Kỷ niệm 49 năm Ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (3/9/1975 - 3/9/2024):

Hơn một thập kỷ Phân bón Cà Mau chinh phục thị trường thế giới

08:27 | 03/09/2024

5,654 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Hơn một thập kỷ không ngừng nỗ lực đưa thương hiệu Phân bón Cà Mau vươn mình ra khỏi lãnh thổ, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Phân bón Cà Mau) đã chứng minh được độ phủ sóng trên toàn quốc, cùng những bước chân vững chắc chinh phục thị trường thế giới. Thành quả đó kết tinh từ những chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), quyết sách đúng đắn của đội ngũ lãnh đạo và sự đồng lòng, đoàn kết của tập thể PVCFC.

Vùng đất cuối trời Tổ quốc - Nơi bắt đầu những hành trình vạn dặm

Cà Mau - nhắc đến tên thôi đã cảm nhận được khoảng cách địa lý xa xôi, nơi có Mũi Cà Mau cực Nam Tổ quốc, có rừng U Minh bạt ngàn và mênh mông những cánh rừng ngập mặn... Từ vùng đất cuối trời Cà Mau, nơi thiên nhiên hoang sơ và đầy thách thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội, PVCFC được thành lập ngày 9/3/2011 với sứ mệnh phục vụ hàng triệu nông dân bằng những dòng phân bón dinh dưỡng cao phù hợp với nhiều loại cây trồng và vùng đất. Xây dựng giá trị cốt lõi luôn nỗ lực chinh phục và phát triển để luôn gìn giữ trọn vẹn chuỗi giá trị “Tiên phong - Trách nhiệm - Ân cần - Hài hòa”. Nhà máy Đạm Cà Mau do PVCFC quản lý được xây dựng tại Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau, xã Khánh An, huyện U Minh, trở thành một trong những công trình trọng điểm quốc gia thuộc Petrovietnam, góp phần cho PVCFC mạnh mẽ vươn mình đạt nhiều thành tựu trong sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung.

Hơn một thập kỷ Phân bón Cà Mau chinh phục thị trường thế giới
Nhà máy Đạm Cà Mau.

Trở thành doanh nghiệp có năng lực sản xuất phân bón hàng đầu Việt Nam, các nhà máy của Phân bón Cà Mau luôn vận hành an toàn, ổn định. Ngày 7/12/2023, Nhà máy Đạm Cà Mau chính thức cán mốc sản lượng 10 triệu tấn Urea, vận hành tối ưu với công suất từ 110-115% so với công suất thiết kế. Tiếp nối thành công của Nhà máy Đạm Cà Mau, sự ra đời của Nhà máy NPK Cà Mau năm 2021 và việc sát nhập Nhà máy NPK Hàn - Việt từ Tập đoàn Taekwang-Huchems năm 2023 là bước tiến dài trong chiến lược hoàn chỉnh giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, Công ty liên tục triển khai nhằm góp phần đa dạng hóa nguồn cung phân bón chất lượng cao, đồng hành cùng bà con nông dân trong canh tác bền vững. Trong đó, có thể nhắc đến sự hoạt động hiệu quả của Nhà máy NPK Cà Mau có công suất 300.000 tấn/năm, Nhà máy NPK Hàn - Việt có công suất 360.000 tấn/năm. Tính đến năm 2024, PVCFC sở hữu 3 nhà máy với tổng công suất lên đến gần 1,5 triệu tấn phân bón/năm.

Sau những nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo, CBCNV và người lao động PVCFC, đầu năm 2024, sản phẩm của Phân bón Cà Mau chính thức xâm nhập vào một số thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Australia và NewZealand, nâng tổng số thị trường quốc tế của Công ty lên 18 quốc gia. Sau hơn một thập kỷ phát triển, Phân bón Cà Mau đã xuất khẩu hơn 1,844 triệu tấn phân bón ra thế giới với giá trị hơn 782 triệu USD.

Từ nội lực sẵn có, nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm cùng chiến lược kinh doanh đúng đắn, PVCFC đã nhanh chóng ghi tên mình vào hàng ngũ “ông lớn” ngành phân bón Việt Nam. Đặc biệt, năm 2022 Phân bón Cà Mau ghi nhận mức doanh thu kỷ lục hơn 16.412 tỷ đồng. Không chỉ mang lại những sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong nước mà thương hiệu còn khẳng định được vị thế trên trường quốc tế, với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hành trình vạn dặm của Phân bón Cà Mau đã bắt đầu từ vùng đất tận cùng Tổ quốc mang theo những nỗ lực không ngừng và khát vọng vươn xa của doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn một thập kỷ Phân bón Cà Mau chinh phục thị trường thế giới
Người lao động tại Nhà máy Đạm Cà Mau.

