Kỹ sư cống hiến hết mình

11:00 | 03/08/2020

2,249 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) -  “Cứ cống hiến hết mình, làm việc hết mình, tự khắc sẽ được ghi nhận”. Đó là trải nghiệm và cũng là phương châm hành động trong công việc và cuộc sống của kỹ sư trẻ Lê Văn Hùng, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).
ky su cong hien het minh
Kỹ sư Lê Văn Hùng

Khi còn là sinh viên chuyên ngành Hữu cơ - Hóa dầu của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Lê Văn Hùng có cơ hội lớn khi được vào Nhà máy Đạm Cà Mau thực tập. Trong 6 tháng thực tập, Hùng nhận thấy môi trường làm việc ở nhà máy rất tốt, lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện, mọi người rất vui vẻ, hòa đồng, nên năm 2013 sau khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, Hùng ứng tuyển vào Đạm Cà Mau và chính thức gắn bó với Đạm Cà Mau từ đó.

Khởi đầu tại Đạm Cà Mau với vai trò kỹ sư vận hành ở Xưởng Urea. Vạn sự khởi đầu nan, Hùng phải nỗ lực rất nhiều. Hùng chia sẻ, các giáo trình tài liệu ở trường chưa cập nhật được các công nghệ, dây chuyền mới và hiện đại như Nhà máy Đạm Cà Mau. Từ nền tảng kiến thức học ở trường về thiết bị, công nghệ, hóa học, Hùng phải học rất nhiều từ các khóa đào tạo kỹ sư mới của công ty, rồi học hỏi từ đàn anh đi trước và thực tế công việc...

Nỗ lực học hỏi, trau dồi kỹ năng, Hùng nhanh chóng bắt nhịp với công việc và làm chủ công nghệ. Sau 2 năm đảm nhận tốt vai trò kỹ sư vận hành, đến năm 2015, Hùng được cất nhắc lên vị trí kỹ sư công nghệ (Process Engineer) tại Phòng Công nghệ. Công việc hiện tại của Hùng liên quan đến việc hỗ trợ công tác vận hành, điều tra các sự cố, đưa ra các giải pháp khắc phục, phòng ngừa; quản lý nguyên phụ liệu; nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp mới để tối ưu hóa công tác vận hành...

Đặc thù công việc hiện tại của Hùng, sáng tạo cũng là một phần trong đó. Hùng chia sẻ, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi công ty không còn được tính toán mức giá khí đầu vào như trước, ban lãnh đạo đặt ra yêu cầu rất cao về tiết giảm chi phí, tối ưu hóa vận hành. Tình thế đó bắt buộc các bộ phận và mỗi CBCNV cũng phải nỗ lực hơn nữa để tìm ra các giải pháp tiết giảm chi phí tối đa, tối ưu hóa từng chút. Với Hùng, đó là áp lực, nhưng cũng là động lực làm việc.

Hùng cho biết: Trong lúc khó khăn như vậy, ban lãnh đạo công ty cũng nêu rõ quan điểm, định hướng là nếu có phương án, giải pháp nào tăng hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất thử nghiệm, nhưng yêu cầu là phải kiểm soát triệt để các rủi ro. Với công việc của mình, Hùng không ngừng tìm kiếm các giải pháp bằng cách trao đổi với nhà bản quyền, tìm kiếm, tham khảo các giải pháp các nhà máy khác áp dụng, nghiên cứu, nếu thấy phù hợp với Nhà máy Đạm Cà Mau thì đề xuất với lãnh đạo, cải tiến các thiết bị để nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp tiết kiệm năng lượng.

ky su cong hien het minh
Kỹ sư Lê Văn Hùng được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2020

Với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm tiêu hao năng lượng, năm 2019, Hùng và các cộng sự đã nghiên cứu, áp dụng giải pháp “Lắp mới và thay thế 7 đĩa lỗ hiện hữu (sieve trays) của thiết bị tổng hợp Urea R06101 bằng đĩa SuperCups Trays”. Đây là một trong những thiết kế mới có nhiều ưu điểm và đã được kiểm chứng hiệu quả ở một số nhà máy trên thế giới. Ước tính, giải pháp đưa vào ứng dụng trong thực tế ở Nhà máy Đạm Cà Mau đã tiết kiệm rất nhiều năng lượng, giá trị tiết kiệm năng lượng thuần đạt hơn 11 tỉ đồng/năm. Đây là một trong những sáng kiến tiêu biểu, được công nhận cấp PVCFC và đang trình xem xét sáng kiến cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Xem khó khăn là động lực để phấn đấu, Hùng đã tham gia và hỗ trợ một số sáng kiến khác đang được áp dụng tại Xưởng Urea của Nhà máy Đạm Cà Mau.

Theo Hùng, đưa ra được các sáng kiến, giải pháp là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn, quyết định để sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn là nhờ các cấp lãnh đạo luôn quan tâm, động viên, tin tưởng, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo. Ở Đạm Cà Mau, khi người lao động nảy ra ý tưởng gì đó, trao đổi với các cấp lãnh đạo, lãnh đạo sẵn sàng hỗ trợ hết mức, cử những người có chuyên môn cùng ngồi thảo luận, đánh giá ý tưởng đó, nếu thấy khả thi sẽ bắt tay ngay vào nghiên cứu sâu và khi thấy hiệu quả thì sẽ nhanh chóng triển khai thử nghiệm, thậm chí đầu tư luôn nếu thấy đã có đầy đủ các đánh giá khả thi - Hùng tâm sự.

ky su cong hien het minh
Kỹ sư Lê Văn Hùng làm việc tại Nhà máy Đạm Cà Mau
Năm 2019, Hùng và các cộng sự đã nghiên cứu, áp dụng giải pháp “Lắp mới và thay thế 7 đĩa lỗ hiện hữu (sieve trays) của thiết bị tổng hợp Urea R06101 bằng đĩa SuperCups Trays”. Giải pháp đã tiết kiệm rất nhiều năng lượng, giá trị tiết kiệm năng lượng thuần đạt hơn 11 tỉ đồng/năm.

Với những thành tích xuất sắc trong lao động, nhiều năm liền kỹ sư Lê Văn Hùng được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Tổng giám đốc tặng Giấy khen. Năm 2019, Hùng được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Vừa qua, anh là một trong những thanh niên ưu tú được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI năm 2020.

Nhìn lại những kết quả đã đạt được, suy ngẫm về chặng đường đã đi qua, Hùng chia sẻ: “Cứ cống hiến hết mình, làm việc hết mình đi, tự khắc sẽ được ghi nhận. Với mình, trước hết luôn phải biết ơn, sống lăn xả, cống hiến và cho đi. Mình tin rồi sẽ nhận được những điều xứng đáng”.

Luôn biết ơn và yêu cuộc sống, cố gắng làm việc với tất cả trách nhiệm và nhiệt huyết, tin rằng những nỗ lực sống tốt đẹp đó sẽ còn mang lại cho kỹ sư Lê Văn Hùng nhiều hơn nữa những giá trị tích cực trong nghề nghiệp và cuộc sống.

Mai Phương

DMCA.com Protection Status