Giữ lửa nơi đất khách

17:01 | 06/12/2011

852 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Kỹ sư địa chất Vũ Nguyên Khang không giấu nổi xúc động khi cùng các anh chị em ở Văn phòng PVEP Trung Á được tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Tashkent xa xôi này. Chuyến thăm của đoàn Thủ tướng đã tiếp thêm sinh khí cho những người giữ lửa nơi đất khách.

Điểm hẹn năng động

Chuyện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) quyết định đầu tư sang các quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) cứ như tiểu thuyết. Cách đây trên dưới chục năm, rất nhiều thế hệ lãnh đạo như nguyên TGĐ Tập đoàn Trần Ngọc Cảnh, Chủ tịch Phùng Đình Thực, TGĐ Đỗ Văn Hậu… từng đi đi về về, tiếp cận sâu và rộng thị trường đầy tiềm năng trên. Nhưng rốt cuộc, sau hàng chục chuyến công tác quy mô, chỉ 3 dự án đàm phán thành công và đi đến ký kết…

Năm 2008, chúng ta quay lại Tashkent với tư thế một người đồng chí, một người bạn lớn của người dân Liên bang Xôviết quá khứ. “Lời căn dặn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đến thăm và giao nhiệm vụ cho Văn phòng giúp em vỡ ra nhiều điều. Em chỉ quen làm kỹ thuật, chuyên môn, có bao giờ tưởng tượng một ngày lại được đích thân Thủ tướng đặt tay, giao việc. Ngoại giao thế kỷ XXI là ngoại giao kinh tế. Mình đến với bạn, tạo dựng niềm tin nơi bạn, làm kinh tế cho đất nước nhưng làm sao khéo léo cài vào công tác ngoại giao. Thương hiệu Việt Nam là quan trọng nhất”, Vũ Nguyên Khang thổ lộ với PV Báo Năng lượng Mới tại trụ sở PVEP Trung Á ở thủ đô Tashkent, Uzbekistan.

Ông Nguyễn Trí Dũng (phải) Giám đốc PVEP Trung Á báo cáo tiến độ Dự án trước Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực.

Giám đốc PVEP Trung Á Nguyễn Trí Dũng từng học tập và làm nghiên cứu sinh trên đất Nga với thời gian tổng cộng gần 10 năm. Anh hiểu người Liên Xô tương đối, biết họ muốn và cần gì, thậm chí cả những quốc gia xa xôi cỡ Uzbekistan. Chỉ riêng việc nhóm cán bộ chủ chốt sử dụng tiếng Nga sòng phẳng với người bản địa, đã khiến bạn “muốn” làm việc với Việt Nam hơn bất cứ quốc tịch nào khác. Còn chuyện các nhân viên người Uzbekistan bỏ Gazprom, KNOC, Luke Oil, CNPC… đến với PVN cũng đều có thật. Có điều, trước khi tiếp nhận, PVEP Trung Á phải đàm phán công khai và được những chủ lao động cũ đồng ý trên tinh thần hoàn toàn thiện chí, xây dựng.

Giám đốc Dũng dốc bầu tâm sự: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình hảo hữu và tình đồng chí Việt Nam – Liên Xô cũng là tâm sự mình luôn muốn thể hiện. Có thể quan điểm kinh tế thị trường đúng ở đâu đó, nhưng Uzbekistan thì chắc chắn không. Mình đến với họ chân thành, suy nghĩ tích cực và hướng tới tương lai cùng có lợi. Chúng ta có tình cảm và công nghệ phù hợp, đó là lý do vì sao PVN vào Uzbekistan muộn nhất, nhưng đến thời điểm hiện tại, mình có thể tự hào rằng, PVEP Trung Á là một trong những đơn vị thật sự năng động trong số các công ty dầu khí nước ngoài đang có mặt ở Tashkent…”.

Sức trẻ PVEP

Trong lúc giúp các đồng nghiệp PVEP Trung Á chuẩn bị cho công tác lễ tân, người viết được dịp tiếp xúc Vũ Nguyên Khang – một trong những người trẻ của dầu khí Việt. Tốt nghiệp chuyên ngành địa vật lý năm 2010, Khang về PVEP trước khi cùng anh chị em tình nguyện sang Tashkent vào thời điểm Công ty điều hành Kossor được thành lập. Trẻ, khỏe, nhiệt huyết, Khang luôn khát khao cống hiến.

Câu chuyện về 886km thu nổ địa chấn 2D kéo dài liên tục trong 55 ngày, thoạt đầu có tên một nhóm thăm dò gồm 3 người. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tình hình nhân sự (PVEP Trung Á gồm 11 cán bộ người Việt và 38 nhân viên Uzbekistan – PV), chỉ một mình Khang được điều động đi thực địa giám sát nhà thầu Trung Quốc. Lô Kossor cách Tashkent hơn 2.000km, lọt thỏm trong hoang mạc già cỗi Kyzyl Kum đang ở cuối quá trình sa mạc hóa.

