Kinh doanh xăng E5: Doanh số thấp vì người tiêu dùng thiếu thông tin

07:12 | 10/07/2013

709 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hiện nay, Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Hà Nội (PV Oil Hà Nội - đơn vị thuộc Tổng Công ty Dầu Việt Nam) đang sở hữu 26 cây xăng hoạt động trên địa bàn Hà Nội, Nghệ An và một số tỉnh phía bắc. Tại Hà Nội, PV Oil Hà Nội đang quản lý 5 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 2 cửa hàng tọa lạc tại khu vực nội thành là cửa hàng xăng dầu Thái Thịnh (quận Đống Đa) và cửa hàng Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). Tất cả 5 cây xăng trên đều bán xăng E5 nhưng mức độ, sản lượng bán ra có khác nhau. Phóng viên PetroTimes đã có cuộc khảo sát 3 cây xăng khu vực ngoại thành Hà Nội là Đông Mỹ, Liên Ninh (huyện Thanh Trì), Châu Can (huyện Phú Xuyên) để thấy được khó khăn, trở ngại trong kinh doanh xăng E5 từ những cây xăng này.

Người dân không hiểu về xăng E5

Một điều dễ nhận thấy là cả 3 cửa hàng xăng dầu này đều có mặt bằng kinh doanh khá rộng (trên dưới 1.500m2/cửa hàng) đủ để 3-5 xe trọng tải lớn vào tiếp xăng dầu mà không sợ bị ách tắc. Tuy nhiên, nếu so sánh các cây xăng khu vực nội thành thì quả thực, lượng xăng dầu bán ra ở 3 cây xăng này khá khiêm tốn.

Theo PV Oil Hà Nội, riêng xăng E5, lượng bán ra 6 tháng đầu năm 2013 của cây xăng Liên Ninh là 19.193 lít; Đông Mỹ: 10.939 lít; Châu Can: 5.920 lít. Lượng xăng E5 bán ra thấp không chỉ phản ánh thực trạng các cây xăng đang gặp khó khăn trong việc kinh doanh E5 mà còn chứng tỏ người dân vẫn chưa mặn mà sử dụng sản phẩm mới thân thiện với môi trường này.

Người dân vào mua xăng E5 tại cửa hàng Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội)

Anh Nguyễn Lê Vinh, cửa hàng trưởng cây xăng Đông Mỹ cho rằng, người dân vẫn sử dụng nhiên liệu theo thói quen, tức là cứ thấy cột xăng A92 ở đâu là họ dừng xe để đổ. “Dân nội thị nắm bắt thông tin nhanh và đầy đủ hơn nên việc sử dụng xăng E5 có phần dễ dàng hơn. Dân ngoại thành đa phần làm nông hoặc phi nông nghiệp nên nhận thức về nhiên liệu mới vẫn chưa nhiều, mức độ sử dụng còn thấp” - anh Vinh chia sẻ thêm. Qua khảo sát thực tế tại cây xăng Liên Ninh với 4 người là nông dân, sinh viên, thợ thủ công và một cán bộ cấp xã thì tất cả đều có chung câu trả lời là: “Chỉ biết xăng E5 là xăng thôi, còn nó là loại như thế nào cũng không rõ”. Lê Mạnh Hưng, sinh viên Cao đẳng Y dược Bắc Ninh khi vào đổ xăng E5 ở cây xăng Liên Ninh nhưng cũng... không biết xăng E5 là xăng gì!.

Ông Đặng Hữu Oanh, người xã Liên Ninh, sử dụng xe được hơn 10 năm cho biết, sau khi sử dụng xăng E5, xe chạy bốc hơn, êm máy hơn: “Xe chạy tốt thì lần sau cứ đổ thôi”. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, người làng nghề Duyên Thái thì chọn xăng E5 do phải di chuyển nhiều. Mỗi ngày ông phải chạy xe chừng 40-60km để giao hàng thủ công mỹ nghệ cho khách quanh vùng và lựa chọn của ông là đổ xăng E5 bởi xe chạy bốc, đỡ tốn sức. Nhà ông Nghĩa cách cửa hàng xăng chừng 3km nhưng mỗi khi hết xăng, ông đều ra đây đổ xăng E5 bởi khi đã tạo dựng được niềm tin (giá cả, đổ đầy đủ, thái độ phục vụ tốt) thì “xa đến mấy tôi cũng chỉ đổ xăng ở đây”.

