Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ả Rập Xê-út (Kỳ I)

21:50 | 11/12/2021

13,153 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ả Rập Xê-út là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tháng 12/2018, sản lượng dầu từ Ả Rập Xê-út, Mỹ và Nga chiếm 40% sản lượng dầu toàn cầu, đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng xu hướng thị trường và biến động dầu thô.
Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ả Rập Xê-út (Kỳ I)
Mỹ là đối tác nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Ả Rập Xê-út. Ảnh: CNBC.

Theo dữ liệu khai thác dầu thô của Ả Rập Xê-út được cập nhật hàng tháng trong giai đoạn từ tháng 1/2002 đến tháng 10/2021, sản lượng dầu thô trung bình của nước này là 9.423.500 thùng/ngày. Mức khai thác dầu thô cao nhất mọi thời đại của nước này là 11.642.000 thùng/ngày vào tháng 4/2020 và mức thấp kỷ lục là 7.121.000 thùng/ngày vào tháng 2/2002.

Sản lượng dầu thô cập nhật gần đây nhất của Ả Rập Xê-út là 9.759.000 thùng/ngày vào tháng 10/2021, tăng so với con số trước đó là 9.649.000 thùng/ngày vào tháng 9/2021, mức cao nhất kể từ sau tháng 4/2020. Năm 2020, tổng doanh thu công của Ả Rập Xê-út ​​đạt 833 tỷ riyal, trong đó 62% là doanh thu từ dầu mỏ.

Trữ lượng dầu khí trong nước

Ả Rập Xê-út có trữ lượng dầu đã được chứng minh là lớn thứ hai thế giới (21,9%) với trữ lượng đã được chứng minh là 266.260 triệu thùng và 4%trữ lượng khí đốt thế giới với 42 nghìn tỷ mét khối khí dự trữ. Ả Rập Xê-út là thành viên quan trọng của tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và tổ chức Các nước Ả Rập Xuất khẩu Dầu mỏ (OAPEC).

Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ả Rập Xê-út (Kỳ I)
Ả Rập Xê-út là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Ảnh: AFP.

Ả Rập Xê-út có 49 mỏ dầu, với hai mỏ trong số này được coi là lớn nhất thế giới: (i) Mỏ Ghawar, nằm ở tỉnh Easter, là mỏ dầu lớn nhất thế giới, sản xuất từ ​​50 - 70% tổng sản lượng dầu thô của Ả Rập Xê-út và 6,4% tổng sản lượng của thế giới. (ii) Mỏ Safaniyah, nằm cách thành phố Dhahran 200 km về phía bắc, đây là mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới và là mỏ dầu lớn thứ hai của Ả Rập Xê-út, sản xuất hàng ngày hơn 1 triệu thùng dầu thô, với trữ lượng 37 tỷ thùng dầu.

Cả hai mỏ dầu đều do Công ty Dầu khí Quốc gia Ả Rập Xê-út Saudi Aramco sở hữu và điều hành.

Thị trường xuất/nhập khẩu dầu mỏ

Theo số liệu năm 2019 (năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19), Ả Rập Xê-út xuất khẩu trung bình 8 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và dầu chiếm khoảng 87% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các đối tác xuất khẩu chính của Ả Rập Xê-út là Mỹ (14% tổng kim ngạch xuất khẩu), Nhật Bản (13%), Trung Quốc (12%), Hàn Quốc (10%) và Ấn Độ (8%).

Khung pháp lý hoạt động dầu khí ở Ả Rập Xê-út (Kỳ I)
Ngày 30/8/2020, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Hoàng tử Abdul Aziz bin Salman cho biết Saudi Aramco đã phát hiện thêm 2 mỏ dầu khí mới ở phía bắc Ả Rập Xê-út là Abraq Al-Tuloul và Hadbat Al-Hajarah. Ảnh: AFP.

Ngày 18/11/2021, Tổ chức Sáng kiến ​​Dữ liệu chung (JODI) cho biết xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê-út trong tháng 9/2021 đã tăng tháng thứ năm liên tiếp lên mức cao nhất, tính từ tháng 1/2021. Xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê-út tăng lên 6,516 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 9 (từ mức 6.450 triệu thùng/ngày trong tháng 8), với tổng kim ngạch xuất khẩu bao gồm các sản phẩm dầu mỏ đạt 7,84 triệu thùng/ngày.

Nhập khẩu/xuất khẩu khí tự nhiên

Giá trị các dự án khí đốt đang hoạt động của Ả Rập Xê-út tăng 26% từ 18,6 tỷ USD lên 24,3 tỷ USD, do Ả Rập Xê-út phụ thuộc vào khí đốt làm nhiên liệu cho các nhà máy phát điện. Ả Rập Xê-út có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng khí đốt lên 23 tỷ feet khối (bcf) mỗi ngày trong vòng 10 năm tới. Ả Rập Xê-út tự chủ về nguồn cung cấp khí đốt và không phải nhập khẩu.

Xuất khẩu khí đốt không được coi là mang lại lợi nhuận vì việc xây dựng một nhà máy xử lý khí tự nhiên thành LNG để chuyên chở đòi hỏi chi phí vốn lớn. Do tính chất phân mảnh của thị trường khí đốt, các hợp đồng khí đốt được thiết lập trên cơ sở quy đổi giá trị tương đương và giá khí nói chung thấp hơn nhiều so với giá dầu thô.

(Còn nữa).

Thanh Bình

DMCA.com Protection Status