Hội Cựu chiến binh Viện Dầu khí – Hồi ức những chuyến về nguồn

11:56 | 11/04/2019

774 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Từ khi thành lập đến nay, hàng năm Hội CCB Viện Dầu khí Việt Nam đều tổ chức các chuyến công tác giáo dục truyền thống lịch sử “Về nguồn”. Một trong những chuyến về nguồn có ý nghĩa sâu sắc, mang lại nhiều cảm xúc là chuyến đi năm 2016.    

Tháng 7/2016 Hội CCB cùng với Công đoàn, Đoàn TNCSHCM Viện Dầu Khí thực hiện chuyến “Về nguồn” tại các tỉnh phía Nam.

Hoạt động đầu tiên của đoàn là tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp cũng như những ảnh hưởng của Cụ đến con đường cứu nước, đến tư tưởng, đạo đức, phong cách người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Chủ Tịch Hồ Chí Minh sau này) tại khu Lăng mộ của Cụ, Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Khu lăng mộ được khởi công xây dựng vào tháng 8/1975, khánh thành tháng 12/1977. Với diện tích 3,6 ha, khu di tích được chia thành ba khu vực chính: Khu lăng mộ Cụ Phó bảng, Nhà sàn Bác Hồ và Ao sen. Thật cảm động, càng thương yêu và kính trọng gia đình Cụ khi xem các tư liệu: về gia đình cụ Phó bảng; về sự kiện khi cụ buộc phải ra làm quan, vì hành động trừng trị mấy tên cường hào ở địa phương mà bị bãi chức; về nỗi lòng của cụ luôn dõi bước và kỳ vọng người con trai thứ hai (Nguyễn Tất Thành); về những ngày cụ hoạt động cách mạng, đau yếu và mất tại Cao Lãnh, tuy không gặp mặt người con nào nhưng ra đi trong vòng tay yêu thương, kính trọng của bà con Cao Lãnh; về thư của Bác gửi đồng bào và Tỉnh ủy Nghệ An năm 1950 khi anh trai Bác là cụ Nguyễn Sinh Khiêm mất “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu.Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”. Thầm tự nhủ “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” (Tố Hữu).

Đặc biệt ấn tượng và cảm động khi được xem hình ảnh các chiến sĩ miền Nam, trước khi tập kết ra Bắc năm 1954 đã xây hàng rào mộ Cụ; hình ảnh đồng bào Cao Lãnh bảo vệ mộ Cụ khi chính quyền Ngô Đình Diệm định di dời mộ cụ ra Huế.

Tiếp đó, Đoàn dâng hương, tưởng niệm, nghe giới thiệu và tham quan khu di tích lăng mộ, đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Khu mộ và đền thờ của Cụ cách trung tâm thị trấn Ba Tri 2km về phía nam, thuộc ấp Giồng Cụt, xã An Đức, huyện Ba Tri. Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của nhà thơ lớn yêu nước của dân tộc đồng thời cũng là nhà giáo, người thầy thuốc của nhân dân nửa sau thế kỷ XIX. Nhớ đến những câu văn hùng tráng, thống thiết trong bài “Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc” của Cụ đã được học trong chương trình cấp II phổ thông mấy chục năm về trước “Nhớ linh xưa/ Côi cút làm ăn/Toan lo nghèo khó…/Hỡi ơi ! /Súng giặc đất rền/Lòng dân trời tỏ/Mười năm công vỡ ruộng, xưa ắt còn danh nổi như phao/Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ…”. Khu di tích còn có mộ của con gái Cụ, bà Sương Nguyệt Ánh, nhà thơ và chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Tờ báo Nữ giới chung do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của phụ nữ được xuất bản tại Sài Gòn năm 1917.

