Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng: Điện khí LNG dứt khoát phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường

12:13 | 11/12/2023

12,989 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII, ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp khẳng định: Điện khí LNG dứt khoát phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường, không có chuyện áp mức giá thấp để bảo đảm khung giá điện thấp đi.

Vị chuyên gia này cũng đã đưa ra hàng loạt kiến nghị về chính sách và cơ chế quản lý giá, về thuế, phí và lệ phí có liên quan đến chủ đề thúc đẩy phát triển điện khí LNG. Nhiều ý kiến được diễn đàn ủng hộ, đánh giá cao.

Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng: Điện khí LNG dứt khoát phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường
Ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp.

Về cơ chế giá điện

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, hiện các quy định của Nhà nước về giá điện bao gồm:

Quy định của Luật Giá (Luật số 16/2023/QH15 ngày 19/6/2023, hiệu lực từ 1/7/2024) thì giá bán điện thuộc Phụ lục 2 Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực.

Luật Điện lực hiện hành (Luật số 28/2004/QH11 ngày 3/12/2004, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại các năm 2012, 2018 và 2022) thì giá bán điện được quy định tại Điều 31 và Điều 62 của Luật này. Trong đó, giá bán lẻ điện được xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Riêng trường hợp ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo nơi chưa nối lưới điện quốc gia thì giá bán lẻ điện sinh hoạt do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt tại khu vực này do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Đối với khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực, do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng; cơ quan điều tiết điện lực thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt theo sự phân công của Chính phủ.

Giá phát điện theo hợp đồng mua bán điện có thời hạn (trong đó có các Hợp đồng mua bán điện khí LNG), giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận nhưng không được vượt quá khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt.

Với các quy định pháp luật nêu trên, ông Phụng cho rằng cần phải thống nhất cách hiểu và kiên quyết thực hiện hai nội dung sau:

Đầu tiên, cần phải khẳng định rõ điện khí LNG dứt khoát phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường, không có chuyện áp mức giá thấp để bảo đảm khung giá điện thấp đi. Cần phải loại bỏ tư duy lâu nay “các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang sử dụng để sản xuất ra điện như là than, là nắng, là gió, là khí, là dầu, là thủy điện… thuộc quyền sở hữu toàn dân cho nên điện sinh hoạt của người dân phải để mức thấp nhất, thậm chí Nhà nước phải bù cho dân”. Thay đổi được tư duy này, chúng ta mới có cơ hội xóa bỏ tương quan bất hợp lý trong giá điện sinh hoạt lâu nay.

Thứ hai, đối với điện khí LNG, thực tế hiện nay đã cho thấy giá thành sản xuất điện từ khí LNG chắc chắn cao hơn nhiều so với điện được sản xuất ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên than, nắng, gió, thủy điện. Do vậy, rất cần phải có một khung giá điện cho nguồn điện này được xây dựng trên phương pháp khoa học, có tham khảo thực tiễn kinh nghiệm ở một số quốc gia đã và đang áp dụng thực hiện tốt. Theo đó, khung giá, mức giá cụ thể cần được xây dựng trên các yếu tố cấu thành giá điện khí LNG (như chi phí đầu tư nhà máy điện, chi phí vận hành tiêu chuẩn, giá LNG tại một thời điểm xác định là cơ sở), hệ số điều chỉnh theo thị trường khi có biến động giá LNG.

“Mức giá LNG luôn có những biến động, thay đổi lớn trên thị trường quốc tế vốn chịu tác động của rất nhiều yếu tố, nhưng do LNG chiếm cấu phần lớn trong giá thành điện nên hệ số điều chỉnh sẽ cho phép xử lý các biến động này, bảo đảm được quyền lợi của các bên trong thị trường điện khí LNG” - ông Phụng nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng: Điện khí LNG dứt khoát phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường
Toàn cảnh Diễn đàn Hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII.

Rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế

Cũng theo ông Phụng, qua rà soát hệ thống pháp luật, chính sách thuế hiện hành của Việt Nam cho thấy Việt Nam đã có 9 sắc thuế chính cùng với một số khoản phí, lệ phí và khoản thu khác của ngân sách nhà nước (NSNN).

Liên quan đến yêu cầu khuyến khích, thúc đẩy đầu tư phát triển thị trường điện khí LNG, theo vị chuyên gia này, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh một số quy định về áp thuế, khí cũng như các ưu đãi về thuế theo hướng sau:

Thuế nhập khẩu LNG, biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành (có hiệu lực từ ngày 15/7/2023) có quy định dầu mỏ, các loại khoáng chất có nguồn gốc từ dầu mỏ thuộc Chương 27 và khí hóa lỏng LNG thuộc nhóm ngành 2710 và 2711 với mức thuế suất 5%. Việc giảm thuế nhập khẩu có tác động giúp giảm thấp giá thành điện do sử dụng nhiên liệu LNG. Do vậy, xin đề xuất chuyển xuống áp dụng mức thuế suất thấp nhất trong biểu khung thuế nhập khẩu là 0%.

Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), đây là loại thuế gián thu do người tiêu dùng chịu, nhà nhập khẩu, doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm tính vào giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Trong suốt quá trình luân chuyển từ nhập khẩu nhiên liệu, sản xuất, truyền tải, phân phối, cung ứng và bán lẻ điện tiêu dùng thì thuế GTGT không ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất kinh doanh. Do vậy, không nên đặt vấn đề áp dụng mức thuế suất thuế GTGT khác biệt với mức thuế suất phổ thông (10%) đang áp dụng ổn định và phù hợp lâu nay.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), đây là sắc thuế có tác động trực triếp đến kết quả kinh doanh, hiệu quả đầu tư và thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư bởi có các quy định ưu đãi thuế. Luật thuế TNDN hiện hành (đã cập nhật các nội dung được sửa đổi, bổ sung vào năm 2013, 2014, 2016) có quy định mức ưu đãi thuế rất cao cho các dự án điện, trong đó có điện LNG.

Theo đó, dự án đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện (không phân biệt nguồn nhiên liệu sử dụng) thuộc diện áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, kể từ khi đi vào hoạt động; được miễn thuế tối đa 4 năm, kể từ khi có lãi (sau 3 năm hoạt động) và giảm tối đa 50% thuế TNDN trong 9 năm tiếp theo.

Đối với dự án nhà máy điện có quy mô vốn đầu tư lớn hoặc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thì có thể được kéo dài thêm thời gian hưởng thuế suất ưu đãi nhưng tổng thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% quy định tại Khoản này theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, quy định về ưu đãi thuế cao như mức nêu trên sẽ được điều chỉnh lại theo Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua về thuế TNDN bổ sung để thực hiện cam kết thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu.

Mức thuế suất 10% cũng sẽ được trình thay đổi theo Dự án xây dựng Luật Thuế TNDN sửa đổi vào năm 2024 tới đây. Để có thể hiện thực mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII, đề xuất điều chỉnh lại ưu đãi thuế TNDN trong thời gian tới như sau:

(i) Điều chỉnh mức thuế suất ưu đãi từ 10% lên mức 15%, điều chỉnh các mức thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế để bảo đảm mức thuế suất thực tế không thấp hơn mức thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%.

(ii) Rà soát và đưa ra khỏi danh mục dự án ưu đãi thuế ở mức cao đối với dự án nhiệt điện than, thậm chí bỏ cả ưu đãi thuế đối với các dự án thủy điện. Bởi vì, trong giai đoạn hiện nay, đã có rất nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại bởi tác động nhiều mặt của thủy điện đối với kinh tế, xã hội, với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển vùng miền, sinh kế của người dân là không nhỏ. Như vậy, ưu đãi thuế đối với dự án điện chỉ còn lại áp dụng đối với điện gió, điện mặt trời và điện khí LNG.

Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng: Điện khí LNG dứt khoát phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường
Giá điện theo cơ chế thị trường sẽ giải quyết được vấn đề nguồn cung, theo các chuyên gia.

Về các loại thuế, phí và lệ phí khác, ông Phụng cho rằng cần rà soát tổng thể các loại thuế, phí và lệ phí đối với tài nguyên, môi trường để bảo đảm nguyên tắc tránh thu trùng lắp, ảnh hưởng đến sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân, đồng thời điều tiết đúng và trúng vào các đối tượng gây tác động xấu đến môi trường. Đó là:

Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các loại than (dùng cho nhiều mục đích, trong đó có nhiệt điện than): Đề nghị rà soát lại mức thu. Bên cạnh đó có thể mở rộng diện áp dụng, đồng thời với việc chuyển đổi tên thuế BVMT sang tên gọi khác là thuế đối với các chất và hoạt động gây ô nhiễm để thực hiện mục tiêu cụ thể và sát thực tế là "đối tượng nào gây ra ô nhiễm phải trả thuế/phí do việc phát thải ra ô nhiễm".

Cùng với thuế BVMT cần có thay đổi như trên, chuyên gia cũng đề xuất cần nghiên cứu để áp dụng cơ chế mới về thu thuế/phí/giá đối với khí thải carbon, đồng thời với việc xây dựng và vận hành thị trường phát thải. Nếu cơ chế này được nghiên cứu và triển khai áp dụng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép, vừa tạo nguồn thu NSNN (trên cả cả 2 phương diện về quy mô và thay đổi cơ cấu thu), vừa tạo sự công bằng và tác động thay đổi hành vi đối với môi trường.

Minh Tiến

Bài 12: Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào điện khí LNGBài 12: Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào điện khí LNG
Petrovietnam đồng hành cùng “Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam”Petrovietnam đồng hành cùng “Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam”
Phát triển điện, khí LNG – Doanh nghiệp “nóng lòng” chờ cơ chếPhát triển điện, khí LNG – Doanh nghiệp “nóng lòng” chờ cơ chế
Bàn giải pháp Bàn giải pháp "Hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII”
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng tiếp lãnh đạo Marubeni, Nhật BảnChủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng tiếp lãnh đạo Marubeni, Nhật Bản

DMCA.com Protection Status