Sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng: Cấp bách và cần thiết

Kỳ III: Vấn nạn phân bón giả

07:44 | 20/04/2024

15,014 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Do tác động của Luật thuế 71, giá phân bón của các doanh nghiệp nội tăng cao đã và đang khiến cho các đối tượng sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng lợi dụng thời cơ “đục nước béo cò", làm giàu trên nỗi khổ của người nông dân.

Nông dân khóc ròng

Chia sẻ với phóng viên PetroTimes, ông Đoàn Văn Minh (trú xã Ia H’rú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) tỏ ra bức xúc: “Tôi được đại lý mời đi dự hội nghị trình diễn sản phẩm phân bón O.B. Thấy quảng cáo rằng phân này sẽ chữa được bệnh tiêu điên, bệnh chết nhanh, chết chậm. Về nhà, tôi mua một lúc 580 bao phân hữu cơ loại 50kg để bón cho hơn 4.000 trụ tiêu, có lẽ mua nhầm sản phẩm dỏm, kém chất lượng nên hiệu quả không thấy đâu, chỉ thấy vườn tiêu của gia đình tôi chết dần trong thời gian ngắn. Đau xót quá !”.

Sau đó ông lấy 6 mẫu gửi đi xét nghiệm, kết quả cho thấy, các thành phần không giống như trên bao bì đăng ký. Bao đạt chất lượng nhất chỉ tới 70-80%, có mẫu chỉ đạt 30-40% so với thông số đăng ký trên bao bì.

Dù đang chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới nhưng chị Trần Thị Hai (trú tại huyện Cai Lậy, Tiền Giang) vẫn không khỏi sợ hãi khi nhớ lại vụ mùa trước đây, gia đình chị đã khốn khổ vì phân bón giả.

Chị Hai cho biết, gia đình chị có hơn 2 công đất lúa, nhưng vụ mùa vừa rồi lại lỗ nặng vì mua phải phân bón giả. "Tôi mua chỗ đại lý quen, phân bón cũng là loại hay dùng mấy vụ mùa trước. Nhưng tới lúc bón vào lúa không phát triển, lá vàng, hạt lép. Sau nhờ mấy anh kỹ sư xuống thì phát hiện ra là mình mua nhầm phân bón giả, kém chất lượng. Lúc đó sự đã rồi, cố gắng mua phân mới bón thúc lại, nhưng tốn thêm tiền mà kết quả chẳng được bao nhiêu", chị Hai cho biết thêm.

Kỳ III: Vấn nạn phân bón giả

Một loại phân bón giả đang được tiêu thụ trên thị trường.

Anh Thái Nghiệp (huyện Phong Ðiền, Cần Thơ), một nạn nhân khác của nạn phân bón giả, kém chất lượng cũng cho biết: "Làm nghề nông vốn đã vất vả, không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng còn lỗ nặng khi mua phân bón kém chất lượng thì quả là cơ cực. Nếu tình trạng này không được xử lý triệt để hoặc không có hướng xử lý phù hợp, người nông dân như chúng tôi còn phải khổ dài dài".

Bắt mãi không xuể

Trước tình trạng phân bón giả hoành hành, các cơ quan chức năng đã liên tục điều tra, phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán mặt hàng cực kỳ quan trọng cho nông nghiệp này.

Còn nhớ năm 2022 Đội QLTT số 5, Cục QLTT An Giang phối hợp với lực lượng liên ngành chống buôn lậu tỉnh phát hiện ô tô biển kiểm soát 67C-040.06 đang vận chuyển 200 bao (trọng lượng 50 kg/bao) phân bón hỗn hợp ở khu vực thuộc xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu. Tổng giá trị hàng hóa hơn 132 triệu đồng. Thời điểm kiểm tra, tài xế có xuất trình hoá đơn của Công ty TNHH MTV Thương mại P.N.

Kỳ III: Vấn nạn phân bón giả

Lực lượng chức năng phát hiện một ổ sản xuất tiêu thụ phân bón giả.

Do nghi ngờ phân bón kém chất lượng nên lực lượng QLTT đã tạm giữ và lấy mẫu đi kiểm nghiệm chất lượng với số phân bón trên. Kết quả thử nghiệm đối với 200 bao phân bón cho thấy có 6 mẫu phân bón chất lượng không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng và hai mẫu phân bón giả. Tất cả số phân bón trên được sản xuất tại một công ty có địa chỉ tại cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An, tỉnh Long An, được phân phối bởi Công ty TNHH MTV Thương mại P.N.

Đại diện lãnh đạo Cục QLTT An Giang cho biết, liên quan đến lĩnh vực phân bón, các hành vi vi phạm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, không đảm bảo chất lượng… Trong 5 tháng năm 2022, qua triển khai thực hiện công tác thanh kiểm tra, Cục QLTT An Giang đã phát hiện gần 30 vụ vi phạm kinh doanh, buôn bán phân bón giả; kinh doanh không giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, không niêm yết giá hàng hóa, vi phạm nhãn hàng hóa....