Hoạt động tiếp theo, đoàn thăm di tích khu mộ nữ Anh hùng Nguyễn Thị Định tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Tỉnh Bến Tre. Năm 1945, bà là một trong những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công ở Bến Tre. Năm 1946, bà là thành viên trong đoàn cán bộ của Khu 8, vượt biển ra Bắc gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình cách mạng miền Nam và xin chi viện vũ khí. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, bà ở lại miền Nam cùng Tỉnh ủy Bến Tre lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Đồng Khởi vang dội năm 1960. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và được phong tặng là vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bà qua đời ngày 26-8-1992. Đoàn được biết một chi tiết rất cảm động là ông bà có duy nhất một người con trai, gửi ra Miền Bắc nhưng đã mất lúc 20 tuổi (chồng bà là Nguyễn Văn Bích – Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, hy sinh tại Côn Đảo năm 1938). Liên tưởng tới mất mát hy sinh của một số gia đình cách mạng khác: gia đình giáo sư Trần Văn Giàu, một trong những người lãnh đạo khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 ở Nam Bộ, có duy nhất một người con và đã mất trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Những năm cuối đời, gia đình giáo sư đã hiến ngôi nhà tại TP HCM (giá trị 1000 lượng vàng) cho Thành Phố sử dụng làm “Giải thưởng Trần Văn Giàu”, trao cho các công trình nghiên cứu ở trên hai lĩnh vực: Lịch sử và Lịch sử tư tưởng; Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có người con trai đầu hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và nhiều gia đình khác có hoàn cảnh tương tự. Ngoài ra đoàn còn được giới thiệu thông tin về các nhà cách mạng của Bến Tre như giáo sư Ca Văn Thỉnh (thân sinh nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), nhạc sĩ Ca Lê Thuần); bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (cố vấn Bộ Y Tế Chính phủ Cách Mạng lâm thời Cộng hoà Miền nam Việt Nam), vv.

Rời quê hương Đồng Khởi Bến Tre, đoàn di chuyển về TP Hồ Chí Minh, thăm di tích Địa đạo Củ Chi và dâng hương tại Đền tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ Bến Dược.

Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng Tây-Bắc. Hệ thống này được Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 250 km và có các ống thông hơi tại vị trí các bụi cây. Địa đạo được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công vào Sài Gòn. Hệ thống có 3 tầng sâu khác nhau, tầng trên cách mặt đất khoảng 3 m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6 m, tầng dưới cùng sâu hơn 12 m. Địa đạo không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là nơi sinh sống, cứu thương, hội họp, kho chứa vũ khí, vv.

Đền Bến Dược được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đền chính có kiến trúc mang dáng dấp đền đài cổ của Việt Nam. Điện thờ bố trí theo hình chữ U: trung tâm là bàn thờ tổ quốc trang nghiêm được bố trí theo kiểu đình Việt Nam. Chính giữa có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phía trên ghi: “Vì nước quên mình/Tổ quốc ghi công/Đời đời ghi nhớ”.

Tả, hữu là hai hương án thờ các bậc tiên hiền tiên liệt và đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh chưa tìm được tên. Hai bên là 2 bức tượng rùa đội hạc oai nghiêm và linh thiêng. Dọc theo các bậc tường bên trái là tên liệt sĩ khối Dân, Chính, Đảng, các bậc tường bên phải là tên liệt sĩ lực lượng võ trang. Đây được xem là nơi ghi danh sách các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hy sinh vì đất nước cùng tụ hội về đây. Có tất cả 44.752 tên anh hùng liệt sĩ được tạc tại gian chính điện cùng phối thờ (trong đó có: 43.777 liệt sĩ, 11 vị lãnh đạo Đảng CSVN, 42 vị Anh hùng LLVT, 975 Bà mẹ VN Anh hùng).

ho i cu u chie n binh vie n da u khi nhu ng chuye n ve nguo n
Dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì Độc lập, Tự do của Dân tộc tại đền thờ tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Bến Dược.

Tiếp đó, đoàn thăm Khu di tích Rừng Sác, huyện Cần Giờ.

