“Giếng tổ” GK-61 linh thiêng - mạch nguồn dầu khí Việt Nam
![]() |
Cán bộ hưu trí Ban Dầu mỏ Khí đốt thăm giếng khoan 61 |
Nơi thắp lên hy vọng đầu tiên trên hành trình tìm “lửa”
Để cảm nhận được ý nghĩa lịch sử của giếng khoan GK-61, ngược dòng thời gian, trở về những năm 70 của thế kỷ trước. Đất nước vừa mới bước ra khỏi cuộc trường chinh đằng đẵng, non sông thu về một mối nhưng vết thương chiến tranh còn hằn sâu trên mỗi tấc đất. Kinh tế kiệt quệ, cơ sở hạ tầng hoang tàn, đời sống nhân dân đối mặt với muôn vàn gian khó. Giữa bộn bề ngổn ngang của công cuộc tái thiết, nhu cầu về nguồn năng lượng như “dòng máu nóng hổi” để hồi sinh đất nước trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên nội tại, đặc biệt là dầu khí, nguồn năng lượng chiến lược - không chỉ mang ý nghĩa về phát triển kinh tế thuần túy mà còn là biểu tượng cho ý chí tự lực, tự cường, cho khát vọng vươn lên của một dân tộc vừa giành lại độc lập, tự do.
![]() |
Chuẩn bị cho công tác khảo sát thăm dò địa chấn (Ảnh tư liệu của Petrovietnam) |
Những nỗ lực tìm kiếm dầu khí ở miền Bắc trước năm 1975, dù có sự giúp đỡ quý báu từ các chuyên gia Liên Xô, song vẫn chưa mang lại kết quả đột phá, mới chỉ dừng lại ở những dấu hiệu địa chất le lói. Nỗi trăn trở về một nguồn dầu khí do chính người Việt Nam tìm thấy, làm chủ công nghệ và khai thác ngay trên mảnh đất quê hương ngày càng lớn dần. Tổng cục Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam - Petrovietnam), được thành lập năm 1975 như một sứ giả mang trên vai trọng trách lịch sử này. Và mảnh đất Thái Bình, với những tín hiệu địa chất đầy hứa hẹn từ cấu tạo vòm Tiền Hải - Kiến Xương, đã được chọn làm nơi gửi gắm niềm tin, nơi thắp lên ngọn lửa hy vọng đầu tiên trên hành trình gian nan đi tìm “lửa” trong lòng đất mẹ.
Hành trình khoan thấu gian nan, chạm tới mạch nguồn
Từ khát vọng cháy bỏng và niềm tin khoa học đó, giếng khoan mang số hiệu 61 (GK-61) đã được định vị tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải. GK-61 được thi công khoan bằng bộ máy khoan BU-75 do Liên Xô sản xuất, công suất trục tời nâng 75 tấn, khoan đến chiều sâu 2.400m. Toàn bộ thiết bị nặng hơn 600 tấn, tháp khoan cao 50m. Giếng khoan có kết quả khảo sát khả quan, các thông số địa chất, địa vật lý tốt chỉ ra vỉa có khả năng chứa dầu khí.
Tuy nhiên, con đường phía trước không trải hoa hồng khi liên tiếp nhiều khó khăn ập tới. Trang thiết bị khi ấy còn vô cùng thô sơ, lạc hậu, thiếu thốn đủ bề. Đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam, dù trái tim căng tràn nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nước, nhưng kinh nghiệm thực tế còn non nớt. Trong quá trình triển khai, họ phải miệt mài vừa học vừa làm dưới sự chỉ dẫn tận tình của các chuyên gia Liên Xô từ Đoàn Địa chất 36; phải đối mặt với cái nắng cháy da của mùa hè đồng bằng Bắc Bộ, cái rét cắt thịt của mùa đông, với những lớp địa tầng phức tạp, những sự cố kỹ thuật bất ngờ xảy ra. Tiếng máy khoan gầm vang ngày đêm hòa lẫn với tiếng kim loại va đập, tiếng hô hào vượt khó như tạo nên một bản hùng ca của ý chí và nghị lực phi thường.
