Giờ G ở Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1

15:00 | 08/01/2014

694 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngành điện lực thường bảo “quân” xây dựng nguồn điện là những người có trái tim thép. Bởi hiện nay, mỗi công trình dù nhỏ cũng có mức đầu tư xấp xỉ 1 tỉ USD, công nghệ hiện đại, còn thời gian xây dựng luôn kéo dài 5-7 năm. Họ phải chịu đựng áp lực về tiến độ, làm công việc thuần túy kỹ thuật đòi hỏi độ chính xác cao lại sống xa gia đình, xa khu dân cư...

Năng lượng Mới số 289

Gian nan ngày ngày

Chúng tôi theo con đường độc đạo dài khoảng 5km tính từ Quốc lộ 1A vào Khu kinh tế Vũng Áng. Vừa ra khỏi vách núi hình cánh cung, chúng tôi bị ngợp bởi vẻ đẹp của Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1 (NĐVA1) sừng sững trong biển sương mù. Thời tiết Vũng Áng nổi tiếng khắc nghiệt và kỳ lạ, lúc thì nắng như đổ lửa, thoáng cái đã đổi thành mưa như trút nước.

Vào mùa đông, nơi đây như chiếc nón khổng lồ, một nửa vục xuống biển đông, nửa còn lại gom đầy sương mù của cả vùng Kỳ Anh. Mặc dù ở Hà Tĩnh vẫn tạnh ráo nhưng Vũng Áng mấy ngày này những cơn mưa phùn nặng hạt không dứt khiến đường xá lúc nào cùng lầy lội. Nhiệt độ ngoài trời chỉ vào khoảng 6-80C, những cơn mưa phùn buốt giá phủ kín bầu trời khiến con người có cảm giác đông cứng và không ai muốn ra khỏi nhà. Vậy mà vào thời điểm này, cả trăm chuyên gia vận hành, công nhân kỹ thuật vẫn lầm lụi đổ về NĐVA1, hâm nóng không khí làm việc hừng hực trước thời điểm hòa lưới điện quốc gia.

Niềm vui hòa lưới điện Quốc gia (Ảnh: Hiền Anh)

Ngược dòng thời gian cách đây gần 3 năm, khi ấy NĐVA1 bắt đầu triển khai đồng bộ các hạng mục xây dựng cơ bản, lắp đặt kết cấu thép và các thiết bị chính. NĐVA1 có công nghệ nhiệt điện hàng đầu trên thế giới, là nhà máy đang xây dựng có công suất lớn nhất và phức tạp nhất tại Việt Nam. Bên cạnh các thiết bị chính như turbine, lò hơi do Hãng Toshiba cung cấp, các thiết bị còn lại đều có xuất xứ từ các nước trong hệ thống G7 và Trung Quốc. Mặc dù phải liên tục xử lý, điều chỉnh thiết kế, chuyển giao công nghệ vận hành nhưng với sự nỗ lực không ngừng của Ban Quản lý dự án (QLDA), Tổng thầu LILAMA, các nhà thầu thiết bị nên chỉ trong vòng 2 năm, hai tổ máy chính của nhà máy, sân truyền tải điện 220kV, 12 hệ thống phụ trợ như trạm điện dự phòng, hệ thống bồn chứa nước làm mát, nước phòng cháy chữa cháy, nước uống, nhà điều khiển trung tâm… được xây dựng và lắp đặt hoàn tất.

Nhà máy là công trình đồ sộ nhất hiện nay ở Hà Tĩnh, nằm trải đều trên diện tích hơn 200ha. Hàng chục ngàn chi tiết máy móc được đấu nối, giằng chéo với nhau trên các giàn thép chịu lực đã khiến nhiều người lần đầu đến thăm nhà máy như “chim chích vào rừng”. Trong lần đầu tiên thăm quan phòng tư liệu thiết kế kỹ thuật của NĐVA1, chúng tôi đã phải giật mình khi tận mắt nhìn thấy “núi tài liệu” của dự án. Toàn bộ 3 căn phòng khoảng 80m2, mỗi phòng có 50 chiếc giá để tài liệu có chiều cao 2,5m, rộng khoảng 0,5m, chất đầy hộp tài liệu thiết kế kỹ thuật, công nghệ, hướng dẫn sử dụng… Anh Mai Thanh Bình, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Ban QLDA cho biết: “Chỉ tính riêng lượng giấy tờ, tài liệu thiết kế của nhà máy phải dùng đến 3 xe container 20 tấn mới có thể di chuyển được”.