“Em bay 2 giờ đồng hồ đến thủ phủ Nukus của Cộng hòa tự trị Karakalpakstan, rồi di chuyển tiếp 300km trên cái nóng sa mạc hơn 50oC bằng hệ thống định vị. Nhiều cái thú vị lắm, bởi công trường bỏng da thịt chỉ toàn bọ cạp, rắn mốc, châu chấu, gió và cát”, Vũ Khang cười hì hì. Vì mùa hè tối muộn, nên trung bình kỹ sư trẻ tuổi làm việc tới 12 tiếng, theo sát nhà thầu tiến hành thu nổ 15 đến 18km mỗi ngày.

“Thực địa Trung Á là cơ hội tuyệt vời cho những người trẻ như Khang thực tế hóa những kiến thức tích lũy khi học trên ghế nhà trường. Mình đánh giá cao tinh thần, thái độ của em nó đối với cái nghiệp địa chất. Quan trọng là phải giữ nhịp và nhiệt cho các bạn trẻ”, Nguyễn Trung Dũng, Trưởng phòng Thăm dò PVEP Trung Á nhận xét về “cậu út” nhân viên của mình.

Theo phân tích thực tế của chuyên gia địa chất Vũ Tất Thắng, tài liệu về tiềm năng dầu mỏ khu vực Kossor, thuộc nước Cộng hòa tự trị Karakalpakstan có từ thập niên 60 thế kỷ trước, dưới thời Liên Xô cũ. Sau khi đoàn công tác của Ban Dự án mới – PVEP mang về bộ tài liệu chi tiết năm 2008, các chuyên gia Việt Nam khá ngạc nhiên, bởi biểu hiện nhận biết tiềm năng ở khu vực này tương đối rõ ràng. Tiếp đó là gần 2 năm vận động hành lang, đàm phán vào thị trường Uzbekistan, xin ý kiến chỉ đạo và được sự đồng ý của cấp trên, PVEP Trung Á mới ra đời để cụ thể hóa mọi việc.

Tạo hậu phương tại chỗ

Theo chính sách lao động Tập đoàn quy định, công thức nghỉ phép áp dụng cho các văn phòng ngoài nước là 10/3, tức là cứ đi 10 tuần thì được về Việt Nam 3 tuần. 11 người thuộc biên chế PVEP Trung Á, nhưng chỉ 3 người đưa gia đình cùng sang Tashkent. Đối với các gia đình nhỏ, công ty phải nghiên cứu rất kỹ phương án bố trí nơi ăn chốn ở. Theo giải thích của Trưởng phòng TC-HC Nguyễn Văn Sơn, vì nước sở tại là quốc gia Hồi giáo, bởi vậy, yếu tố an ninh được đặt lên hàng đầu khi sắp xếp khu nhà sinh hoạt. 3 gia đình riêng ở trong khu ngoại giao đoàn liền kề, với tiêu chí tắt lửa tối đèn phải có nhau.

Bên cạnh đó, anh chị em độc thân được bố trí sinh hoạt trong một khu nhà công vụ cách VP chỉ mươi phút đi bộ. Theo đánh giá của anh em VP, thủ trưởng Dũng nóng tính, nhưng sống tình cảm và luôn coi lợi ích tập thể là trên hết. Từng nhiều năm làm Đoàn TNCS, nên Giám đốc Nguyễn Trí Dũng có cả một “ngân hàng” chương trình để giúp anh em xả stress, tạm xua tan nỗi cô đơn nơi đất khách quê người. 1 tuần 2 trận bóng đá, 1 buổi tennis và 1 buổi tụ tập bên bữa cơm để mọi người tháo gỡ những vướng mắc, bất đồng trong công việc. Tất cả chỉ nhằm mục tiêu: giữ lửa cho anh em.

Giám đốc Dũng tiết lộ, băn khoăn và lo lắng lớn nhất của các gia đình là chuyện học hành của tụi nhỏ. “Dưới 6 tuổi thì ok, nhưng khi vào lớp 1, không thể để các con ở đây được. Hệ thống giáo dục không phù hợp, rào cản ngôn ngữ, đến khi trở về Việt Nam, điều đó sẽ gây ra vô số phiền toái. Còn đưa vợ con về, thì các bà vợ lại khốn khổ vì phải đảm nhiệm cả công việc của chồng mình. Thế đấy!”.

Tình trạng của PVEP Trung Á cũng là khó khăn chung của hàng trăm lao động ngành Dầu khí khắp thế giới. Điều đó có nghĩa hàng trăm người vợ, đang hàng ngày đảm nhiệm công việc của cả những ông chồng lúc nào cũng đao to búa lớn. “Nhiều lúc ngồi nghĩ lại mà vừa thương vợ, vừa xấu hổ cho mình. Thằng đàn ông, không lo được cho gia đình thì nói gì chuyện lo cho người khác…”.

1 văn phòng, 11 con người, nhiều chục nghìn giờ tần tảo. Nói như các anh, người đi tìm lửa thì giây phút dầu cháy là một cảm xúc đặc biệt, khác hẳn những gì tương tự. Mong cho niềm vui cứ nối dài ở Tashkent…

Lê Hữu Tùng

DMCA.com Protection Status