Chị Phạm Thị Minh Nguyệt, Cửa hàng trưởng cây xăng Liên Ninh cho biết, nếu khảo sát người mua xăng thì một nửa sẽ trả lời không biết gì về xăng E5, họ vào đổ thì cứ đổ theo thói quen. Khi người mua vào cửa hàng xăng, họ sẽ tìm cột bơm quen thuộc và yêu cầu người bán hàng đổ đầy. Thực tế, người dân thiếu thông tin. Nếu truyền hình không quảng cáo loại xăng này thì dân nông thôn cũng không biết tìm hiểu qua phương tiện nào.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Thực tế, không phải có địa điểm tốt, phục vụ chu đáo là có thể bán được nhiều xăng dầu. Cửa hàng xăng dầu Châu Can nằm trên đường từ Cầu Giẽ  đi Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) có lượng phương tiện qua lại rất lớn. Thế nhưng, hàng tháng, cửa hàng này chỉ bán được khoảng 50m3 xăng dầu, trong đó 2/3 là dầu. Chị Trần Thị Thu Hà, Cửa hàng trưởng cửa hàng Châu Can giải thích rằng, người đi xe máy ở nơi khác đến đã bị hút bởi 4 cây xăng tư nhân chạy dọc và bao quanh cây xăng Châu Can. Còn lại chỉ có xe chở hàng, xe khách, xe tải quen mới thường xuyên vào đây tiếp dầu. Điều này ảnh hưởng đến lượng xăng E5 bán ra của cửa hàng.

Hiện tại, cửa hàng xăng dầu Châu Can có 4 cột bơm thì có 2 cột bơm dầu, 1 cột bơm xăng A92 và cột còn lại nằm phía trong của cửa hàng là bơm xăng E5. Nếu trời nắng hoặc mưa thì người dân đi xe vào cột bơm xăng E5 phía trong để bơm, còn  thông thường, người dân sẽ dừng xe ở cột bơm xăng A92 bên ngoài cho tiện. Hơn nữa, Quốc lộ 1A đoạn qua cây xăng Châu Can có dải phân cách cứng nên cây xăng chỉ bán được chiều xuôi theo hướng lưu thông của phương tiện, chiều ngược không bán được.

Tại cửa hàng xăng dầu Đông Mỹ, hầu như không có xe ôtô vào tiếp xăng dầu; chỉ có xe máy. Thế nên lượng xăng E5 bán ra có cao hơn ở Châu Can nhưng cũng có nhiều khó khăn. Khu vực xung quanh cửa hàng, dân đều làm nông nên dân trí chưa cao. Nếu xảy ra sự cố nhầm lẫn xăng có chứa chất methanol (xấu) và ethanol (tốt) như năm 2012 thì dân sẽ không đổ xăng E5 nữa. Và muốn thuyết phục dân quay trở lại sử dụng xăng E5 là rất khó do ít có phương tiện tuyên truyền (trừ tuyên truyền miệng). Vì vậy, Cửa hàng trưởng Nguyễn Lê Vinh rất mong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam tăng cường tuyên truyền cho người dân biết, hiểu và sử dụng xăng E5 thường xuyên hơn.

Hiện nay, xăng E5 có giá rẻ hơn 100 đồng so với xăng A92 nhưng chưa khuyến khích được người mua. Chia sẻ về điều này, anh Nguyễn Lê Vinh cho rằng: “Cứ giữ giá xăng A92 và E5 cân bằng nhau, rồi trích 100 đồng/lít xăng E5 để làm truyền thông, tăng cường thông tin cho người dân thì lúc đó, doanh nghiệp vừa tiết kiệm được chi phí, hiệu quả truyền thông vẫn đạt yêu cầu, người tiêu dùng thì cũng được hưởng lợi do được cung cấp thông tin đầy đủ”.

Từ bản thân người bán hàng cũng có khuyến khích bán càng nhiều E5 sẽ được thưởng như thưởng 50 đồng vào mỗi lít xăng bán ra cho tất cả các cửa hàng bán xăng E5. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, nhân viên bán hàng cây xăng Châu Can đã có kinh nghiệm 5 năm bán hàng nhưng cũng không biết làm thế nào để bán được nhiều xăng E5: “Bản thân người bán thì được thưởng thêm khi bán xăng E5 vì thế chúng tôi cũng rất muốn bán thật nhiều xăng E5 để có thêm thu nhập nhưng phải phụ thuộc vào người mua thôi. Thói quen người dân vẫn sử dụng sản phẩm quen thuộc”.

Từ những thực tế trên, có thể nói kinh doanh xăng E5 hiện nay dù khó khăn nhưng vẫn có doanh số tăng dần. Minh chứng là cả 3 cửa hàng chúng tôi khảo sát đều cho biết, lượng xăng E5 tháng sau bán ra cao hơn tháng trước. Nhưng để lộ trình bắt buộc phải sử dụng xăng E5 tại 7 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội vào cuối 2014 được thực hiện tốt; Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần có nhiều chương trình hành động tuyên truyền về loại xăng này để người dân hiểu rõ, hiểu đúng, đủ, chính xác về xăng E5.

CÁC CÂY XĂNG CỦA PV OIL HÀ NỘI BÁN XĂNG E5:

Thái Thịnh, Nghĩa Tân, Liên Ninh, Đông Mỹ, Châu Can (Hà Nội)

Hoàng Mai, Diễn Châu (Nghệ An)

Nam Khê (Quảng Ninh)

Hồng Tiến (Thái Nguyên)


Đức Chính

DMCA.com Protection Status