Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng khi điện than dừng đầu tư

13:30 | 03/11/2021

21,057 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tài chính cho điện than đang là chủ đề nóng. Nguồn tài chính đang bị rút dần khỏi lĩnh vực điện than trên toàn cầu, các dự án điện than mới ở Việt Nam đứng trước viễn cảnh không thể triển khai.

Hiện nay đã có hơn 100 ngân hàng, công ty bảo hiểm & quản lý tài sản và nhà đầu tư trên toàn cầu (bao gồm các tổ chức tài chính đa phương và đầu tư tài chính) đã thông báo về việc rút khỏi các dự án khai thác than & nhà máy điện than.

Trong đó, có thể kể đến các ngân hàng hàng đầu thế giới như World Bank, ADB, Standard Chartered, Maybank, SMBC… Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã xây dựng một chương trình với các quỹ tài chính có giá trị 100 triệu USD để thúc đẩy việc đóng cửa các nhà máy điện than sớm hơn kế hoạch 5 - 10 năm tại khu vực Đông Nam Á.

Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng khi điện than dừng đầu tư
Nhà máy điện Manantiales Behr

Với các mục tiêu giảm phát thải carbon được đặt ra bởi nhiều nhà đầu tư trên thế giới, việc xây dựng các dự án điện than mới sẽ có chi phí đầu tư cao hơn và các nhà máy hiện hữu sẽ phải đóng cửa sớm hơn thời hạn. Việt Nam sẽ không nằm ngoài cơn bão toàn cầu này về tài chính cho điện than. Trung Quốc mới đây đã cam kết dừng tài trợ các dự án điện than mới ở nước ngoài, như Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu tại một hội nghị Liên Hợp Quốc vào tháng 9 vừa qua, và việc này sẽ ảnh hưởng đến các dự án điện than mới tại nhiều nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Các dự án điện than mới đã được quy hoạch tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng Việt Nam đã có tổng cộng 21.3 GW công suất điện than tính tới cuối năm 2020, đóng góp vào 50% tổng sản lượng điện trên toàn quốc. Theo dự thảo Quy hoạch điện 8 (PDP8) mới đây, công suất nguồn điện than sẽ còn được tăng lên 40.9GW vào năm 2030 và tới 50.9GW vào năm 2035.

Trong số các dự án điện than đã được phê duyệt này, theo ước tính có khoảng 15.8GW vẫn chưa thu xếp được tài chính. Những dự án này sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các chính sách đầu tư thiên về bảo vệ môi trường và khí hậu toàn cầu mà các nhà đầu tư và chính phủ nhiều nước trên thế giới đang thực hiện. Hầu hết các nước láng giềng như Campuchia, Myanmar và Lào đã đưa ra những cam kết về việc giảm lượng khí thải nhà kính về bằng 0 (net zero) vào năm 2050 và Việt Nam nên tham gia cùng với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và đưa ra các mục tiêu tương tự.

Vào Ngày 29/9, IEEFA Việt Nam phát đi thông báo nhấn mạnh việc xu hướng tài chính toàn cầu đang định hình lại dòng vốn đầu tư vào ngành điện. Bởi vậy, việc dự thảo PDP8 tăng công suất lắp đặt điện than sẽ gặp nhiều rủi ro.

Phân tích của IEEFA xem xét cả nguồn tài trợ từ nước ngoài và khả năng tự cấp vốn của Việt Nam cho các dự án nhiệt điện than phát triển mới theo quy hoạch. Đối với nguồn vốn từ bên ngoài, IEEFA cho rằng những thay đổi chính sách theo hướng siết lại dòng vốn chảy vào các dự án điện than từ các nguồn mà Việt Nam dựa vào trước đây sẽ khiến cho lượng công suất điện than dự kiến bổ sung trong thập kỷ tới theo PDP8 “chắc chắn sẽ rất khó khả thi”.

Còn tại tọa đàm “Quy hoạch điện VIII: Mở đường hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh", ông Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu cho rằng, dự thảo PDP8 là giải pháp an toàn trước mắt cho vận hành hệ thống, không phải giải pháp cho tương lai. Nếu muốn phát triển bền vững thì không thể ưu tiên các nguồn năng lượng gây nguy hại cho môi trường, trong khi Việt Nam có ưu thế về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Các chuyên gia và đại biểu tham dự buổi tọa đàm nêu trên, đều đã chỉ ra “những bước lùi” trong bản dự thảo lần này. Theo khảo sát nhanh, đã có 89% đại biểu tham dự không đồng tình với việc tăng công suất điện than và giảm công suất năng lượng tái tạo.

“Tiếp tục phát triển khoảng 30 GW điện than trong giai đoạn 2021-2045 theo dự thảo Quy hoạch điện 8 hiện nay là một sự đánh cược đầy rủi ro khi hơn một nửa công suất điện than được quy hoạch chưa và khó có thể thu xếp được tài chính trước những cam kết dừng cấp vốn của các quốc gia và tổ chức tài chính. Sự đánh cược này sẽ đặt an ninh năng lượng quốc gia vào tình thế bị đe dọa đồng thời đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế chuyển dịch xanh của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris. Trong khi đó Việt Nam đang đứng trước cơ hội thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng sạch với sự cổ vũ và cam kết hỗ trợ của các đối tác quốc tế, cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hi vọng Chính phủ sẽ có quyết định sáng suốt để nắm bắt cơ hội thay vì đánh cược rủi ro”, Nguyễn Thị Hằng, Quản lý Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Công bằng, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID).