Tại Tây Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, trong quý 1/2022 qua kiểm tra 37 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã phát hiện, 5 cơ sở vi phạm kinh doanh sản phẩm phân bón (có nhãn ghi không đúng, ghi không đủ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn hàng hóa; hết hạn sử dụng) và sản xuất phân bón không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/giấy phép sản xuất phân bón; 3 cơ sở vi phạm kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng. Qua lấy mẫu lực lượng chức năng phát hiện 25/75 mẫu phân bón vi phạm chất lượng (giả 12 mẫu, kém chất lượng 13 mẫu); 5/40 mẫu thuốc bảo vệ thực vật không đạt chất lượng…

Còn tại Tiền Giang, các cơ quan chức năng cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 130 triệu đồng đối với 2 cá nhân vi phạm buôn bán 8 tấn phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Hành vi vi phạm là buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Trước đó, trong tháng 4, tại địa phương này, lực lượng QLTT cũng đã kiểm tra phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng.

Tại Thái Nguyên, lực lượng QLTT tỉnh phối hợp cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, lấy mẫu phân bón đối với hai hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Đại Từ và huyện Phú Lương. Trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm mẫu xác định 2/3 loại phân bón có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định về chất lượng phân bón. Với vi phạm nêu trên, hai hộ kinh doanh đã bị xử phạt hành chính với số tiền trên 24 triệu đồng.

Kỳ III: Vấn nạn phân bón giả

Lực lượng QLTT kiểm tra cửa hàng kinh doanh phân bón.

Vẫn rất phức tạp

Thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, mỗi năm người nông dân tiêu thụ khoảng 11-12 triệu tấn phân bón các loại. Trong khi đó, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đang ngày càng diễn biến phức tạp, không những gây thất thu thuế cho Nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất lưu thông hàng hóa, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền lợi hợp pháp và khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất chân chính, mà còn gây thiệt hại cho những người nông dân.

Chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói là có đại lý phân phối phân bón đã tiếp tay cho phân bón giả, thuốc bảo vật thực vật kém chất lượng nhằm thu lợi bất chính.

Mặc dù, các lực lượng chức năng thời gian qua đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tuy nhiên, theo dự báo trong thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón vẫn diễn biến phức tạp.

Trước tình hình trên, công tác giám sát thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Song song đó, thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ quy định về kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Đặc biệt, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Cần chế tài thật mạnh đối với hành động tiếp tay cho phân bón giả của các đại lý

Đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, NPK là loại phân bón bị làm giả phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.

“Đây là loại phân bón đáp ứng được nhu cầu cơ bản của hầu hết các loại cây trồng hiện nay. Vì vậy nhu cầu phân bón NPK rất lớn. Các đối tượng sản xuất, buôn bán phân bón giả không thể bỏ qua mảng kinh doanh siêu lợi nhuận này. NPK là phân bón ba màu. Trong đó, có màu đỏ, nhiều cơ sở sản xuất phân bón giả lợi dụng đặc điểm nhận biết này, nghiền bột gạch non rồi dùng công nghệ cuốc xẻng, máy trộn, làm giả bao bì của các thương hiệu lớn để cho ra thị trường NPK giả”, vị này phân tích.

Qua quá trình thực địa, Hiệp hội nhận thấy nông dân hiện nay cũng hiểu rất đơn giản. Do tập quán sản xuất nên bà con chỉ chọn mua NPK có 3 màu, nếu không có đủ màu thì không tin. Trong khi bây giờ nhiều nhà máy công nghệ cao sử dụng công nghệ hóa lỏng thì yếu tố ba màu không còn rõ nữa.

Chính vì vậy, từ phía các doanh nghiệp lớn, làm ăn chân chính cũng cần phải tăng cường thông tin, truyền thông để tạo cơ chế bảo vệ sản phẩm của mình.

Hiện nay, có tình trạng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư; sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định và xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó.

Lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định, chỉ truy quét các cơ sở sản xuất phân bón giả là chưa đủ. Để những hàng hoá kém chất lượng này đến được tay bà con nông dân thì các đại lý là một mắt xích rất quan trọng. Họ biết rõ có các loại phân bón làm giả, làm nhái kém chất lượng nhưng vì lợi nhuận cao nên vẫn sẵn sàng tiếp tay. Ngoài ra phải có chế tài thật mạnh, tính răn đe cao hơn nữa với hành động tiếp tay của các đại lý...

Yên Chi

Kỳ II: Nông dân “điêu đứng” vì Luật thuế 71

Kỳ II: Nông dân “điêu đứng” vì Luật thuế 71

Sau khi Luật thuế 71 được ban hành và đi vào cuộc sống, giá phân bón “bỗng dưng” tăng lên vèo vèo. Trong khi đó, giá thành nông sản bấp bênh, chi phí đầu vào có xu hướng tăng khiến cho người nông dân vốn gắn bó với ruộng nương đã lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”...

DMCA.com Protection Status