Làm báo Dầu khí khó hay dễ?

Kỳ 2: Tự hào là người dầu khí

06:56 | 14/03/2021

10,192 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ít người biết rằng có một số nhà báo tên tuổi nhưng “ăn lương dầu khí” mà không viết nổi một chữ về ngành hay phóng viên chuyên trách dầu khí cả chục năm nhưng vẫn tự thấy rằng chỉ thuộc loại “cưỡi ngựa xem hoa”…

Đến nay, báo Năng lượng Mới và gần đây chuyển đổi thành Tạp chí đã tròn 10 năm tuổi. Sau chừng ấy năm làm việc, cặm cụi viết hàng ngàn tin bài, mỗi người chúng tôi đã tìm ra cách khác nhau để dần trở thành “một phần” của ngành Dầu khí. Đáng ngạc nhiên là mỗi ngày lại phát hiện ra cái mới, cái lạ trong ngành nên… không chán.

Kỳ 2: Tự hào là người dầu khí
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã phải vượt qua muôn vàn thử thách để trở thành điểm sáng của Điện lực Dầu khí.

Tôi vẫn nhớ những ngày đầu tiên làm báo dầu khí, mỗi phóng viên được phân công theo dõi một số đơn vị, dự án đang triển khai của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Đây là cách làm việc thông thường tại các báo truyền thống, vừa để phóng viên không dẫm chân lên lĩnh vực của nhau, vừa để phóng viên có thời gian “bám” đơn vị. Tôi còn nhớ Nhà báo Nguyễn Như Phong dặn kỹ từng phóng viên: "Làm sao để đơn vị họ nhớ kỹ mình, có gió thổi cỏ lay là anh em họ báo ngay cho mình biết”.

Là người từng làm trong ngành, tôi là phóng viên duy nhất của báo từng công tác tại một đơn vị trực thuộc Tập đoàn, lại có thời gian làm dự án nên Tổng biên tập đã chỉ định tôi là phóng viên theo các dự án thuộc miền Bắc và các đơn vị liên quan. Khổ nỗi các dự án nguồn điện có công suất lớn của Petrovietnam đều ở xa Hà Nội và liên tục gặp khó khăn. Ấn tượng nhất của tôi là lần đầu tiên xuống công tác tại dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Thời điểm năm 2012, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 nằm ở địa điểm heo hút nhất của huyện Kỳ Anh, đứng tại chân nhà máy có cảm giác… bơi được qua tận tỉnh Quảng Bình. Dù đã tìm hiểu thông tin và đường đi lối lại qua một số anh em Ban Điện Petrovietnam nhưng đúng là tôi khá sốc khi mò mẫm mất gần 1 ngày trời mới vào được dự án. Bởi khi đó, mỗi tuần chỉ có 1 chuyến xe khách duy nhất đến và đi từ công trường xây dựng nhà máy nên tôi đã phải đi 2 chuyến xe đò và chờ tới nửa ngày mới bắt được một bác xe ôm để vào dự án. Biết chuyện này nên chú Nguyễn Văn Định - Nguyên Trưởng ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng - Quảng Trạch rất cảm động bảo: “Lần sau, bất cứ lúc nào cháu vào dự án, cứ đứng ở ngã 3 (Quốc lộ 1 và đường vào Vũng Áng) gọi điện cho chú rồi chú kêu anh em ra đón”.

Vâng chỉ cần một câu nói, được ăn một bữa cơm tập thể cùng anh em Vũng Áng, tôi đã thấy mình hòa nhập ngay với những người dầu khí. Rồi nhiều lần công tác ở đây, có lần ở lại tới 4-5 ngày để cùng hòa mình trong sự hồi hộp chờ dòng điện phát lên lưới điện quốc gia, được cùng anh em vỡ òa trong sung sướng khi nhà máy chính thức phát điện thương mại hay là lần cuối cùng về “nằm vùng” tại nhà máy, kịp thời bẻ gãy vụ việc Vũng Áng 1 suýt thì bị vu oan xả thải làm chết cá biển… Đó không chỉ là những trải nghiệm cực kỳ quý báu đối với một phóng viên mà còn cho tôi thấy người dầu khí không hề khó gần mà cực kỳ cởi mở, đáng trân trọng.

