Hút vốn đầu tư phát triển điện khí LNG
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Học viện Tài chính. |
Hướng đi tất yếu
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng tương đối đa dạng gồm thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí (gồm khí tự nhiên và khí hóa lỏng LNG), nhiệt điện dầu, điện mặt trời, điện gió… Tuy vậy, Việt Nam vẫn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp so với thế giới. Hơn nữa, đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng mỗi năm, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai.
Thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển do phụ thuộc các con sông và hồ, đập thủy điện. Nhiệt điện than - nguồn năng lượng cơ bản của nền kinh tế thời gian qua - sẽ không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế. Nhiệt điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành cũng khá cao, khó cạnh tranh với các loại hình khác. Điện hạt nhân vẫn chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.
Việt Nam cũng là quốc gia sớm nhận ra tác động bất lợi của việc sử dụng năng lượng, đặc biệt là nhiên liệu hóa thạch nên đã có nhiều chính sách phát triển liên quan đến chuyển đổi sử dụng năng lượng theo hướng giảm thải chất ô nhiễm, giảm thải khí nhà kính. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện giảm thải ròng khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, đã điều chỉnh và đưa ra được quy hoạch phát triển điện hướng tới tăng nhanh tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối... Nhà nước cũng đã có chế độ hỗ trợ rất nhiều cho phát triển điện gió và điện mặt trời, đặc biệt trợ giá để tăng giá bán điện, giảm một số loại thuế đối với các dự án điện năng lượng tái tạo.
Trong thời gian gần đây, năng lượng điện gió và năng lượng điện mặt trời đã được khai thác sử dụng nhiều do công nghệ điện gió, công nghệ điện mặt trời có những đột phá trong phát triển cả về turbine điện gió, pin năng lượng mặt trời để phát điện hiệu quả cao, cả về thiết bị lưu giữ, chuyển đổi để tải lên hệ thống điện quốc gia phục vụ các hoạt động đời sống và phát triển kinh tế.
Mặc dù được coi là không phát thải các chất ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính, nhưng giá thành sản xuất điện gió, điện mặt trời vẫn còn cao, lại không ổn định theo thời gian, mùa vụ nên nhiều quốc gia phải có trợ giá mua điện hoặc trợ giúp kinh phí để phát triển sản phẩm điện từ năng lượng tái tạo.
Vì thế, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bởi nguồn điện khí có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống điện quốc gia khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2.
LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến -162 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất, có thành phần chủ yếu là methane. LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ; còn với NOx thì có thể giảm tới 90% và không thải ra muội, bụi.. Do đó, phát triển ngành công nghiệp khí LNG bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững.
Toàn cảnh diễn đàn. |
Tiềm năng và thách thức
Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã phê duyệt, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000-160.000 MW, gấp đôi tổng công suất lắp đặt hiện nay. Như vậy, bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là thách thức rất lớn, bởi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa carbon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.
Quy hoạch điện VIII đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG sẽ tăng tỷ trọng nguồn điện khí năm 2020 từ 10,2% (7,08GW) lên 32GW năm 2030, chiếm 21,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia và là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.
Về mặt lợi thế, nhiệt điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, tương đối thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiệt điện khí sẽ kịp thời bổ sung nguồn điện khi các nhà máy điện năng lượng tái tạo không ổn định, hoặc không thể phát điện do thời tiết. Chính vì vậy, điện khí LNG được xem là một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu trong chính sách bảo đảm an ninh năng lượng, đặc biệt là trong bối cảnh việc khai thác các nguồn tài nguyên truyền thống của Việt Nam như thủy điện, than, dầu khí đang trên đà suy giảm.
Tuy nhiên, có nhiều thách thức trong phát triển điện khi hóa lỏng LNG. Trước hết, nguồn cung và giá khí hóa lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường thế giới do Việt Nam vẫn chưa có khả năng sản xuất và cung ứng LNG. Như vậy, phát triển nhiệt điện khí của Việt Nam trong tương lai sẽ không thể chủ động mà phụ thuộc lớn vào nguồn LNG nhập.
Thách thức thứ hai là giá thành điện khí LNG vẫn cao do nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện phụ thuộc giá nhập khẩu và đặc biệt cao khi giá LNG tăng cao sẽ tác động đến giá thành sản xuất điện tại Việt Nam. Đây sẽ là khó khăn khi EVN ký các hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư do tập đoàn này sẽ phải mua đắt bán rẻ theo giá chỉ đạo của Chính phủ.