Tiên phong trong công tác chuyển đổi số

PVCFC tiên phong triển khai nhiều ứng dụng, trong đó có người nhân tạo (AI) hỗ trợ bà con nông dân trong sản xuất, trở thành đơn vị tiêu biểu về công tác đổi mới sáng tạo, thực hiện thành công chuyển đổi số trong toàn Petrovietnam. PVCFC đã sớm đưa ra tầm nhìn, chiến lược về việc đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng thành tựu 4.0 vào hoạt động của Công ty để chuẩn hóa quy trình, đồng nhất dữ liệu, kết nối vững chắc chuyên môn giữa các đơn vị nội bộ.

Ra mắt năm 2018, ứng dụng “2Nông” được phát triển như một thư viện nông nghiệp trực tuyến khổng lồ, nơi mà các quy trình canh tác khoa học của nông nghiệp toàn thế giới được lựa chọn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam. “2Nông” có nhiều tính năng nổi bật như: Cung cấp thông tin về kỹ thuật canh tác, diễn đàn nông nghiệp trao đổi về các chủ đề liên quan đến cây trồng, cập nhật giá cả phân bón và nông sản theo từng khu vực, cập nhật tin tức nông nghiệp mới nhất hằng ngày, hỗ trợ chuyên gia nông nghiệp để giải đáp thắc mắc của người dùng, dự báo thời tiết để hỗ trợ phòng ngừa, chăm sóc cây trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông cụ, cung cấp công thức phối trộn NPK đúng hàm lượng, chẩn đoán sâu bệnh trên cây trồng bằng công nghệ AI nhận diện hình ảnh,... Sau gần 6 năm ra mắt, ứng dụng này đã trở thành “bạn đồng hành” đáng tin cậy và quen thuộc với bà con nông dân, giúp bà con tiết kiệm thời gian, chi phí, gia tăng năng suất, chất lượng nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Hơn một thập kỷ Phân bón Cà Mau chinh phục thị trường thế giới
Ứng dụng “Anh Hai Cà Mau”.

Sau thành công của “2Nông”, PVCFC tiếp tục ra mắt dự án người nhân tạo đầu tiên trong ngành nông nghiệp mang tên “Anh Hai Cà Mau”. Dự án được PVCFC sáng tạo và xây dựng kế hoạch từ năm 2021. “Anh Hai Cà Mau” có thể tương tác trực tiếp với người dùng qua 6 phòng trò chuyện: Hỏi nhanh, Khuyến mại, Nhà nông, Sản phẩm, Chăm sóc khách hàng và Giải trí. Ở mỗi phòng, khách hàng có thể tương tác bằng giọng nói hoặc dạng văn bản với “Anh Hai” giúp gia tăng trải nghiệm thú vị. Không chỉ thế, những câu hỏi khó cũng sẽ được trả lời thỏa đáng với mức độ chính xác và nhạy bén được đánh giá là “đáng kinh ngạc”.

Có thể khẳng định, PVCFC là đơn vị tiêu biểu về công tác đổi mới sáng tạo, thực hiện thành công chuyển đổi số trong Petrovietnam. Chỉ sau vài năm thành lập, PVCFC đã sớm đưa ra tầm nhìn, chiến lược về việc đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng thành tựu 4.0 vào hoạt động của Công ty để chuẩn hóa quy trình, đồng nhất dữ liệu, kết nối vững chắc chuyên môn giữa các đơn vị nội bộ.

Hơn một thập kỷ Phân bón Cà Mau chinh phục thị trường thế giới
Bên trong phòng Điều khiển của Nhà máy Đạm Cà Mau.

Tìm cơ hội trong thách thức, vững vàng đưa thương hiệu ra thế giới

Theo thông tin từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng các nhà sản xuất phân bón lớn trong nước mỗi năm cung cấp khoảng 3 triệu tấn Urea, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ khoảng 1,6-1,8 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, do phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào, làm tăng giá thành phẩm khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Sự mất cân bằng cán cân cung - cầu và không có lợi thế cạnh tranh về giá đã đặt các doanh nghiệp sản xuất phân bón Việt Nam vào nhiều khó khăn, thách thức.