Sau thời gian dài ròng rã, đó dường như là một cuộc thử thách ý chí bền bỉ, một cuộc đấu trí căng thẳng với lòng đất sâu thẳm. Biết bao đêm trăn trở, biết bao lần đối mặt với hiểm nguy, nhưng ngọn lửa niềm tin chưa bao giờ tắt trong tim những người tiên phong. Họ kiên trì bám trụ, chắt chiu từng kinh nghiệm, khắc phục từng khó khăn, với một niềm tin sắt đá rằng lòng đất quê hương ẩn chứa nguồn tài nguyên quý giá là động lực cho công cuộc tái thiết đất nước.
![]() |
Các Liên đoàn phó Liên đoàn 36: kỹ sư Đặng Của (bên phải) và kỹ sư Nguyễn Trọng Tưởng (bên trái), bên ống dẫn khí đang phun tại GK-61 (năm 1975) (Ảnh tư liệu) |
Và rồi, điều kỳ diệu đã đến, như một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi. Trưa ngày 18/3/1975, tại khoảng vỉa thử 1.148-1.150m của GK-61 đã nhận được dòng khí tự do, lưu lượng khí và khí hóa lỏng (condensate) tương đối lớn, lưu lượng khí tự do tuyệt đối đạt tới 448.000 m3/ngày đêm. Qua nghiên cứu đã xác định ở độ sâu 1.146-1.152m gặp vỉa khí có giá trị công nghiệp trong phụ tầng Tiên Hưng 1. Dòng khí đầu tiên đã phun lên từ lòng đất trong niềm hân hoan, vui sướng của mọi người chứng kiến giây phút lịch sử đó. Tiếng reo hò vỡ òa trong niềm vui sướng tột cùng trên công trường. Đó không chỉ là tiếng reo của những người trực tiếp làm nên kỳ tích, mà còn là tiếng vọng của niềm hạnh phúc, niềm tự hào lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc. Giây phút ấy đã khắc sâu vào lịch sử, đánh dấu một cột mốc vàng son.
“Giếng tổ” - "bản tuyên ngôn" đầu tiên của ngành công nghiệp năng lượng
Sự kiện GK-61 cho dòng khí công nghiệp đầu tiên không chỉ là một phát hiện địa chất đơn thuần; nó là một tuyên ngôn, một sự khởi đầu mang tính bản lề cho ngành dầu khí Việt Nam. Nó đã đập tan mọi hoài nghi, khẳng định một cách hùng hồn tiềm năng dầu khí hiện hữu ngay trên đất liền miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là tại bể trầm tích Sông Hồng. Kỳ tích này mở ra một chương mới đầy triển vọng về việc khai thác tài nguyên tại chỗ, biến tiềm năng thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thành công của GK-61 là minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh và khả năng làm chủ khoa học công nghệ của người Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn, người Việt hoàn toàn có thể tiếp thu và vận hành những kỹ thuật phức tạp, chinh phục những lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao như dầu khí. Quan trọng hơn cả, GK-61 như “trái ngọt đầu mùa”, là thành quả đầu tiên được gieo trồng và thu hoạch bởi chính bàn tay và khối óc Việt Nam trên hành trình tự chủ năng lượng. Nó như một dòng nước mát lành tưới tắm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh tinh thần vô giá, cổ vũ toàn ngành công nghiệp năng lượng non trẻ vững tin dấn bước, vươn tới những mục tiêu xa hơn, chinh phục những thử thách lớn hơn, đặc biệt là khát vọng vươn ra biển lớn.
Từ những ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng đó, cái tên “Giếng tổ” đã ra đời và được các thế hệ người lao động Petrovietnam trân trọng gọi bằng tất cả lòng thành kính. Nó không chỉ ghi dấu vị trí tiên phong, mở đường, mà còn là lời tri ân sâu sắc gửi đến những người đi trước, những người đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương để khơi thông mạch nguồn dầu khí đầu tiên, khai sinh ngành công nghiệp dầu khí của đất nước.
