Chuyện chưa kể về Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2

Kỳ 2: Những sáng kiến, hợp lý hóa tiết kiệm tiền tỷ

07:04 | 27/04/2023

5,593 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Việc tiết kiệm từng đồng, bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án được các anh trong Ban Quản lý Dự án (QLDA) Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 gọi là “chiến đấu” cùng các nhà thầu quốc tế. Người dầu khí chưa bao giờ ngừng tìm kiếm, đưa các giải pháp linh hoạt để đẩy dự án vượt qua khó khăn thách thức. Trong đó, Ban QLDA đã liên tục rà soát, cập nhật cũng như tính toán, chỉnh trang thiết kế (từ cơ sở đến thiết kế chi tiết, thiết kế thi công) sao cho phù hợp với thực trạng dự án nhất và tiết kiệm chi phí nhất.
Kỳ 2: Những sáng kiến, hợp lý hóa tiết kiệm tiền tỷ
Kho than số 1 của NMNĐ Thái Bình 2 hoàn toàn tự động hóa.

Tại dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, có thể kể ra vài hạng mục dễ nhận thấy như hệ thống, kho than, hệ thống cung cấp nước ngọt và cảng nhận nguyên nhiên liệu. Theo thiết kế của nhà thiết kế bản quyền có 3 kho gồm 2 kho kín và 1 kho hở. Nhưng để phù hợp với tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho chính cán bộ công nhân viên cũng như người dân quanh nhà máy, Ban QLDA đã phải điều chỉnh thiết kế làm cả 3 kho đều kín. Trong đó, thiết kế của nhà bản quyền lựa chọn phù hợp với môi trường của châu Âu, có khả năng chống chọi được đọng tuyết hàng chục tấn nên phải lợp tôn 2 lớp. Nhưng ở Việt Nam không có tuyết nên thay thế bằng tôn 1 lớp có độ dày tiêu chuẩn cao hơn để chống mưa, bão.

Tuyến ống nước ngọt cung cấp cho nhà máy (dài 15km) được thiết kế bằng ống thép nhập khẩu, phù hợp với điều kiện đồng bằng, nhiều kênh rạch của tỉnh Thái Bình sẽ tốn kém, chi phí cao, hơn nữa thi công phức tạp, khó bảo dưỡng, bảo trì. Đặc biệt khi xảy ra sự cố trong lúc vận hành đường ống này sẽ kéo theo cả nhà máy phải dừng hoạt động mà không có phương án dự phòng. Ban QLDA đã báo cao lên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) điều chỉnh thiết kế chuyển phương án sử dụng đường ống HDPE trong nước sản xuất, giá thành rẻ hơn đường ống phải nhập khẩu, đồng thời xây dựng 2 tuyến đường ống song song gồm 3 van, trạm điều chỉnh. Từ đó hệ thống cung cấp nước ngọt cho nhà máy luôn hoạt động ổn định, ứng phó được với tất cả các sự cố.

Một quyết định táo bạo nữa là dừng giãn xây dựng cảng cấp dầu cho nhà máy trong quá trình chạy thử, sử dụng phương án cấp dầu bằng xe bồn. Quyết định này không chỉ giảm chi phí đầu tư cho dự án mà còn xóa đi cả nguy cơ xảy ra các sự cố tràn dầu trên sông, nguy hại đến môi trường khu vực quanh dự án. Cùng với đó là điều chỉnh thiết kế cảng nhận than, thay thế các thiết bị hút than bằng thiết bị bốc dỡ thấp, ngắn nhưng có thể kéo dài phù hợp với bốc dỡ than từ các xà lan trên đường sông thay cho thiết bị hút, kéo than từ tàu trên đường biển.

