Giật mình chuyện phê duyệt ĐTM và cấp phép nạo vét đường biển

17:20 | 29/09/2018

1,155 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Doanh nghiệp kêu trời, nhà khoa học lắc đầu ngao ngán, các bộ ngành liên quan bày tỏ sự bất lực… là những gì đã diễn ra trong hội thảo về công tác môi trường và đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Phải chăng Bộ chủ quản phê duyệt, cấp phép lĩnh vực này đang cố tình “ngâm” các loại giấy phép trong hơn một năm qua?

Đợi chờ trong vô vọng

Báo cáo ĐTM dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu (NCMR NMLD) Dung Quất được triển khai lập từ cách đây đúng 4 năm. Từ ngày 28/3 đến 15/7/2018, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã liên tục phải chỉnh sửa, cập nhật ĐTM đến 4 lần. Đáng lưu ý là Bộ Tài nguyên Môi trường đã thành lập hẳn một Hội đồng thẩm định gồm 21 nhà khoa học hàng đầu về môi trường để thẩm định báo cáo ĐTM này.

giat minh chuyen phe duyet dtm va cap phep nao vet duong bien
Cục trưởng Trần Văn Lượng phát biểu tại hội thảo.

Đến ngày 2/01/2018, Hội đồng thẩm định Báo cáo ĐTM của dự án NCMR NMLD Dung Quất đã tổ chức họp và 17/21 thành viên Hội đồng đã đồng ý thông qua Báo cáo ĐTM trên cơ sở cập nhật, chỉnh sửa một số nội dung theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định. Nhưng sau đó 2 tháng, Tổng cục Môi trường lại có công văn yêu cầu chỉnh sửa, làm rõ, bổ sung.

Đến khi BSR chỉnh sửa lần thứ 4, trình Bộ TNMT thì lại tiếp tục nhận được công văn của Tổng cục Môi trường thông báo tiếp tục làm rõ cụ thể về phương án xử lý vật liệu nạo vét đáy biển. Ở đây, xin nói thêm rằng, theo Tiến sĩ Lê Phương Lan, chuyên gia hàng đầu về môi trường thì việc đánh giá tác động môi trường và việc xử lý vật liệu nạo vét đáy biển là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, báo cáo ĐTM là báo cáo của doanh nghiệp về môi trường khu vực thực hiện dự án, đảm bảo khi triển khai dự án không gây hại tới môi trường biển, nguy hại tới nguồn lợi hải sản cũng như đời sống của người dân. Còn phương án xử lý vật liệu khi triển khai nạo vét đáy biển thì doanh nghiệp sẽ triển khai sau vài năm nữa, khi đó doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện quan trắc môi trường, thực hiện triển khai phần mềm có các thông số, chỉ số như điểm đổ vật liệu, lượng vật liệu… để tiếp tục xin giấy phép các cấp có thẩm quyền. Trong vài năm thời gian, chắc chắn môi trường biển sẽ xảy ra nhiều thay đổi, bởi vậy chắc chắn doanh nghiệp khi triển khai nạo vét đáy biển, thực hiện chuyển vật liệu nạo vét đến điểm đổ phải cần phải thực hiện quan trắc một cách cẩn trọng và chính xác. Nên có thể nói, việc kết nối báo cáo ĐTM và phương án xử lý vật liệu nạo vét để cấp phép một lần là không hợp lý, thiếu tính khoa học.

Mặt khác, việc Tổng cục Môi trường liên tục yêu cầu doanh nghiệp phải “nộp” hàng loạt các loại “giấy phép” như thỏa thuận với Tỉnh Quảng Ngãi về địa địa chuyển vật liệu nạo vét đáy biển, xin ý kiến của Bộ Quốc Phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn… cho một việc sẽ thực hiện trong vòng 2-3 năm tới là dường như không được bình thường.