Từ đầu năm 2013, NĐVA1 bắt đầu tiến hành thực hiện quá trình chạy thử từng phần. Những ngày đó, toàn bộ thiết bị lớn, nhỏ liên tục chạy chế độ không tải để kiểm tra các thông số kỹ thuật. Căng thẳng nhất trong thời điểm này là việc thống nhất quy trình vận hành giữa các nhà thầu thiết bị. Được sự hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và nỗ lực của các chuyên gia công nghệ hàng đầu về vận hành, trong vòng 3 tháng quý II/2013 đã hoàn thành quy trình vận hành, hiệu chỉnh toàn bộ các thiết bị. Công tác vận hành chạy thử căng thẳng như vậy nhưng toàn bộ dự án còn phải đối đầu với một thử thách to lớn hơn đó là những cơn bão lớn thường xuyên ảnh hưởng và không biết lúc nào thì đổ bộ vào Vũng Áng.

Năm 2013, một loạt cơn bão, trong đó có trận bão kép kinh hoàng số 11-12 đã gây thiệt hại nặng nề đến dự án. Trong những ngày khốc liệt đó, Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh đã cùng anh em công nhân đội mưa, vượt bão trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão lũ tại Vũng Áng. Được tổ chức tốt, sẵn sàng các phương án sơ tán, cứu hộ nên mặc dù nhà điều hành dự án bị ngập toàn bộ, nhiều nhà ở của CBCNV bị tốc mái, khu vực đê chắn sóng bị thiệt hại nặng… nhưng Ban QLDA cùng các nhà thầu đã đảm bảo tuyệt đối an toàn cho CBCNV, nhà máy và các thiết bị trên công trường.

Song song với việc khắc phục thiệt hại do bão, nhà máy tiến đến một cột mốc quan trọng của quá trình chạy thử, đó là lần đầu tiên đốt lửa lò hơi bằng dầu tổ máy số 1. Theo các kỹ sư vận hành của nhà máy, chỉ tính riêng lượng dầu đốt để “làm ấm” tổ máy số 1, mỗi ngày nhà máy sẽ “ngốn” khoảng 1 tỉ đồng. Ngày 17/8 là mốc tiến độ quan trọng đầu tiên của NĐVA1, thiết bị lò hơi của tổ máy số 1 đã đốt lửa lần đầu thành công. Chúng tôi còn nhớ rõ lời bộc bạch của anh Hoàng Anh, kỹ sư tự động hóa LILAMA trong sự kiện này: “Việc điều chỉnh đạt được độ cân bằng của lượng không khí, dầu và áp suất trong lò hơi của tổ máy số 1, khó nhất là giữ được độ ổn định cao để đốt lửa chính là thành công to lớn đầu tiên từ sự nỗ lực của toàn thể các chuyên gia vận hành nước ngoài và các kỹ sư vận hành đang làm việc tại nhà máy…

Từ thành công đốt lửa lần đầu, lò hơi tổ máy số 1 bắt đầu quá trình nén khí, tinh lọc chất lượng hơi đốt, hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật từng khu vực, thử nghiệm đốt than lần đầu. Đây là một quá trình liên tục gần 3 tháng với nhiều đêm không ngủ của CBCNV đang xây dựng, vận hành NĐVA1, tất cả mọi nỗ lực đều để dành cho ngày quyết định: Hòa lưới điện quốc gia.