Chiến khu Rừng Sác, địa danh gắn liền với các chiến sỹ đặc công Đoàn 10 anh hùng. Rừng Sác ngày ấy được xem là căn cứ nổi, sát nách Sài Gòn – Gia Định về hướng đông nam, nơi có con sông Lòng Tàu là “cổ họng” vận chuyển, tiếp tế hậu cần cho bộ máy chiến tranh khổng lồ với hàng triệu quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Trung đoàn 10 Bộ đội Đặc công Rừng Sác (thành lập 15/4/1966) có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá chiếm giữ khu Rừng Sác để tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy chiến tranh Mỹ-chính quyền Sài Gòn. Để bảo vệ sông Lòng Tàu, Mỹ tuyên bố "làm cỏ Rừng Sác" bằng “mưa bom bão đạn".

Một trong những trận đánh nổi tiếng là trận đánh tàu Victoria tháng 8/1966. Thời điểm này, Mỹ đưa tàu Victoria chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966-1967. Dưới sông tàu địch tuần tiễu liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích mai phục dày đặc. Các chiến sĩ đặc công Rừng Sác ngâm mình dưới nước, chôn mình ngụy trang dưới bùn. Sau hơn một tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, sáng 23/8, khi tàu Victoria đi qua, 2 quả thủy lôi đã làm nổ tung con tàu với trọng tải hơn 10 nghìn tấn cùng vũ khí chìm nghỉm xuống lòng sông.

Một trận đánh oai hùng khác là trận đánh kho xăng Nhà Bè với lời thề “Đã đi là đánh, đã đánh là thắng, chưa đánh thắng kho xăng Nhà Bè chưa về". Chỉ 8 chiến sĩ dũng cảm mưu trí đã vượt sự bảo vệ nghiêm ngặt của chính quyền Sài Gòn khiến kho xăng Nhà Bè cháy suốt 12 ngày đêm.

Năm 2017, tháng 5, Hội CCB cùng với Công đoàn, Đoàn TNCSHCM Viện Dầu Khí thực hiện chuyến “Về nguồn” tại ATK Tân Trào (Tuyên Quang) và ATK Định Hóa (Thái Nguyên).

Đoàn tham quan lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ ở và làm việc trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa vũ trang toàn quốc ngày 19/8/1945. Tại nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ ngày 4-6-1945 bàn việc củng cố căn cứ địa, thành lập “khu giải phóng, quân giải phóng”, thực hiện công tác chuẩn bị Hội nghị Toàn quốc của Đảng (từ 13 đến 15 tháng 8 năm 1945), quyết định Tổng khởi nghĩa và chuẩn bị cho Quốc dân Đại hội Tân Trào (16-17 tháng 8 năm 1945).

ho i cu u chie n binh vie n da u khi nhu ng chuye n ve nguo n

Nghe giới thiệu về khu di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia (Lán Nà Nưa).

Đoàn tiếp tục tham quan Cây Đa và Đình Tân Trào. Dưới mái đình này, ngày 16 tháng 8 năm 1945, các đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về họp Quốc dân Đại hội. Các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định quốc kỳ (cờ đỏ sao vàng), quốc ca (Tiến quân ca), cử ra Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng 17 tháng 8 năm 1945 thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây.

Sau khi rời khỏi ATK Tân Trào, Đoàn công tác di chuyển tới ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và tổ chức dâng hương tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong quá trình di chuyển, Đoàn cũng thấy tận mắt những công trình lớn, hiện đại mới được xây dựng nhũng năm gần đây như cầu Rạch Chiếc, cầu Tân Thuận, hệ thống đường cao tốc Trung Lương, đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, bằng chứng của những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đất phương Nam và phương Bắc của Tổ Quốc.

Các đợt hoạt động “Về nguồn” của Hội CCB Viện Dầu Khí mang lại cho các hội viên sự nhận thức sâu sắc về nguồn gốc tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh; truyền thống cách mạng, sự hy sinh, chiến công oanh liệt của cha ông nói chung và của lực lượng vũ trang nói riêng.

Dương Hùng Sơn CCB Viện Dầu Khí

DMCA.com Protection Status