Bộ ngành liên quan… bó tay

Thiết tưởng, việc gìn giữ bảo vệ môi trường là chủ đề nóng của toàn xã hội nên việc Bộ TNMT thận trọng khi phê duyệt báo cáo ĐTM của doanh nghiệp là có thể lý giải. Nhưng đối với công tác thường xuyên, được thực hiện liên tục trong vài chục năm qua như nạo vét cảng biển của Cục Hàng hải Việt Nam cũng bị đình lại gần 2 năm qua thì quả thật là bàng hoàng.

giat minh chuyen phe duyet dtm va cap phep nao vet duong bien
Ông Lê Nam Tuấn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Môi trường Cục Hàng hải Việt Namphát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Nam Tuấn Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Môi trường Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hàng năm Cục Hàng hải được giao nạo vét từ 12-15 tuyến luồng. Nhưng cả năm 2017 đến nay, khi áp dụng Nghị định 40 thì chưa được cấp phép một dự án nào về nhận chìm vật liệu.

Ông Lê Nam Tuấn chia sẻ: Chúng ta làm việc đúng pháp luật, đúng trình tự nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Suốt hơn 1 năm qua chúng tôi có 12 dự án, trong đó có 7 dự án về nhận chìm. Đặc điểm nạo vét nhận chìm các tuyến luồng hàng hải chúng tôi làm 3-4 chục năm rồi và năm nào cũng triển khai. Chúng tôi đã chứng minh tại những điểm nhận chìm vật liệu nạo vét từ vài chục năm qua là chẳng có “con gì” cả, vậy mà cũng không được cấp phép. Có những công trình, cấp phép nhận chìm rồi nhưng còn thủ tục giao khu vực biển theo Nghị định 51. Như vậy để thực hiện dự án nhận chìm cần phải có đủ mấy loại giấy phép gồm phê duyệt báo cáo ĐTM, giấy phép nhận chìm và giao khu vực biển. Mà cho dù có đủ cả 3 loại giấy phép trên vẫn phải chờ Bộ TNMT hoàn thiện quy hoạch về sử dụng không gian biển và quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. Mà đấy là trách nhiệm của Bộ TNMT.

Nói thêm rằng về luật biển thế giới và luật biển Việt Nam thì bản thân vật liệu nạo vét là trên thượng nguồn cuốn về bồi lắng. Khi chúng tôi di chuyển chúng ra xa hơn để giảm thiểu tác động môi trường tới các khu dân cư, cửa sông, cảng biển thì… không cho làm. Bởi vậy với khối lượng hàng chục triệu m3 cần nạo vét mỗi năm cứ phải chờ, trở thành mối nguy cho người dân và hàng vạn chuyến tàu thuyền qua lại. Đây là sự bất cập rất lớn.

Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp – Bộ Công Thương thì ngao ngán: Quả thật khi đến với hội thảo tôi vô cùng phấn khởi bởi có lẽ đây không chỉ là “lối thoát” cho riêng BSR mà còn là nơi giải thoát cho rất nhiều doanh nghiệp. Với góc độ quản lý của Bộ TNMT và chúng tôi là đơn vị quản lý ngành nếu tìm ra được cách giải quyết là cả một vấn đề. Nhưng xem chừng rấ khó.

Ở đây, có 2 điểm cần lưu ý, thứ nhất là hồ điều hòa. Cần phải cảnh giác với các “bác môi trường” bởi cứ hứng lên là đòi doanh nghiệp xây hồ không cần biết chi phí đó là bao nhiêu, có cần thiết hay không… sẽ khiến doanh nghiệp cực kỳ khó khăn. Tất nhiên việc này cũng có những cái tốt nhưng tôi lưu ý vì hồ này sẽ xử lý khẩn cấp các sự cố môi trường nhưng ngược lại nếu không có quy định cụ thể thì việc chứa các chất thải nguy hiểm vào hồ điều hòa sẽ lại trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy không được đặt ra theo cảm tính mà phải tính toán, làm sao phải có hiệu quả cụ thể chứ không phải mang tính hình thức.