Đêm trắng hòa điện

Chúng tôi có mặt tại NĐVA1 trước thời điểm hòa lưới điện quốc gia đúng một ngày, vừa kịp để chứng kiến “đêm trắng” của hàng trăm công nhân, chuyên gia vận hành của nhà máy. Tổ máy số 1 gồm 5 tầng nhà bằng kết cấu thép, có chiều cao gần 100m có vẻ hơi khác thường. Hàng trăm chiếc đèn cao áp vẫn tỏa sáng rực rỡ như một tháp lửa soi sáng cho hàng trăm công nhân kỹ thuật đang miệt mài, khẩn trương hiệu chỉnh thông số kỹ thuật, phòng ngừa và xử lý sự cố trong quá trình vận hành đồng bộ nhà máy… Bất cứ ai được chứng kiến cảnh này không thể tránh khỏi cảm giác bừng lên nhiệt huyết.

Theo tính toán của các chuyên gia vận hành Hãng Toshiba - Nhật Bản, nhà thầu cung cấp thiết bị chính của NĐVA1, dự kiến trong khoảng từ ngày 27 đến 28/12/2013, sẽ tiến hành chạy đồng bộ toàn nhà máy, phát điện và hòa lưới điện tổ máy số 1 lên lưới điện quốc gia. Chính vì vậy, chúng tôi rất háo hức để mục sở thị tổ máy nhiệt điện chạy than có công suất lớn nhất nước có hình dáng ra sao. Sở dĩ nói NĐVA1 là dự án nhiệt điện chạy than lớn nhất bởi nhà máy gồm 2 “siêu” tổ máy công suất 600MW, tổng công suất lên đến 1.200MW, gấp 3 lần công suất Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và gấp 4 lần Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí.

Các chuyên gia vận hành đang điều chỉnh thông số kỹ thuật tại Nhà Điều khiển Trung tâm (Ảnh: Hiền Anh)

Hì hục leo một mạch lên tầng 3 của tháp tổ máy số 1, trước mắt chúng tôi là chiếc turbine đồ sộ dài hơn 50m, nằm nghễu nghện chiếm hơn nửa không gian của tầng 3. Chiếc turbine chỉ nổi phần trên mặt sàn nhà máy nhưng chiều cao cũng hơn 10m. Anh em trong đoàn đoán già đoán non turbine này nặng mấy trăm tấn. Trái với những gì chúng tôi được biết, tiếng lò hơi bơm khí ầm ì, nhịp nhàng cũng không đến độ đinh tai nhức óc, đứng cạnh nhau chỉ cần nói lớn hơn một chút vẫn có thể nghe rõ được. Có lẽ do sức nóng từ hàng trăm cỗ máy đang vận hành lan tỏa nên không khí trong nhà máy ấm áp như mùa xuân.

Anh Nguyễn Đình Sơn, công nhân kỹ thuật của tổng thầu LILAMA cho biết, những ngày qua anh em đã xử lý một số chi tiết kỹ thuật máy bơm dầu của hệ thống đánh lửa chính. Đây là một trong những thao tác cực khó khi vận hành nhà máy nhiệt điện bởi nhiệt độ của dầu trong máy bơm luôn trong khoảng 400oC, áp lực trong máy bơm lại cực lớn nên các chuyên gia vận hành, công nhân kỹ thuật phải “đánh vật” cả đêm mới hoàn thiện được chi tiết này.

Khoảng 1 giờ sáng ngày 27/12, những thông số kỹ thuật của 12 hệ thống gồm turbine, lò hơi, thông gió, tản nhiệt… bắt đầu hiệu chỉnh đồng bộ theo thiết kế kỹ thuật vận hành nhà máy.  Đến 11 giờ trưa, các thông số đều đã đạt chuẩn, trong đó quan trọng nhất là turbine tổ máy số 1 vận hành từ 500 vòng/phút đã điều chỉnh ổn định tăng lên mức 3.000 vòng/phút, chất lượng hơi từ lò hơi số 1 cũng đạt yêu cầu phát điện. Kể từ lúc này, tất cả CBCNV của NĐVA1 đều trở nên hồi hộp chờ đợi giây phút chính thức chuyển từ chế độ chạy thử nghiệm sang chế độ chuẩn phát điện vận hành.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Duy Lợi, Giám đốc Ban Điều hành Dự án Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đang cầm ly cà phê trước phòng điều khiển trung tâm. Đầu tóc rối bù, trên mặt anh hằn lên vẻ mệt mỏi do nhiều đêm thiếu ngủ. Anh Lợi cho biết: “Suốt gần 3 tháng nay, để chuẩn bị hòa lưới điện quốc gia tổ máy số 1, chưa có đêm nào được ngủ ngon. Những ngày vừa qua, anh em LILAMA cùng Ban QLDA đều huy động trực 100% quân số. Đêm qua, chúng tôi đã thức trắng để hiệu chỉnh và theo dõi độ ổn định của lò hơi số 1 và các hệ thống phụ trợ khác. Mọi người đều quyết tâm phải hòa lưới điện quốc gia trong ngày hôm nay, mong mỏi và chờ đợi lâu quá rồi…”.  

