Phát triển điện, khí LNG – Doanh nghiệp “nóng lòng” chờ cơ chế

09:47 | 22/11/2023

5,480 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên tại Việt Nam đã hoàn thành và đưa vào vận hành, cũng như nhiều dự án LNG trong cả nước đã, đang và dự kiến sẽ triển khai, nhưng đến nay khung pháp lý cho hoạt động nhập khẩu và kinh doanh LNG, cũng như cơ chế để cấp LNG tái hóa cho các nhà máy điện vẫn còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tạo ra các rủi ro cho công tác đầu tư các dự án điện, khí LNG.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về Dự án LNG Thị Vải
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang về Dự án kho cảng LNG Thị Vải

Quy hoạch quốc gia ưu tiên phát triển điện khí/LNG

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, tỷ lệ điện khí nói chung, điện LNG nói riêng chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Cụ thể, đến năm 2030, điện khí và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, trong đó nhiệt điện khí là 14.930 MW, chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400 MW chiếm 14,9%; so sánh với nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.

Kho LNG đầu tiên của Việt Nam
Kho LNG đầu tiên của Việt Nam

Với cơ cấu nguồn điện như trên, cùng với định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng than cho phát điện thì vai trò chạy nền của các nhà máy điện khí trong hệ thống điện là điều tất yếu vì là nguồn điện duy nhất không bị ảnh hưởng bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió và điện mặt trời. Ngoài ra, lợi thế của điện khí là tính sẵn sàng cao, công suất lớn với dải điều chỉnh rộng, thời gian đáp ứng nhanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính CO2, đặc biệt là giảm thiểu khí gây ô nhiễm SOx, NOx so với các nhà máy điện chay than và dầu. Việc đưa LNG vào sử dụng còn phù hợp với cam kết của Chính phủ tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải trên toàn cầu.

Để đáp ứng công suất quy hoạch nhiệt điện khí và LNG theo Quy hoạch điện VIII với nhu cầu đến năm 2030 cần khoảng 15 – 18 triệu tấn LNG/năm, các doanh nghiệp đã và đang tích cực triển khai các dự án kho cảng nhập khẩu LNG. Trong đó, tiên phong là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã bắt đầu đưa kho cảng LNG Thị Vải ở khu vực Đông Nam Bộ vào vận hành từ tháng 7/2023 với công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn/năm và đang triển khai giai đoạn 2 nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm. Đây là dự án đầu tiên, cũng là một dự án lớn trong lĩnh vực LNG ở nước ta. Cùng với đó, nhiều dự án khí, điện LNG đã và định hướng triển khai như: Chuỗi dự án Khí – Điện LNG Sơn Mỹ (tỉnh Bình Thuận); các dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4,…,13 dự án điện LNG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.

Doanh nghiệp “bất an” với hiệu quả các dự án LNG

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc, gây lo lắng, bất an cho các doanh nghiệp là các cơ chế chính sách cho LNG vẫn chưa được thống nhất, hoàn thiện, gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là các cơ chế để đưa được nguồn LNG ra thị trường, cung cấp cho các nhà máy điện; đàm phán giá, cước phí, hợp đồng mua bán điện;…

Hiện tại, Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các Nhà máy điện khí LNG thì việc cam kết tổng sản lượng mua điện hàng năm (Qc) và bao tiêu sản lượng khí hằng năm cũng khiến nhà đầu tư lo hiệu quả của dự án. Bởi việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hằng năm là rất quan trọng, là cơ sở để các ngân hàng xem xét tài trợ tín dụng cho dự án cũng như mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn.

Kho cảng LNG Thị Vải
Kho cảng LNG Thị Vải

Bên cạnh đó, để hỗ trợ việc nhập khẩu, kinh doanh LNG hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần chấp thuận chủ trương bổ sung LNG là nguồn khí thay thế khi nguồn khí nội địa đang suy giảm; có cơ chế bao tiêu tối thiểu để xác định khối lượng nhập khẩu dài hạn; … và tương tự như ở các quốc gia phát triển, cần có cơ chế chuyển ngang bao tiêu khối lượng khí và giá khí LNG tái hóa cùng với các quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền phê duyệt nguyên tắc xác định giá LNG nhập khẩu, cước phí vận chuyển khí, tồn trữ, phân phối LNG,... để có cơ sở ký kết hợp đồng mua bán khí LNG tái hóa với các nhà máy điện. Đặc biệt, cần xây dựng một khung pháp lý và chính sách ổn định liên quan đến việc nhập khẩu/tiêu thụ LNG.