Từ mạch nguồn đất liền vươn tới những đỉnh cao mới
Thành công của GK-61 không dừng lại ở ngọn lửa trên tháp thử khí. Ngày 19/4/1981, dòng khí quý giá từ “Giếng tổ” và các giếng khoan kế cận trong mỏ Tiền Hải đã nhanh chóng được đưa vào phục vụ cuộc sống. Nhà máy Điện khí Tiền Hải với công suất 10MW, trái tim năng lượng turbine khí đầu tiên của Việt Nam đã đi vào vận hành, mang ánh sáng điện về soi tỏ những làng quê, thị tứ, góp phần giải quyết bài toán thiếu điện nan giải lúc bấy giờ. Chỉ trong năm đầu tiên, trạm xử lý đã cung cấp 16 triệu m³ khí cho turbine điện, sản xuất được 70 triệu kWh điện và tách được 380m³ condensate. Đến năm 1986, lượng khí khai thác đã lên đến trên 120 triệu m³, phục vụ cho turbine phát điện và cung cấp khí cho các cơ sở sản xuất địa phương. Không chỉ vậy, nguồn khí đốt còn thổi bùng sức sống cho các ngành công nghiệp địa phương như gốm sứ, thủy tinh, vật liệu xây dựng... góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang cho “quê hương năm tấn” trong thời kỳ đổi mới.
![]() |
Trạm xử lý khí đầu tiên và “Giếng tổ” tại xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình |
Nhưng có lẽ, di sản vô giá nhất mà GK-61 để lại chính là việc tạo ra một “trường học lớn” ngay trên thực địa. Công trường Tiền Hải đã tôi luyện nên một thế hệ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề đầu tiên, những người mang trong mình cả kiến thức sách vở lẫn kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Chính họ, những con người trưởng thành từ “lò luyện” GK-61, cùng với sự tự tin được vun đắp từ thành công ban đầu, đã trở thành lực lượng nòng cốt, là bệ phóng vững chắc để ngành Công nghiệp Năng lượng Việt Nam mạnh dạn mở rộng hợp tác quốc tế, mà đỉnh cao là sự ra đời của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro năm 1981. Từ điểm tựa Tiền Hải, ngành Công nghiệp Năng lượng đã có đủ dũng khí và bản lĩnh để hướng tầm nhìn ra Biển Đông rộng lớn, nơi tiềm năng dầu khí được dự báo là phong phú và dồi dào hơn gấp bội.
Ngọn đuốc GK-61 soi rọi tương lai
Ngày nay, giếng khoan GK-61 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, lặng lẽ đứng đó giữa cánh đồng Đông Cơ, như một chứng nhân trầm mặc của thời gian.
![]() |
Giếng khoan GK-61 là điểm khởi phát, đặt những viên đá tảng vững chắc nhất cho sự nghiệp tự chủ năng lượng quốc gia. |
Di sản của GK-61 không chỉ nằm ở những mét khối khí đã khai thác, mà còn lắng đọng trong giá trị tinh thần bất diệt. Đó là tinh thần của những người lao động Petrovietnam, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu thử thách; đó là biểu tượng của ý chí tự lực, tự cường, của khát vọng làm chủ vận mệnh đất nước. Câu chuyện về “Giếng tổ” không chỉ là niềm tự hào của riêng ngành công nghiệp năng lượng, của người dân Thái Bình, mà đã trở thành một phần ký ức tự hào của cả dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam đang đối mặt với những thử thách mới của kỷ nguyên chuyển dịch năng lượng, bài học từ GK-61 về lòng quả cảm, sự kiên trì và khát vọng tự chủ vẫn còn nguyên giá trị, thúc đẩy Petrovietnam vững vàng trên hành trình đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ mũi khoan đầu tiên nơi đất liền Tiền Hải, một hành trình tự chủ đầy tự hào đã bắt đầu. GK-61, “Giếng tổ” linh thiêng, mãi mãi là mạch nguồn, là điểm tựa tinh thần, là ngọn lửa bất diệt của ngành Công nghiệp Năng lượng Việt Nam trên con đường chinh phục những tầm cao mới.
Minh Đức