Trong tình hình đó, nhờ tầm nhìn chiến lược của Ban lãnh đạo cùng sự nỗ lực của đội ngũ CBCNV, Phân bón Cà Mau đã tìm thấy được cơ hội trong thách thức, đó là xuất khẩu. Ban lãnh đạo luôn xác định chiến lược Công ty không chỉ dừng ở thị trường nội địa mà còn hướng tới thị trường khu vực và quốc tế. Công ty đã triển khai nhiều giải pháp kinh doanh hiệu quả, tối ưu quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vào hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại đến từ Tây Ban Nha, Nhật Bản, Phân bón Cà Mau đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ những nỗ lực đó, Công ty đã thành công đưa thương hiệu có mặt tại 18 quốc gia trên thế giới với tổng lượng xuất khẩu lên đến 1,844 triệu tấn phân bón với giá trị 782 triệu USD. Tính riêng năm 2023, Phân bón Cà Mau xuất khẩu 344 nghìn tấn phân bón, chiếm hơn 40% sản lượng sản xuất của Công ty. Giá trị xuất khẩu có sự tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận của Công ty. Con đường xuất khẩu không chỉ giúp Phân bón Cà Mau duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo lượng tồn kho mà còn mở rộng thị trường và nâng cao uy tín thương hiệu trên trường quốc tế.

Hơn một thập kỷ Phân bón Cà Mau chinh phục thị trường thế giới
Phân bón Cà Mau chuyển hàng chuẩn bị xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Khi bước ra thị trường quốc tế, chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển của Phân bón Cà Mau. Ngoài các dòng sản phẩm chủ lực như Urea hạt đục phân giải chậm giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng hiệu quả, hạt phân to đồng đều, cứng cáp giảm thiểu bụi và mạt; NPK Cà Mau chất lượng cao với công nghệ polyphosphate, 3 chất dinh dưỡng N-P-K trong 1 hạt phân, giúp cây hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng, Phân bón Cà Mau còn không ngừng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), hoàn thiện bộ giải pháp cung cấp chất dinh dưỡng toàn diện cho cây trồng với dòng sản phẩm khoáng sinh học và vi sinh (N.Humate + TE,Ure Bio), phân bón hữu cơ cao cấp (OM Cà Mau), phân đơn, phân phức hợp,...

Chất lượng cao và ứng dụng công nghệ hiệu quả là minh chứng rõ nhất để Phân bón Cà Mau đạt nhiều giải thưởng lớn, trong đó có thương hiệu quốc gia, chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao. Đặc biệt, sản phẩm của PVCFC đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt như ISO 9001 đảm bảo hiệu quả và an toàn trong sử dụng. Nhờ vậy, Phân bón Cà Mau đã thành công ghi tên mình lên bản đồ phân bón trong khu vực và nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, có các thị trường khó tính như Australia, Newzealand - nơi đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng và an toàn sản phẩm.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu sản phẩm chất lượng, xây dựng thương hiệu uy tín, Phân bón Cà Mau còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Cụ thể, PVCFC đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, cung cấp kiến thức và kỹ thuật canh tác tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả nông nghiệp. Với chiến lược phát triển bền vững, Phân bón Cà Mau thành lập Ủy ban ESG, có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính như dự án thu hồi CO2, dự án CO2 thực phẩm, Nhà máy Đạm Cà Mau thuộc top 10% các nhà máy tiêu hao năng lượng thấp nhất toàn cầu từ sự công nhận của tổ chức Haldor Topsoe. Bên cạnh đó, Phân bón Cà Mau dành sự quan tâm đặc biệt cho an sinh xã hội với tổng ngân sách gần 500 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực y tế, giáo dục, chăm sóc người nghèo, người có công, các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội được ưu tiên.

Hành trình không ngừng nghỉ của Phân bón Cà Mau là minh chứng rõ ràng cho những bước chân vững chắc vươn ra biển lớn. Từ việc tận dụng cơ hội trong thách thức, xây dựng uy tín thương hiệu đến chinh phục các thị trường khó tính, thương hiệu Phân bón Cà Mau đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Thành công này không chỉ là niềm tự hào của Công ty mà còn khẳng định khả năng cạnh tranh của ngành phân bón Việt Nam. Chất lượng sản phẩm và uy tín thương hiệu là điểm tựa vững chắc để Phân bón Cà Mau bước ra biển lớn, đóng góp tích cực vào hình ảnh thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Nguyễn Hiển

DMCA.com Protection Status