Hiệu suất cao từ giàn khoan TAD

15:00 | 04/02/2013

1,369 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Công ty TNHH Khoan Dầu khí nước sâu (PVD Deepwater, đơn vị thành viên PV Drilling) hoạt động tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cung ứng giàn khoan biển nước sâu, phục vụ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. PVD Deepwater được PV Drilling giao nhiệm vụ quan trọng là quản lý dự án đóng mới và vận hành giàn khoan TAD trong suốt thời gian qua. Báo Năng lượng Mới đã trao đổi cùng ông Trịnh Văn Lâm - Giám đốc PVD Deepwater về công tác quản lý, vận hành và tính hiệu quả hoạt động của giàn khoan TAD - giàn khoan tiếp trợ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

PV: Ông vui lòng cho biết hoạt động của giàn TAD dưới sự điều hành của Công ty PVD Deepwater trong thời gian qua?

GĐ Trịnh Văn Lâm: Ngay sau khi giàn TAD được đưa từ Singapore về Việt Nam, chúng tôi đã nhanh chóng, khẩn trương tiến hành định vị neo giàn vào vị trí thiết kế đã định để bắt đầu khoan phát triển mỏ cho Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC) tại các mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh.

Tính từ thời điểm 17/10/2011 (ngày PVD Deepwater tiếp nhận giàn tại Singapore) và đưa giàn về khoan tại mỏ Mộc Tinh, giàn TAD đã khoan và thả thành công ống dẫn tách nước đường kính 30” cho toàn bộ 8 giếng khoan đầu tiên trên giàn đầu giếng WHP MT1 trong điều kiện thời tiết khó khăn và phức tạp. Hiện tại, giàn TAD đã thực hiện khoan xong cho 2 giếng khoan MT-1P, MT-3P tới tầng vỉa với thời gian thi công ngắn hơn với dự kiến ban đầu và tiếp tục khoan giếng MT-2X được coi là giếng khoan có độ sâu lớn và điều kiện địa chất, địa tầng được dự báo là khó khăn và phức tạp với nhiệt độ cao, áp suất cao với các rủi ro tiềm ẩn cháy nổ hay các sự cố liên quan tới giếng khoan.

Ông Trịnh Văn Lâm - Giám đốc PVD Deepwater

Với công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới và công tác vận hành được chuẩn bị kỹ lưỡng, giàn TAD PV Drilling V đã hoạt động ổn định và an toàn suốt mùa mưa bão năm 2011-2012 vừa qua (được coi là khắc nghiệt, khó dự báo) và đảm bảo điều kiện hoạt động tốt cho đến thời điểm hiện tại.

PV: Theo ông, việc đưa giàn TAD đi vào vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả trong năm 2012 mang ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với PV Drilling và ngành Dầu khí?

GĐ Trịnh Văn Lâm: Việc đầu tư giàn khoan TAD đầu tiên của Việt Nam này giúp ta làm chủ được giàn khoan nước sâu và sẽ đem lại sự chủ động về công nghệ, không phải phụ thuộc ở nước ngoài, đặt nền móng cho sự phát triển công nghệ khoan nước sâu tại Việt Nam, hiện đại hóa ngành khoan và phát triển lĩnh vực công nghệ cao cho sự phát triển của đất nước.

Việc vận hành giàn TAD sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam với nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời sẽ là cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng quản lý, điều hành của người lao động Việt Nam, tiến tới từng bước tự thực hiện cung cấp dịch vụ dầu khí, đáp ứng nhu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Việc sử dụng thành công công nghệ đầu giếng khô với giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm ở Việt Nam sẽ mở ra một hướng lựa chọn công nghệ mới cho các công ty dầu khí trong việc xem xét sử dụng công nghệ này để áp dụng vào những vùng mỏ phù hợp ở thềm lục địa Việt Nam. Với những ưu điểm nổi bật, các công ty dầu khí sẽ xem xét nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ này trong thời gian tới và mở ra những cơ hội việc làm cho loại giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm.

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý điều hành và vận hành giàn TAD trong thời gian qua? Đâu là những khó khăn thử thách cho PVD Deepwater trong công tác điều hành giàn TAD và đã vượt qua điều đó như thế nào?

GĐ Trịnh Văn Lâm: Giàn khoan TAD là giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm đầu tiên ở Việt Nam và có khả năng khoan ở các khu vực nước sâu cũng như điều kiện địa chất, địa tầng phức tạp. Để đón đầu về việc khó khăn trong công tác vận hành cũng như quản lý điều hành giàn, chúng tôi đã chủ động lên chương trình đào tạo kỹ thuật an toàn, bài bản, chuyên nghiệp để lực lượng kỹ thuật không bị bất ngờ hay gặp khó khăn gì trong suốt quá trình vận hành.

Thứ nhất, khó khăn về công tác quản lý điều hành chủ yếu là do lực lượng kỹ thuật có kinh nghiệm vận hành chủng loại giàn này trên thế giới không nhiều và do tình hình thị trường nhân lực dầu khí có sự di chuyển mạnh do sự gia tăng của hoạt động tìm kiếm, thăm dò và phát triển dầu khí nên có sự dịch chuyển về nhân lực có trình độ, kinh nghiệm cao.

Thứ hai, khó khăn về điều kiện thủy văn tại khu vực mỏ có diễn biến thời tiết bất thường và phức tạp. Năm 2012 được coi là năm điều kiện thời tiết khó khăn không thua kém gì điều kiện khắc nghiệt của biển Bắc.

Việc khó khăn là có thực và đã nằm trong dự báo từ lúc chúng tôi triển khai dự án đóng giàn, lực lượng kỹ thuật ngoài việc được tổ chức đào tạo liên tục và công ty cũng chủ động xây dựng văn hóa làm việc, giải trí sau các ca làm việc vất vả tại Vũng Tàu nhằm nâng cao tinh thần làm việc tập thể và tạo điều kiện để cho người lao động yên tâm bám giàn, bám biển.

PV: Sau gần 1 năm đi vào hoạt động, đâu là những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác vận hành giàn khoan TAD?

GĐ Trịnh Văn Lâm: Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao cho giàn khoan TAD, chúng tôi ý thức việc đào tạo đội ngũ nhân sự có đủ trình độ và kỹ năng để lĩnh hội, tiếp cận và vận hành giàn khoan công nghệ cao này một cách hiệu quả, an toàn là rất quan trọng. Kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân sự cho giàn khoan công nghệ cao TAD được chúng tôi xây dựng ngay từ khi dự án đóng mới giàn khoan TAD triển khai. Trên cơ sở những nhân sự có kinh nghiệm đang làm việc trực tiếp trên 4 giàn khoan của PV Drilling và hơn 500 kỹ sư, công nhân khoan đang làm việc trên các giàn khoan tại Việt Nam và quốc tế, Công ty PV Deepwater đã chọn lọc ra những nhân sự ưu tú nhất để đưa họ vào chương trình đào tạo vận hành giàn khoan ứng dụng công nghệ cao TAD.

PV: Cảm ơn ông!

Thế Vinh(thực hiện)

 

 

DMCA.com Protection Status