Hơn nữa, việc phát triển điện khí LNG cũng gặp thách thức do Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG. Việc tìm kiếm địa điểm phù hợp, xây dựng kho cảng chứa LNG đã là một khó khăn do yêu cầu về tiếp nhận LNG và bảo đảm an toàn trong vận hành các cảng, kho LNG. Hơn nữa, Việt Nam còn thiếu các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế, xây dựng, vận chuyển và vận hành, bảo trì kho cảng nhập khẩu khí LNG... và đây cũng là một khó khăn.
Thứ tư, để có hạ tầng phát triển điện khí LNG cần một lượng vốn đầu tư lớn, với các quy trình xây dựng và chất lượng cực kỳ nghiêm ngặt là một khó khăn lớn với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Để bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật, thời hạn xây dựng, tính an toàn, bảo mật của dự án, cần có những chủ đầu tư có nguồn vốn lớn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở điện khí LNG.
Điều tiếp theo, Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG, cơ chế mua bán sản lượng điện sản xuất ra và cơ chế giá cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án. Khi có đầy đủ các chỉ số chi phí tài chính đầu vào, đầu ra tương đối ổn định thì các chủ đầu tư mới có cơ sở tính toán hiệu quả của dự án để quyết định đầu tư. Đặc biệt, điện là mặt hàng khi sản xuất ra phải được tiêu thụ toàn bộ, ngay lập tức, không thể lưu kho, nên cần hợp đồng tiêu thụ chắc chắn với các doanh nghiệp phân phối.
Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG, có tổng công suất 22.400MW và đến năm 2035 xây thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW. Tính đến thời điểm hiện tại, có 13 dự án điện LNG được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 dự án đang triển khai, 4 dự án đã tìm được nhà đầu tư, 4 dự án còn lại đang được các địa phương lựa chọn nhà đầu tư.
Trong số đó, Dự án Điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII, được Chính phủ giao cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm chủ đầu tư, có công suất 1.500MW, tổng vốn 1,4 tỷ USD. Đây cũng là dự án điện LNG đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2024-2025. Theo tính toán từ thực tế, để thực hiện 1 dự án điện khí LNG mất trên 8 năm. Như vậy, khó có thể hoàn thành kế hoạch xây dựng 13 nhà máy điện khí LNG đến năm 2030.
Làm gì để thu hút vốn đầu tư phát triển điện khí LNG?
Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, muốn thu hút nguồn vốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách.
Trước hết, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Việc quy hoạch đồng bộ, ổn định lâu dài kho cảng, cơ sở tái khí hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn, cơ sở phát điện khí là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán bỏ vốn đầu tư.
Thứ hai, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vốn phát triển điện khí LNG.
Thứ ba, về phát triển hạ tầng, cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế, tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn, vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho an ninh kho cảng. Đồng thời cần xây dựng hệ thống tồn trữ và phân phối LNG, xây dựng các cơ sở tái khí hóa từ LNG tại các khu vực tiêu thụ. Các nhà đầu tư sẽ dựa trên các quy hoạch này để bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các nhà máy sản xuất điện khí.
Thứ tư, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cần phải đầu tư xây dựng kho cảng LNG, cần giao UBND các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính... Đây là nguyên nhân cơ bản gây nên sự chậm chễ trong triển khai các dự án LNG trong thời gian qua, khiến hiệu quả các dự án LNG giảm thấp.
Thứ năm, đối với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương về giải quyết các vướng mắc liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, môi trường, hạ tầng truyền tải, thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện..., Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết. Sự quyết liệt trong việc phối hợp giữa các bộ, ban ngành, các địa phương trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc để triển khai, thực hiện các dự án LNG sẽ tạo sự an tâm, tin tưởng vào các cơ quan công quyền để các nhà đầu tư an tâm đầu tư một lượng tiền rất lớn vào điện khí LNG.
Thứ sáu, cần hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG quy mô hàng tỷ USD. Cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... để tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.
Minh Tiến
-
Tại sao giá điện LNG chưa hấp dẫn nhà đầu tư?
-
Hàng loạt khó khăn bủa vây các dự án điện khí LNG
-
Hội DKVN kiến nghị cần nâng cấp nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính của các tập đoàn năng lượng
-
[Chùm ảnh] Công tác an toàn - vệ sinh - môi trường tại Nhà máy Điện Cà Mau luôn được đảm bảo