Đặc biệt trong gần 10 năm qua, là phóng viên được cùng đi và cùng làm việc rất nhiều với lãnh đạo Tập đoàn, chúng tôi được “mở mang” trí óc cũng như tầm nhìn rất nhiều lần. Tôi cho rằng điều cơ bản để gắn kết những con người dầu khí chính là sự chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp đó đến từ việc hầu hết người dầu khí được tham gia trực tiếp vào các dự án lớn, được mục sở thị những công trình vĩ đại cả về giá trị lẫn tầm vóc. Có như vậy, mọi người mới thấm được sự nhỏ bé và hạn hẹp của cá nhân để đoàn kết trước sau như một, kiên định tháo gỡ những khó khăn, cùng nhau vượt qua thách thức. Tôi rất ấn tượng về những cuộc nói chuyện với Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng về “tầm nhìn của người dầu khí”. Mong muốn và sự tin tưởng mãnh liệt của anh đối với mỗi cán bộ công nhân viên dầu khí là “nhìn xa hơn”. Để có được điều ấy thì không có cách nào khác là không ngừng học hỏi các đối tác quốc tế, không ngừng tự hoàn thiện bản thân bằng kiến thức thực tiễn, khoa học.

Những năm gần đây, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đang triển khai mạnh mẽ Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam. Trong đó, mỗi một lãnh đạo Tập đoàn cũng như các đơn vị không những cam kết thực hiện bằng văn bản mà còn triển khai trong chính tác phong làm việc cũng như cuộc sống thường ngày. Trong thực tế, ngay trước khi đề án được phát động thì lãnh đạo Tập đoàn đã “thực hiện” lối sống giản dị vì sự thực vốn dĩ là như vậy. Có lẽ sẽ có nhiều người ngạc nhiên nếu biết Chủ tịch và Tổng giám đốc một tập đoàn có giá trị hàng tỉ USD vẫn cùng anh em ăn cơm tối tại một quán cơm bình dân ven đường. Trong bữa cơm, chúng tôi vẫn chuyện trò rôm rả đủ thứ chuyện trên đời dù chẳng có một giọt rượu. Hay lãnh đạo Tập đoàn có “truyền thống” mời cơm quê, tặng quà quê bằng đủ thứ rau quả trong vườn nhà cho những anh em đi công tác với lãnh đạo trong mỗi dịp Tết đến xuân về…

Kỳ 2: Tự hào là người dầu khí
Tạp chí Năng lượng Mới vẫn đang trong quá trình nỗ lực hoàn thành sứ mệnh của mình.

Có một đồng nghiệp từng nói với tôi rằng, đọc tin và bài của anh, em thấy anh “cảm tính” hơi nhiều, đặc biệt là khi viết về dầu khí. Quả đúng là vậy, làm báo bao giờ cũng phải có sự khách quan khi viết. Bởi nếu thiếu khách quan sẽ dễ khiến nhà báo mất tự chủ, duy ý chí có thể dẫn tới sự ảnh hưởng đến tư duy của người đọc, nguy hại nhất là “đi quá sự thực”. Tôi cũng biết thế nhưng nếu không đủ “nhiệt”, mất đi tính chiến đấu thì làm báo dầu khí chỉ còn lại mỗi một nhiệm vụ là “đưa tin” mà thôi. Nếu vậy thì tôi không thể viết được loạt bài về Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, không thể viết được loạt bài về Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Vũng Áng 1 trong đằng đẵng hàng chục năm trời. Để bảo vệ những gì đúng đắn của Petrovietnam cũng như người dầu khí, không thể đặt mình ra ngoài.

Chúng tôi làm báo dầu khí như thế đấy. Va vấp cũng lắm, bị “phạt vạ” cũng nhiều nhưng ai cũng sôi nổi và đầy nhiệt huyết. Cảm động nhất là có những bạn đọc, những người dầu khí chân chính thi thoảng lại hỏi thăm “dạo này có viết được gì hay không em?”, “hôm rồi anh có đọc được bài của chú, cái câu chú viết kia thì chỉ có người trong cuộc mới có thể viết ra được…” hay đơn giản hơn khi thấy chúng tôi, các anh, chị lại thốt lên “phóng viên Năng lượng Mới - người nhà!”. Chúng tôi gắn kết và trở thành một phần của Dầu khí lúc nào không biết.

Nhìn từ một khía cạnh nào đó thì “làm báo” là một nghề “làm dâu trăm họ”, không ai có thể viết ra một bài báo khiến hàng triệu người hài lòng, nhà báo cũng là con người dù cẩn trọng đến đâu cũng có lúc mắc sai lầm trong câu chữ và có thể mất nghề, thất nghiệp. Bởi thế nên tôi cũng như các đồng nghiệp sẽ không ngạc nhiên nếu có một ngày Năng lượng Mới ngừng xuất bản nhưng chúng tôi sẽ không tiếc nuối vì một thập kỷ làm báo gắn mình trong niềm tự hào được làm “người dầu khí”.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập báo Năng lượng Mới - tôi xin phép viết những dòng này như một lời tri ân đến các đồng nghiệp đã và đang đồng hành cùng tôi trên con đường làm báo dầu khí.

Thành Công

Cổ phiếu ngành Dầu khí bung năng lượng mới Cổ phiếu ngành Dầu khí bung năng lượng mới
CĐ DKVN chúc mừng Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam CĐ DKVN chúc mừng Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

DMCA.com Protection Status