đồng/lít (giảm 443 đồng/lít); dầu hỏa không cao hơn 9.593 đồng/lít (giảm 532 đồng/lít); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 10.943 đồng/kg (giảm 240 đồng/kg).

Hà Lê

DMCA.com Protection Status