Có thể thấy, các vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế mua bán khí thiên nhiên hóa lỏng LNG, cơ chế cấp LNG cho khách hàng điện hết sức khó khăn, tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sản phẩm mới này, cũng như tạo ra các rủi ro cho các dự án điện, khí LNG.

Công trường Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4
Công trường Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T nhận định, mục tiêu của Quy hoạch điện VIII đạt 22.400 MW điện khí LNG vào năm 2030 là một thách thức rất lớn về tiến độ, đặc biệt là công việc đàm phán hợp đồng mua bán điện. Hiện các nhà máy đều mong muốn có một tỉ lệ cam kết về sản lượng điện hợp đồng ở mức hợp lý để phù hợp với khả năng huy động vốn cho thực hiện dự án và thu hồi được chi phí đầu tư.

Ông Phạm Văn Phong – Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, tiêu thụ khí của điện rất thấp, năm sau thấp hơn năm trước khi điện khí thường xuyên không được ưu tiên huy động. Năm 2023, dự kiến tiêu thụ khí của điện giảm khoảng 18% so với năm 2022 và được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024, ảnh hưởng đến sản xuất, đưa khí về bờ. Tổng lượng khí về bờ của PV GAS trong năm 2024 dự báo chỉ khoảng 6,3 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 7,7 tỷ m3 của năm 2023. Cùng với đó, các cơ chế để cung cấp LNG cho điện hết sức khó khăn, dự báo trong năm 2024 vẫn chưa thể bán được LNG cho điện.

Những vấn đề trên cho thấy các cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực LNG đang là điểm nghẽn lớn cho phát triển, cần được tập trung xử lý, hoàn thiện, để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, hướng đến hiện thực hóa các mục tiêu về LNG trong chiến lược năng lượng quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng yêu cầu về chuyển dịch năng lượng theo xu hướng xach, sạch, bên vững phù hợp với xu thế chung trên toàn cầu; Và để các cơ chế, chính sách thực sự song hành, hỗ trợ cho việc thực hiện các định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tránh những rủi ro không đáng có cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tiên phong, đi đầu; cũng như tránh nguy cơ “vỡ” quy hoạch.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Lễ khánh thành kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Lễ khánh thành kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải

Phát biểu tại sự kiện Khánh thành kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã khẳng định, việc đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành kho khí hóa lỏng (LNG) Thị Vải công suất 1 triệu tấn/năm là hạng mục quan trọng, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Để thực hiện tốt các mục tiêu về phát triển điện khí LNG theo các quy hoạch được duyệt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên đẩy nhanh công tác xây dựng Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 để sớm đưa cả chuỗi khí điện LNG Thị Vải vào hoạt động đồng bộ và tiếp tục nghiên cứu đầu tư giai đoạn 2 nâng công suất Dự án kho LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm theo Quy hoạch đã được duyệt; đồng thời đẩy nhanh việc đầu tư Dự án trung tâm điện khí LNG Sơn Mỹ và các dự án trọng điểm khác của ngành Dầu khí.

Phó Thủ tướng cũng nhận định, lĩnh vực điện khí LNG là lĩnh vực mới của Việt Nam sẽ có khó khăn vướng mắc nhất định về cơ chế, chính sách, nên rất cần sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong đầu tư, phát triển các dự án năng lượng, dầu khí, nhất là năng lượng xanh, sạch và bền vững phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mai Phương

[PetroTimesTV] Khánh thành và đưa vào vận hành chính thức kho cảng LNG lớn nhất tại Việt Nam[PetroTimesTV] Khánh thành và đưa vào vận hành chính thức kho cảng LNG lớn nhất tại Việt Nam
Đại biểu Quốc hội ấn tượng với sự chuyển biến của ngành Dầu khíĐại biểu Quốc hội ấn tượng với sự chuyển biến của ngành Dầu khí
Petrovietnam và PV GAS tổ chức tọa đàm về thị trường tiêu thụ LNGPetrovietnam và PV GAS tổ chức tọa đàm về thị trường tiêu thụ LNG
Kho cảng LNG Thị Vải: Vận hành an toàn, sẵn sàng chạy tối đa công suất thiết kếKho cảng LNG Thị Vải: Vận hành an toàn, sẵn sàng chạy tối đa công suất thiết kế

DMCA.com Protection Status