Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ VI)

11:05 | 04/01/2022

3,280 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Không có một “mô hình mẫu” hoặc quy định cụ thể nào về hợp đồng tô nhượng được áp dụng tại UAE. Về mặt hiến pháp, mỗi Tiểu Vương quốc có quyền quyết định riêng đối với việc phát triển tài nguyên dầu khí của mình, trong đó Nhà cầm quyền (Tiểu Vương) là người có quyền kiểm soát cao nhất. Các hợp đồng tô nhượng thường được cấp cho hoạt động thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí của công ty sở hữu nhà nước tại mỗi Tiểu Vương quốc, với yêu cầu nắm giữ đa số sở hữu. Điều khoản của các hợp đồng tô nhượng/thỏa thuận dầu khí khác nhau giữa các Tiểu Vương quốc, cũng như trong cùng một Tiểu Vương quốc, phụ thuộc vào các nhân tố như thời điểm cam kết, quy mô, tầm quan trọng của việc phát triển tô nhượng và mức độ tham gia của đầu tư nước ngoài.
Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ VI)
Ngày 18/3/2018, ADNOC trao cho Total 20% cổ phần tại tô nhượng ngoài khơi Umm Shaif và Nasr và 5% cổ phần tại tô nhượng ngoài khơi Lower Zakum, thời hạn trong 40 năm, tổng trị giá 1,45 tỷ USD. Ảnh: Getty Images.

Quy định pháp lý về hợp đồng tô nhượng/thỏa thuận tại Tiểu Vương quốc Abu Dhabi

Tuy có các tô nhượng từ rất sớm, Abu Dhabi không có các quy định pháp lý riêng về các hợp đồng tô nhượng thăm dò và phát triển dầu khí. Khung pháp lý liên quan đến hợp đồng tô nhượng được hình thành và phát triển cùng với thời gian, thể hiện qua một số quy định cụ thể như:

(i) Nghị định về Thuế thu nhập của Abu Dhabi năm 1965 (Abu Dhabi Tax Degree No.1/1965, có chỉnh sửa) quy định về thuế của các công ty dầu khí.

(ii) Luật Abu Dhabi số 7/1971 về việc thành lập Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC).

(iii) Luật Abu Dhabi số 12/1973 về các Cảng Dầu khí ở Abu Dhabi.

(iv) Quy định về Dầu khí Thượng nguồn.

(v) Luật Abu Dhabi số 4/1976 Về quyền sở hữu của Tiểu Vương quốc Abu Dhabi đối với tài nguyên khí đốt và trao cho ADNOC quyền được khai thác khí đốt, một mình hoặc tại các thỏa thuận liên doanh với công ty nước ngoài, với điều kiện ADNOC sở hữu ít nhất 51% vốn.

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ VI)
Ngày 21/3/2018, ADNOC trao cho PetroChina (CNPC) 10% cổ phần tại hai tô nhượng ngoài khơi Umm Shaif và Nasr và Lower Zakum, thời hạn trong 40 năm, tổng trị giá 1,2 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

(vi) Luật Abu Dhabi số 8/1978 về Bảo tồn Tài nguyên Dầu mỏ (Presevation of Oil resources) ở Abu Dhabi, Luật chính điều chỉnh các hoạt động dầu khí thượng nguồn, bao gồm các thủ tục cấp phép cho hoạt động thăm dò và xây dựng cơ sở, các điều khoản thiết lập tiêu chuẩn, các nghĩa vụ báo cáo liên quan đến việc khoan và từ bỏ hoạt động.

(vii) Luật Abu Dhabi số 1/1988 về việc Thành lập Hội đồng Tối cao về Dầu khí tại Abu Dhabi.

Hội đồng Tối cao về các vấn đề Tài chính và Kinh tế (Hội đồng Tối cao), thành lập tháng 12/2020 thay cho Hội đồng Tối cao về Dầu khí, là cơ quan tối cao chịu trách nhiệm giám sát các vấn đề tài chính, đầu tư, kinh tế, dầu khí và tài nguyên thiên nhiên khác của Abu Dhabi.

Liên quan đến ngành dầu khí Abu Dhabi, Hội đồng Tối cao có một số chức năng sau: (i) Đề ra và phê duyệt các chính sách và chiến lược công để quản lý các vấn đề dầu khí và tài nguyên thiên nhiên của Abu Dhabi; (ii) Xem xét và phê duyệt các kế hoạch hàng năm của ADNOC; (iii) Chịu trách nhiệm thiết lập khuôn khổ tài chính cho ngành dầu khí ở Abu Dhabi và thông qua Ban Thư ký, giám sát việc đánh giá và thu thuế khai thác tài nguyên và thuế.

Khung pháp lý hoạt động dầu khí của UAE (Kỳ VI)
TotalEnergies là một trong những đối tác nước ngoài lâu năm nhất của ADNOC, có các hợp đồng tô nhượng dầu khí cả trên đất liền và ngoài khơi Abu Dhabi. Ảnh: TotalEnergies.

Hội đồng Tối cao do Nhà Cầm quyền Abu Dhabi làm Chủ tịch, các thành viên khác là các nhân vật có tiếng của gia tộc cầm quyền, các quan chức cấp cao của chính quyền Abu Dhabi, Giám đốc Điều hành ADNOC và Giám đốc Điều hành Công ty Đầu tư Mubadala. Thay mặt cho Tiểu Vương quốc Abu Dhabi, Hội đồng Tối cao quyết định thủ tục cấp phép và cấu trúc của hợp đồng tô nhượng dầu thô.

Thông qua hợp đồng tô nhượng, quyền thăm dò và khai thác dầu và khí đốt được cấp phép cho ADNOC và các đối tác quốc tế được lựa chọn, cấp trực tiếp cho các chủ sở hữu tô nhượng, những công ty sẽ được ràng buộc bởi một thỏa thuận liên doanh, hoặc các công ty cùng sở hữu dự án. Sau khi hợp đồng tô nhượng ban đầu hết hạn (3/2018), ADNOC đã chia tô nhượng thành nhiều khu vực với các điều khoản mới để mang lại giá trị lớn hơn và mở rộng cơ hội cho các mối quan hệ đối tác. (Còn tiếp)

Thanh Bình

DMCA.com Protection Status