Các tối ưu, điều chỉnh nêu trên đã tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho việc vận chuyển thiết bị, phù hợp khoa học để bảo quản. Sau đó, chủ đầu tư đã chấp thuận lựa chọn phương án Lilama lắp đặt Tổ máy số 1, còn Tổ máy số 2 được liên danh nhà thầu Lilama và các đơn vị PVCMS, PVCPT (sau này đổi tên thành Đường ống Bể chứa) triển khai. Đây là phương án vừa giảm thiểu rủi ro cho dự án vừa tiết kiệm, nâng cao năng lực các nhà thầu trong nước, đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án. Hơn thế nữa, việc bảo quản, lắp đặt thiết bị tốt, khoa học đã làm tiền đề cho công tác vận hành nhà máy sau này, đặc biệt trong tình trạng hết bảo hành của nhà sản xuất đối với thiết bị.

Kỳ 2: Những sáng kiến, hợp lý hóa tiết kiệm tiền tỷ
NMNĐ Thái Bình 2 đã bước vào giai đoạn phát điện thương mại với sản lượng dự kiến khoảng 4,5 tỉ kWh điện thương phẩm trong năm 2023.

Được biết, vào thời điểm dự án bị tạm ngừng triển khai do thiếu hụt về vốn, Ban QLDA và cả các lãnh đạo cao nhất của chủ đầu tư là Petrovietnam đã phải làm mọi cách, báo cáo giải trình với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành, Chính phủ và cả lãnh đạo Đảng và Nhà nước để thuyết phục, khẳng định sẽ xử lý được các vấn đề tại dự án. Cụ thể như trả lời được câu hỏi, bao nhiêu chi phí nữa để nhà máy đi vào hoạt động, khẳng định chất lượng công nghệ, thiết bị và năng lực của cán bộ công nhân viên trong quản lý, điều hành, sản xuất điện của nhà máy. Đặc biệt là việc đảm bảo hiệu quả dự án khi nhà máy đi vào hoạt động, thu hồi vốn đầu tư cho Nhà nước, đem lại lợi ích cho chủ đầu tư và các nhà tài trợ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Hưởng - nguyên Trưởng Ban QLDA Điện lực Dầu khí Thái Bình 2, để triển khai dự án khó khăn như Thái Bình 2, Ban QLDA và tổng thầu đã liên tục rà soát tổng thể chi phí, đánh giá nhiều lần về tổng mức đầu tư dự án kết hợp với các phương án cắt giảm, dừng giãn đầu tư, cân đối tăng giảm về quản lý chi phí để tổng mức đầu tư không được vượt so với sự phê duyệt của Chính phủ với việc sử dụng vốn của chủ đầu tư để hoàn thành dự án. Đồng thời tính toán chi tiết phương án thu hồi vốn, trả lãi vay (gồm cả cắt lãi đối với số tiền còn lại và chênh lệch tỉ giá vốn vay nước ngoài) để tránh ảnh hưởng đối với hiệu quả dự án sau này. Mặt khác, Ban QLDA mời các chuyên gia quốc tế vào cuộc, các cán bộ có kinh nghiệm trong nước và cả tư vấn quốc tế tại dự án xem xét, đánh giá đều khẳng định dự án đủ cơ sở để triển khai tiếp, đảm bảo hiệu quả và lợi ích lâu dài cho đất nước.

Cho đến nay, dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã hoàn thành cơ bản với chi phí thấp hơn dự kiến khoảng 200 tỉ đồng. Trong đó, với sự chủ động dám “đấu tranh” cùng nhà thầu bằng kiến thức, kinh nghiệm thực tế, Ban QLDA đã loại đi những chi tiết, hạng mục không cần thiết. Đó cũng là kết quả của những kinh nghiệm được đúc kết mà người làm dự án của Petrovietnam phải thấm đẫm những bài học, truyền lại kinh nghiệm và kiến thức cho từng thế hệ để luôn tỉnh táo trong toàn bộ quá trình triển khai dự án trọng điểm quốc gia.

Thành Công

NMNĐ Thái Bình 2 vượt lên chính mình NMNĐ Thái Bình 2 vượt lên chính mình
Kỳ 1: Đời dự án - Ngũ vị tạp trần Kỳ 1: Đời dự án - Ngũ vị tạp trần

DMCA.com Protection Status