Dâng tràn niềm vui

Thời gian hòa điện chính thức được dự kiến vào khoảng 19 giờ nhưng ngay từ đầu giờ chiều lực lượng an toàn, bảo vệ đã lập 3 vòng đai kiểm soát, thực hiện giới nghiêm toàn bộ các khu vực trong nhà máy. Ba lượt kiểm soát gồm có ngoài cùng là lực lượng bảo vệ vũ trang, thực hiện kiểm soát tất cả xe cộ ra vào, trang thiết bị mang theo người. Vành đai thứ hai là kiểm tra an toàn, thẻ ra vào nhà máy. Trước các phòng điều khiển, phòng máy chính, các đường ra vào khu điều khiển trung tâm đều có các bảo vệ canh gác. Việc đi lại trong thời điểm này đều hạn chế tối đa, ngay cả chuyên viên văn phòng của Ban QLDA nếu không có thẻ ra vào đặc biệt cũng không được phép vào nhà máy. Trong chiều ngày 27, gần như toàn bộ các chuyên gia vận hành, lãnh đạo Ban QLDA, tổng thầu LILAMA đều tập trung tại nhà điều khiển trung tâm. Lực lượng công nhân kỹ thuật được phân công ứng trực tại các chốt chặn quan trọng của turbine, lò hơi, hệ thống phụ trợ...

Turbine tổ máy số 1 (Ảnh: Hiền Anh)

Đúng 18 giờ, các thao tác nhấn nút hệ thống điều khiển chính đóng điện lên lưới điện quốc gia được thực hiện. Gương mặt các chuyên gia vận hành từ Nhật Bản, Trung Quốc, chuyên gia tư vấn giám sát dự án CHLB Đức đến lãnh đạo Ban QLDA, tổng thầu LILAMA người thì đỏ lên như quả hồng, người thì trắng bệch vì căng thẳng và hồi hộp. Gần hai trăm đôi mắt như dán chặt vào màn hình hiển thị chỉ số điện lên lưới đến vài phút mà không hề chớp lấy một cái. Đồng hồ điện tử nhấp nháy chậm chạp, thông số cứ chuyển từ 1MW tăng lên 2MW rồi lại trở ngược về 1MW. Tôi nghe thấy mấy kỹ sư vận hành của LILAMA thầm thì với nhau: “18 giờ đến 19 giờ là giờ hoàng đạo đấy, không thể quá được đâu nhé…”. Sau gần 30 phút thực hiện hòa điện lần đầu nhưng chỉ số điện vẫn chưa thể ngóc đầu lên được. Các chuyên gia vận hành chính của Nhật Bản quay ra nhìn nhau, nhún vai, lắc đầu tỏ ý bất lực.

Ngay sau đó, các chuyên gia vận hành đã hội ý, rà soát lại quy trình và các thông số của tổ máy số 1 trong 5 phút để thực hiện hòa điện lần thứ 2. Lúc này đến cả ông Phạm Văn Định, Trưởng ban QLDA cũng không thể bình tĩnh được mà phải kéo ghế đến ngồi ngay trước bàn điều khiển. Những ánh mắt tin cậy tập trung theo đôi tay thao tác vận hành của Trưởng phòng chạy thử NĐVA1, Huỳnh Hữu Vinh. Mọi người lại tập trung hết lên màn hình chính. Lúc này thời gian được đếm bằng giây, cả nhà điều khiển trung tâm đều yên tĩnh đến lạ lùng.