Mặt khác, dự thảo PDP8 mới đây đã đề xuất tăng gấp đôi công suất điện than vào năm 2030 và như vậy lượng phát thải của nguồn điện than cũng sẽ tăng lên gấp đôi. Với khó khăn trong việc thu xếp tài chính cho các dự án điện than mới đã được phê duyệt, đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam đưa ra những chính sách giảm phát thải carbon mạnh mẽ hơn và những kế hoạch ưu tiên cho việc đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo và nhiên liệu sạch hơn.

Khi các tiêu chí cho vay vốn đã được thay đổi, thời gian hoàn thành của các dự án điện than đã được đề xuất trong dự thảo PDP8 dường như sẽ khó đạt được. Các chuyên gia quốc tế đến từ tập đoàn Wärtsilä đã thực hiện một nghiên cứu mới để tìm hiểu về tác động của sự thay đổi trong thị trường vốn lên tới 15.8GW nguồn điện than mới trong dự thảo PDP8.

Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng khi điện than dừng đầu tư
Biểu đồ thể hiện công suất được đề xuất để thay thế các dự án điện than chưa thu xếp được bởi Wartsila

Nghiên cứu tập trung vào việc tìm ra một cơ cấu công suất tối ưu để đưa ra một Phương án thay thế khi 15.8GW điện than sẽ gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn. Trong tổng công suất 15.8GW, có 5.8GW được quy hoạch trước năm 2030 và 10GW được quy hoạch sau năm 2030.

Theo đó, mô hình đã đề xuất xây dựng một cơ cấu nguồn điện bao gồm 1.1GW điện mặt trời và 1.3GW điện gió, và được hỗ trợ bởi 0.7GW điện khí linh hoạt (ICE) trước năm 2030. Lượng công suất này từ các nguồn điện gió, điện mặt trời và điện khí linh hoạt này có thể là một giải pháp tối ưu để thay thế cho 5.8GW điện than đã được quy hoạch trước năm 2030.

Ngoài lượng công suất năng lượng tái tạo đã được đề xuất trong dự thảo PDP8 mới đây, nghiên cứu đã đề xuất xây dựng thêm tổng cộng 5.6GW điện gió và 4.9GW điện mặt trời trước năm 2045. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam có thể hạn chế thêm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm chi phí điện khi nguồn điện tái tạo không sử dụng nhiên liệu và giá thành ngày càng giảm nhanh, và để giảm lượng khí thải cho hệ thống điện.

Đặc biệt, mô hình cũng đề xuất xây dựng thêm 8.5GW điện khí linh hoạt (ICE) trước năm 2045 để hỗ trợ cho nguồn điện gió và mặt trời trong tương lai do các đặc tính công nghệ ICE phù hợp cho việc cân bằng hệ thống và hạn chế cắt giảm công suất các nguồn tái tạo trong khi đảm bảo nguồn cung ứng điện được ổn định. Việc xây dựng nguồn điện khí linh hoạt trong hệ thống cũng sẽ góp phần giải quyết mối lo thiếu điện vào các giai đoạn mùa khô. Hệ thống điện khí được tăng tính linh hoạt sẽ trở nên mạnh mẽ hơn để có thể tích hợp một lượng nguồn năng lượng tái tạo lớn hơn.

Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng khi điện than dừng đầu tư
Nhà máy điện khí linh hoạt ICE

Kết quả của nghiên cứu cho thấy những con số đáng kể về tiết kiệm chi phí hệ thống và giảm phát thải Nghiên cứu cho thấy các lợi ích của việc thay thế các dự án điện than chưa thu xếp được tài chính bằng một tổ hợp bao gồm điện gió, điện mặt trời và điện khí linh hoạt (ICE): Tỉ trọng năng lượng tái tạo về sản lượng sẽ được tăng từ 32% (Dự thảo PDP8) lên 34% vào năm 2030 và từ 41% (Dự thảo PDP8) lên 45% vào năm 2045.

Bên cạnh đó, chi phí hệ thống (CAPEX – đầu tư, OPEX – vận hành) được giảm thông qua việc thay thế các dự án điện than đã được phê duyệt nhưng chưa thu xếp tài chính được bằng tổ hợp năng lượng tái tạo và điện khí linh hoạt (ICE) sẽ có thể lên tới 24 tỷ USD vào năm 2045. Việc bổ sung thêm nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện sẽ giúp cho giảm 15% lượng khí thải CO2 vào năm 2045.

Tại hội nghị COP26 đang diễn ra tại Glasgow, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra mục tiêu giảm phát thải carbon về bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Do vậy, đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc trong việc đầu tư các dự án điện than mới và PDP8 nên xem xét phương án thay thế trong trường hợp các dự án điện than mới chưa thu xếp được tài chính bằng việc xây dựng thêm các nguồn điện tái tạo và điện khí linh hoạt.

Tùng Dương

EVN: Có 84 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mạiEVN: Có 84 nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại
Không thể phụ thuộc vào nguồn điện “đỏng đảnh” gió và mặt trờiKhông thể phụ thuộc vào nguồn điện “đỏng đảnh” gió và mặt trời
Chuẩn bị khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng NinhChuẩn bị khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh
Quảng Trị trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng trị giá 2,3 tỷ USDQuảng Trị trao quyết định chủ trương đầu tư dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng trị giá 2,3 tỷ USD
Tiêu thụ khí giảm, một số mỏ có nguy cơ dừng sản xuấtTiêu thụ khí giảm, một số mỏ có nguy cơ dừng sản xuất
Huy động thấp, điện khí thiệt đủ đườngHuy động thấp, điện khí thiệt đủ đường

DMCA.com Protection Status