Thứ hai về cụ thể dự án, tôi nghĩ rằng luật đã quy định rất rõ, vấn đề là chúng ta triển khai chậm. Nếu Bộ TNMT là bộ chịu trách nhiệm quản lý vấn đề này có quy hoạch chỉ ra đâu là nơi nhận chìm, nhận chìm được bao nhiêu thì sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Vả lại đó là việc của Bộ TNMT không phải việc của doanh nghiệp. Chưa có, chuyển việc này cho địa phương, địa phương đã nhận trách nhiệm chỉ ra rồi bởi địa phương biết “đổ vào bờ tre hay bờ ao”. Địa phương đã chỉ ra rồi, doanh nghiệp cũng đã đến khảo sát rồi. Khu vực không có con nào đẻ, con nào làm ổ, độ sâu thích hợp, có thể nhanh chóng ổn định trong một khu vực có thể kiểm soát được. Các nhà khoa học và doanh nghiệp đã chứng minh rõ ràng có thể nhận chìm được. Vậy quy trình đã làm đã ổn rồi. Vậy chỉ còn lại quy trình triển khai, phương án triển khai cụ thể như thế nào. Mọi cái ở đây đều rất rõ ràng, luật cũng rõ ràng. Vậy thì phải phê duyệt thôi”.

Có thể thấy rõ ràng rằng, công tác phê duyệt ĐTM và cấp phép nhận chìm vật liệu nạo vét đáy biển đang có vấn đề. Cụ thể các vấn đề ở đây là thuộc về nội tại xử lý công việc của Bộ TNMT. Chúng ta cần thận trọng đối với các dự án, doanh nghiệp có “tiền án” về hủy hoại môi trường nhưng nếu sự cẩn trọng đó trở thành sự “sợ hãi” đối với tất cả các vấn đề liên quan đến môi trường thì không chỉ làm hại đến doanh nghiệp, sự vận hành của các cảng biển, luồng lạch… mà hơn thế nữa còn là một mối nguy hại tiềm ẩn đến môi trường.

Bởi đơn giản rằng khi luồng lạch của cửa sông các vùng cảng biển không được nạo vét thường xuyên khiến lượng cát, bùn bồi đắp lớn, dòng nước thay đổi luồng lạch… gây sói mòn, sụt lở hai bên bờ các dòng sông, có thể dẫn đến mất an toàn cho tàu thuyền nhà dân ven bờ. Đặc biệt là có thể dẫn đến sự cố môi trường nghiêm trọng khi tàu thuyền lớn bị mắc cạn, đâm va gây cháy, tràn xăng, dầu ra môi trường. Đó là chưa kể thiệt hại về kinh tế đối với các doanh nghiệp khi phải chờ đợi trong vô vọng, các dự án phát triển kinh tế, đặc biệt là dự án sản xuất nhiên liệu có tiêu chuẩn sạch hơn, giảm thiểu phát thải ra môi trường của Việt Nam như dự án NCMR NMLD Dung Quất.

Thành Công

giat minh chuyen phe duyet dtm va cap phep nao vet duong bien Cần sớm phê duyệt ĐTM dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất
giat minh chuyen phe duyet dtm va cap phep nao vet duong bien Thi công "rùa bò", dự án nạo vét luồng lạch trăm tỷ vẫn khiến tàu mắc cạn
giat minh chuyen phe duyet dtm va cap phep nao vet duong bien Đánh giá tác động môi trường của Turkish Stream
giat minh chuyen phe duyet dtm va cap phep nao vet duong bien Một việc làm hai ý nghĩa
giat minh chuyen phe duyet dtm va cap phep nao vet duong bien Dự án xây dựng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
giat minh chuyen phe duyet dtm va cap phep nao vet duong bien Đẩy nhanh tiến độ Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

DMCA.com Protection Status