Đột nhiên kim đồng hồ vọt lên 25MW, toàn bộ những người có mặt tại nhà điều khiển trung tâm đều cất tiếng hò reo hân hoan. Mọi người ôm chầm lấy nhau sung sướng, hét vang như muốn phá vỡ tất cả những bức bối, mong chờ chất chứa trong suốt mấy năm qua. Những gương mặt căng thẳng đã giãn ra, những đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ đã được thay thế bằng những nụ cười rạng rỡ. Những con người đến từ khắp các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Trung Quốc cùng Việt Nam ôm chầm lấy nhau, xiết tay nhau thật chặt mà đôi mắt cứ rưng rưng. 

Trong niềm vui ngập tràn, Huỳnh Hữu Vinh nở nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đen nhẻm: “Em từ Cà Mau về nhà máy gần 2 năm rồi. Trong suốt thời gian qua, chúng em vừa thực hiện tiếp nhận công nghệ, chuẩn bị cho công tác vận hành chạy thử. Để chuẩn bị công tác hòa điện đồng bộ (hòa lưới điện quốc gia và chạy đồng bộ toàn nhà máy) anh em đã làm việc cật lực trong suốt 6 tháng vừa qua. Theo quan sát của nhóm chuyên gia vận hành, dòng điện của tổ máy số 1 rất mạnh vượt gần gấp đôi so với dự tính là 18MW. Trong những ngày sắp tới, các chuyên gia sẽ thực hiện tiếp hàng loạt sự hiệu chỉnh kỹ thuật như tăng công suất lên 150MW để kiểm tra khả năng vận hành và chịu tải của turbine, chất lượng của lò hơi…”. Sau đó Hữu Vinh hóm hỉnh giải thích cho chúng tôi thế nào là hòa lưới điện quốc gia: “Khi dòng điện phát ra từ nhà máy, qua sân truyền tải điện, lên lưới điện cao áp của quốc gia sẽ tự động tìm và nhận tần số thích hợp được định sẵn. Sau khi tìm được, dòng điện sẽ trực tiếp tích hợp vào hệ thống lưới điện theo kiểu “kiếm” được cô nào vừa ý là đóng dấu đưa về làm vợ luôn đó anh”.

Khi chuẩn bị ra về, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến anh Nguyễn Việt Cường, Phó chánh Văn phòng Ban QLDA đang thay mặt anh em chuyên viên “xin phép” được về sớm 1 tiếng đồng hồ. Hỏi ra mới biết anh em trong Ban QLDA và các nhà thầu đều nhận lệnh “cắm trại” đã vài tuần nay tại dự án. Bởi vậy xin về sớm để có thời gian đón xe về Hà Nội và các tỉnh khác trong buổi chiều. Chúng tôi càng khâm phục các anh hơn, những con người đang ngày đêm cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết của mình để xây dựng nguồn điện ngành Dầu khí lại luôn giản dị, gần gũi với mong muốn tưởng chừng rất đơn giản và quá đỗi bình thường: “Kịp ăn bữa cơm tối với gia đình”.

Dự án Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng - Quảng Trạch do PVN đầu tư, có tổng công suất 2.400MW. Trong đó NMNĐ1 gồm 2 tổ máy công suất 600MW.

Đến nay, tổng tiến độ dự án hoàn thành 94,38% khối lượng công việc, trong đó công tác thiết kế đã hoàn thành đến 99,93%, mua sắm thiết bị 99,70%, thi công xây lắp 97,00% và công tác vận hành chạy thử đạt 42,50%.

Ngày 17/8, NĐVA1 đã thành công thử nghiệm đốt lửa lần đầu bằng dầu lò hơi tổ máy số 1, sớm hơn kế hoạch 20 ngày. Ngày 27/12, tổ máy số 1 NĐVA1 đã hòa lưới điện quốc gia thành công. Dự kiến đến quý IV/2014, NĐVA1 sẽ phát điện thương mại.


Thành Công

DMCA.com Protection Status